Tối ngày 29/12, thông tin báo chí cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành Lệnh khám nhà đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, tại số nhà 12 Nguyễn Duy Hiệu (phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa).
Ông Trịnh Văn Chiến là người đã bị ông Nguyễn Phú Trọng đưa lên thớt tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, ngày 2/10. Tại Hội nghị Trung ương này, ông Trọng đã cho cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trịnh Văn Chiến. Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã kết tội ông Chiến là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Được biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét nhà, nhưng không có lệnh bắt, thay vào đó là lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trịnh Văn Chiến.
Thông thường, bắt cựu Ủy viên Trung ương Đảng sẽ do Bộ Công an thực hiện. Ví dụ, năm 2021, ông Trần Văn Nam – cựu Bí thư Bình Dương – bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra C03 của Bộ Công an bắt giam. Hay năm 2022, bắt ông Trần Đình Thành – cựu Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai – cũng do C03 thực hiện. Tuy nhiên, không hiểu sao, lần này C03 không ra tay, mà lại nhường việc này cho Công an tỉnh Thanh Hóa. Đây là trường hợp không bình thường.
Việc khởi tố mà không bắt giam bị can sẽ cản trở quá trình điều tra. Tuy nhiên, Công an tỉnh Thanh Hóa lại không bắt. Nguyên nhân là vì đâu?
Thường thì các bí thư tỉnh có ảnh hưởng ít nhiều đến Công an tỉnh, bởi giám đốc công an tỉnh là người dưới quyền của họ. Như vậy, nếu để cho công an tỉnh thực hiện điều tra vụ án đối với một cựu bí thư tỉnh, rất có thể sẽ vì cả nể mà nương tay, và cũng không loại trừ có những cuộc ngã giá trước khi thực hiện vụ khám xét.
Ở chế độ này, cứ mỗi vụ án tham nhũng lại là cơ hội kiếm chác rất tốt cho cơ quan tố tụng. Bởi hơn ai hết, giới quan chức biết “ai cũng bẩn như nhau”, chẳng có ai liêm chính, nên các cựu quan chức bị khởi tố đều có tài sản chìm nổi rất nhiều, không tìm cách làm tiền thì phí.
Việc không bắt tạm giam ông Trịnh Văn Chiến mà chỉ cấm đi khỏi nơi cư trú, thì Công an Thanh Hoá cần tung ra nhân lực đông đảo để theo dõi, giám sát, tránh việc ông cựu Bí thư tỉnh này cao chạy xa bay. Nhưng việc điều một lực lượng đông đảo để theo dõi bị can, so với việc bắt tạm giam, thì việc bắt giam có nhiều cái lợi. Thứ nhất là dễ điều tra; thứ nhì là giảm nguy cơ bỏ trốn của bị can, và thứ ba là giảm được nhân lực canh chừng.
Giả sử, trong quá trình tại ngoại, ông Trịnh Văn Chiến trốn biệt tăm như Hồ Thị Kim Thoa, Vũ Đình Duy hay Nguyễn Thị Thanh Nhàn, thì Bộ Công an lại phải tốn thêm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công an chìm nổi để truy lùng, mà chưa chắc đã bắt được.
Vậy rõ ràng, việc không bắt ông Trịnh Văn Chiến là không bình thường.
Ở đất nước này, người dân gọi công an là lực lượng “luật là tao, tao là luật”. Cùng một tội như nhau, nhưng công an không xử lý giống nhau, với người này thì áp tội nặng, với người kia thì tìm cách gỡ tội. Đấy là “tiêu chuẩn kép”. Không chỉ ngành công an, mà tòa án và viện kiểm sát cũng dùng tiêu chuẩn kép.
Khi cơ quan tố tụng sử dụng tiêu chuẩn kép, thì đấy là dấu hiệu cho thấy sự can thiệp của đồng tiền. Đồng tiền có thể khiến cho luật pháp, khi thì xô sang phải, lúc lại xô sang trái, lúc thì bị uốn cong. Và khi việc nắm quyền thực thi luật pháp, đồng nghĩa với việc nắm được “cỗ máy in tiền”, thì công an và các cơ quan tố tụng khác sẽ thi nhau kiếm chác.
Chẳng có pháp quyền nào cả. Bản chất chế độ này nó thế.
Ý Nhi – Thoibao.de
30.12.2023