Little Hanoi – Berlin đã trở thành quê hương của hàng chục nghìn người Việt ra sao?

Cộng đồng người Việt Nam ở Berlin có khoảng trên 40.000 người. Bằng lao động vất vả, họ đã tạo ra hạnh phúc cho mình và một quê hương mới, mà đôi lúc cũng giống như quê hương cũ.

Nguồn: https://www.stern.de/reise/deutschland/wie-zehntausende-vietnamesen-in-berlin-heimisch-wurden-7838760.html 

Vào ngày thứ bảy này, Hiếu Minh Jason kỷ niệm sinh nhật lần thứ nhất. Cháu mặc một bộ Complete màu đen và thắt nơ. Một thiên thần nhỏ với một tương lai lớn. Cha mẹ cháu đã thuê nhà hàng lớn nhất ở Đồng Xuân Center, mời hai ca sĩ Việt Nam và cho in thực đơn bữa tiệc với chữ cái viết tắt tên của Minh. Khoảng 120 khách mời ngồi bên những chiếc bàn được trải khăn màu xanh, trắng và xanh ngọc. Quà tặng chất đầy trên một chiếc bàn cạnh lối vào.

Những ai thành công một chút thì đều muốn thể hiện ở đây, ở Đồng Xuân Center – Little Hanoi ở Đông Berlin. Và cả những ai muốn thành công, thì cần một chiếc xe ô tô to, một biển số với những con số may mắn, một người vợ mặc váy sang trọng và từ tuổi 25 ít nhất có một đứa con để mang lại vinh dự cho gia đình. Một người như Minh, mới là một hài nhi, nhưng đã như một ông chủ.

Minh là tương lai. Cha mẹ đầu tư vào Minh. Một lúc nào đó, khi Minh lại tự mình kiếm được nhiều tiền, thì lúc đó cha mẹ em mới thực sự hạnh phúc, một điều mà trước đó họ không dám mơ vì bận bịu, nhiều việc quá.

Đã hơn 35 năm, kể từ khi người Việt Nam tới CHDC Đức với tư cách là sinh viên và công nhân theo hiệp định. Ai được phép học đại học, như được tới thiên đường: Đất nước anh em XHCN dành cho họ học bổng, một phòng trong ký túc xá sinh viên và có quyền cho bạn đến thăm. Ngược lại, đối với công nhân như là địa ngục: Trong các xí nghiệp, họ không mang tên, mà chỉ là một con số. Họ phải làm việc cật lực để hưởng lương theo năng suất lao động, sống cô lập trong các khu nhà tập thể và chỉ được nhận một phần lương, phần còn lại được chuyển cho Hà Nội. Nếu một nữ công nhân mang thai, họ bắt buộc phải nạo thai, nếu không bị đuổi về nước.

Khi bức tường Berlin bị đổ có khoảng 60.000 người Việt Nam sống tại CHDC Đức. Nhiều người ở lại miền Đông của thủ đô Berlin tái thống nhất, ở những quận Lichtenberg và Marzahn-Hellersdorf, nơi mà ban đầu họ tới. Hiện nay có khoảng 26.000 người có xuất xứ Việt Nam sống và làm việc ở Berlin. Thêm vào đó có nhiều người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp, Cơ quan hình sự bang ước tính số này vào khoảng 20.000 người nữa.

Nhà doanh nghiệp

Khi Nguyễn Văn Hiền bước vào nhà hàng trong Đồng Xuân Center, các vị khách dự tiệc sinh nhật ngước lên nhìn. Sự chú ý lan nhanh trong căn phòng như một làn sóng vô hình. Nơi thì người ta gật đầu chào lịch sự, nơi thì người ta bắt tay với điệu bộ cúi đầu, sau đó Nguyễn Văn Hiền ngồi vào bàn ở phòng bên. Cuối những năm 80 ông tới Berlin với tư cách là công nhân hiệp định. Năm 2003, ông thành lập Đồng Xuân Center. Giờ đây, ông ta như một dạng Thị trưởng của người Việt Nam ở Berlin. Mọi người đến với ông, nếu họ tìm việc làm hoặc muốn mở một cửa hàng.

