Quyền lực báo chí Việt, nâng được Vinfast lên mây và “đè bẹp” được xe Đức!

Nhiều năm liền, nước Đức được xếp đầu thế giới về chỉ số thương hiệu quốc gia. Năm 2023 là năm đầu tiên Nhật Bản vượt lên đứng nhất. Sự khác biệt giữa những quốc gia đứng đầu không nhiều. Hàng hóa Đức đều là thương hiệu lớn của thế giới, nó đảm bảo rằng, những sản phẩm do các nhà sản xuất của Đức làm ra là hàng chất lượng cao. Trong đó, ngành ô tô là một phần làm nên thương hiệu quốc gia của đất nước này.

Nói về sự nổi tiếng của ô tô Đức thì không phải bàn cãi. Ở đâu, nó cũng là biểu tượng của chất lượng. Ở Việt Nam, ai sở hữu được ô tô Đức thì được xem là người ở đẳng cấp đáng mơ ước trong xã hội.

Trước đây, những hãng xe Nhật Bản thường sản xuất ô tô ở phân khúc thấp hơn xe Đức, như Toyota, Honda, Nissan vv… Tuy nhiên, các hãng xe Nhật vẫn lấy đẳng cấp của xe Đức làm tiêu chuẩn phấn đấu, và vì thế, Nhật Bản đã cho ra đời những Lexus, Acura và Infiniti, để cạnh tranh với xe Đức. Đấy là cả một quá trình xây dựng chiến lược lâu dài với những bước đi vững chắc, chứ không phải ngày một ngày hai.

Ngày nay, ai cũng biết, Lexus là đứa con của Toyota, ra đời để cạnh tranh với xe Đức, hay Acura là đứa con của Honda, và Infiniti là đứa con của Nissan. Mỗi thương hiệu xe sang của Nhật có chiến lược khác nhau, nhưng tựu chung, đều thành công và trở thành đối thủ ngang tài ngang sức với xe Đức. Những hãng xe Nhật khai sinh ra những thương hiệu xe sang, không bằng ngòi bút của những tờ báo nô bộc cho VinFast, như ở Việt Nam, mà bằng chất lượng tuyệt hảo, chiến lược bài bản, rất có tầm nhìn của các nhà sản xuất ô tô nước này.

Ngày 28/12/2023, báo Tuổi Trẻ có bài viết “Xe Đức cũng chào thua VinFast VF8 về hiệu quả tầm hoạt động”.

Không hiểu, Vinfast VF8 của ông Phạm Nhật Vượng hơn xe Đức về tầm hoạt động chỗ nào, khi mà kết quả chạy thử nghiệm cho 1 lần sạc đầy là 307km, so với 338km như nhà sản xuất thông báo. Thực tế giá trị ghi nhận khi test, thấp hơn giá trị thông báo 10%. Trong khi đó, chiếc Mercedes-Benz EQE 350 SUV của Đức, test được 407km so với 418km như nhà sản xuất thông báo, thấp hơn thông số thông báo của nhà sản xuất 3%.

Như vậy, chiếc Mercedes điện test lần này hơn VinFast VF8 của ông Vượng, cả tầm hoạt động lẫn hiệu suất. Ấy là chưa nói đến độ tin cậy, độ bền, thì xe Đức là một quả núi khó có thương hiệu nào vượt qua.

Ngày 2/1 vừa qua, Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam có bài viết “Người Mỹ nóng lòng chờ đợi xe VinFast VF3, giá dự kiến dưới 300 triệu đồng”. Xe hạng A với kích thước nhỏ gọn, có giá khoảng trên 10.000 USD, không phải là xe rẻ ở Mỹ. Đó là giá trung bình cho loại xe này. Có nhận xét cho rằng, “người Mỹ không thích dùng xe hạng A. Người Mỹ thích dùng xe cơ bắp, to lớn, chứ không chuộng xe hạng A nhỏ gọn như các nước khác”.

Không rõ, bài viết của tờ Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam không nắm được thị hiếu của người Mỹ nên viết bừa, hay cố ý để tung hô? Phải nói rằng, người viết bài này rất cẩu thả khi tìm hiểu thông tin.

VinGroup sinh ra và lớn lên trong cái nôi Cộng sản. Hiện nay, họ dùng cách y hệt Cộng sản, đó là cho báo chí nô bộc thổi lên mây. Nhưng dù có được báo chí đưa lên mây để “đè bẹp” xe Đức lừng danh thế giới, thì VinFast vẫn là VinFast, không thể là đối thủ của những hãng ô tô lâu đời của Đức được. Muốn lớn mạnh là phải làm, phải có chiến lược đúng, và có tầm nhìn xa, như các nhà sản xuất ô tô Nhật.

Điều đáng nói là, những hãng sản xuất ô tô Nhật thành công với thương hiệu dành cho thị phần ô tô hạng sang ấy, chưa bao giờ tự nâng mình lên và hạ đối thủ xuống bùn, bằng báo chí. Họ rất tôn trọng đối thủ. Để cạnh tranh, họ không ngừng học hỏi chính đối thủ của mình, có thế, nước Nhật mới có được thương hiệu quốc gia cạnh tranh ngang ngửa với Đức.

Ý Nhi – Thoibao.de

5.1.2024

Kasse animation 7.8.2023