Việt nam: 17 triệu dân “khốn cùng” – Bộ Chính trị chỉ lo ra nghị quyết

Nước ngọt… mặn như nước mắt: Người dân miền sông nước Tây Nam Bộ phải đi xa mua nước ngọt với mức giá hoảng hồn, có nơi đến 150.000-200.000 đồng/m3, mức giá cao gấp hàng chục lần so với giá nước sinh hoạt ở đô thị. Tháng 3 hạn mặn tại Nam Bộ đạt đỉnh, miền Tây thiếu nước ngọt trầm trọng.

Đó là chuyện đang xảy ra ở một vùng sông nước mênh mông bao đời nay: Đồng bằng sông Cửu Long. Bạn đang ở thành thị, nước máy xả ào ào, đã bao giờ bạn trải qua tình cảnh “quý từng ca nước“? Và liệu bạn sẽ “vô can” hay không?

Tuần rồi, chính quyền tỉnh Cà Mau kêu gọi các chuyên gia giúp tìm đường thoát: Thiếu nước tưới, nông dân phải bỏ hoang 18.000 héc ta đất trồng lúa. 42.000 héc ta rừng đang khô héo.
Số điểm sụt, lún đã vượt quá mức 1.000 trong đó có nhiều tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã,… tổng chiều dài các đoạn đường có bề mặt đột nhiên sụt, lún là 21,6 cây số. Không chỉ có đường, nhiều đoạn kênh, rạch, đê ngăn nước mặn cũng bị sụt, lún, biến dạng.
Ngoài ra, hiện có 20.500 gia đình thiếu nước ăn uống, tắm giặt… Đặc biệt đáng ngại khi thiệt hại chưa ngừng ở đó mà sẽ tăng nhanh và cao hơn khi hạn hán càng ngày càng nghiêm trọng !
Tình trạng vừa kể không chỉ xảy ra ở Cà Mau mà là thực trạng chung của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Gần đây, cứ tới mùa khô, mực nước của hệ thống sông, rạch ở ĐBSCL tụt xuống, nước mặn từ biển lại tràn vào thế chỗ nhưng năm nay, phạm vi xâm nhập của nước mặn vào khu vực ĐBCSL đã vượt qua mức 100 cây số!
Tổng cục Thủy lợi của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Nghiệp loan báo, mùa khô năm nay, nước mặn xâm nhập ĐBSCL xảy ra sớm hơn, sâu hơn, hậu quả nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016 (vốn được cho là chưa từng có).

Người dân miền Tây Nam Bộ phải đi xa mua nước ngọt với mức giá đến 150.000-200.000 đồng/m3, cao gấp hàng chục lần so với giá nước sinh hoạt ở đô thị

Thậm chí mọi thứ có thể sẽ tồi tệ hơn nữa do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu và thượng lưu sông Mekong bị chặn để khai thác thủy điện! Nhìn một cách tổng quát, tương lai của ĐBSCL – nơi cư trú của khoảng 17 triệu người – càng ngày càng ảm đạm.

Khu vực có diện tích khoảng 40.500 cây số vuông từng nổi tiếng vì sự phong phú của đủ loại sản vật tự nhiên, từng là vựa lúa cung cấp tới 90% lượng gạo xuất cảng, 60% lượng thủy sản xuất cảng, giữa thập niên 2010 còn đạt tốc độ tăng trưởng 7,8%, vượt xa tốc độ tăng trưởng chung của Việt Nam (6,8%) đang tuột từ từ xuống đáy vì cơ hội sinh tồn, phát triển giảm dần.
Bởi càng ngày càng khó sống, càng ngày càng nhiều cư dân ĐBSCL bỏ xứ tha hương. Từ giữa thập niên 2010, tỉ lệ tăng dân số cơ học (mức chênh lệch giữa xuất cư và nhập cư) của ĐBSCL luôn luôn là số âm.
Một số chuyên gia ước đoán, trong mười năm từ 2008 đến 2018, có khoảng 1,7 triệu cư dân ĐBSCL ly hương.
Nói cách khác, môi trường sống biến đổi theo hướng khắc nghiệt hơn, cơ hội thoát khỏi nghèo đói càng ngày càng nhỏ hơn là lý do chính khiến mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 24.000 dân và con số này càng ngày càng tăng.
Đáng ngạc nhiên là tác động của biến đổi khí hậu, của việc khai thác thượng nguồn sông Mekong làm thủy điện đến tương lai của ĐBSCL đã được cảnh báo từ đầu thập niên 2010 và được minh họa rõ ràng hơn qua đợt hạn hán chưa từng thấy vào mùa khô 2015 – 2016 ở ĐBSCL nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ ban hành… nghị quyết!