Người ta nói rằng ông ta là người Việt giàu nhất ở Đức. Về việc này, ông ta chỉ nói: „Tôi hy vọng rằng tôi không phải giàu nhất. Nhưng dù sao tôi cũng là triệu phú“.

Sau khi nước Đức thống nhất, đội xây dựng của ông ở Potsdam bị giải thể, Nguyễn Văn Hiền đi bán quần áo ở các chợ phiên Đông Đức. Nhu cầu quần áo rẻ tiền từ vùng Viễn Đông rất lớn. Ông nói: „Tôi luôn luôn làm việc từ 4 giờ sáng tới 23 giờ và sau đó ngủ ngay trên đống quần áo. Tôi không có giường“.

Trong văn phòng của ông trên tầng 5 của căn nhà gạch ở Herzbergstrasse, Nguyễn Văn Hiền chỉ cho xem một bức ảnh ông đứng cạnh Thủ tướng Angela Merkel. Bức ảnh ra đời trong một cuộc gặp gỡ của bà Thủ tướng với các nhà doanh nghiệp Berlin trong tháng 9/2016. Ông tự hào về những gì ông đã gây dựng được. Ông nói: „Hạnh phúc là kinh doanh tốt và sống đàng hoàng“.

Năm 2012, ông thành lập ở ngoại ô Berlin một nhà máy thực phẩm, cung cấp vịt quay, đậu phụ và giá đỗ cho toàn châu Âu. Nguyễn Văn Hiền cho biết, ông đã đầu tư hơn 30 triệu Euro vào khuôn viên của xí nghiệp quốc doanh Than điện trước đây để xây dựng Đồng Xuân Center. Mới đây, một khách sạn mới của ông đã được khai trương. Và ông đã mua 70.000 mét vuông đất xây dựng ở Ahrensfelde, ngoại ô Berlin. Dự kiến 120 căn nhà riêng sẽ mọc lên ở đó. Ông kể: „Tôi khuyên mọi người nên mua nhà hoặc căn hộ. Và người Việt Nam mua như điên“. Người đàn ông 60 tuổi này kiểm soát được tất cả: Cơ thể dẻo dai, ánh mắt cảnh giác và bề ngoài thanh thản. Và thế giới bao quanh ông ta.

Khi bức tường Berlin sụp đổ, không chỉ có các xí nghiệp quốc doanh sụp đổ, mà đối với người Việt Nam cả thế giới sụp đổ. Họ mất đi việc làm, mất đi chỗ ở trong khu tập thể, giấy phép cư trú. Quy chế lưu trú chưa rõ ràng. Việc trục xuất đe dọa đã làm cho khoảng 34.000 công nhân quyết định nhận 3.000 Mark tiền đền bù để trở về Việt Nam. Những người còn lại chuẩn bị đương đầu với thời gian khó khăn.

Hàng nghìn người đã hành nghề tự lập với các Kiosk, cửa hàng ăn nhanh, tiệm Nails và cửa hàng thực phẩm, ở chính Lichtenberg, một khu vực cư dân có vấn đề toàn những nhà bê tông tấm lớn, những phần tử quốc xã mới và những nhân viên Stasi đã nghỉ hưu. Không phải tất cả đã tìm được một con đường hợp pháp để sinh sống. Ví dụ như những người công nhân hiệp định bị lịch sử bỏ lại đằng sau đã tụ tập để ở trong những khu nhà xuống cấp thuộc Rhinstrasse, bên góc của Đồng Xuân Center. Khoảng 1.500 người Việt đã sống trong những căn phòng chật chội ở đây, buôn bán rau và thức ăn ở lối đi, bán thuốc lá lậu ở các nhà ga và phải trả tiền bảo kê cho các băng đảng Việt Nam.

Viên thanh tra

Thanh tra hình sự cấp cao Frank-Uwe Lucask cho biết: „Riêng với việc buôn bán thuốc lá, năm 1994 người ta đã thu được khoảng 100 triệu Mark lợi nhuận“. Năm 1992, tên trùm băng đảng đầu tiên ở Berlin đã bị bắn chết, sau đó ba băng đảng đã chia nhau quyền bảo kê ở thành phố. „Từ 1992 tới 1995 chúng tôi đã đếm được 50 vụ giết người liên quan tới buôn lậu thuốc là. Một phần trong đó là việc hành quyết“.

