Bao vây dư luận viên – triệu người dân sẽ thắng

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới – RSF vào ngày Thế giới Chống Kiểm duyệt Internet 12 tháng 3 năm 2020, đã công bố danh sách 20 kẻ thù lớn nhất trên Internet, trong đó có Lực lượng 47 của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo Tổ chức phóng viên không biên giới RSF, Lực lượng 47 gồm 10.000 người chiến đấu chống lại những tiếng nói dân chủ và những người bị cho là chống đối chính phủ.
Lực lượng 47 đã sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để đe dọa, giám sát hoặc kiểm duyệt các nhà báo và do đó làm giảm nghiêm trọng quyền tự do thông tin trên Internet.
Trả lời RFA hôm 12/3, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên chủ tịch Hội tin học Việt Nam nhận định:
Thật sự đây là cuộc đấu tranh không cân sức, bởi vì những người đấu tranh cho tự do dân chủ thì không có nguồn lực bằng lực lượng 47 của họ, họ có hàng chục ngàn người. Họ được nhà nước tài trợ không chỉ tiền bạc mà còn kỹ thuật, có thể nói họ có nguồn lực vật chất hơn hẳn các nhà đấu tranh.”
Nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức nhận định:
Việc lực lượng 47 tìm cách đánh phá và hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí của người Việt trong và ngoài nước, là điều báo chí nhất là Tổ chức phóng viên không biên giới RSF đã rất để tâm và chú ý. Chính vì vậy, trong báo cáo RSF đưa ra vào năm 2020, có đưa lực lượng 47 vào 1 trong 20 tổ chức là kẻ thù lớn nhất của internet.”

hình ảnh Lực lượng 47 của Việt Nam do RSF đăng tải trong danh sách 20 kẻ thù lớn nhất trên Internet, nhân ngày Thế giới Chống Kiểm duyệt Internet.

Đây là điều rất chính xác, và cũng là thông tin để các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới, nhìn vào công bố này của Tổ chức phóng viên không biên giới RSF, đánh giá về sự tệ hại của tự do internet tại Việt Nam.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quang A cho rằng sự thật mới là sức mạnh vô địch, cho nên nếu các nhà đấu tranh biết và đừng lãng phí nguồn lực của mình, đó là nêu lên sự thật, và cố gắng tránh những chuyện đưa những thông tin không đúng sự thật thì có thể chiến thắng. Ông giải thích thêm:
Bởi vì khi mình đưa tin giả, tin không đúng sự thật, tin không được kiểm chứng, thì mình tự làm mất uy tín của mình, và sức mạnh của mình sẽ giảm đi cả ngàn lần. Như thế mình lại không khác gì bọn dư luận viên, bởi vì bọn dư luận viên rất đông nhưng tác động không nhiều, bởi vì họ không nói sự thật. Thật sự tuy họ có sức mạnh vật chất, tiền bạc rất nhiều, nhưng tôi nghĩ, nếu những người đấu tranh biết cách của mình và quan trọng nhất là chuyên đưa sự thật, không bóp méo thông tin, không đưa tin giả, thì cái số ít người đấu tranh ấy sẽ ngày càng nhiều lên và chắc chắn sẽ chiến thắng.”
Tổ chức Freedom House vào ngày 5/11/2019, cũng liệt Việt Nam vào danh sách những quốc gia không có tự do Internet.
Với nhan đề “Khủng Hoảng Mạng Xã Hội “ Freedom House cho biết tiến trình khảo sát tự do mạng ở 65 quốc gia cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có điểm số từ 0 đến 39, là quốc gia không có tự do Internet.
Dưới mắt Freedom House, Việt Nam là quốc gia độc đảng, bị chi phối trong nhiều thập kỷ bởi một đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền, chưa kể Luật An Ninh Mạng nhằm hạn chế tự do Internet.

Một hội nghị do Quân đội tổ chức về tập huấn và triển khai hoạt động của lực lượng 47

Nhà báo Ngô Nhật Đăng lại có nhận định:
Tôi thấy tình hình thực tế như thế này, khi luật an ninh mạng có hiệu lực thì đáng lẽ việc kiểm duyệt internet ngày càng khó khăn hơn, nhưng tôi lại thấy hiện tượng nó có vẻ dễ dàng hơn, những chuyện bị ngăn chặn gỡ bỏ, report tấn công tài khoản Facebook nó không khắc nghiệt như trước đây. Theo suy nghĩ cá nhân của tôi, thứ nhất nhà nước không còn đủ tiềm lực, để ngăn chặn mạng xã hội về mặt kỹ thuật, nhân lực, tài lực… Thứ hai là mạng xã hội và người dân ngày càng nhiều người lên tiếng trong tỷ lệ hàng chục triệu người dùng internet, nên để bóp nghẹt như trước là điều bất khả thi.”
Cũng theo Tổ chức Freedom House, Việt Nam trước đây từng nói rằng Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dùng trên mạng. Tuy nhiên nhà chức trách đã gia tăng các vụ bắt bớ và bỏ tù trong những năm gần đây nhắm vào những người bày tỏ quan điểm bất đồng chính kiến trên Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.
Theo RSF, khi các phương tiện truyền thông Việt Nam đều tuân theo mệnh lệnh của Đảng Cộng sản, nguồn thông tin được báo cáo độc lập là các blogger và nhà báo công dân, những người đang phải chịu những hình thức khủng bố khắc nghiệt hơn bao gồm bạo lực cảnh sát mặc thường phục.

