Liệu Trung Quốc có lợi dụng tình trạng hỗn loạn chính trị ở Việt Nam để can thiệp?

Mới đây, trên trang nhất của báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, có bài phân tích về xung đột chính trị thượng tầng ở Việt Nam, với tiêu đề, “Liệu Trung Quốc có thể lợi dụng tình trạng hỗn loạn chính trị chưa từng có ở Việt Nam để can thiệp?”.

Bài phân tích này đã dẫn các ý kiến của giới phân tích chính trị Việt Nam, trong nước và quốc tế, về tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam tại thời điểm hiện nay. Có một số ý kiến cho rằng, “người Trung Quốc “dự kiến sẽ được hưởng lợi” từ cuộc khủng hoảng này”.

Theo đó, ông Tô Lâm đã sử dụng Bộ Công an, và coi đó là một công cụ hỗ trợ cho ông ta, để loại bỏ các đối thủ chính trị, thông qua việc lạm dụng chiêu bài “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng đã thất bại.

Sáng 5/6, trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ thông tin liên quan đến “thiên tượng” xảy ra ở Hà Nội. Truyền thông nhà nước cũng đồng loạt đưa tin, có tổng cộng khoảng 7.025 lượt sấm sét, đánh xuống khu vực Hà Nội.

Nếu tính cả số lần sét đánh xuống các địa phương lân cận, như Hưng Yên, Hà Nam…. thì tính từ 6 giờ đến 9 giờ sáng, có hơn 10.000 cú sét đã đánh xuống khu vực này.

Facebooker Chu Bá Lợi cho biết:

“Sáng nay, sấm nổ vang trời dậy đất. 65 năm tôi sống ở Hà Nội mới thấy những tiếng sấm kinh hoàng đến vậy.”

Theo giới quan sát, đây là một hiện tượng tự nhiên rất bất thường, xảy ra tại Hà Nội – một trung tâm chính trị đầu não của nhà nước Cộng sản Việt Nam. Hiện tượng này đã khiến nhiều người nhớ tới hiện tượng mưa lớn giữa đêm Giao thừa Tết Canh Tý 2020.

Báo Nhân Dân ngày 15/1/2023, trong bài viết “Những cái Tết không quên”, đã mô tả:

Đêm Giao thừa Tết Canh Tý 2020 là một ám ảnh. Hà Nội chìm trong cơn mưa sầm sập và sấm chớp ùng oàng. Những tia sét như muốn xé rách bầu trời. Cái tĩnh mịch thường có của đêm trừ tịch, với mưa bụi lay phay và gió se se lạnh, ngỡ như đã bị vùi lấp đâu đó rồi.”

Vẫn theo báo Nhân Dân:

“Ngay sau đó, Đại dịch Covid-19 như “cơn bão đen” kinh hoàng trùm phủ lên hành tinh xanh. Đất nước trải qua những tháng ngày đại dịch không quên. Muôn vàn vất vả. Muôn nỗi lo âu.”

Nhưng báo Nhân Dân né tránh, không nhắc đến con số hơn 4 vạn người đã tử vong do đại dịch gây ra.

Theo giới Chiêm tinh, “chỉ cần nhìn “thiên tượng” biết biến hóa nhân gian. Thuận theo sự biến hóa của thiên tượng, mỗi một triều đại đều phát sinh rất nhiều biến cố lịch sử, mà có thể biết được biến đổi trong tương lai”.

“Thiên tượng” bất thường như vừa kể, theo kinh nghiệm dân gian, chỉ sau đó một thời gian ngắn, sẽ xảy ra các biến động về nhân tai, địch họa, cũng như giặc giã và chết chóc. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nội bộ lãnh đạo của Đảng đang xung đột sâu sắc chưa từng thấy, trong lịch sử hơn 70 năm cầm quyền của họ, thì thiên tượng kia khiến người ta liên tưởng đến những biến chính trị có thể xảy ra.

Có thể, đây một dấu hiệu hết sức đáng lo ngại, vào thời điểm xung đột chính trị giữa các cá nhân và phe phái trọng nội bộ Đảng, sau khi, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã nhậm chức Chủ tịch nước, nhưng tân Bộ trưởng Bộ Công an – một vị trí quyền lực có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai chính trị của Tô Lâm vẫn chưa ngã ngũ.

Sau khi bị buộc phải rời khỏi Bộ Công an, ông Tô Lâm vẫn nỗ lực tìm mọi cách, để có thể tiếp tục chi phối Bộ này, với mục đích “tạo ra sức ép” đối với các giới chức lãnh đạo, để trở thành người kế nhiệm chiếc ghế Tổng Bí thư từ ông Trọng, nếu ông Trọng chấp nhận rút lui sau khi hết nhiệm kỳ Đại hội 13.

Theo giới phân tích, đáng tiếc cho Chủ tịch Tô Lâm, vì trong lịch sử của Đảng, từ khi cầm quyền đến nay, chưa từng có Tổng Bí thư nào xuất thân từ ngành Công an, dù rằng Việt Nam là một nhà nước “công an trị”.

Hình ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ăn sâu vào ký ức của đa số người dân Việt Nam, được coi là lực lượng bảo vệ người dân. Điều đó trái ngược với hình ảnh “kiêu binh”, mất kiểm soát và vô đạo đức, của công an.

Có lẽ, những cảnh báo của Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, về việc Trung Quốc có thể lợi dụng tình trạng hỗn loạn chính trị chưa từng có ở Việt Nam, chỉ là một phép thử, hay là “rung cây để dọa Khỉ” đối với một phe nào đó, theo cách ví von của người Việt Nam./.

 

Trà My – Thoibao.de