Tô Lâm và tham vọng tinh gọn bộ máy chính trị: Những thách thức đang chờ đợi

Ngày 15/12, RFA Tiếng Việt có bài bình luận: “Tham vọng tinh gọn bộ máy chính trị: Thách thức nào đang chờ Tô Lâm?”.

Theo đó, RFA cho hay, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan Đảng đang khẩn trương triển khai chiến dịch được ví như “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy chính trị, dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Tô Lâm. Tuy nhiên, mục tiêu hoàn tất cải tổ trước thềm Đại hội 14, là một thách thức không hề dễ dàng đối với ông.

Từ khi nhậm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm luôn yêu cầu phải cải tổ bộ máy Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo RFA, nguyên do thực hiện cuộc cải tổ này được ông Tô Lâm cho biết, trong bộ máy chính trị hiện tại còn tồn tại nhiều điều tiêu cực, như thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công kém hiệu quả, và bộ máy cồng kềnh khi 70% ngân sách chi trả lương và chi thường xuyên.

Ông Tô Lâm cho rằng bộ máy hiện tại không còn phù hợp với điều kiện mới, gây lãng phí, và cản trở sự phát triển của đất nước. Ông kêu gọi thực hiện Nghị quyết 18 (năm 2017), về việc “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

RFA cho biết, ông Tô Lâm đã có những động thái đầu tiên để thực hiện quyết tâm tinh gọn bộ máy chính trị. Tuy nhiên, những thách thức mà ông ấy phải đối mặt cũng không phải là nhỏ.

Đầu tiên là ông Tô Lâm sẽ vấp phải sự phản đối từ những cán bộ, đảng viên bị mất quyền lợi trong quá trình tinh giản bộ máy chính trị.

RFA dẫn lời Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, người nghiên cứu tình hình chính trị Việt Nam, cho rằng, hầu hết quan chức Việt Nam leo lên được các vị trí cao trong hệ thống chính trị bằng tiền và mối quan hệ, chứ không phải do năng lực chuyên môn. Vì vậy, nếu bị sa thải trong đợt tinh giản này thì họ sẽ chịu thiệt hại nặng nề:

“Những công ty của Chính phủ nếu tinh gọn thì họ sẽ đi đâu? Họ không ra tư nhân được thì họ sẽ chống đối rất mạnh”. 

Giáo sư Chữ đánh giá về bản chất, việc tinh gọn bộ máy chỉ là một cách tái sắp xếp nhân sự, không mang lại sự thay đổi thực chất hay sâu rộng nào:

“Tức là họ chỉ tái sắp xếp người thôi chứ không có tinh giản được cái gì hết. Bởi vì những người này họ sẽ đi đâu. Tất cả những cuộc cải cách hay là chống tham nhũng cũng chỉ là những chiêu bài mà thôi”. 

RFA cho biết thêm, thách thức thứ hai mà ông Tô Lâm phải đối mặt, đó là từ đây cho tới Đại hội 14, diễn ra vào tháng 1/2026, chỉ còn tròm trèm 1 năm nữa. Liệu ông Tô Lâm có thể hoàn thành tham vọng này kịp tiến độ?

RFA đặt vấn đề, tại sao việc tinh gọn bộ máy chính trị đã được nhắc đến từ lâu, nhưng đến thời Tổng Bí thư Tô Lâm mới đẩy mạnh thực hiện?

“Một mũi tên trúng hai đích” là nhận định của giáo sư Nguyễn Văn Chữ, nếu Tô Lâm thành công trong việc cải tổ bộ máy chính trị.

Bề ngoài, Tô Lâm muốn thể hiện cho người dân thấy ông thấu hiểu nỗi khổ “một cổ hai tròng”, vừa nuôi bộ máy hành chính vừa gánh cả bộ máy tổ chức Đảng. Đồng thời ông cũng muốn trấn an các nhà đầu tư nước ngoài, vốn e ngại trước một rừng thủ tục rườm rà của Việt Nam.

Mặt khác, giáo sư Chữ cho rằng, tái cấu trúc cũng là cơ hội để các phe phái chính trị tái bố trí nhân sự, theo hướng có lợi cho họ.

RFA cũng dẫn lời của ông Nguyễn Anh Tuấn, thạc sĩ Chính sách công, từ Canada, đồng tình với nhân định của ông Chữ, cho rằng, người lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đang tập trung củng cố quyền lực cá nhân. Có thể ông Tô Lâm dùng việc tinh gọn bộ máy để loại bỏ các phe đối lập trong Đảng. Ông Tuấn vẫn cho rằng Tô Lâm sẽ giải quyết được hết tất cả thách thức hiện có, để dọn đường ở lại nắm quyền lâu dài.

 

Ý Nhi – thoibao.de