Đốt bạc tỷ mỗi ngày, Quốc hội dựng những vở tấu hài giá rẻ

Xuân thu nhị kỳ, đến hẹn lại lên, Quốc hội của chính quyền Cộng sản lại nhóm họp. Đã từ lâu, người dân gọi Quốc hội này là quốc hội bù nhìn, còn các ông nghị bà nghị trong Quốc hội đó là các nghị gật. Trước khi Quốc hội lần này nhóm họp, thì Hội nghị Trung ương 8 đã diễn ra, và mọi vấn đề đã được quyết trong Hội nghị này rồi, Quốc hội họp chỉ để gật mà thôi.

Quốc hội có khoảng 500 người, ủy viên Trung ương Đảng khoảng 200 người, chia nhau nắm quyền lực từ Trung ương đến địa phương. Mỗi tỉnh chỉ có 1 ủy viên Trung ương Đảng, đó là bí thư tỉnh. Bí thư tỉnh nào thì thường cũng là người đứng đầu đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đó.

Như vậy là, Trung ương Đảng phân công người của mình “chăn dắt” những đoàn đại biểu Quốc hội địa phương. Vì thế, khi Hội nghị Trung ương đã đưa ra quyết sách, thì các ông bà chăn dắt này sẽ mang những ý kiến do Trung ương Đảng chỉ đạo, về phổ biến lại cho các đại biểu Quốc hội trong đoàn của mình.

Đó chính là cách mà Đảng Cộng sản điều hành, khiến cho toàn bộ đại biểu Quốc hội phục tùng Đảng, đảm bảo tất cả đều hót chung một bản nhạc do Bộ Chính Trị đưa ra.

Hội nghị Trung ương 8 vừa qua kéo dài 7 ngày, là kỳ Hội nghị kéo dài hơn các kỳ khác. Thông thường, mỗi kỳ hội nghị chỉ chừng 2 ngày.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15 này cũng kéo dài và diễn ra trong hai đợt. Đợt 1 từ ngày 23/10 đến 10/11, và đợt 2 từ ngày 20 đến 28/11. Tại sao chỉ tụ lại để gật những vấn đề mà Hội nghị Trung ương đã quyết, mà lại tốn nhiều thời gian như thế?

Thật ra, việc Quốc hội họp hành kéo dài cũng chỉ là màn kịch mà thôi. Đó là cách mà Quốc hội bày vẽ ra, cho ra vẻ “bận rộn”.

Đó là lý do mà người dân cứ phải xem đi xem lại những vở hài kịch của cả đại biểu Quốc hội và cả ban tổ chức.

Vừa qua, Quốc hội tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm 44 chức danh của nhà nước. Kết quả không ngoài dự đoán, ai ai cũng có tỷ lệ “tín nhiệm cao” áp đảo. Đây rõ ràng cũng là một trò hề. Trò hề này diễn đi diễn lại tại Quốc hội và các hội đồng nhân dân ở địa phương.

Trước đây, khi bầu ông Chu Ngọc Anh thay cho ông Nguyễn Đức Chung, thì Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đồng ý 100% số phiếu. Nhưng rồi không bao lâu sau đó, cũng chính Hội đồng Nhân dân này phế truất ông ta, cũng với 100% số phiếu.

Cách đây 10 năm, báo chí cho biết, chi phí cho mỗi ngày họp Quốc hội là 1 tỷ đồng. Cứ lấy mức lạm phát trung bình là 10% / năm, thì tính theo thời giá hiện nay, mức chi cho một ngày họp của Quốc hội phải là 2,6 tỷ đồng. Trong 22 ngày họp của Quốc hội, có thể ngốn gần 60 tỷ đồng tiền thuế của dân.

Khi mọi vấn đề đã được Trung ương Đảng quyết định, thì Quốc hội có cần phải tốn tiền của dân, chỉ để gật hay không? Đã là độc đảng thì dân nào có dự phần vào vấn đề quốc gia đại sự bao giờ đâu?

Nếu là một buổi chiếu phim hay buổi trình diễn ca nhạc, thì còn mang lại cho khán giả món ăn tinh thần. Còn đằng này, Quốc hội chỉ gật những vấn đề đã được quyết trước đó, thì mang lại cho dân giá trị gì? Chẳng có giá trị gì cả. Những gì diễn ra tại Hội trường Ba Đình chỉ là màn kịch rẻ tiền nhưng lại bán giá đắt cho dân.

Quốc hội sẽ còn phải họp để tiếp tục theo đúng lịch trình. Sẽ không có gì thay đổi, không có gì đột phá ở nghị trường. Có chăng, chỉ một vài ý kiến là dân có thể nghe lọt tai, như ý kiến của ông Lưu Bình Nhưỡng ở những kỳ họp Quốc hội khóa trước.

Tuy nhiên, đến khóa này, những người có tiếng nói vì dân lẻ loi như ông Nhưỡng cũng không còn nữa. Tại Quốc hội khóa 15, Đảng Cộng sản cho đồng phục tư tưởng toàn bộ, mà không cần trang điểm vài tiếng nói vì dân như trước. Đảng Cộng sản càng ngày càng cực đoan hơn rất nhiều.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023