Tướng Trung Quốc hùng hổ muốn tấn công Đài Loan

https://www.youtube.com/watch?v=dQFesfnpg90

Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hiệp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng) ngày 29/5/2020 tuyên bố Bắc Kinh sẽ không ngần ngại « tấn công nếu không có phương tiện nào khác để thống nhất Đài Loan một cách hòa bình, bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ ».

Phát biểu của tướng Lý được đưa ra tại lễ kỷ niệm 15 năm ban hành luật chống ly khai, được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh.

Luật này ra đời năm 2005 giúp Trung Quốc có căn cứ pháp lý cho hành động quân sự chống lại Đài Loan nếu hòn đảo đòi ly khai hoặc sắp có động thái như vậy.

Ông Lý tuyên bố: “Nếu khả năng thống nhất trong hòa bình không còn, các lực lượng vũ trang cùng cả nước, bao gồm cả người dân Đài Loan, sẽ tiến hành tất cả bước đi cần thiết để đập tan mọi âm mưu hoặc hành động ly khai.”

Ông Lý nói thêm: “Chúng tôi không hứa hẹn từ bỏ việc sử dụng vũ lực, và bảo lưu khả năng sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ổn định và kiểm soát tình hình ở eo biển Đài Loan.”

Hãng tin Anh Reuters nhận định mặc dù Trung Quốc thường xuyên đe dọa thống nhất Đài Loan kể cả bằng sức mạnh quân sự, nhưng hiếm khi một trong những quan chức cao cấp nhất của quân đội Trung Quốc đang tại chức công khai đưa ra tuyên bố như trên.

Ông Lý cũng là một thành viên của Quân ủy Trung ương Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu.

Ảnh: Thượng tướng Lý Tác Thành, Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc

Cũng tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cho biết các biện pháp phi hòa bình là lựa chọn cuối cùng.

Ông nói: “Miễn là còn cơ hội dù là nhỏ nhất cho một giải pháp hòa bình, chúng tôi sẽ nỗ lực gấp trăm lần.”

Tuy nhiên, ông Lật Chiến Thư vẫn “nghiêm khắc cảnh báo” các thế lực đòi độc lập và ly khai ở Đài Loan. Ông Lật cho hay: “Con đường độc lập của Đài Loan sẽ đi vào ngõ cụt. Bất cứ thách thức nào với luật chống ly khai đều sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.”

Tuyên bố của tướng Lý Tác Thành khiến người ta phải liên tưởng đến việc Thủ tướng Lý Khắc Cường đã không sử dụng cụm từ “thống nhất hòa bình” khi nhắc đến Đài Loan trong báo cáo trước Quốc hội hôm 22/5.

Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc “kiên quyết phản đối và ngăn chặn bất kỳ hoạt động ly khai nào nhằm tìm kiếm độc lập cho Đài Loan.”

Ông Lý Khắc Cường nói: “Trung Quốc sẽ cải thiện các chính sách và biện pháp để khuyến khích trao đổi và hợp tác xuyên eo biển Đài Loan, đồng thời bảo vệ sự thịnh vượng của người dân Đài Loan.”

Thủ tướng Lý nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ khuyến khích họ tham gia cùng chúng tôi trong việc phản đối Đài Loan giành độc lập và thúc đẩy tái thống nhất Trung Quốc. Với những nỗ lực này, chúng ta chắc chắn tạo ra tương lai tươi đẹp cho sự chấn hưng của dân tộc Trung Hoa.”

Tuy nhiên, khi tuyên bố về “tái thống nhất” Đài Loan, ông Lý Khắc Cường không đề cập tới từ “hoà bình.” Điều này khác với phát ngôn thông thường mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường sử dụng trong ít nhất 4 thập niên qua khi phát biểu trước Quốc hội và đề cập tới Đài Loan.

Ảnh: Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên hôm 22/5

Đáp trả tuyên bố mạnh mẽ của tướng Lý Tác Thành, chính quyền Đài Bắc ngày 30/5/2020 lên án Bắc Kinh « hù dọa » Đài Loan, « vi phạm luật pháp quốc tế » và nhân dân Đài Loan sẽ không bao giờ « thuần phục một chế độ độc tài, cai trị đất nước bằng bạo lực ».

