Công an áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội một cách kỳ lạ trong vụ tiếp viên hàng không mang ma túy

Link Video: https://youtu.be/b-ryOqQrCvg

RFA Tiếng Việt ngày 26/3 có bài bình luận “Vụ tiếp viên hàng không bị phát hiện mang ma túy: Suy đoán vô tội hay suy diễn vô tội?” của tác giả Nguyễn Trường Ba.

Trong bài viết, tác giả đề cập đến nguyên tắc suy đoán vô tội của pháp luật, theo đó, “người bị buộc tội được coi là không có tội, cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Đây là nguyên tắc vàng của tố tụng hình sự, là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, để đảm bảo quyền con người và hoạt động tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, theo tác giả, suy nào thì suy, cũng phải dựa chắc trên những bằng chứng và lời khai hợp pháp. Nếu không, nó sẽ là suy diễn vô tội chứ chẳng phải suy đoán vô tội nữa.

Trong vụ tiếp viên hàng không mang ma túy, tác giả đánh giá, theo thông tin trên báo chí thì lời khai của các cô tiếp viên rất sơ hở và khó tin.

Phân tích về lời khai này, tác giả cho rằng, những tiếp viên được đào tạo bài bản, ai cũng hiểu rằng, tuyệt đối không mang xách hành lý giùm người lạ. Bởi lẽ, nếu bị phát hiện có hàng cấm trong hành lý, thì nhiều khi tình ngay lý gian, thậm chí có khi không có cách nào chứng minh được bản thân trong sạch. Còn nếu đã nhận xách giùm, họ cần biết rõ nhân thân người gửi, người nhận. Hai đầu người gửi – người nhận đều phải có tên tuổi, địa chỉ, điện thoại cụ thể tận nơi để giao nhận hàng.

Tác giả nhận xét, cả bốn cô tiếp viên, trong đó có tiếp viên trưởng vốn có kinh nghiệm và kiến thức an toàn bay, mà lại đồng loạt ngây thơ tập thể, khai rằng, nhận số kem đánh răng từ một người gửi không biết là ai, rồi lại còn sơ sẩy đến mức chỉ kiểm tra qua loa số hàng được thuê xách, xong “bàng hoàng và khóc rất nhiều khi biết trong đó có ma túy”! Theo tác giả, lý lẽ này ngô nghê đến mức không thể tiếp nhận nổi.

Cũng theo tác giả, khi các cô bị bắt, nhiều người muốn tin rằng các cô bị oan, bởi tiếp viên hàng không thu nhập cao, ai lại dại đến nỗi xách ma túy ngơ ngơ, để lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân sớm. Một số người khác lại cười khẩy, bảo hội hàng không cũng làm ăn kinh lắm, tiền nhiều quáng mắt, lời khai vô lý như trò trẻ, sơ hở lộ vết nói dối sờ sờ như thế mà bảo oan, thì có mà oan Thị Màu!

Nhưng, trong khi hai phe đang cãi nhau kịch liệt, thì Cục Hải quan TP. HCM trả lời với báo chí, khẳng định vụ này “không phải chuyện tình cờ” để bắt. Mà thông qua nhiều nghi vấn, căn cứ thông tin tình báo, các nghiệp vụ kiểm soát hải quan, đối tượng trọng điểm, thông tin thu nhập… Cục Hải quan TP. HCM mới chỉ đạo phá án.

Hình: Bài trên RFA

Tác giả giải nghĩa điều này là: Sau một thời gian dài theo dõi + thông tin tình báo đã khoanh vùng nhóm này + các nghiệp vụ kiểm soát hải quan đã phát hiện nghi vấn trong hành lý của họ có chứa ma túy + là nhóm đối tượng trọng điểm, tức còn các đối tượng râu ria khác + (có thể) nhiều dấu hiệu nghi vấn họ đã hơn một lần xách tay ma túy về Việt Nam… Tóm lại, trong ngoài trên dưới trước sau đã đủ chứng cứ để bắt, thì Hải quan TP. HCM mới phát lệnh bắt.

Đến đây, dường như mọi thứ đã quá rõ ràng.

Nhưng, đùng một cái, tác giả cho hay, chỉ sáu ngày sau lời tuyên bố chắc như đinh đóng cột ấy của Hải quan, Công an TP. HCM tuyên bố trả tự do cho bốn cô tiếp viên. Lý do cực kỳ ngắn gọn: Bước đầu xác định, khi bốn tiếp viên hàng không này đang lưu trú tại Pháp, thì có một người Việt Nam nhờ chuyển hàng gửi về cho người nhà. Các tiếp viên này không biết bên trong kem đánh răng nhận vận chuyển có cất giấu ma túy. Do vậy, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.

Tác giả nhấn mạnh, ngoài thông tin các tiếp viên này không biết bên trong số hàng có chứa ma túy, không còn thông tin gì nữa. “Không biết bên trong là ma túy” là lời khai của các cô, đồng thời cũng chính là kết luận của cơ quan công an sau khi điều tra.

Tác giả nêu thắc mắc, tại sao thông tin quan trọng nhất, có vai trò trực tiếp xác định mức độ vi phạm pháp luật và thủ phạm, lại chỉ cụt ngủn mù mờ đến thế?

Trong khi đó, phần mở màn của vụ án lại có rất nhiều thông tin chi tiết được tung ra báo chí? Ví dụ các clip (trông rõ mặt) từ khoảnh khắc cô tiếp viên trưởng đặt hành lý lên băng chuyền, qua kiểm soát hải quan, phát hiện nghi ngờ, đến đoạn cán bộ hải quan cắt từng ống kem đánh rang, tháo ra ma túy dạng bột và thuốc lắc.

Tác giả nhận xét, nếu Cục Hải quan TP. HCM “tung” tin không chính xác, thì họ phải có lời xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn nếu, theo như phía Công an TP. HCM tái khẳng định sau đó, vụ án mới chỉ bắt đầu điều tra để làm rõ bản chất vụ việc, thì nên chăng, họ đừng vội đưa ra thông tin nào về các cô tiếp viên này, cho đến khi vụ án được xác định rõ hoàn toàn, định danh rõ thủ phạm. Bởi tính mạng và danh dự con người rất nhạy cảm và dễ tổn thương, nhưng không thể bồi thường hoặc bù đắp.

Cuối cùng, tác giả nêu quan điểm, muốn cho nguyên tắc văn minh “Suy đoán vô tội” được thực hiện đúng bản chất và đúng trình tự pháp luật, các cơ quan có chức năng nên hết sức thận trọng và tiết chế trong việc đưa thông tin, để tránh trở thành “Suy diễn vô tội”. Suy diễn vô tội hay có tội đều không tốt cho việc xác định, trừng phạt thủ phạm, phổ cập kiến thức pháp luật trong xã hội và thiết lập lòng tin của người dân vào chính quyền.

Hình: Cục Hải quan TP. HCM khẳng định “không phải tình cờ”

Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Bà Phạm Thị Thanh Trà tham nhũng chính sách bảo vệ đứa “em dại”?

>>> Đừng nghe những gì Tổng Trọng nói, hãy xem những gì Tổng Trọng làm

>>> Ghế tựa lưng gãy, Vượng Vin đang chới với tìm chỗ vịn?

>>> Công an ngập ngụa trong tiền, Y tế bị bỏ đói phải chọc vòi vào túi dân mà hút

Sự khác biệt trong quyền sở hữu chung cư tại Việt Nam và Thái Lan