An ninh trắng trợn truy bức người Việt tị nạn tại Thái Lan

An ninh Việt Nam sang tới Thái Lan để truy người Thượng

Ngày 15/3, RFA Tiếng Việt cho hay “An ninh Việt Nam sang tới Thái Lan để truy tìm người Thượng tị nạn”.

Theo đó, một số người Thượng ở khu vực quận Bang Len (tỉnh Nonthaburi) cách Bangkok khoảng 20 km, cho biết, vào sáng ngày 14/3, một toán công an Việt Nam được Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan dẫn đường vào nơi họ đang sinh sống.

Ban đầu, Cảnh sát Thái gõ cửa các phòng trọ để buộc họ ra tập trung trước sân rồi một nhóm công an Việt Nam mặc thường phục đến nói chuyện.

RFA dẫn lời một người tị nạn, cho biết, đoàn an ninh Việt Nam có tất cả 8 người, nhưng chỉ có hai người nói chuyện với người tị nạn, sáu người còn lại dùng điện thoại và camera để quay phim, chụp hình, và họ “hỏi chúng tôi rất nhiều điều”. Đặc biệt, trong đoàn có cả “ông Rah Lan Lâm- Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai”.

Họ thuyết phục chúng tôi về. Họ nói với chúng tôi là “ở đây làm gì, ở đây khổ, ở đây bất hợp pháp ở đây là không có gạo ăn, không có tiền xài. Thôi về đi, chúng tôi lo tiền xe, tiền ăn uống, tiền nhà. Tới Việt Nam chúng tôi lo hết tất tần tật”.”

Chúng tôi mà về Việt Nam lúc đó là chúng tôi sẽ chết, không bao giờ chúng tôi có đường sống. Phía Việt Nam chỉ muốn bỏ tù chúng tôi thôi.” Người tị nạn này kể.

RFA dẫn lời ông Nay Phớt, một người tị nạn khác, cho biết:

Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai Rahlan Lâm xuống khu Bang Len và Wat In, bảo anh em hãy về nước chính quyền sẽ khoan hồng cho và cho anh em đất đai, xe cộ hoặc những thứ gì người dân thiếu thì họ sẽ cho.”

“Họ đe doạ là nếu mà các anh không theo tôi về, sau này công an mà bắt các anh về chính quyền không tha thứ nữa.”

 

Theo RFA, cách đây 9 ngày, Bộ Công an Việt Nam ra thông báo, xếp 2 tổ chức Người Thượng vì Công lý và Nhóm Hỗ trợ người Thượng là tổ chức khủng bố, có liên hệ với vụ xả súng ngày 11/6/2023.

Ông Y Quynh Bdap, người đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, bị quy kết là có liên hệ với vụ tấn công vào trụ sở Uỷ ban Nhân dân và Công an 2 xã Ea Tieu và Ea Ktur ở huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) rạng sáng 11/6/2023, và sau đó bị kết án vắng mặt 10 năm tù giam về tội danh “khủng bố” trong phiên tòa tháng 1 vừa qua.

RFA dẫn lời ông Y Quynh nói: “Những người chưa có quy chế [tị nạn] có khả năng cao bị trục xuất về Việt Nam… có thể, họ sẽ tìm cách cùng với Chính phủ Thái để dẫn độ về.”

Ông biết thông tin an ninh Việt Nam sang Thái Lan từ trước, do vậy, ông cùng một số nhà hoạt động đã lánh đến một nơi an toàn trong mấy ngày qua.

RFA dẫn lời một quan chức an ninh Thái Lan giấu tên, nói rằng:

“Tôi tin rằng họ đang truy lùng các nghi phạm trong vụ tấn công ở Đắk Lắk.”

 

Vẫn theo RFA, trên trang web của tổ chức CAP – một tổ chức chuyên hỗ trợ cho người tị nạn, đăng thông tin khẩn cấp về việc Công an Việt Nam, với sự trợ giúp của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, đến khu trọ của người tị nạn ở Banglen và Bangyai (tỉnh Nonthaburi).

Tổ chức này cho biết, đã trình báo tới Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền và Văn phòng Cao uỷ về Người tị nạn ở Bangkok, về sự việc đang xảy ra.

RFA tiếp tục cho biết, việc cơ quan an ninh Việt Nam qua tận Thái Lan để truy tìm người tị nạn, xảy ra chỉ một ngày sau khi Báo Công an nhân dân online đưa tin Bộ trưởng Công an Tô Lâm làm việc với Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura, khi ông này đến chào trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

RFA cho biết thêm, Thái Lan là nước không ký kết Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tị nạn, hoặc Nghị định thư 1967 liên quan đến tình trạng tị nạn, tuy nhiên, có hàng nghìn người từ Việt Nam chạy qua xin tị nạn.

Họ là những nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ hay nạn nhân của đàn áp tôn giáo, đến từ các sắc tộc Kinh, Ê-đê, Hmong, Jrai, Khmer Krom…

 

Hoàng Anh – thoibao.de