Đánh Đinh Tiến Dũng lấy ghế trống trong Bộ Chính trị. Ai chủ mưu?

Ngày 15/6, báo chí nhà nước đồng loạt thông báo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 42, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì. Tại cuộc họp này, ông Đinh Tiến Dũng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đã bị cho lên thớt.

Kết luận về những vi phạm của ông Đinh Tiến Dũng, cũng tương tự như bao kết luận khác, đối với các uỷ viên Bộ Chính trị đã ngã ngựa. Như: vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, trong công tác quản lý nhà nước và tham mưu vv…

Ông Dũng bị xác định là có liên quan đến những sai phạm trong vấn đề ban hành cơ chế, chính sách, về phát hành giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty An Đông; đồng thời, vi phạm trong quản lý nhà nước về ngân sách, có liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC.

Vụ án AIC đang dậm chân tại chỗ, do không thể bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến Vạn Thịnh Phát thì khó thoát. Vụ Vạn Thịnh Phát đã chuyển sang điều tra giai đoạn 2, và có khả năng, một số quan chức cấp cao sẽ vào lò. Đinh Tiến Dũng đang gặp đại nạn, liệu ông có thể lách qua khe hẹp này không?

Năm 2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương từng đề nghị kỷ luật ông Đinh Tiến Dũng, tuy nhiên, không rõ lý do vì sao, Bộ Chính trị đã treo hình thức kỷ luật đối với ông Dũng lại. Tại thời điểm năm 2021, thế lực của ông Nguyễn Phú Trọng còn rất mạnh, chứ không phải bị tổn thương như bây giờ. Lúc đó, ông Tổng là “chủ lò”, quyền sinh quyền sát nằm trong tay ông.

Vậy, vì sao Tổng Trọng lại không ra tay với Đinh Tiến Dũng vào lúc đó. Phải chăng, ông Đinh Tiến Dũng đã được ông Nguyễn Phú Trọng tha bổng? Vậy, nếu ông Tổng từng tha bổng cho ông Dũng, thì nay, ai là người đánh ông Bí thư Thành ủy Hà Nội? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.

Ninh Bình hiện nay cũng là một trong số các nhóm lợi ích mạnh ở Trung ương, có 1 Ủy viên Bộ Chính trị là ông Đinh Tiến Dũng, và 6 uỷ viên Trung ương Đảng. Trong đó, có thể kể ra như: Trần Quốc Tỏ – Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Nguyễn Quốc Đoàn – Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn; Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Lâm Thị Phương Thanh – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Thị Thanh – Phó Chủ tịch Quốc hội.

Nhóm Ninh Bình trước đây có ông Trần Đại Quang, nay ông Đinh Tiến Dũng là người có vị trí cao nhất, tiếp theo là Trần Quốc Tỏ. Ông Tỏ vẫn thường tìm cách vượt lên nhóm Hưng Yên trong Bộ Công an. Nói chung, từ thời ông Trần Đại Quang còn sống đến nay, nhóm Ninh Bình chẳng ưa gì nhóm Hưng Yên của Tô Lâm.

Ông Tô Lâm hiện đang muốn dẹp bỏ, hoặc đánh cho dập đầu các nhóm lợi ích lớn có khả năng đe dọa đến nhóm Hưng Yên của ông. Trong đó, ông ưu tiên hàng đầu là nhóm Nghệ An – nhóm được xem mạnh nhất trước đây. Giờ đây, rất có thể, Tô Lâm muốn “đánh dập đầu rắn” nhóm Ninh Bình, để bớt đi một mối đe dọa chăng?

Khi đánh gục được Đinh Tiến Dũng, thì Bộ Chính trị cũng sẽ trống thêm một ghế. Phe Tô Lâm đang có 2 nhân vật rất muốn vào Bộ Chính Trị trước Đại hội 14, đó là Lương Tam Quang – Bộ trưởng Bộ Công an; và Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính phủ. Nếu Bộ Chính trị tiếp tục trống ghế, Tô Lâm có đủ lý do để đưa 2 thân hữu của ông trám vào.

Nhóm lợi ích Ninh Bình không phải là nhóm yếu, cho nên, việc loại Đinh Tiến Dũng ra khỏi vũ đài chính trị không phải là chuyện dễ dàng. Đặc biệt, ông Đinh Tiến Dũng đã từng bị đề nghị kỷ luật cách đây 3 năm, mà chẳng hề hấn gì. Liệu lần này, ông Dũng có bị vào lò hay không?

Hãy đợi xem!

 

Trần Chương – Thoibao.de