Bọn Mafia thuốc lá đưa sát thủ tới những căn hộ cao tầng và thanh toán đối thủ bằng hai viên đạn bắn vào đầu. Khi đó, mọi người Việt Nam bị coi là tội phạm tiềm năng. Cơ quan hình sự Berlin đã thành lập „Đội đặc nhiệm điều tra Việt Nam“. Lucask đã xây dựng được lòng tin với nạn nhân của các băng đảng và đã cùng với đồng đội của mình và sự trợ giúp của người Việt đưa được một số sát thủ vào tù – „hầu hết là tù chung thân“. Trong số đó có cả Le Duy Bao (Lê Duy Bảo ?), trùm của băng đảng Ngọc Thiện khét tiếng.

Lucask đẩy một chiếc danh thiếp cũ trên bàn trong phòng họp của Phòng 41. Trên đó có chữ „Công an“. Bây giờ họ vẫn gọi ông là „Công an“, nếu ông ta trên đường ở Lichtenberg. Phòng 41 vẫn điều tra về các vấn đề tiền giả, tội phạm băng đảng và các nhóm hung thủ sắc tộc, nhưng đã từ lâu không còn tập trung vào người Việt Nam nữa.

Lucask cho biết, họ đã trở thành bạn ông. Ông ca ngợi thức ăn Việt Nam ngon, thành tích học tập tốt của con cái họ, ông cũng biết vài câu tiếng Việt. Ông quen biết với họ, đủ để hiểu nỗi sợ hãi và khao khát của họ. Quan hệ thông qua xung đột, điều đó thường xảy ra ở Berlin. Nhưng hiếm khi lại có kết cục tốt đẹp như vậy.

Ngoài việc buôn lậu thuốc lá, trong những năm 90 người Việt Nam thường biết đến là nạn nhân của bạo lực cánh hữu. Chẳng có ai nhận thức được sự chăm chỉ của họ và cuộc đấu tranh lặng lẽ để tồn tại. Nhưng khi một bọn du thủ du thực đốt ngôi nhà „Sonnenblumenhaus“ ở Rostock-Lichtenhagen vào tháng 8/1992, một ngôi nhà dành cho những người công nhân hiệp định trước đây thì hình ảnh những người Việt Nam sợ hãi được chiếu trong nhiều ngày ở phòng khách của nước Đức thống nhất. Một ban nhạc cực hữu đã sáng tác bài „Fidschi, Fidschi, gute Reise“ để cổ vũ cho hành động này và ước tính phát hành được hơn 100.000 đĩa, mặc dù bị cấm.

Người nghệ sĩ

Nguyễn Xuân Huy là một người sống sót. Không phải bọn quốc xã mới hay bọn du thủ du thực đốt nhà ông. Bản thân người họa sĩ này đã đặt dấu chấm hết suýt chết người này.

 

Nguyễn Xuân Huy giờ là nghệ sĩ tự do

Xuân Huy là người nước ngoài duy nhất đang học tại Trường Đại học Nghệ thuật ở Halle năm 1996. Ông cảm thấy cô đơn và xa lạ mỗi khi ông bước vào cổng trường. Một người Việt Nam mà lại muốn trở thành nghệ sĩ tự do? Điều đó chưa từng có. Ông nhớ lại: „Tôi đã có một cuộc khủng hoảng kéo dài và chẳng biết nên tiếp tục thế nào. Tôi đã hoàn toàn thất bại“.

Một ngày trong năm 2000, ông đổ dầu thông lên những bức tranh và châm lửa đốt. Một tiếng nổ lớn phát ra. Xuân Huy thoát chết trong gang tấc. Ông che giấu những vết sẹo dưới tay áo dài. Ông mỉm cười khi người ta hỏi ông về điều đó. Và nói khẽ: „Nó giống như một sự mất trí thoáng qua“. Cũng có lẽ khi đó ông ta không chỉ muốn hủy bỏ những bức tranh mà muốn hủy bỏ cả bản thân mình.

