Có thể nói, chính sách tinh giản bộ máy nhà nước của ông Tô Lâm đã nhận được không ít nhận xét tích cực, dù mới chỉ trong giai đoạn cổ động, chưa đi vào thực hiện chính thức. Đây là chính sách động chạm đến chén cơm không ít người trong bộ máy.
Thông thường, những chính sách do giới lãnh đạo Cộng sản thực hiện, đều có 2 mặt. Mặt nổi là chính sách đó phục vụ cho dân cho nước, được bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Đảng đẩy hết công suất để quảng bá. Chính sách tinh giản bộ máy của Tô Lâm cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, quan chức trong bộ máy chính quyền thì lại nhìn chính sách ở góc độ khác – đó là dã tâm và âm mưu của người đề ra chính sách đó. Nghĩa là, chính giới quan chức Cộng sản cũng không tin vào mục tiêu tốt đẹp mà lãnh đạo của họ đưa ra.
Trước đây, chính sách “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã thể hiện tính 2 mặt của nó. Mục đích bề nổi được quảng bá rầm rộ, là làm trong sạch bộ máy chính quyền. Nhưng thực chất, là thanh trừng nội bộ để gia cố quyền lực cho Tổng Bí thư. Thực tế đã chứng minh, bộ máy tham nhũng vẫn hoàn tham nhũng, nhưng ông Trọng đã ngồi ghế Tổng Bí thư đến hết đời. Ắt hẳn, chính sách của ông Tô Lâm cũng không ngoài quy luật trên.
Nhóm Nghệ An vẫn đang là nhóm lợi ích có lực lượng đông đảo nhất tại Trung ương Đảng, với 2 uỷ viên Bộ Chính trị và 11 uỷ viên Trung ương Đảng, kể cả uỷ viên dự khuyết. Nếu ông Tô Lâm lấy lý do tinh giảm để triệt bớt chân rết của nhóm này, thì Nghệ An sẽ thiệt hại không ít.
Hiện nay, không ai dám công khai chống lại ông Tô Lâm. Tuy nhiên, họ có thể nhân danh điều này hay điều khác, để hạn chế chính sách mà Tô Lâm tung ra. Đáng chú ý, chính sách này của ông Tô Lâm làm mất lòng hầu hết quan chức Cộng sản – những người không thuộc hệ sinh thái quyền lực của Tô Lâm đều không thích chính sách này.
Vừa qua, bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tung ra văn bản, gửi các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch các tỉnh, thành vv.. với nội dung “Cơ quan sau sắp xếp được bố trí cấp phó nhiều hơn quy định”.
Điều này có thể hiểu rằng, Tô Lâm muốn bóp gọn bộ máy, còn bà Trà lại sử dụng thủ thuật khéo léo, để giữ cho bộ máy có kích thước như cũ. Đây là một liều thuốc giải mà bà Trà dùng, để hóa giải thuốc đắng do ông Tô Lâm ép uống.
Liệu đây có phải là hành động “chống đối” của bà Bộ trưởng Bộ Nội vụ gốc Nghệ An hay không?
Có lẽ, một mình bà Trà sẽ không dám “ăn gan hùm” mà chống lại chính sách của Tô Lâm. Ắt hẳn bà có sự hậu thuẫn của một nhóm lợi ích, một thế lực to lớn nào đó, rất có thể là nhóm Nghệ An.
Bà Trà đang đồng thời giữ 2 chức vụ – Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Phó ban Tổ chức Trung ương. Với chức Bộ trưởng, bà được xem là thuộc hạ của Thủ tướng. Nhưng với chức Phó ban Tổ chức, bà lại thuộc Ban Bí thư, và là thuộc hạ của Tổng Bí thư. Hiện nay, trong Ban Bí thư vẫn còn đó những nhân vật Nghệ An rất khó bảo.
Với đường lối cai trị theo mô hình Công an trị ngay trong Đảng, Tô Lâm rất cần những trấn áp mạnh, nhằm răn đe để làm gương cho kẻ khác – những kẻ đang bất mãn với ông.
Đường lối mà bà Trà đưa ra sẽ được lòng đa số trong Đảng, đặc biệt là những người đang bị đe dọa mất ghế. Còn chính sách của Tô Lâm thì ngược lại, sẽ gây mất lòng rất nhiều người, bởi ông đang dẹp bỏ chén cơm của họ.
Bà Trà chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng, nếu ông Tô Lâm không xử lý được người phụ nữ này, e rằng, điều này sẽ trở thành tiền lệ không tốt cho ông về sau. Chính sách công an trị mà cấp dưới không nghe, thì có thể đe dọa được ai nữa?
Thoibao.de