Hình ảnh ở Gò Công – nơi trước đây là một dòng sông thì nay nước trơ cạn đáy

Bây giờ Trung Quốc xả đập, nếu nước tới được Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải mất 3 tuần sau, lúc đó lúa đang thiếu nước ở đây cũng chết hết rồi“, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) nhận định.

Tại một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng ngoại giao Mekong – Lan Thương lần thứ 5 mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo về việc xả đập thủy điện như nêu trên để giúp các nước lưu vực sông Mekong đối phó khô hạn đang diễn ra khốc liệt. “Trung Quốc đã vượt qua khó khăn của mình và tăng dòng chảy của sông Lan Thương (đoạn sông Mekong tại Trung Quốc) để giúp các nước thuộc lưu vực sông Mekong đối phó với khô hạn. Chúng tôi cũng đồng ý nâng cao hợp tác trong khuôn khổ LMC nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn nước hợp lý và bền vững“, ông Vương nói.
Liên quan thông tin Trung Quốc tuyên bố xả đập thủy điện trên sông Mekong, PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ), cho rằng nước xả từ đập này sẽ không tới được Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Tuấn, năm 2016 Trung Quốc từng xả đập với lưu lượng 2.100m3/giây nước còn không tới được Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi lần này mới ở mức 850m3/giây thì sẽ không tới được, chưa nói tới việc các nước thượng nguồn khác như Thái Lan, Lào… cũng lấy nước.
Vấn đề là mùa khô đã đi gần hết mùa. Xả đầu mùa thì khác. Đó là chưa nói tới bây giờ Trung Quốc xả đập, nếu nước tới được Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải mất 3 tuần sau, lúc đó thì lúa đang thiếu nước ở đây cũng chết hết rồi“, ông Tuấn nhận định.

Hình ảnh các con đập thủy điện chi chít dọc sông Mê kong, hầu hết do Trung quốc xây dựng

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết mưa ít là lý do chính gây khô hạn và Trung Quốc cũng đang chịu thiệt hại từ điều này.

Trung Quốc cũng cho biết sẽ cân nhắc việc chia sẻ thông tin thủy văn để hỗ trợ thêm trong tương lai.
Một báo cáo mới do Fitch Solutions Macro Research thực hiện đã dự đoán việc xây đập thủy điện trên sông Mekong sẽ làm thay đổi các hoạt động kinh tế của 5 quốc gia thuộc lưu vực sông và cho rằng việc xây đập sẽ gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động khai thác thủy sản và trồng trọt, buộc các quốc gia phải nhập khẩu lương thực.
Trung Quốc đã hoàn tất 11 con đập dòng chính trên sông Lancang-Mekong thượng nguồn.
Lào đã hoàn tất 2 con đập dòng chính Xayaburi và Don Sahong.
Dự án Luang Prabang 1.410 MW lớn nhất dự kiến khởi công sớm vào tháng 4/2020 sẽ là con đập thứ 3 trong chuỗi 9 con đập dòng chính của Lào và điều rất nghịch lý là do PetroVietnam Power Co. làm chủ đầu tư và con đập Luang Prabang sau khi hoàn thành sẽ tiếp tục đẩy tình trạng của ĐBSCL vào tình thế tuyệt vọng hơn.
Tình hình khô hạn trong nhiều năm trở lại đây đang tàn phá ngành nông nghiệp của Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Giới quan sát cho rằng 11 con đập của Trung Quốc tại thượng nguồn sông Mekong cũng như biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính giết chết hệ sinh thái của đồng bằng sông Cửu long.

Một cánh đồng lúa ở huyện Long Phú, Sóc Trăng bị chết do thiếu nước – Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện đã có khoảng 29.700ha lúa bị thiệt hại do hạn mặn.

Nghị quyết 120/NQ-CP được công bố hồi cuối năm 2017 nhằm giúp ĐBSCL “phát triển bền vững”, giúp khu vực này “thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu…” – chỉ là một họa phẩm trên giấy. ĐBSCL tiếp tục được sử dụng như một thứ công cụ để cho hệ thống công quyền có thể đạt các chỉ tiêu tăng trưởng do hệ thống chính trị đề ra.

