Kinh tế thời Covid-19: ‘VN đừng mong đón đại bàng’

Việt Nam thông báo chính thức là không có một ca tử vong nào vì Covid-19. Thế nhưng nền kinh tế lại đang gánh chịu thiệt hại to lớn, thất nghiệp cao vì dịch virus corona.

Từ Florida, Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia cao cấp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chia sẻ với BBC News Tiếng Việt những đánh giá của ông về viễn cảnh kinh tế Việt Nam, và hướng đi mà ông cho là phù hợp với tình thế hiện thời.

Với thông báo chính thức về việc cho đến nay không có ca tử vong nào do Covid-19, Việt Nam đã đạt được uy tín trên thế giới về thành tích đối phó với đại dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế xã hội lại lâm vào khủng hoảng trầm trọng không dễ gỡ.

Thứ nhất là vấn đề tăng trưởng GDP năm nay khó được đặt ra như mọi năm vì các ẩn số kinh tế mà ngay Chính phủ cũng không kiểm soát nổi, và số lượng thống kê GDP của VN vốn đã bấp bênh lại càng không chắc chắn trong năm nay và năm 2021.

Chi bằng sẽ không cần đặt ra mục tiêu GDP nữa, mà giải pháp là bắt tay vào hai vấn đề cốt lõi dưới đây.

Hai vấn đề chính mà Việt nam đang phải đối mặt là: Thất nghiệp tăng cao và Xuất khẩu bế tắc.

Theo tin chính thức từ báo chí, số lao động thất nghiệp, nghỉ luân phiên hay giãn việc tại VN lên tới con số 7,8 triệu người tính đến cuối tháng 6.

Thế nhưng tình trạng thực sự còn căng thẳng hơn. Theo ước tính của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, là “gần 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, giảm thu nhập…” Số người bị giảm thu nhập ước tính lên tới 57%. Số lao động mất việc tập trung vào các ngành xuất khẩu, nhất là trong công nghệ chế biến, và trong các ngành dịch vụ du lịch, hay các dịch vụ khác như buôn bán lẻ, vận tải kho bãi, hiệu ăn…

Vì vấn đề du lịch quốc tế còn rất phức tạp và phải chờ ít nhất đến cuối năm các đường giao thông quốc tế, nhất là từ Hoa Kỳ, nên VN đã bắt đầu bằng việc khuyến khích du lịch trong nước.

Nhưng mãi lực còn chưa đủ, hình ảnh các sạp bán hàng ở chợ Bến Thành cũng như nhiều cửa hiệu ở khu vốn sấm uất Quận Nhất phải đóng cửa đang nói lên điều đó.

Các ngành dịch vụ kể trên (dùng tỷ lệ lao động lớn) lại cần thời gian dài để hồi phục.

Nhưng vấn đề quan trọng hơn là hoạt động xuất khẩu đã lao dốc từ tháng Ba có lẽ sẽ tiếp tục cho ít nhất đến cuối năm, nhất là sang thị trường quan trọng nhất là Mỹ.

Ảnh 1: Ngày 20-6, công ty Pouyen ở TpHCM cho biết đã dự tính cắt giảm khoảng 6.000 lao động tại các bộ phận không có đơn hàng. Tuy nhiên, sau khi tính toán, PouYuen quyết định chấm dứt HĐLĐ với khoảng 3.000 người.

Mới đây Hiệp hội Lương thực Tư nhân cũng lên tiếng báo động khẩn cấp về việc xuất khẩu gạo, khi mức xuất khẩu năm trước là 7 triệu tấn.

Đơn đặt hàng mới của Âu châu khoảng 80.000 tấn quá nhỏ nhoi! Đồng thời sự sụp đổ của giá dầu quốc tế cũng gây thêm khó khăn lớn cho kim ngạch xuất khẩu và ngân sách quốc gia.

Làm gì để cứu thị trường lao động theo kinh nghiệm quốc tế?

