Thể chế chính trị là yếu tố khiến các CEO công nghệ chọn Indonesia

Ngày 19/4, RFA Tiếng Việt có bài phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Trí, một nhà nghiên cứu, nhà báo độc lập ở Sài Gòn, về tình trạng các CEO của các tập đoàn công nghệ, đến Việt Nam ca tụng, rồi sang Indonesia đầu tư.

RFA đề cập đến các chuyến thăm của lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, như Jensen Huang của NVIDIA, hay Tim Cook của Apple, đến Việt Nam gần đây. Họ đều ca tụng nước chủ nhà và đưa ra những lời hứa tốt đẹp, nhưng lại không có cam kết cụ thể nào. Rồi sau đó, cả 2 tập đoàn này đều sang đầu tư tại Indonesia.

RFA dẫn tạp chí của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (VAFIE) cho biết, “Hoa Kỳ đã áp đặt các yêu cầu cấp phép bổ sung đối với việc xuất khẩu chip Nvidia sang một số quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.” Lý do của lệnh cấm này là nhằm “hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ quan trọng”.

Bình luận về động thái này của Hoa Kỳ, ông Nguyễn Quốc Trí, cho rằng, Hoa Kỳ lo ngại Việt Nam nhận được chip tiên tiến của NVIDIA, rồi bán lại cho Trung Quốc.

Ông Nguyễn Quốc Trí ngạc nhiên khi Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong 2 lần gặp CEO Jensen Huang của NVIDIA và Tim Cook của Apple, thì đều nói giống nhau là mời họ đầu tư, lựa chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất toàn cầu. Bởi nói như vậy, thì rõ ràng, ông Thủ tướng không hiểu về đối tác.

Theo ông Nguyễn Quốc Trí, dù NVIDIA là công ty bán dẫn lớn nhất thế giới, tính theo vốn hóa thị trường, nhưng họ không sở hữu nhà máy riêng, mà chỉ đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển, cũng như thương mại hóa sản phẩm. Điều này cũng đúng với Apple.

Vì thế, ông Nguyễn Quốc Trí cho rằng, những câu như mong NVIDIA hay Apple xây nhà máy sản xuất tại Việt Nam là “vô nghĩa”, bởi họ không cần làm việc đó. Hãy nghĩ cách để Việt Nam vươn lên, có nhiều doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng của Apple hay NVIDIA, bắt đầu từ những thứ đơn giản như các chi tiết vỏ nhựa, dây cáp, … và cao cấp hơn là linh kiện, bo mạch, …

Ông Nguyễn Quốc Trí nhận định, điều đáng buồn này cho thấy, thói quen hay tập quán hoạch định chính sách dựa trên niềm tin duy ý chí, rất thiếu cơ sở khoa học của lãnh đạo Việt Nam. Trên thực tế, các lãnh đạo Việt Nam chưa thật sự hiểu mình và cũng chẳng hiểu người. Như thế thì thất bại là tất yếu.

Vẫn theo ông Nguyễn Quốc Trí, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn toàn cầu sang thăm và hội kiến lãnh đạo chính trị Việt Nam, thường nói những lời có cánh, là chuyện rất dễ hiểu, bởi nó phù hợp với nguyên tắc ngoại giao. Ngoài ra, “lời nói chẳng mất tiền mua”, thích nghe khen thì khen cho “nổ mũi”.

Điều này còn cho thấy, họ rất hiểu văn hóa và tập tính của người Việt Nam, nhưng các lãnh đạo Việt Nam thì chưa chắc hiểu họ.

Ông Nguyễn Quốc Trí đánh giá, trong chuyện làm ăn, đầu tư kinh doanh, thì điều quan trọng nhất đương nhiên phải là tính hiệu quả, đừng mong các tập đoàn lớn hay “đại bàng” sang làm tổ, nếu không khiến họ an tâm.

So sánh với Indonesia, ông Nguyễn Quốc Trí cho rằng, Indonesia là quốc gia rộng lớn và đông dân nhất Đông Nam Á, sở hữu nhiều lợi thế không kém hoặc hơn Việt Nam. Những thứ Việt Nam có thì Indonesia cũng đều có cả, mà thị trường của họ còn lớn gần gấp 3 Việt Nam.

Và quan trọng nhất là thể chế chính trị của họ, đang ngày càng hoàn thiện theo hướng tốt, tinh gọn, minh bạch và hiệu quả hơn, chất lượng nhân sự cũng cao hơn.

Ông Nguyễn Quốc Trí không nói người Indonesia thông minh hơn người Việt, mà nhân tài người Việt phần lớn đều phải lựa chọn sinh sống và làm việc tại hải ngoại.

Nhưng rõ ràng, thể chế của Indonesia hiện tại tốt hơn hẳn Việt Nam. Và đó là yếu tố quyết định khiến các big tech có xu hướng chọn Indonesia thay vì Việt Nam.

 

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023