Người Việt ở Đức có còn buôn bán trong tương lai?

Trong những năm 80, hàng nghìn người Việt Nam sang CHDC Đức trước đây theo diện công nhân theo hiệp định. Sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, nhiều người phải hồi hương, nhưng mãi tới năm 1997, cách đây đúng 20 năm, những người ở lại mới có quyền cư trú lâu dài. Người Việt trở thành người Thổ ở Đông Đức: Đó là những người buôn bán nhỏ, làm việc nặng nhọc. Nhưng giờ đây, một thế hệ mới đang lớn lên sẽ làm thay đổi tất cả.

Phan Phương Uyên, năm nay 16 tuổi, sống tại Chemnitz, cô thích nhạc Pop Mỹ, nhất là những bài hát mới trong bảng xếp hạng. Các bạn cô ở Chemnitz cũng vậy. Uyên kể: „Chúng tôi chẳng ai nghe nhạc Việt Nam hay xem chương trình truyền hình Việt Nam“. Uyên sinh ra ở đây, nói tiếng Đức sõi như người Đức, kể cả với các bạn người Việt cùng trang lứa, vì dễ nói chuyện hơn. Uyên vừa học xong lớp 10 ở trường Agricola-Gymnasium. Cô kể: „Cháu học giỏi toán“.

Uyên tới cửa hàng của cha mẹ ở trung tâm thành phố Chemnitz. Trên giá có áo, quần nhiều màu sắc, khăn rải bàn, dép và túi rẻ tiền. Trong cửa hàng có ba máy khâu để sửa quần áo, sau bàn thanh toán tiền có bàn thờ thần tài… Đây là một cửa hàng bán quần áo đặc trưng của người Việt ở thành phố nào thuộc bang Sachsen cũng có. Uyên thỉnh thoảng tới giúp cha mẹ.

Mẹ Uyên là chủ cửa hàng, trước đây bà làm việc trong một nhà máy bít tất ở vùng ngoại ô Einsiedel. Bà là một trong hàng ngàn người Việt Nam sang CHDC Đức. Ban đầu, Chính phủ CHDC Đức chỉ nhận những người bị truy bức chính trị có lựa chọn, ví dụ đến từ Chile. Nhưng trong những năm 80, ngành công nghiệp CHDC Đức lại cần công nhân nước ngoài. Thông qua chương trình ký kết với các nước bạn XHCN, nhiều người Cuba, Mosambik và trước hết là người Việt Nam đã sang Đức: Năm 1987 có hơn 20.000 người, năm 1988 có hơn 30.000 và cho tới mùa thu năm 1989 còn khoảng 8.700 người Việt nữa tới Đức.

Bà Karin Weiss, một nhà nghiên cứu về vấn đề di dân nhận xét:“ Nhiều người nước ngoài sang Đức bị coi là cạnh tranh về hàng hóa và nơi ở“. Chính phủ hầu như không nói với người dân về sự cần thiết phải đưa công nhân nước ngoài tới làm việc.

Bà Karin Weiss nghiên cứu về công nhân hiệp định ở CHDC Đức. Bà cho biết: Lực lượng lao động nước ngoài phải ở cách biệt, việc đến thăm người Việt ở các khu nhà ở là không được hoan nghênh. Phụ nữ bị cấm không được mang bầu, nếu có bầu phải nạo thai, nếu không thì bị đuổi về nước. Trong các xí nghiệp quốc doanh, người lao động nước ngoài thậm chí không có hợp đồng lao động riêng, mà phải làm ở những nơi mà xí nghiệp đang cần.

Tuy nhiên, theo bà Karin Weiss, đối với người Việt thì CHDC Đức là một miền đất hứa. Họ có nơi ở ấm áp, có thức ăn thường xuyên và có khả năng tiết kiệm tiền, để dành được nhiều hơn nhiều so với ở Việt Nam. Để có thể gửi nhiều tiền và hàng hóa cho gia đình ở quê hương, người Việt còn tìm kiếm các nguồn thu nhập thêm. Các khu nhà của người Việt đã trở thành nơi sản xuất quần áo theo đơn đặt hàng riêng. Bà Weiss kể: „Trong hồ sơ của Stasi (An ninh quốc gia CHDC Đức) có nhiều tài liệu ghi rất rõ có bao nhiêu quần bò được sản xuất ở đâu và được bán với giá bao nhiêu“.

Khi CHDC Đức không còn tồn tại, nhiều công nhân hiệp định đứng trước một quyết định khó khăn: Hoặc là họ nhận 3.000 DM tiền bồi thường và về nước hay là ở lại, trước mắt chỉ hết thời hạn lưu trú được giới hạn trong vài năm và không có quyền có nhà ở và nơi làm việc. Hầu hết đã quyết định hồi hương: Chỉ có 20.000 người trong tổng số 59.000 người Việt Nam là quyết định ở lại Đông Đức.

Bà Karin Weiss đã báo cáo kết quả nghiên cứu của mình trong Viện bảo tàng khảo cổ quốc gia ở Chemnitz. Tại đây vừa trưng bày triển lãm đặc biệt về „Kho báu khảo cổ Việt Nam“. Ông Phan Đắc Kế, cha của Uyên đã cùng vợ đi xem triển lãm và nghe bà Weiss trình bày công trình nghiên cứu. Ông nhận xét: „Bà ta nói đúng, chúng tôi đã trải nghiệm như vậy“.