Dựa theo kinh nghiệm của một số lớn quốc gia trên thế giới như Mỹ, Âu châu và nhất là Á châu, các chuyên gia quốc tế chỉ ra ba cách thức chính:

a) Những biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, như giảm thuế, trợ cấp tài chính hay cho vay để giúp doanh nghiệp tiếp tục trả lương cho người lao động, thí dụ như chương trình cho vay của Hoa kỳ qua chương trình “Small Business Administration” cho các xí nghiệp nhỏ. Nếu khó khăn trong lâu dài, khoản vay để trả lương bổng có thể được miễn trả.

b) Hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình để nâng cao chi tiêu khẩn cấp. Đây là biện pháp hữu hiệu cho các nước có khu vực phi chính thức đóng vai trò quan trọng như ở Việt Nam.

Ngay cả ở nước giàu như Hoa Kỳ, Chính phủ đã phát cho mỗi người 1200$ (và 500$ cho mỗi trẻ em) để chi tiêu trong đợt “cứu trợ’ đầu trong tháng 4-5 vừa qua. Từ nay đến tháng 10, có thể có đợt trợ giúp thứ hai trực tiếp cho các hộ gia đình.

c) Ở Hoa Kỳ, cũng như nhiều nước Á châu – theo tin tức của Asian Development Bank, có thêm gói kích thích tài chính quan trọng từ khu vực ngân hàng để duy trì việc làm.

Ảnh 2: mỗi ngày có hàng trăm người lao động ở Hà nội đăng ký trợ cấp thất nghiệp

Theo cách này, ngân hàng trung ương có thể cấp vốn không lãi suất cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng này mua trái phiếu của các doanh nghiệp lớn hay cho vay không lãi cho các xí nghiệp nhỏ.

Mạnh mẽ hơn, Fed của Mỹ còn chi khoản lớn sẵn sàng mua thẳng trái phiếu của các doanh nghiệp — việc làm chưa từng có. Tất nhiên, các biện pháp này sẽ làm gia tăng khối tiền tệ đáng kể và có thể gây áp lực lên lạm phát và tỷ giá. Nhưng đấy là cái giá phải trả chấp nhận được trong ngắn hạn (1-2 năm) để cứu nạn thất nghiệp trầm trọng và giúp hồi phục kinh tế nhanh hơn từ nạn dịch.

Một số đề nghị thực tế cho VN

Do hoàn cảnh khó khăn hiện tại của ngân sách quốc gia, VN khó áp dụng tích cực ba biện pháp chính thức nêu trên.

Thay vào đó, nên áp dụng khẩn cấp các cải cách thể chế và cơ cấu, nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân qua đó khuyến khích các doanh nghiệp duy trì và thu hút thêm lao động, và thật sự bắt đầu các công trình đầu tư hạ tầng cơ sở.

1) Hiện nay mới áp dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu là chính sách hoãn, giãn tiến độ các khoản phải nộp như thuế, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, tiền thuê đất, giãn nợ… Chính sách này chỉ có tác dụng nhất thời vì tối đa đến hết năm 2020 doanh nghiệp phải nộp các khoản này. Lúc đó các khoản nợ phải nộp cùng một thời điểm có thể làm doanh nghiệp không đủ sức.

Vì vậy, cần có thêm chính sách miễn giảm cho doanh nghiệp, cụ thể:

– Dừng đóng BHXH, dừng đóng phí, giảm mức đóng phí công đoàn 50% vì đây là những khoản doanh nghiệp phải nộp rất lớn

– Giảm 30-50% các loại phí, lệ phí vì doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều các loại phí, lệ phí

2) Chính sách giảm 15% tiền thuê đất nên áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp vì hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, có thể đang hoạt động nhưng gặp rất nhiều khó khăn (hiện mới quy định cho các doanh nghiệp ngừng sản xuất hay kinh doanh do dịch bệnh- theo NQ 84).

3) Ổn định giá điện, nước đầu vào của doanh nghiệp. Tăng tốc việc thực hiện xóa bỏ độc quyền các thứ giá trong lĩnh vực này.

