Giảm lệ thuộc Trung Quốc – Việt Nam thông qua EVFTA

Link Video:  https://www.youtube.com/watch?v=oGogqyiFnUY

Gần 95% đại biểu quốc hội Việt Nam bỏ phiếu tán thành trong thủ tục phê chuẩn hai hiệp định Thương mại Tự do và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu, hai trang Facebook chính thức của Việt Nam và Liên hiệp châu Âu cho hay vào sáng ngày 8/6.

Sau khi quốc hội Việt Nam hoàn tất thủ tục phê chuẩn hai hiệp định nêu trên, Hiệp định Thương mại Tự do EU-VN (EVFTA) dự kiến có hiệu lực ngay trong mùa hè này, trang Facebook của phái đoàn EU ở Hà Nội cho biết.

Trang Thông tin Chính phủ của Việt Nam đưa ra bình luận rằng “EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại-đầu tư với Việt Nam”.

Tuy nhiên, trang Thông tin Chính phủ không nói cụ thể “một số thị trường” đó là những quốc gia hay những khu vực nào.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây với VOA, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh đến một điểm “rất quan trọng” của EVFTA là nhờ hiệp định, Việt Nam “có thể tạo thế cân bằng” giữa các khối lớn với nhau trên thế giới, như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v…

Tiến sĩ Quang A lưu ý đến tình trạng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm một tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam.

Ông nói: “Nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam và ảnh hưởng đến cả thế giới. Muốn duy trì tăng trưởng cao, tôi nghĩ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU là rất quan trọng”.

Trong khi Việt Nam chịu thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc, lên tới hơn 34 tỷ đô la trong năm 2019, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Thông qua hiệp định EVFTA, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ đô la, chiếm 22% GDP toàn cầu, trang Thông tin Chính phủ nhận xét hôm 8/6.

Ảnh: Sáng ngày 8-6-2020 Quốc hội thông qua Hiệp định EVFTA với tỷ lệ 94,62%.

Đánh giá chung, tiến sĩ Quang A tiên liệu với VOA rằng EVFTA sẽ làm cho xuất khẩu của Việt Nam “hiệu quả hơn” và quan hệ giữa Việt Nam và EU “sẽ tốt lên”, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng hiệp định giúp “tạo công ăn việc làm”.

Trang Thông tin Chính phủ dự báo hôm 8/6 rằng EVFTA sẽ giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm ở Việt Nam.

Cùng loan tin về việc quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA, trang Facebook của phái đoàn EU ở Hà Nội nói khi có hiệu lực, EVFTA sẽ mang lại những tác động “tích cực ngay lập tức” cho các doanh nghiệp ở cả Việt Nam và châu Âu.

Kể từ ngày đầu tiên có hiệu lực, việc cắt giảm thuế quan sẽ áp dụng cho 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng hóa mà EU nhập khẩu từ Việt Nam, Facebook của phái đoàn cho biết.

Do tác động từ việc cắt giảm thuế, phía Việt Nam dự báo tổng mức giảm thu ngân sách là “trên 2.500 tỷ đồng”. Tuy nhiên, các hoạt động đầu tư, thương mại được kỳ vọng sẽ sôi động hơn, với tăng trưởng kinh tế mạnh hơn, đem lại tăng thu nội địa “khoảng 7.000 tỷ đồng” trong giai đoạn 2020-2030, Thông tin Chính phủ đặt ra dự kiến.

EVFTA được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, trang Facebook của chính phủ Việt Nam nhận định.

Từ năm thứ 6 đến năm thứ 10, EVFTA có thể sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 4,57-5,3%, và hơn 7% đến gần 8% cho giai đoạn từ năm thứ 11 đến năm thứ 15 thực hiện hiệp định.

Việt Nam xem EVFTA là cơ hội để có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ, Thông tin Chính phủ cho biết.

Ảnh: Lễ ký kết Hiệp định EVFTA giữa đại diện EU và Chính phủ VN tại Hà nội ngày 19-6-2019 sau 9 năm đàm phán

Nói về lợi ích mà hiệp định mang lại cho khối châu Âu, phía Việt Nam dự báo nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33% vào năm 2025 và gần 37% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm.

Nghị viện châu Âu đã thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam cách đây 4 tháng, vào hồi đầu tháng 2, bất chấp cảnh báo của một số thành viên nghị viện về mối đe dọa đối với việc làm ở EU, và của các tổ chức bênh vực nhân quyền và xã hội dân sự về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam.

Nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội ở Việt Nam, hiệp định EVFTA chứa đựng các điều khoản theo đó Việt Nam cam kết sẽ thông qua hai dự luật về bãi bỏ lao động cưỡng bức và cho phép tự do lập hội.

Ngoài ra, có một điều khoản quy định rằng thỏa thuận thương mại này sẽ bị đình chỉ “nếu có vi phạm nhân quyền”.

