Trịnh Xuân Thanh có được trao trả về Đức hay không?

Trịnh Xuân Thanh uống bia Berlin và đọc sách ” Khai sáng Kỷ nguyên thứ hai ” tại Đức, ngay trước khi bị bắt cóc hôm 23.7.2017.
Bộ trưởng ngoại giao Đức Sigmar Gabriel tuyên bố: „Chúng tôi không thể dung thứ và sẽ không dung thứ.“

Nói tóm lại, người ta có thể trông chờ vào việc Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức chậm nhất vào đầu năm tới, qua đó, khủng hoảng quan hệ Việt-Đức sẽ được giải quyết vào đầu năm 2019, và Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam sẽ được thông qua. Nhưng cho đến hôm nay, thực tế vẫn chưa cho thấy Việt Nam có những động thái nào chuẩn bị cho bước tiến trên.

Mặc cho những lời tự tô vẽ của chính quyền Việt Nam về “những thành tựu tốt đẹp trên lĩnh vực ngoại giao”, điều hiển nhiên là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khối EU, đặc biệt là với Đức. Những biến động gần đây tại Slovakia và việc cảnh sát Pháp trao cho cơ quan điều tra Đức những dữ kiện theo dõi điện thoại của những kẻ bắt cóc cho thấy vụ bê bối đã không dừng lại ở Đức mà đang lan tỏa rộng với những hậu quả khôn lường đối với nhà cầm quyền Hà Nội.

Những động tác như trục xuất hay hoãn bổ nhiệm quan chức ngoại giao, đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược,…có thể chỉ mang tính tượng trưng nhưng việc trì hoãn, thậm chí có thể huỷ bỏ dự án Tự do Thương mại giữa EU và Việt Nam sẽ đánh thẳng vào túi tiền của Hà Nội và có khả năng làm lung lay những chiếc ghế quyền lực tại Ba Đình. Hơn lúc nào hết, đã đến lúc Hà Nội bắt buộc phải dừng chiến thuật chây lì, “để lâu phân trâu hoá bùn” và chuyển sang những bước đi cụ thể để thoát hiểm.  Mặt khác, họ cũng còn rất ít thời gian khi mà vào đầu năm tới, các nước trong khối EU sẽ nhóm họp tại Brüssel để bỏ phiếu thuận hay chống đối với Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và Việt Nam.

Bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) – Tương đương với Bộ trưởng Thương mại của cả khối EU

Ai cũng thấy là trong việc xét duyệt Hiệp định này, nước Đức có vai trò quyết định. Tuy không có những tuyên bố chính thức từ phía chính quyền, nhưng giới thạo tin đều đoán định được rằng, khi Hà Nội đáp ứng hầu như đầy đủ các yêu cầu của Berlin sau vụ bắt cóc thì Đức sẽ mở toang cánh cửa cho Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam.

Theo những yêu sách của Berlin, việc không tuyên án tử hình đối với Trịnh Xuân Thanh đã được đáp ứng, chuyện xử tòa theo nguyên tắc pháp quyền coi như đã được cho qua, việc xin lỗi có thể ở nhiều dạng thức khác nhau, lời cam đoan “không tái phạm” là điều quá dễ mặc dù giữa cam đoan và thực hiện không phải bao giờ cũng là một, nhất là khi nó xuất phát từ một nhà nước chuyên chế. Hai vấn đề còn vướng mắc là “trừng trị những kẻ gây tội” và “trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức để phục hồi nguyên trạng“.

Chính quyền Việt Nam đã có quá nhiều kinh nghiệm trong việc trình diễn “trừng phạt thủ phạm gây ra tội ác“. Ngay trong những ngày trứng nước của thể chế hiện hành, Trường Chinh, Tổng bí thư Đảng lao động, thực chất là Đảng cộng sản Việt Nam hồi đó đã bị sử dụng là dê tế thần cho những sai phạm chết người của ông Hồ và toàn bộ ban lãnh đạo cộng sản trong vụ cải cách ruộng đất, việc đổ tội và đưa những kẻ bắt cóc đã quá rõ tội danh như tướng Đường Minh Hưng hoặc ngay cả Bộ trưởng công an Tô Lâm ra làm quân tốt thí chỉ còn là việc nhỏ. Động tác quyết định còn lại là việc trả Trịnh Xuân Thanh về Đức.

