Người Việt tại Đức tổ chức cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ

Các cháu thiếu nhi dâng hoa trước Lễ cầu siêu

Ngày 28/7/2019, Hội cựu chiến binh Việt Nam tại CHLB Đức đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ và Lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ, những người có công trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ, Tùy viên Quốc phòng Nguyễn Tuấn Minh, đại diện nhiều hội đoàn, doanh nghiệp của người Việt tại Đức và đông đảo hội viên trong năm hội thành viên của Hội cựu chiến binh Việt Nam tại CHLB Đức, cũng như nhiều bà con người Việt là thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ.
Sau lễ chào cờ, những người tham dự đã dành một phút mặc niệm trong tiếng nhạc ai oán của bài Hồn Tử sĩ để tưởng nhớ những người đã hy sinh xương máu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Quang Anh, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam tại CHLB Đức đã đọc diễn văn khai mạc, nhắc lại truyền thống „Uống nước nhớ nguồn“ trong việc tưởng nhớ công lao, đền ơn đáp nghĩa các anh hùng, liệt sĩ. Ông Quang Anh cho biết, mặc dù mới thành lập được một năm từ năm hội thành viên, nhưng Hội cựu chiến binh Việt Nam trên bình diện liên bang đã đi đúng hướng trong việc đoàn kết, liên kết để tổ chức những sự kiện lớn trên phạm vi toàn CHLB Đức như Lễ kỷ niệm và cầu siêu lần này.
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ phát biểu, ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động tình nghĩa của các hội cựu chiến binh Việt Nam tại Đức trong việc tri ân những anh hùng liệt sĩ, giúp đỡ các thương bệnh binh, đánh giá cao việc lần đầu tiên tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày TBLS trên toàn liên bang và bày tỏ hy vọng Hội cựu chiến binh Việt Nam tại CHLB Đức sẽ có vai trò tích cực trong việc phát triển cộng đồng Việt Nam tại Đức và hướng về quê hương, đất nước.
Nhân dịp này, năm nhà sư là các thượng tọa, đại đức, trụ trì các chùa ở Đức và Việt Nam đã chủ trì Lễ cầu siêu cho anh linh các anh hùng, liệt sĩ, cầu cho quốc thái, dân an.
Tại Lễ kỷ niệm, anh Trương Định đã xúc động kể lại hoàn cảnh của mình khi còn nhỏ, cả cha và mẹ bị địch bắn chết, sau này được công nhận là liệt sĩ, nhưng khi đó còn phải giả vờ nhận người khác làm cha mẹ để được yên thân. Xuất phát từ những nỗi đau của bản thân, anh kêu gọi hòa giải, đoàn kết dân tộc để xây dựng đất nước vững mạnh, ngăn cản chiến tranh.
Anh thương binh Nguyễn Huy Thắng đã kể lại một kỷ niệm đau thương khi chứng kiến một nữ y tá ra cứu các thương binh, chẳng may bị bom đạn giết chết, một mảnh đạn đã cắt lìa ngực chị. Khi chôn cất chị, vì là một người lính trẻ, chưa từng cầm tay phụ nữ, nên Huy Thắng ngại ngần không dám cầm vào phần ngực của chị rơi ra để đặt vào chỗ cũ. Sau này, khi tới thăm mộ, Huy Thắng đã vô cùng ân hận khi thấy trên mộ chị, cỏ đã phủ nhưng có một vạt trắng cỏ không mọc, anh cho rằng đó là phần ngực còn thiếu của chị. Anh đã xúc động viết một bài thơ về vấn đề này và được một nhạc sĩ phổ nhạc. Huy Thắng và một ca sĩ đã hát ca khúc nói trên làm cả hội trường xúc động.
Trong Lễ kỷ niệm, nhiều cựu chiến binh và ca sĩ trong cộng đồng đã lên trình diễn những bài ca không thể nào quên về một thời gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc.
Văn Long
Kasse animation 7.8.2023