Tuy nhiên, trong quá trình đưa tin về hiệp định này, VOA nhận thấy các tổ chức bảo vệ nhân quyền không giấu thái độ hoài nghi về khả năng EVFTA có ảnh hưởng tích cực tới tình hình nhân quyền còn bị xem là tồi tệ ở Việt Nam.

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) có trụ sở tại Paris hôm nay 26/05/2020 ra thông cáo đòi hỏi trả tự do cho hai nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Thành đồng thời kêu gọi các đối tác thương mại của Việt Nam gây áp lực để chấm dứt chiến dịch trấn áp mới này.

Blogger Nguyễn Tường Thụy bị bắt tại Hà Nội hôm thứ Bảy 23/05 và di lý về Sài Gòn. Ông Thụy, 68 tuổi, là cựu chiến binh, phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN).

Hai ngày trước đó, ông Phạm Chí Thành (bút hiệu Phạm Thành) cũng đã bị bắt tại nhà ở Hà Nội theo điều 117 Luật Hình sự (tội danh chống Nhà nước) và đang bị tạm giam. Ông Phạm Thành là chủ blog Bà Đầm Xòe, và vừa công bố một cuốn sách mang tựa đề « Nguyễn Phú Trọng : Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo ». Ông cũng là hội viên của Hội nhà báo độc lập Việt nam.

Ảnh: các thành viên sáng lập trong Lễ ra mắt hội nhà báo Độc lập ngày 4-7-2014. Trong bức ảnh này đã có 4 nhà báo bị bắt theo thứ tự thời gian là: Trương Minh Đức, Phạm Chí Dũng, Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy

Ông Daniel Bastard, phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF tuyên bố, việc bắt giữ hai ông Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành là một gáo nước lạnh cho những ai đang cố gắng tranh luận công khai tại Việt Nam, trong bối cảnh sắp đến Đại hội Đảng lần thứ 13. RSF kêu gọi các đối tác thương mại của Việt Nam, đứng đầu là Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ gây áp lực để Hà Nội chấm dứt trấn áp.

Ông Bastard nhắc lại, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là ông Phạm Chí Dũng đã bị bắt từ tháng 11/2019, từng được RSF trao danh hiệu « Anh hùng thông tin ».

Việt Nam hiện đứng thứ 175/180 trong danh sách tự do báo chí thế giới của RSF.

Bình luận về vụ bắt giam các nhà báo độc lập, TSKH Nguyễn Quang A nói:

Chắc chắn có liên quan đến việc chuẩn bị Đại hội 13 của ĐCSVN. Nó cũng có thể liên quan đến EVFTA bây giờ coi như đã xong và họ có thể rảnh tay hơn.

Một hình mẫu khá quen thuộc: gần đến những sự kiện lớn (Đại hội Đảng CSVN, vụ án nổi cộm, các cuộc viếng thăm cấp cao,.., gần đến các vụ án nổi cộm, Đồng Tâm chẳng hạn, và nhiều sự kiện khác) an ninh Việt Nam luôn có các vụ bắt bớ như vậy nhân danh “giữ an ninh”. Chắc chắn liên quan đến sự đối nội.

Đối ngoại thì có thể trong hoàn cảnh cả thế giới bận bịu với dịch Covid-19 và có lẽ ít lên tiếng hơn (hay EVFTA đã xong) làm cho ĐCSVN thấy thời cơ thuận tiện hơn để đàn áp mà không có hậu quả quốc tế gì mấy.

Người dân châu Âu nói với VOA rằng đa số nghị sĩ EU bỏ phiếu thuận cho hai hiệp định này hôm 12/02 là vì họ ‘không đủ hiểu biết’ để đối phó những ‘thủ thuật’ của phía Việt Nam, nhưng cũng có người tự tin rằng với cơ chế giám sát chặt chẽ của EU, các vi phạm sẽ được xem xét thấu đáo.

Ảnh: ngoài nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt năm ngoái 2019, thì ba nhà báo mới bị bắt trong năm 2020 đều gần 70 tuổi và đều có nguồn gốc từ Bộ máy nhà nước Cộng sản, bao gồm từ trái sang: Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng và Trần Đức Thạch

Từ Bruxells, Bỉ, ông Nguyễn Hoàng Hải, một người gốc Việt ủng hộ EVFTA, nhận định với VOA rằng cuộc bỏ phiếu hôm 12/02 vừa qua cho thấy phía EU “mặc cả non tay, và bị hớ.”

Hiệp định này sẽ tốt cho kinh tế của cả hai bên, nhưng phải nhìn nhận rằng phía EU đã bị hớ vì lẽ ra họ có thể đã đòi được nhiều hơn như các điều khoản về lao động, hình sự…nhưng họ đánh giá phía đối phương không đúng nên đã mặc cả sai.

“Họ không hớ về mặt kinh tế nhưng hớ về vị thế của họ, khi mà một đằng họ rao giảng về quyền con người, nhưng một đằng họ lại không chú trọng việc đấy.”