Về chính sách tín dụng:

4) Biện pháp ngân hàng:

– Trước mắt là giải pháp hỗ trợ thanh khoản, cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

– Lâu dài cần giảm lãi suất cho vay (mức hiện nay quá cao)

– Mở rộng các biện pháp bảo lãnh tín dụng để các danh nghiệp nhỏ và vừa, nhỏ, hay siêu nhỏ, hộ kinh doanh có thể vay được vốn (đây là các đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất do dịch bệnh nhưng không thể tiếp cận vốn tín dụng do các điều kiện vay vốn ngặt nghèo).

5) Đầu tư cơ sở hạ tầng thay vì lại dồn nguồn lực vào bất động sản là sự lãng phí trầm trọng tài nguyên vật lực và nhân lực trong lúc này:

Ảnh 3: có rất nhiều mặt bằng cho thuê trống chỗ ở khu vực Hàng Ngang Hàng Đào, sầm uất nhất Hà nội

Do ngân sách quốc gia khó khăn và thiếu nguồn lực cho đầu tư công, Chính phủ nên bắt đầu với chương trình “Quan hệ đối tác công tư” để các doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn vốn công có thể là các “quỹ đất.”

Hướng đi ra khỏi khủng hoảng chung của các nước trên thế giới thời hậu Covid-19, nhất là Hoa Kỳ, hiện ra sao? Việt Nam có trông cậy gì được vào các chuyển biến kinh tế thế giới, Mỹ, EU sau dịch Covid-19? BBC đặt câu hỏi.

TS Phạm Đỗ Chí: Đây vẫn là vấn đề nghiêm trọng vì tuy Âu châu đang bắt đầu phục hồi từ cơn dịch, sự phục hồi kinh tế phải mất từ 12-18 tháng.

Riêng Hoa Kỳ còn thiếu chắc chắn hơn vì cơn dịch bệnh lại bộc phát mạnh mẽ từ hai tuần nay và có thể làm chậm lại sự mở cửa nền kinh tế, mặc dù cuộc tranh cử tổng thống vào tháng 11 có thể là động cơ khiến chính phủ của Tổng thống Trump phải tiếp tục mạnh mẽ chương trình hồi phục kinh tế.

Do đó, việc thiếu “đơn đặt hàng xuất khẩu” cho VN và các nước Á châu khác sẽ có thể phải tiếp tục trong thời gian dài hơn dự báo.

Vì vậy việc đặt một mục tiêu phát triển GDP như bình thường cho 2020-2021 là một việc rất khó khăn. Cần nhắm rõ hơn các mục tiêu giải quyết nạn thất nghiệp cho hai năm này.

Ảnh 4: Chợ Bến thành TpHCM trong tình trạng ế ẩm từ đầu chợ đến cuối chợ

Về xuất khẩu, nên tiếp tục sản xuất các dụng cụ phòng chống dịch COVID-19 cho các nước Âu Mỹ vì khủng hoảng này sẽ còn kéo dài.

Các chuyên gia nói nhiều đến việc đồng vốn và doanh nghiệp quốc tế chuyển, rút một phần khỏi TQ sang VN, nhưng nay điều này còn khả thi không? BBC đặt câu hỏi.

TS Phạm Đỗ Chí: Việt Nam đã nhộn nhịp sửa soạn các chương trình mệnh danh “Đón Đại Bàng“. Nhưng trong thực tế, việc này sẽ không hề dễ dàng vì căn bản là hạ tầng cơ sở chưa sẵn sàng và thiếu hẳn các ngành công nghệ phụ trợ cho các hãng lớn từ TQ dọn sang.

Ngoài ra khả năng chuyên môn của lao động còn tương đối yếu kém, luật lệ còn thiếu minh bạch, và nhất là nạn tham nhũng lan tràn còn đang làm những hãng đa quốc gia lớn e ngại.

Nói chung là các khu công nghệ còn khá yếu kém, thí dụ là khu Bình Dương đã được thiết lập với nhiều vốn đầu tư vẫn chưa được khai thác đúng mức và có nhiều cơ sở bỏ hoang. Nhiều hãng Mỹ mới đây nhất đã chọn lựa dọn sang Ấn Độ và Indonesia, thay vì Việt Nam.