Hình ảnh bảng xếp hạng tự do báo chí toàn thế giới năm 2019 cho thấy Việt nam ở vị trí 176/180 gần đáy bảng xếp hạng)

Để biện minh cho việc tống giam và trừng phạt với các án tù dài, Đảng ngày càng sử dụng các điều 79, 88 và 258 của bộ luật hình sự, theo đó các hoạt động của các tiếng nói dân chủ được gắn các cơ quan điều tra và xét xử gắn thêm nhãn là nhằm lật đổ chính quyền, là tuyên truyền chống nhà nước và lạm dụng quyền tự do và dân chủ để đe dọa lợi ích của nhà nước.

RSF nhận định, dưới sự lãnh đạo của đảng do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, mức độ khủng bố các tiếng nói đã tăng mạnh trong hai năm qua, có người đã bị kết án đến 20 năm tù. Đó là trường hợp nhà hoạt động Lê Đình Lượng ở Nghệ An.
Từ Berlin, bản tin của tờ Thoibao.de cũng đưa ra nhận định:
Về vấn đề tự do internet thì như các bạn đã biết, Việt Nam là đất nước do đảng cộng sản lãnh đạo, và độc quyền dẫn đến độc tài, độc đảng. Ở Việt Nam có gần 4 triệu đảng viên được đảng sắp đặt những công việc, vị trí mà 90 triệu người dân không có giá trị gì với đảng cộng sản cả. Chính vì vậy trong thời đại thông tin internet mở rộng, lực lượng 47 là lực lượng khá nồng cốt của đảng, tìm mọi cách chống lại tất cả những thông tin sự thật đang tràn vào Việt Nam. Nhưng những người làm chuyện đó có trình độ văn hóa có vẻ là thấp, nên cũng gây ra khá nhiều phiền phức.”
Bản tin cho biết thêm, Tổ chức phóng viên không biên giới RSF đưa ra thống kê việc lực lượng 47 đã báo cáo làm nhiều người đấu tranh bị khóa tài khoản, hoặc đưa ra những bình luận rất thô tục… nhằm mục đích để những người đấu tranh ngại không viết nữa. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện có hàng chục triệu tài khoản và dám mạnh dạn nói lên sự thật. Do đó Lực lượng 47 ngày càng lép vế trước những thông tin sự thật của người dân Việt Nam trong và ngoài nước.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam, nói hơn 10.000 người đấu tranh trên mạng mang tên “lực lượng 47” do được thành lập theo Chỉ thị 47 của quân đội.

Phát biểu tại hội nghị ở thành phố Hồ Chí Minh về công tác tuyên giáo, tướng Nghĩa cho biết thêm là lực lượng này là những người “vừa hồng vừa chuyên“, một thuật ngữ ở Việt Nam để chỉ những người vừa trung thành với lý tưởng của đảng cộng sản, vừa giỏi về công việc chuyên môn. Họ được cho là “kiên định lập trường” và có kỹ năng sử dụng công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ, ông nói rằng “chúng ta hàng giờ, hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái“.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, viết trên Facebook cá nhân rằng lực lượng dư luận viên, ước tính phải lên đến khoảng 100.000 người.
Ông nêu dẫn chứng là tin tức trên báo chí từ năm 2013 cho hay Ban Tuyên giáo ở thời điểm đó thống kê đã có khoảng “80.000 truyên truyền viên miệng”. Giờ đây, con số đó được bổ sung với lực lượng 47 của quân đội, và nhiều khả năng cũng có một lực lượng tương tự của công an, nhưng chưa rõ thông tin về số lượng người bên công an.
Lực lượng đó rất đông, gây tốn kém cho xã hội rất nhiều. Sản phẩm của họ không đem lại lợi ích gì cho xã hội. Thậm chí còn bôi bẩn không gian mạng, và gây tác hại rất xấu đến xã hội. Thật ra bây giờ đảng [cộng sản] cầm quyền nắm hết tài nguyên, nắm hết tiền thuế của dân. Cho nên họ làm mọi chuyện, chi tiêu mọi chuyện nhằm mục đích bảo vệ đảng. Cho nên cái lực lượng 100.000 đó hoặc là nhiều hơn vẫn trả được tiền

