Bắt người mẫu Ngọc Trinh, Tô Lâm muốn phát đi thông điệp gì?

Việc chính quyền Việt Nam với ý chí “bất bại”, liên tiếp đưa ra các quyết định nhằm dập tắt sự nổi tiếng của một số công dân, khi ảnh hưởng của họ đối với cộng đồng trên mạng xã hội vượt trội, và bỏ xa tên tuổi của tất cả lãnh đạo Việt Nam hiện nay.

Đó là lý do, sau khi bà Nguyễn Phương Hằng – doanh nhân, CEO của Tập đoàn Đại Nam – nhận bản án 3 năm tù, cộng đồng mạng đã chua chát “nói nhỏ” với nhau rằng, đừng bao giờ nổi tiếng hơn lãnh đạo Đảng. Điều đó càng đúng hơn với  trường hợp người mẫu Ngọc Trinh.

Người mẫu Ngọc Trinh vốn nổi tiếng với những scandal gây sốc, sự quan tâm của công chúng dành cho người mẫu Ngọc Trinh, vì cô là nguồn đề tài câu view của truyền thông giải trí. Cho nên, khó có thể tin rằng, Ngọc Trinh đã và đang làm điều gì đó gây nguy hiểm cho chế độ.

Việc khởi tố bắt giam Ngọc Trinh lại được cả “hệ thống chính trị” và bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đồng loạt vào cuộc, là điều hết sức bất thường. Những “tiếng nói” của Đảng và nhà nước, như Nhân Dân, Cổng Thông Tin Chính Phủ, tạp chí Cộng Sản Việt Nam online… đã đăng tin, với lượng bài bình luận không thua gì chuyện … “kit test xét nghiệm” của Công ty Việt Á trước đây ít lâu.

Công luận đưa ra những thắc mắc khó có thể lý giải, vì sao, chỉ với một hành vi điều khiển xe máy bằng những động tác gây nguy hiểm của Ngọc Trinh, lại được Đảng quan tâm bất thường như vậy?

Người ta còn đưa ra các hình ảnh để so sánh, như anh em nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, với động tác “chồng đầu”, nguy hiểm gấp vạn lần Ngọc Trinh. Và cả hình ảnh diễn hành của lực lượng Cảnh sát Giao thông, đồng loạt dang hai tay trong tư thế đứng điều khiển xe mô tô trên công lộ.

Tội danh cáo buộc cho Ngọc Trinh gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới luật sư. Đa số đều chung một nhận định, khi cho rằng, các “sai phạm” đó không đáng để kết tội, khởi tố, và càng không đúng tội.

Cơ quan công an dựa vào đâu để khởi tố Ngọc Trinh, với tội danh quy định tại Điều 318 của Bộ Luật Hình sự năm 2015? Trong khi chưa có quy định cụ thể về tội danh gây rối trật tự công cộng trên “không gian mạng” và hoàn toàn chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn.

Song, sức ảnh hưởng của Ngọc Trinh quá kinh khủng, với lượng fans lên đến hơn 6,8 triệu người. Điều này tương tự như bà Nguyễn Phương Hằng trước khi bị bắt, bà cũng có một lượng fans cực khủng. Lý do bắt bà Hằng là: Mỗi buổi livestream có số người theo dõi lên đến cả triệu người. Sự nổi tiếng chính là lý do khiến “tai bay, vạ gió” đã ập lên đầu của họ.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đưa ra lý do giải thích hợp lý, đó là: “… bộ máy an ninh đã được cấp đủ động lực và quyền lực để tiến hành những vụ bắt giữ như vậy, nhân danh bảo vệ những nề nếp của xã hội, cũng có nghĩa là để bảo vệ chế độ… với lý do thiếu thuyết phục về mặt pháp lý, lại mang một hàm ý chính trị sâu sắc. Nó còn thể hiện sự bất an của đảng trong một môi trường quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.”.

“Trong một xã hội mà các lãnh đạo chính trị thường bị công chúng phớt lờ vì sự đơn điệu buồn chán của họ, những người có sức ảnh hưởng với công chúng, mỗi lần livestream có cả triệu người theo dõi, có thể đã bị diễn giải thành mối đe dọa trước mắt hoặc tiềm ẩn đối với chế độ, qua nhãn quan cảnh giác cách mạng của công an.”

Có nghĩa là, lực lượng “thanh kiếm và lá chắn” của Tô Lâm muốn chuyển tới công chúng một thông điệp quan trọng là: Phải hiểu cho rõ, ai mới là người quyền lực nhất ở đất nước này. Những người nổi tiếng được hàng triệu người theo dõi. Điều đó sẽ đe dọa tới sự độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền của họ.

Đảng sẽ tiêu diệt mọi mầm mống có nguy cơ nổi bật hơn Đảng, nguy cơ lấn át mọi hoạt động của Đảng, của bất kỳ công dân hay tổ chức là chiến lược bảo vệ chế độ độc tài toàn trị ở Việt nam hiện nay./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023