Hiện nay, ông ta là một người hạnh phúc. Xuân Huy đã tự giải thoát khỏi tất cả những gì được trông đợi ở ông vì xuất xứ của mình: Tiền tài, danh vọng, thành công. Giờ đây, khi nói về hạnh phúc, ông nghĩ tới tự do.

Trong xưởng vẽ nhỏ của mình ở Berlin Kreuzberg, ông ta vẽ những bức tranh lớn tới mức người ta phải tự hỏi, xem làm sao mà mang ra khỏi phòng được, những bức tranh siêu thực, khó hiểu. Xuân Huy cho biết: „Trong hội họa, tôi tìm kiếm những điều quan trọng đối với mình: Những điều không thể tả nổi ở phía sau“. Ông không còn cảm thấy mình kỳ lạ nữa, ở thành phố này có biết bao nhiều người đang tìm kiếm một thứ gì đó. „Không ở nơi nào tôi cảm thấy dễ chịu như ở Berlin“.

Từ một người thất bại đã trở thành một người tìm kiếm hạnh phúc, từ các Kiosk đã trở thành các siêu thị và từ những quầy hàng ăn nhanh đã trở thành những nhà hàng đông khách.

Chủ nhà hàng

Van Tuyen Pham (Phạm Văn Tuyên ?) mở cửa vào nhà hàng Umami ở Prenzlauerberg và bước vào sân khấu cuộc đời mình, được xây dựng bằng gỗ sẫm màu, được chiếu sáng bằng đèn lồng bằng giấy, sực mùi thơm của rau thơm, hoa và gia vị. Tất cả những thứ trong phòng này đều do anh phác thảo, tìm kiếm và phát hiện, chế tạo, nặn và cho nung lên cùng với người bạn là nhà tạo mẫu Dikju Bui.

Umami là một sự cảm nhận, như mùi vị thứ 5, hơn cả mặn, ngọt, chua và đắng. Như cuộc đời của Tuyên vậy.

Những lọn tóc đen nhánh phủ quanh khuôn mặt mềm mại, không đoán được tuổi, quanh cổ anh lủng lặng một thánh giá bằng bạc. Để đón khách, anh mang từ trong bếp ra nhiều loại trà, trong chiếc cốc bằng đá có hoa, lá và sả nổi trên mặt nước. Tuyên có hai nhà hàng, thuê 40 nhân viên và khách hàng đông tới mức phải xếp hàng chờ đợi. Cuộc sống của anh bây giờ không chỉ là một cuộc sống tốt đẹp hơn, mà là một cuộc sống mới. Anh coi đó là một món quà tặng. Khi cha đưa anh lên máy bay ở Việt Nam để sang Cộng hòa Séc, Tuyên mới 14 tuổi. Khi chia tay, cha chỉ cho anh hai lời khuyên: „Bây giờ con phải chạy tiếp và không được khóc. Ở nơi mà con sẽ sống sau này thì con phải chăm chỉ“.

Ngày 2/9/2002, cậu bé tới thị trấn Annaberg-Buchholz ở Erzgebirge. Trước đó đã năm lần cậu tìm cách vượt biên giới sang Đức thì bốn lần cậu bị cảnh sát bắt và trả lại. Giờ đây, cậu ta ngồi trong một trại trẻ và chẳng ai hiểu được tiếng cậu. „Ngày nào tôi cũng khóc“.

Chạy tiếp và không khóc, điều đó cậu đã hiểu. Và cậu cũng nghe lời cha, kể cả khi ở Đức. Tuyến bỏ trốn khỏi trại trẻ. „Tôi sống trên đường phố, chứ tôi đi đâu?“. Cứ đến Tết, cậu lại gọi điện cho cha và kể rằng đang liên hoan Tết ở Berlin. Trong khi cậu chẳng có lấy một bát mỳ.

Một lúc nào đó, cậu tìm thấy những người giúp đỡ mình, khi cậu ngủ ở nhà một tu sĩ dòng tên, khi thì ở một gia đình Thiên chúa giáo. Cậu cứ sống vậy, chống lại mọi quy định và luật pháp. Tuyến đứng dậy, chạy vào bếp và bưng ra súp và một món tráng miệng.