Trước đó, trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20/5, bà Thái Anh Văn nhắc lại bốn nguyên tắc cho quan hệ giữa đôi bờ eo biển : hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại. Bà không đề cập đến công thức « Một đất nước, hai chế độ » áp dụng cho Hồng Kông mà ông Tập muốn dẫn dụ Đài Loan. Cho dù là chủ tịch đảng Dân Tiến vốn chủ trương độc lập, bà Thái vẫn muốn duy trì nguyên trạng « một cách hòa bình và ổn định », « đôi bên phải tìm ra phương thức cùng chung sống lâu dài ».

Truyền thông quốc tế đánh giá khởi đầu nhiệm kỳ thứ hai trên đỉnh cao uy tín. Bà tái đắc cử với tỷ lệ 57% vào tháng 01/2020, năm tháng sau, tỷ lệ ủng hộ đường lối của bà lên đến 73%. Trong thời gian này, bà đã lãnh đạo hòn đào vượt qua đại dịch COVID-19 một cách thành công theo cái cách mà khó có thể có một quốc gia nào có thể đạt được, nhất là khi hòn đảo này nằm ngay bên cạnh Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh và hơn nữa Đài Loan cũng không được tham gia Tổ chức Y tế Thế giới WHO để có thể nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức toàn cầu này trong cuộc chiến chống dịch như các quốc gia khác. Nhờ quản lý tốt cuộc khủng hoảng dịch tễ, hòn đảo 23 triệu dân chỉ có 7 người chết vì virus corona, mà không cần phải phong tỏa đất nước.

Một kết quả đầy ý nghĩa khác nữa là có đến 70% người dân tự coi mình là người Đài Loan, chỉ có 2,7% cảm thấy là người Trung Quốc, và 25,2% « cả hai ». Đây là yếu tố quan trọng cho thấy ‘bản sắc’ Đài Loan đã có một quá trình hình thành, tồn tại, phát triển và đến nay là chi phối trong cộng đồng người dân Đài Loan.

Trong một diễn biến khác, Chang Che-ping, một quan chức cấp cao trong cơ quan quốc phòng Đài Loan, ngày 28/5 xác nhận đang đàm phán mua tên lửa chống hạm Harpoon Block II từ Mỹ nhưng không tiết lộ số lượng.

Nếu Washington đồng ý bán, Đài Bắc có thể nhận những tên lửa đầu tiên vào năm 2023.

Các tên lửa này sẽ được đặt trên các xe phóng di động nhằm tăng khả năng cơ động tấn công kẻ thù và rút lui để sống sót.

Khi được hỏi vì sao đã có các tên lửa chống hạm Hùng Phong II và Hùng Phong III nhưng vẫn muốn mua tên lửa Mỹ, ông Chang nói nếu chỉ sản xuất trong nước thì không kịp trang bị.

Ông Chang lập luận rằng các nghiên cứu cho thấy nếu muốn đánh tan 50% lực lượng của Trung Quốc, Đài Loan cần nhiều tên lửa hơn nữa và chỉ có cách đi mua nước ngoài mới nhanh chóng đạt được mục đích này.

Quân đội Đài Loan được huấn luyện tốt và trang bị chủ yếu các loại vũ khí do Mỹ sản xuất. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc có ưu thế về số lượng và đang ráo riết chế tạo các loại vũ khí phục vụ cho mục đích tấn công, đổ bộ như tàu đổ bộ Type 075.

Trước đó, ngày 21/5, Mỹ thông qua gói bán 18 ngư lôi tối tân trị giá 180 triệu USD cho Đài Loan, một ngày sau khi chọc giận Trung Quốc bằng việc chúc mừng bà Thái Anh Văn nhậm chức lãnh đạo vùng lãnh thổ này nhiệm kỳ hai.

