Tổng lẻ bầy quân Tô để diệt, hay Tô tung quân đánh vào “hang ổ” Tổng?

Những ngày qua, chính trường Việt Nam đã có những sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là sự thay đổi ở Bộ Công an.

Đầu tiên là việc ông Tô Lâm rời ghế Bộ trưởng, nhậm chức Chủ tịch nước. Thứ nhì là ông Nguyễn Duy Ngọc – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, được điều về Văn phòng Trung ương Đảng, nhận chức Chánh Văn phòng. Thay đổi thứ 3 là Trung tướng Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công an, rời về Phủ Chủ tịch, nhậm chức Chánh Văn phòng. Và hiện giờ, Bộ Công an vẫn chưa có Bộ trưởng mới.

Việc liên tiếp có 2 ông Tướng Công an rời Bộ, để nhận công tác mới, nhận được nhiều đánh giá trái ngược. Có ý kiến cho rằng, sau nhiều năm nuôi quân, giờ Tô Lâm cho quân vỗ cánh tung bay, rời khỏi Bộ Công an để kiểm soát các lĩnh vực khác. Đặc biệt, việc Tướng Nguyễn Duy Ngọc nhận nhiệm vụ “gác đền” cho Tổng Trọng, gây nhiều thắc mắc.

Trường hợp Tướng Tô Ân Xô dễ hiểu hơn, đơn giản, ông là tay hòm chìa khóa của Tô Lâm. Khi ông Tô Lâm nhận nhiệm vụ mới, thì ông cũng kéo đệ ruột đi theo. Trường hợp này cũng tương tự như ông Phạm Thái Hà – Trợ lý cho ông Vương Đình Huệ trước đây. Ông Huệ nhận nhiệm vụ nơi nào, thì kéo Phạm Thái Hà đi theo nơi đó.

Với trường hợp Nguyễn Duy Ngọc thì lại khác, hiện nay, có ý kiến cho rằng, ông Ngọc vốn là người của Tổng Trọng, nên mới được ông Trọng giao cho chức vụ quan trọng như thế. Chánh Văn phòng Trung ương Đảng là chiếc ghế đảm bảo cho khả năng vào Bộ Chính trị rất cao. Trước đây, ông Lê Minh Hưng nắm ghế này, giờ ông đã là Ủy viên Bộ Chính trị. Những tiền nhiệm từng nắm giữ ghế này, như ông Nguyễn Văn Nên, ông Trần Quốc Vượng, ông Ngô Văn Dụ và ông Nguyễn Văn Chi v.v… đều được vào Bộ Chính trị.

Xưa nay, ghế Chánh Văn phòng Trung ương Đảng chỉ được giao cho người mà Tổng Bí thư tin cậy, bởi đây là vị trí nắm giữ tay hòm chìa khoá của Tổng Bí thư. Đó cũng là lý do khiến dân mạng đồn đoán rằng, Nguyễn Duy Ngọc là người của Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải người của Tô Lâm.

Cũng có ý kiến cho rằng, ông Trọng đem miếng ngon ra để nhử Nguyễn Duy Ngọc ra khỏi hang ổ Bộ Công an, và tìm cách kìm hãm Nguyễn Duy Ngọc trong vòng kiểm soát của ông Trọng, qua đó, chặn bớt sức mạnh của Tô Lâm.

Cũng có luồng ý kiến khác cho rằng, Tô Lâm đưa Nguyễn Duy Ngọc thọc sâu vào Ban Bí thư, để canh chừng Tổng Trọng. Nói chung, ý kiến nào cũng dựa vào những lập luận riêng.

Thật ra, khi Nguyễn Duy Ngọc từ Công an Hà Nội về Bộ Công an, vào năm 2016, chỉ với cấp hàm Đại tá. Từ 2016 đến 2023, chỉ trong 7 năm, Nguyễn Duy Ngọc được ông Tô Lâm cho đốt cháy giai đoạn, thăng hàm liên tục, từ Đại tá lên đến Thượng tướng. Đây được xem là mức độ thăng tiến nhanh kỷ lục. Nếu không có Tô Lâm nâng đỡ, Nguyễn Duy Ngọc không thể tiến nhanh như thế, bởi Bộ Công an là lãnh địa của Tô Lâm. Nếu không thuộc nhóm lợi ích của Tô Lâm, thì sẽ không có đất sống ở đây, chứ nói gì đến việc được ưu ái thăng quân hàm nhanh như thế.

Như vậy, có thể nói, khả năng Nguyễn Duy Ngọc là người của Tô Lâm cao hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, Nguyễn Duy Ngọc bị Nguyễn Phú Trọng xé lẻ ra khỏi Bộ Công an, để làm giảm sức mạnh của Tô Lâm, hay Tô Lâm đưa chiến tướng của mình, canh giữ ở “hang ổ” của Tổng Bí thư, thì rất khó xác định. Bởi Nguyễn Duy Ngọc chỉ mới nhậm chức, chưa có hành động nào trong cương vị mới, để có thể đánh giá.

Cần chờ đợi thêm thời gian, khi vị trí Bộ trưởng Bộ Công an được quyết định, sẽ nói rõ phe nào thắng thế. Nếu ghế này lọt vào tay Lương Tam Quang, thì Nguyễn Duy Ngọc là phương án của Tô Lâm, cấy vào “hang ổ” của ông Tổng. Còn nếu Bộ trưởng Công an là người của ông Tổng, thì Nguyễn Duy Ngọc xem như bị lọt vào tầm ngắm, chịu sự kiểm soát của đối thủ. Lúc đó, Nguyễn Duy Ngọc hoặc bị hạ, hoặc phải gia nhập phe đối thủ.

 

Trần Chương – Thoibao.de