Từ những năm 70, người Việt xuất hiện ở thành phố Berlin. Những thuyền nhân từ miền Nam thì chạy trốn sang Tây Berlin, những công nhân hiệp định từ miền Bắc thì được đưa tới Đông Berlin và những số phận cá nhân của họ dần dần gần như nhau. Nhưng cho tới nay, trong đầu và trong tim họ vẫn còn sự khác biệt.

Người bán hoa

Cảm giác là một người xa lạ thường làm cho Hoa Bui Duc (Bùi Đức Hòa?) mất ngủ, mặc dù đã từ lâu anh đã có cảm giác mình là người Đức.

 

Bùi Đức Hòa giờ mang quốc tịch Đức, có nhà riêng và một cửa hàng hoa, nhưng ông vẫn lo ngại cho tương lai.

Cách đây 17 năm, cùng với vợ là Nguyễn Thị Minh Nguyệt anh đã mở một cửa hàng hoa ở Frankfurter Allee. Năm 2013 họ mua một ngôi nhà. Họ là nhà doanh nghiệp có nhà riêng và con cái,  như vậy là người đóng thuế, con trai họ được sinh ra ở đây: Hoàng, sinh viên trường TU và Long Bill, học sinh trung học Gymnasium, họ là các chàng trai Berlin, chúng hầu như không còn biết tiếng Việt. Tháng 6/2015, Bùi Đức Hòa và vợ nhận quốc tịch Đức. Như vậy, họ đã thực sự hòa nhập vào nước Đức. Nhưng người Đức nghĩ thế nào ? Họ thấy đây là những người có mắt nhỏ và coi đó là „Người nước ngoài“. Điều này làm anh Hòa bị dằn vặt.

Hôm đó là thứ ba, bốn giờ sáng, Bùi Đức Hòa lái chiếc xe tải VW màu đen đi lấy hoa. Vợ anh ở nhà lo cho con và từ 8 giờ sáng thì ở cửa hàng hoa. Chị ở đó cho tới 18 giờ. Chị đã học đại học kinh tế ở Hà Nội, Bùi Đức Hòa học Luật ở trường Đại học Humboldt tại Berlin. Họ không có thời gian để chờ đợi những công ăn việc làm tốt, họ phải kiếm tiền. Ban ngày Bùi Đức Hòa dạy tiếng Đức. Buổi tối, từ 18 tới 20 giờ thì anh ở cửa hàng hoa.

Hàng xóm của Hòa có khoảng 20 gia đình Việt Nam sống trong nhà riêng, tất cả đều đã tốt nghiệp đại học. „Chúng tôi gặp nhau và nói chuyện. Chúng tôi lo cho con cái. Chúng suy nghĩ như người Đức. Nhưng chúng lại trông như người nước ngoài. Và điều này khó được chấp nhận. Có khi chúng bị đối xử bất công“.

Ông Bùi Đức Hòa tiếp tục tìm kiếm hạnh phúc

Năm 2016, lần đầu tiên hai vợ chồng và con trai lớn đi bỏ phiếu. Họ bỏ phiếu cho SPD và tối hôm đó biết được rằng trong quận Marzahn-Hellersdorf của họ, AfD đã trở thành đảng mạnh nhất. Bùi Đức Hòa băn khoăn: „Chúng tôi cảm thấy bị họ từ chối. Vậy thì tương lai sẽ mang lại điều gì?“.

Ngày, tháng, năm trôi qua. Người bán hoa nay đã 51 tuổi. Ông tâm sự: „Hiện tại, tôi muốn sống tiếp như vậy. Tôi giống như tên của mình. Hòa là hài hòa. Tôi dễ hài lòng với những gì tôi có. Vợ tôi cũng vậy.“

Ông ta đã đạt được nhiều điều trong cuộc sống, bằng sức lực của mình và chống lại mọi trở ngại. Nhưng ông Bùi Đức Hòa vẫn tiếp tục phải tìm kiếm hạnh phúc. Việc ông ta chưa có được hạnh phúc, có lẽ cũng là do chúng ta những người Đức.

Văn Long – Thoibao.de (Theo tạp chí Stern)

——