Ông Hải thuật lại lời nghị viên Pháp Raphael Glucksmann, Phó Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền, viết trên Twitter rằng “ngoài Đấng Thương mại ra, chúng ta còn có tương lai và các giá trị, các nguyên tắc đạo đức.”

Ngoài ra, nghị viên Glucksmann, người bỏ phiếu chống EVFTA còn nói rằng: “Chí ít Quốc hội Châu Âu cũng nên hoãn việc thông qua EVFTA cho đến khi nhà báo Phạm Chí Dũng được trả tự do, vì Phạm Chí Dũng vì viết thư cho chúng ta mà bị bắt.”

Tương tự như vậy, nghị sĩ Emmanuel Maurel, cũng từ Pháp, chỉ trích thỏa thuận thương mại này là “không mang lại lợi ích cho công dân bình thường mà chỉ làm lợi một phần nhỏ các công ty muốn tận dụng lao động ở nước ngoài.”

Ông Hoàng Hải nhận định thêm:

Đại đa số các nghị sĩ không hiểu rõ về Việt Nam, cho nên vừa rồi họ bỏ phiếu thuận cho EVFTA cũng là điều dễ hiểu thôi. Lý do là họ có rất nhiều hồ sơ khác được ưu tiên để theo dõi, nghiên cứu hơn, trong khi đó hồ sơ thương mại với Việt Nam thì dư luận châu Âu cũng như cử tri của họ cũng ít quan tâm.”

Nhưng tôi, tôi là người bi quan, tôi nghĩ là sự hiểu biết về Việt Nam của Nghị viện châu Âu không đủ để đối phó với những thủ thuật của Chính phủ Việt Nam.”

Ông Hải nhận định về lời đe dọa của ông Winkler Gyula, Nghị viên người Romania, nói sẽ hoãn hiệp định nếu phát hiện Việt Nam vi phạm nhân quyền:“Nhóm đảng EPP (Đảng Con người) của ông Gyula đe dọa mạng rằng nếu có vi phạm nhân quyền, vi phạm những điều khoản thì Hiệp định EVFTA sẽ bị hoãn ngay lập tức.”

Ảnh: Ông Lê Đình Kình và Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Cái chết của người đảng viên 84 tuổi Lê Đình Kình với những viên đạn kê vào sát đầu vào tim ngay tại giường ngủ là một tội ác vi phạm nhân quyền ghê rợn nhất do chính Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo với 3.000 lính biệt động đàn áp dân làng Đồng Tâm

Nhưng tôi nghĩ rằng việc hoãn EVFTA sẽ không dễ như ông ấy nói vì hai bên đang buôn bán với nhau thì làm sao bắt người ta dừng xuất nhập khẩu hoặc đánh thuế đột ngột cho được. Điều này có thể gây bất mãn cho doanh nghiệp.

Nhận định về cơ chế kiểm soát chung việc thực thi EVFTA của Quốc hội Việt Nam và Quốc hội châu Âu, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết:

“Họ nói có một cơ chế rất mơ hồ rằng sẽ sử dụng một ủy ban chung giữa QH Việt Nam và QH châu Âu để trao đổi thông tin và giám sát cùng với nhau.

“Ý tưởng là như vậy! Nhưng QH Việt Nam, như nhiều người đã biết – là do Đảng Cộng sản chỉ đạo!”

“Cụ thể trong vòng 5 năm nữa thì tôi nghĩ cũng không có gì thay đổi cả bởi vì với Bộ luật Hình sự như hiện nay thì chỉ cần họ đe dọa những người lãnh đạo các tổ chức công đoàn độc lập thì những tổ chức này cũng không dám lên tiếng hoặc chỉ lên tiếng rất nhẹ nhàng.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 18/02 kêu gọi EU gây sức ép để Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống và phóng thích các tù nhân chính trị đang bị giam cầm, một ngày trước khi EU và Việt Nam tiến hành Đối thoại Nhân quyền thường niên năm 2020.

EU đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng khi phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam mà không kèm theo các biện pháp chế tài yêu cầu các cam kết về cải cách nhân quyền,” ông John Sifton, Giám đốc Vận động châu Á của HRW nói trong một thông cáo.

Các nhà quan sát nhân quyền đề xuất rằng EU nên thiết lập văn phòng chuyên trách nhân quyền tại Việt Nam bên cạnh việc lập các nhóm giám sát độc lập của châu Âu để theo dõi tình trạng vi phạm nhân quyền, thăm tù nhân lương tâm tại Việt Nam; hỗ trợ và đảm bảo sự hiện diện của các công đoàn độc lập, và tổ chức điều trần về nhân quyền Việt Nam mỗi 6 tháng.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Campuchia, Philippines “trở cờ” tìm cách thoát Trung

>>> Bắc Kinh đoa dọa – Úc quyết “thoát trung”

>>> Mỹ mời hợp tác – Việt Nam „thoát Trung“?

9 Nghị viện liên minh đối phó – Đảng CS TQ “lâm nguy”

Kasse animation 7.8.2023