Trong một phát biểu vào ngày 30.06 mới đây tại Berlin, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam Nguyễn Hữu Tráng đã hé lộ về một thỏa thuận giữa chính phủ Đức và chính phủ Việt Nam để giải quyết hậu quả của việc bắt cóc. Cũng trong phát biểu đó, ông Tráng cho biết, ông tin rằng vào cuối năm nay, quan hệ Việt-Đức sẽ trở lại tốt đẹp. Hy vọng vào việc vượt qua những rào cản cuối cùng trong việc việc ký kết Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam sẽ được thực hiện trong cuối năm 2018 cũng được bà Malmström, Cao uỷ thương mại của EU tuyên bố vào đầu năm nay.

Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ), nhật báo đứng đầu nước Đức, đưa tin rằng, theo nhiều nguồn tin mà tờ báo này nhận được, Hà Nội đã có những nhượng bộ sâu rộng, một trong số đó là Trịnh Xuân Thanh và con trai có lẽ sẽ được xuất cảnh sang Đức vào đầu năm 2019. Tờ FAZ còn cho biết lộ trình cụ thể: Nếu phiên tòa tại Berlin xét xử Nguyễn Hải Long kết thúc vào mùa thu năm nay và sau một thời gian lắng đọng, thì Trịnh Xuân Thanh cùng với con trai sẽ được cho xuất cảnh sang Đức vào đầu năm tới 2019, đúng vào thời điểm theo như dự định Hiệp định Thương mại sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Nói tóm lại, người ta có thể trông chờ vào việc Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức chậm nhất vào đầu năm tới, qua đó, khủng hoảng quan hệ Việt-Đức sẽ được giải quyết vào đầu năm 2019, và Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam sẽ được thông qua.

Bị cáo Nguyễn Hải Long ngồi trong phòng kính chống đạn tại Tòa thượng thẩm Berlin trong đại án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Nhưng cho đến hôm nay, thực tế vẫn chưa cho thấy Việt Nam có những động thái nào chuẩn bị cho bước tiến trên. Việc thỏa thuận- nếu có, về việc chỉ thả Trịnh Xuân Thanh sau khi kết thúc vụ trọng án xét xử Nguyễn Hải Long, người bị cáo buộc đã hỗ trợ cho nhóm bắt cóc, cho thấy chính quyền Hà Nội muốn loại trừ hoàn toàn khả năng Trịnh Xuân Thanh xuất hiện tại toà để cung khai về chuyện bị bắt cóc của mình. Việc xét xử Nguyễn Hải Long tại Toà thượng thẩm Berlin nay đã kết thúc với lời nhận tội của bị can, do đó lời khai trước tòa của Trịnh Xuân Thanh đã trở nên không cần thiết.

Việc kháng nghị (giám đốc thẩm) của Nguyễn Hải Long cũng không làm thay đổi tình trạng trên, vì trong quá trình xét giám đốc thẩm, Tòa án Liên bang không xem xét đến các bằng chứng, mà chỉ kiểm tra xem Tòa Thượng thẩm Berlin có phạm phải sai lầm về pháp lý hoặc có sai sót về thủ tục tố tụng hình sự hay không. Ngoài ra, tại Đức, trong quá trình xét giám đốc thẩm Tòa án Liên bang quyết định hầu như chỉ dựa trên hồ sơ mà hiếm khi mở những phiên xét xử. Và theo nhiều luật gia có kinh nghiệm ở Berlin, thì với hành xử nghiêm túc và chặt chẽ về luật của Toà Thượng thẩm Berlin, chắc chắn đơn kháng án của Nguyễn Hải Long sẽ bị Tòa án Liên bang bác bỏ. Tóm lại là từ nay trở đi, cơ quan tư pháp Đức sẽ hoàn toàn không cần tới những lời khai của Trịnh Xuân Thanh. Nếu được trở về Đức, ông ta sẽ không còn khả năng đứng trước Toà để trình bày về chuyện bị bắt cóc của mình.