Phan Đắc Kế là Chủ tịch Hội người Việt ở Chemnitz, năm nay 56 tuổi. Khi đó, ông là một trong những học sinh học xuất sắc ở Việt Nam nên năm 1979 được đưa sang CHDC Đức để học ở Trường Đại học Kiến trúc và Xây dựng ở Weimar. Trở thành kiến trúc sư, ông về nước nhưng năm 1989 đã trở lại CHDC Đức để làm phiên dịch và đội trưởng một đội lao động trong một xí nghiệp ở Frankenberg.

Ở đây, ông đã làm quen với người vợ Việt Nam và đứa con trai ra đời. Họ quyết định ở lại và ban đầu tiếp tục sống ở Chemnitz. Trong ba năm đầu những năm 90, Phan Đắc Kế vẫn còn có công việc phù hợp với nghề của mình trong Sở Xây dựng thành phố Hainichen. Nhưng sau đó, ông phải nghỉ để giúp đỡ vợ trong việc kinh doanh quần áo.

Bà Weiss cho biết: Người Việt Nam buộc phải hành nghề tự lập. Họ phải làm việc nhiều thời gian cho tới mức như tự bóc lột mình và không có bảo đảm về mặt phúc lợi xã hội. Ngay cả lương hưu trí cũng rất lâu không được thừa nhận. Họ chỉ còn khả năng kiếm ăn với việc kinh doanh quần áo, rau, hoa quả hoặc là các quán ăn nhanh.

Mãi tới năm 1997, những công nhân hiệp định trước đây mới có quyền lưu trú lâu dài. Cho tới khi đó, họ còn bị cấm hành nghề tự lập ở ngoài những bang mới. Cho tới bây giờ vẫn còn tồn tại một bức tường vô hình giữa người Việt ở Đông và Tây: Những người công nhân hiệp định ở bên này và những thuyền nhân, những người tị nạn chiến tranh Việt Nam ở bên kia. Phan Đắc Kế nhận xét: „Việt Nam là một nước XHCN. Những thuyền nhân không công nhận nên thỉnh thoảng họ còn làm lễ với quốc kỳ cũ“.

Năm 2015 có gần 8.000 người Việt sống ở Sachsen. Thêm vào đó có 17.000 người Đức gốc Việt. Nhiều người công nhân hiệp định trước đây vào quốc tịch Đức. Và con họ thì dĩ nhiện chọn hộ chiếu Đức.

Bà Etelka Kobuß theo dõi sự phát triển này với tư cách Đặc phái viên về nhập cư của thành phố Chemnitz. Bà cho biết, người dân Sachsen nhận thức về người Việt khác hẳn so với đầu những năm 90. Khi đó, bọn cực hữu tấn công một khu nhà của người Việt ở Hoyerswerda, trong dư luận thì lan truyền về những người Việt Nam là Mafia thuốc lá. Giờ đây, mọi người biết rằng người Việt Nam đã có nhiều đóng góp. Sự ghen tị, bác bỏ đã nhường chỗ cho việc công nhận những thành tích của người Việt.

Theo nhà nghiên cứu Weiss, hiện nay khoảng 85% người Việt có công ăn việc làm, 79% nam giới là hành nghề tự lập. Trên thực tế, tất cả những đứa trẻ Việt Nam được sinh ra tại Đức được vào học trường Gymnasium hoặc cố gắng để vào được trường này. Đây là nhóm người có thành công nhất trong việc hội nhập.

Bà Etelka Kobuß, Đặc phái viên về vấn đề nhập cư của Chemnitz cho biết, người Việt Nam nhập cư đề cao giá trị của gia đình và sự gắn kết chặt chẽ của cộng đồng. Bà nói: „Cha mẹ dành tất cả cho việc học tập của con cái“. Qua đó, họ cũng trông chờ sự giúp đỡ của con cái khi về già. Trong xã hội phương Tây, chúng ta thu xếp việc đó bằng luật pháp, nhưng đối với người Việt thì con cái giúp đỡ cha mẹ già là đương nhiên. Bà Etelka Kobuß tin rằng chẳng bao lâu nữa sẽ không còn nhiều người Việt buôn bán nhỏ nữa, bởi vì thế hệ thứ hai đã có những cơ hội hoàn toàn mới.

Trong gia đình ông Phan Đắc Kế thì người con trai lớn vừa học xong đại học kiến trúc ở Dresden. Khi hỏi Uyên về kế hoạch của cô sau khi học xong phổ thông, Uyên trả lời: „Cháu sẽ học đại học Kinh tế hoặc Truyền thông“. Uyên thấy thoải mái cả trong hai nền văn hóa Đức và Việt Nam. Uyên nhận xét: Trường học và ở nhà giống như hai thế giới trong một ngày. Về Việt Nam để đi nghỉ thì tuyệt vời, nhưng Uyên không muốn sống ở đó.

Đối với người cha thì điều đó cũng ổn thỏa. Ông nhận thức được đã có nhiều thay đổi và các con ông không còn cần phải kiếm sống trong những điều kiện khó khăn như thế hệ của ông. Một số khách hàng đã hỏi Phan Đắc Kế: „Thế sau này chúng tôi phải mua hàng ở đâu, nếu không còn cửa hàng của các ông nữa?“.

Văn Long – Thoibao.de (Theo báo Freie Presse)