Thương vụ bán ngư lôi cho Đài Loan đánh dấu lần đầu tiên Mỹ bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan kể từ sau hợp đồng 150 máy bay F-16 do cựu tổng thống George H.W. Bush thông qua vào năm 1992. Hợp đồng này đánh dấu sự chuyển dịch chiến lược đáng kể của Washington trong khu vực.

MK-48 Mod6 là loại ngư lôi có thể phóng từ tàu ngầm và được trang bị hệ thống đường dẫn thủy âm để tiêu diệt tàu ngầm đối phương.

Ông Lâm Dĩnh Hựu (Lin Ying-yu), Trợ lý giáo sư thuộc Viện Chiến lược và Ngoại giao, Đại học Trung Chính, Đài Loan, chỉ ra rằng sức mạnh quân sự dưới nước là mối đe dọa lớn nhất đối với tàu hải quân Trung Quốc, vì những vũ khí này sẽ giới hạn khả năng di chuyển của tàu Trung Quốc trong khu vực, điều mà Mỹ muốn nhìn thấy.

Tuy nhiên, ông Lâm Dĩnh Hựu cũng lưu ý các ngư lôi MK-48 Mod6 đều phải phóng từ tàu ngầm. Vì thế, ông cho rằng Đài Loan mua MK-48 Mod6 nhưng không thể phối hợp cùng các tàu ngầm “hơn 30 tuổi“. Do đó, những ngư lôi này dù tối tân cách mấy vẫn không thể phát huy hết tác dụng.

Hiện tại, Đài Loan đang sở hữu các tàu ngầm lớp Sea Dragon do Hà Lan sản xuất được hơn 30 năm, trong khi tuổi thọ tối đa của những tàu này là 45 năm.

Hôm 20/5, nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn khẳng định hòn đảo này đang theo đuổi chiến lược “phi đối xứng” để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Chiến lược này thiên về phòng thủ và sử dụng một số lượng ít vũ khí chính xác nhưng đủ sức gây ra các thiệt hại lớn cho kẻ tấn công, buộc đối phương phải chùn bước và suy nghĩ lại. Đây thường là lựa chọn của những nước có ngân sách quốc phòng hạn chế nhưng vẫn muốn răn đe các ý định xấu.

Chẳng hạn nếu kẻ thù đóng tàu chiến thì họ mua tên lửa diệt hạm siêu âm, kẻ thù chế nhiều máy bay thì họ mua tên lửa phòng không, kẻ thù sử dụng xe tăng thì mua vũ khí chống tăng.

So sánh tương quan sức mạnh quân sự của Đài Loan và Trung Quốc thì Trung Quốc vượt trội về quân sự nhưng Đài Loan cũng có hệ thống phòng thủ vững chắc. Chuyên gia địa chiến lược Mathieu Duchâtel (Ma-thiu Đu-sa-ten) cho rằng dù sao, an ninh của Đài Loan ngày càng dựa lên đồng minh Hoa Kỳ.

Hiện có hai luồng ý kiến về khả năng Trung Quốc chinh phục Đài Loan bằng vũ lực. Một bên, các chuyên gia cho rằng xác suất Trung Quốc đánh Đài Loan là rất thấp. Bởi vì chiến cuộc sẽ lan rộng và làm hại cho hình ảnh của Trung Quốc trong mắt của thế giới. Bên cạnh đó lại có luồng ý kiến nhận định rằng Tập Cận Bình đã tuyên bố không muốn « để lại cho các thế hệ sau » việc « thống nhất » Đài Loan với « mẫu quốc », và ông ta không loại trừ việc sử dụng đến vũ lực. Bằng chứng là từ giữa tháng Giêng đến nay, hải quân và không quân Trung Quốc đã hơn một chục lần xâm nhập lãnh hải và không phận Đài Loan.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đài Loan -Trung Quốc “rực lửa”

>>> Đài Loan “phá vòng vây” từ Trung Quốc

>>> Đài Loan – yếu tố “thiêu đốt” Trung Quốc trong cuộc đọ sức Mỹ – Trung

https://www.youtube.com/watch?v=ivXAAMICD30
TQ ra luật – Tiền túi “bốc hơi”
Kasse animation 7.8.2023