Khả năng thực tế là nên cố chào đón các hãng vừa tầm và nhỏ thích hợp với điều kiện và khả năng hỗ trợ của VN, nhất là trong việc phát triển các công nghệ phụ trợ đã được nói đến từ lâu và là yếu tố “thắt cổ chai” như nêu trên.

Vấn đề “Tay nghề thiếu” cũng nên được giải quyết sớm với việc nâng cao giáo dục kỹ thuật và tư duy “tư bản” (đóng góp cho phát triển của hãng) nơi những người thợ, thay vì chỉ là lao động rẻ làm việc với tư duy “ăn lương cao hơn việc đồng áng là đủ.”

Đây là cả một tiến trình kéo dài cần đến những chương trình huấn luyện và hỗ trợ của chính phủ. Ban Công tác mới được thành lập để thu hút và định hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI là một bước đầu để thực hiện các thay đổi cần thiết đã nêu.

Ảnh 5: Công nhân Danameco kiểm tra khẩu trang y tế trước khi đóng hộp xuất khẩu trong dịp Covid-19

Vì sao có hỗ trợ, nhưng kinh tế VN vẫn bị COVID-19 thổi bay nỗ lực tăng trưởng suốt 30 năm?

Thông tin từ ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia – Tổng cục Thống kê, tại một cuộc cuộc họp báo mới đây cho thấy từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ tăng trưởng GDP của Việt Nam quý 2 chỉ đạt 0,36%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 6 tháng 7 năm 2020 về việc này cho biết, khi Việt Nam đã đặt ưu tiên hàng đầu lên chống dịch và hạn chế các hoạt động kinh tế, nhất là giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với nước ngoài, thì rõ ràng ảnh hường đến kinh tế là không thể tránh khỏi. Theo bà, trong trường hợp này chính phủ đã xác định phải hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế hoặc những lợi ích kinh tế, cho việc phòng chống dịch. Phải đánh đổi, phải có sự lựa chọn, chứ không thể được cả hai, vừa phòng chống dịch mà vừa vẫn tăng trưởng kính tế bình thường.

Thứ hai theo Bà Phạm Chi Lan, hiện nay không chỉ Việt Nam, các nước trong khu vực cũng đều đang cố gắng thu hút đầu tư mới, tận dụng cơ hội các nước phương Tây dịch chuyển chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc về nước họ một phần, và một phần chuyển sang nước khác. Các nước gần Trung Quốc đang có lợi thế về việc này. Tuy nhiên Bà nói tiếp:

 “Để giành được sự đầu tư đó thì các nước cũng phải có sự cố gắng nhất định. Riêng Việt Nam cần phải có nỗ lực liên quan như: cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, cải cách những điều kiện về hạ tầng, để làm sao tăng thu hút đầu tư nước ngoài hơn. Nhất là chất lượng nguồn nhân lực, làm sao có thể có nguồn lao động đáp ứng được chuỗi giá trị mới. Nhưng đào tạo kỹ năng người lao động trong một thời gian ngắn là việc hết sức khó khăn. Tiếc rằng lâu nay Việt Nam nói nhiều về việc này, nhưng thực sự chưa làm được nhiều lắm. Ngay cả nội lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước cũng cần những yếu tố tôi vừa nói là thể chế, môi trường kinh doanh và nguồn nhân lực…”

Ảnh 6: cảnh sân bay Tân Sơn Nhất vắng vẻ trong mùa dịch Cúm Vũ Hán. Theo báo Tuổi trẻ, trong 3 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã “thổi bay” hơn 2.600 tỉ của Vietnam Airlines (VNA). Trong khi đó, FLC của ông Trịnh Văn Quyết – đơn vị sở hữu Hãng Bamboo Airways cũng lỗ sau thuế đến 1.172 tỉ đồng.

Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> BOT dày đặc và phí mãi lộ khiến phí vận chuyển từ TpHCM ra Hà Nội ‘đắt gấp đôi đi Mỹ’

>>> Việt Nam: ‘Cả nước thiếu việc làm, thất nghiệp tràn lan’

>>> GIẢI OAN CHO MỘT ĐẤT NƯỚC DÂN OAN (Nguyễn Gia Kiểng)

Tiến lên CNXH – Đảng đày đọa nhân dân