Tổng thống Slovakia Andrej Kiska ra tuyên bố hôm 31.7.2018 về vụ bắt cóc TXT có liên quan đến an ninh của nước này.
Người cố vấn của Thủ tướng Robert Fico, ông Lê Hồng Quang, ngồi đối diện với Bộ trưởng Tô Lâm và bên cạnh là Thủ tướng Robert Fico – Ảnh chụp chuyến thăm Slovakia hồi tháng 3 năm 2016.

Những phanh phui gần đây ở Bratislava đã dẫn đến việc Slovakia phải mở cuộc điều tra về sự dính líu của cựu Bộ trưởng nội vụ Kalinak trong vụ bắt cóc. Khi được hỏi về khả năng Trịnh Xuân Thanh được các cơ quan điều tra Slovakia mời ra làm nhân chứng, một luật sư Đức cho biết, theo thông lệ, thì ngay cả khi có mặt tại Đức, Trịnh Xuân Thanh vẫn hoàn toàn có quyền từ chối cung cấp lời khai nhân chứng vì lý do an toàn cá nhân.

Trên thực tế, kết quả điều tra tại Đức, Slovakia và cả tại Pháp- kể cả từ phía chính quyền hay giới truyền thông, đã phơi bày rõ bàn tay bắt cóc của nhà cầm quyền Hà Nội. Những kết luận điều tra cũng làm cho vai trò nhân chứng với tư cách người bị hại của Trịnh Xuân Thanh trở nên không còn cần thiết trong việc điều tra và trừng phạt những tội ác đã quá rõ ràng. Việt Nam không còn lý do để ngại ngần việc trao trả Trịnh Xuân Thanh theo yêu cầu của Đức. Để đổi lấy Hiệp định Tự do Thương mại và quan hệ hữu hảo với Đức cũng như các nước trong khối EU thì đó là một cái giá quá rẻ, nhưng là bắt buộc./.

Ngày 2/12/2015 tại Brussels – Bỉ, Bộ trưởng Công Thương – Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU – Cecilia Malmstrom ký tắt Hiệp định EVFTA với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. (Ảnh AFP)

Văn Tiệp – Thoibao.de

>> Lê Hồng Quang bất ngờ ra bản tuyên bố phủ nhận các cáo buộc dính dáng đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và đe dọa kiện báo chí Slovakia và Đức

>> Cựu Bộ trưởng Bộ ngoại giao Séc tuyên bố: „Việt Nam là tâm điểm của tội phạm có tổ chức. Quốc gia này đã trở thành một nguy cơ an ninh hàng đầu”.

>> Đại án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Chính phủ Pháp chính thức điều tra dính líu của mật vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Paris

>> Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tiếp đón một cách lạnh nhạt tại Pháp 

>> Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Trung tướng tình báo Đường Minh Hưng sơ hở

>> Ngoại trưởng Slovakia phản ứng về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Không bổ nhiệm một vị Đại sứ đến Hà Nội và sẽ có những biện pháp tiếp theo

>> Bị cáo Nguyễn Hải Long đưa đơn kháng nghị phúc tra – Tòa án Liên bang Đức xem xét ra sao?

>> Nhà nước Slovakia bị khủng hoảng vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

>> Lê Hồng Quang giữ vai trò gì trong vụ Tô Lâm mượn chuyên cơ của chính phủ Slovakia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đưa về Việt Nam? 

>> Cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia có thể phải đối mặt với truy tố hình sự vì tiếp tay cho Tô Lâm bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

>> Một phát giác mới: Chính cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia đã giúp ông Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh về nước