Tổng Bí thư muốn né chuyện “đốt lò” trong vụ cho thôi chức hai Phó Thủ tướng

Sau phiên họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong ngày 30/12/2022, việc cho Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi chức vụ đang trở thành đề tài nóng. Theo bình luận của những người quan sát tình hình chính trị, sự kiện này có khả năng liên quan đến chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng. Bài viết “Thực hành nêu gương trong sinh hoạt chính trị cấp cao” của tác giả Nghĩa Nhân xuất hiện trên báo Vietnamnet vào ngày 04/01/2023, dường như là một kiểu định hướng trước sự quan tâm của dư luận.

Bài báo “Thực hành nêu gương trong sinh hoạt chính trị cấp cao” của Nghĩa Nhân trên Vietnamnet ngày 04/01/2023

Để nhấn mạnh rằng, đây là “chuỗi sự kiện đặc biệt”, tác giả nêu ra trường hợp từ chức của Tổng Bí thư Trường Chinh trong lịch sử Đảng, xảy ra vào năm 1956, vì những sai lầm trong Cải cách ruộng đất. Tác giả Nghĩa Nhân giải thích rằng: “Từ chức ở đây được hiểu là những cán bộ cấp cao ấy, tự nhận thấy trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, tự giác chính trị, nhận trách nhiệm chính trị cao nhất. Hoàn toàn không phải vì những hạn chế, khuyết điểm, hay sai phạm mà tìm đến từ chức như để thoái thác trách nhiệm.”

Cũng trong bài viết này, tác giả dẫn chứng về những trao đổi giữa tác giả và các Ủy viên Trung ương về đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt này. Họ đều cảm nhận rằng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là những người tham gia nhiều nhiệm kỳ Trung ương, giữ cương vị cao, nhưng nhận trách nhiệm chính trị và nêu gương như vậy thì cũng sẽ mở đường để các đảng viên khác nếu tự thấy mức độ hoàn thành không tốt, cũng sẵn sàng nghỉ để nhường vị trí cho những người khác.

Tuy nhiên, có vẻ như việc bài viết luôn muốn định hướng sự kiện hai Phó Thủ tướng bị thôi chức, trở thành việc khuyến khích từ chức, khuyến khích nhận trách nhiệm chính trị, và “Thực hành nêu gương trong sinh hoạt chính trị cấp cao”, lại càng thể hiện nhiều mâu thuẫn. Vì quyết định cách chức này xảy ra trong một phiên họp bất thường của Hội nghị Trung ương.

Ban chấp hành Trung ương Đảng họp bất thường vào tháng 6/2022 để kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long

Mặc dù, tác giả Nghĩa Nhân nhận định, đây là “chuỗi sự kiện đặc biệt”, nhưng chỉ nêu lên việc “Hai Phó Thủ tướng là cán bộ lãnh đạo cao cấp, nên đã nhận thức phải có trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước nhân dân và đã nhận trách nhiệm chính trị ở mức cao nhất.”

Khi tác giả đề cập đến sự chỉ đạo của Nguyễn Phú Trọng, đã trích lời của ông trong Hội nghị Trung ương bất thường vừa qua, rằng, Tổng Bí thư “bày tỏ sự đánh giá cao của Bộ Chính trị về hai cán bộ cao cấp của Đảng, đều là những người đồng chí qua rèn luyện, trưởng thành, có nhiều đóng góp”.

“Nhưng đến lúc này, khi thấy mình đã nỗ lực hết sức, nhưng không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, thì đã chủ động dừng lại, rút lui trong danh dự, đây là thực hiện đúng trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Trung ương bất thường ngày 30/12/2022

Cùng với việc so sánh tấm gương từ chức của ông Trường Chinh, có thể thấy, mục đích của bài viết là bẻ lái dư luận, rằng, hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã tự từ chức, chứ không phải bị kỷ luật.

Như vậy, có thể thấy rằng, ngoài việc cách chức, khởi tố những người trực tiếp liên quan đến vụ kit test Việt Á và vụ án chuyến bay giải cứu, bao gồm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Long và Trợ lý của hai Phó Thủ tướng, cùng nhiều cán bộ khác, theo mô típ “chiến dịch đốt lò”, thì việc Bộ Chính trị đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thanh trừng hai Phó Thủ tướng, đã trở thành vở kịch “Thực hành nêu gương” thô thiển được dựng lên khá vụng về.

 

Quang Minh – thoibao.de (Tổng hợp)

 

Kasse animation 7.8.2023