Các hoạt động tưởng niệm gần tượng đài Lý Thái Tổ từng nhiều lần bị lực lượng Dư luận viên ngăn cản

Nhà báo Vũ Hữu Sự có bài viết trên Facebook cá nhân của mình với tựa đề: DƯ LUẬN VIÊN, HỌ LÀ AI ? – Miêu tả phần nào bản chất của những người Dư Luận Viên này.
Các hoạt động tưởng niệm gần tượng đài Lý Thái Tổ từng nhiều lần bị DLV ngăn cản

Nhà báo Vũ Hữu Sự viết:
Một người quen của tôi là sỹ quan quân đội cấp tá bảo: “Cũng vì miếng cơm manh áo thôi bác ạ. Những dư luận viên ấy, họ cũng biết những gì họ viết là vô lý, là thất đức, là trái với đạo làm người. Nhưng họ bắt buộc phải viết đấy thôi.”
Tôi ngạc nhiên: Nói điều gì là xuất phát từ tâm từ óc họ, ai bắt được họ chứ.

Ô, thế bác không biết dư luận viên là gì à? Để em nói bác nghe. Tất cả đều là người nhà nước cả, tức đều là công chức, viên chức, chiến sỹ, sỹ quan ở các cơ quan, đơn vị quân, dân, chính, đảng. Hầu hết đều là đảng viên. Tất cả các dư luận viên ấy đều được giao nhiệm vụ hết sức cụ thể, mỗi đơn vị có người phụ trách dư luận viên ở cơ quan mình. Toàn bộ dư luận viên trên cả nước do một cơ quan Trung ương chỉ huy, quản lý. Mỗi dư luận viên đều không được dùng tên thật của mình, mà lấy một cái tên giả để lập tài khoản trên mạng xã hộ.
Do đều ngu dốt nhưng lại rất cuồng tín (mà dù có bằng cấp đầy mình thì cũng không thể phản bác nổi những bài báo đanh thép, uyên thâm, căn cứ trên những chứng cứ hết sức sác thực của những cây bút vừa dũng cảm vừa có nhân cách lớn, tức những người “uy vũ bất năng khuất”) nên bọn chúng đa số đều bình luận một cách hết sức tục tĩu, bẩn thỉu và ngu dốt, cứ y như thể một bầy chó điên ấy
.” Người sỹ quan cấp tá kể lại.

Từ trải nghiệm cá nhân, ông Chênh nói các tuyên truyền viên, dư luận viên đa số không tranh luận đàng hoàng, không đưa ra được các lý lẽ thuyết phục khi trao đổi ý kiến trên mạng về các bài viết của các blogger, hay các nhà hoạt động bàn về các chính sách, hoạt động của nhà nước, hay các vấn đề xã hội.

Ông Chênh nhận xét rằng các dư luận viên, đa số sử dụng “ngôn ngữ thô lỗ, hăm dọa, hay thóa mạ”, nhằm đè bẹp quyền tự do ngôn luận.
Cụ thể như tôi là hàng đêm hàng chục tin nhắn gửi về hộp thư hoặc messenger của tôi. Và thực tế bạn bè tôi cũng cho biết họ cũng nhận được các tin nhắn rất là tệ hại như vậy. Và những bài viết mà chửi bới, xúc phạm cá nhân, bôi nhọ cá nhân thì đầy rẫy trên mạng”.
Nhà báo Võ Văn Tạo chỉ ra rằng cách hành xử của các tuyên truyền viên, dư luận viên không chỉ “vô bổ” đối với xã hội mà còn có hại cho hình ảnh của đảng.
Tuyệt đại đa số anh em viết lách kiểu đó, được huy động làm chuyện đó vì họ kém văn hóa nên họ có kiểu viết lách khiêu khích, cục cằn, thô bỉ lắm. Tôi nghĩ đứng từ góc độ người dân, người ta hiểu là những người đó chả ra gì. Đứng ở phía của đảng, nhà nước Việt Nam, cũng bất lợi cho họ. Bởi vì cái số đó bộc lộ một tầm văn hóa quá thấp. Thế thì người dân sẽ nghĩ là à quân của chính phủ, của đảng đây, nó chỉ đến thế thôi”.
Cùng với nhiều người dân bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội, các nhà báo Võ Văn Tạo và Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng số tiền có thể là khổng lồ dùng để trả thù lao hoặc lương cho cả trăm ngàn dư luận viên, tuyên truyền viên lẽ ra nên được sử dụng hiệu quả hơn cho xã hội, như đầu tư và trường học, giáo viên hay hạ tầng.

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (tổng hợp)

Bình luận về “Bao vây dư luận viên – triệu người dân sẽ thắng

Comments are closed.