Vì chỉ khai thác và đầu tư theo kiểu nhỏ giọt, ĐBSCL trở thành khu vực thiếu thốn đủ thứ, từ hạ tầng giao thông đến cơ hội giáo dục, chăm sóc y tế…
Mức thu nhập trung bình tính theo đầu người/năm ở ĐBSCL chỉ dao động trong khoảng từ 80% đến 85% so với mức thu nhập trung bình tính theo đầu người/năm của Việt Nam.
Theo một thống kê được công bố hồi cuối năm 2017, trong năm năm từ 2010 đến 2015, Việt Nam đã chi 850 tỉ để thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”.
Đến cuối năm 2015, Quốc hội Việt Nam “nhất trí”, từ 2016 đến 2020 sẽ chi thêm 193 ngàn tỉ đồng nữa để… tiếp tục thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”!
Chương trình “xây dựng nông thôn mới” đã dựng lên vô số cổng chào, bưu điện trung tâm, chợ,… ở vài ngàn xã. Dù chính quyền của 53/63 tỉnh, thành phố thi nhau kêu gọi đầu tư, xây dựng đủ thứ hạng mục “vô nghĩa” theo “tiêu chuẩn nông thôn mới”, cuối 2017 vẫn còn 15.277 tỉ đồng chưa thể thanh toán nhưng tiền giúp ĐBSCL “phát triển bền vững” thì không!
ĐBSCL có thể “thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu” khi bề mặt sụt, lún, nước biển dâng, hạn hán… nhưng không thể chủ động khi thượng nguồn Mekong bị các công trình thủy điện chặn nguồn nước chảy xuống hạ lưu

Đây là bản đồ ngập mặn ở ĐBSCL – Giữa tháng 2, nước biển xâm nhập vào các con sông lớn ở miền Tây 50-90 km, sâu hơn năm 2016 từ 2 đến 11 km

Từ những trường hợp như Hà Lan, Israel,… các chuyên gia khẳng định là cần nghiên cứu kỹ để xác định giải pháp phù hợp. Chẳng hạn muốn hóa giải tác hại của sụt, lún bề mặt thì phải cấp đủ nước, ngưng khai thác nước ngầm, thay đổi cả tư duy lẫn cách thức qui hoạch trong nhiều lĩnh vực…

Vấn đề nan giải nhất không nằm ở những biến đổi trong tự nhiên mà nằm trong đầu từng thành viên… Bộ Chính trị, thành viên chính phủ, chính quyền các địa phương.
Làm sao có thể giúp ĐBSCL “thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu” khi tất cả mọi thứ vẫn chỉ phụ thuộc vào những cá nhân có thẩm quyền lựa chọn – phê duyệt giải pháp nhưng chỉ biết “kinh tế chính trị Mác – Lenin”, thạo “Xây dựng đảng” và thuộc “Lịch sử đảng”?…
Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Bùi Trinh – một chuyên gia kinh tế – vừa mới cảnh báo: “Đồng bằng sông Cửu Long ốm thì cả nước cũng yếu” kèm theo khá nhiều dẫn chứng.
Giữa lúc ĐBSCL đang trải qua giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” nhưng dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ bận tâm đến chuyện làm sao để COVID-19 không ảnh hưởng đến khả năng đạt “chỉ tiêu tăng trưởng” đã được đề ra cho năm nay. Ông Trinh lưu ý, môi trường ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nếu chỉ lao vào tăng trưởng GDP sẽ có những hậu quả nghiêm trọng về môi trường từ đó ảnh hưởng ngược lại đến niềm say mê GDP.
Bấy lâu nay, những phân tích, cảnh báo của ông Bùi Trinh không phải là ít và dù hết sức rõ

Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp tại Ba Tri, Bến Tre với tổng vốn đầu tư 85 tỷ đồng sau 6 tháng đưa vào sử dụng cũng bị nhiễm mặn

Việt Nam với người đứng đầu Đảng và Nhà nước là ông Nguyễn Phú Trọng đã rất già nua và lạc hậu, cộng thêm chuyên nghành ông được học càng tệ hơn với môn xây dựng đảng từ trước khi Liên Xô sụp đổ. Chính điều đó đã gây hậu quả nặng nề thêm cho người dân Việt Nam vì Đảng chỉ chăm lo cho bộ máy đàn áp chuyên chính của mình mà quên đi hàng triệu người dân Việt Nam đang ngày đêm sống trong lầm than, đối diện thiên tai, dịch bệnh.
Thứ Đảng ngoại lai đang tồn tại tại ở Hà Nội, giờ chỉ có thể “thay” và không còn “sửa” được nữa.

Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (Tổng hợp)