Thế chẻ tre của Tô Lâm bị chặn đứng, lực lượng chống Tô đang lớn mạnh?

Kể từ khi thành công triệt hạ Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai, sau đó là cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng, thì thế của Tô Lâm thắng “như chẻ tre”. Lúc đó, dường như không có thế lực nào có thể ngăn cản được ông.

Những tưởng, khi lên được Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, kiêm luôn Bí thư Quân ủy Trung ương, đồng thời có đàn em nắm giữ Bộ Công an, thì sẽ không còn lực lượng nào có thể chống lại lực lượng Hưng Yên của ông. Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương 10 vừa qua cho thấy, thế chẻ tre của ông Tô Lâm bắt đầu vấp phải cản lực.

Tại Hội nghị Trung ương 10, không có bất kỳ sự cất nhắc nào đối với phe nhóm Hưng Yên. Đáng nói là, Đại tướng Phan Văn Giang lại bỏ họp Hội nghị Trung ương, cho triệu tập cuộc họp riêng ở Bộ Tổng tham mưu, thuộc Bộ Quốc phòng. Còn tướng Hoàng Xuân Chiến – người được xem là thân cận với ông Tô Lâm – cũng không tham dự Hội nghị Trung ương 10 vì đi thăm Triều Tiên.

Bên cạnh đó, phe quân đội sắp chiếm được chức Chủ tịch nước – một chức vụ mà họ tước lấy từ tay Tô Lâm.

Đáng chú ý hơn, những đề xuất cải cách mà Tô Lâm đề xướng ở Hội nghị Trung ương 10, đều không được thông qua. Trung ương Đảng vẫn vận hành như cũ. Điều này cho thấy, quy tắc “luật là Tô, Tô là luật” của ông đã bị cản trở ở Hội nghị Trung ương lần này.

Muốn xây dựng sức mạnh vượt trội, thì trước hết, phải áp được luật chơi của mình lên luật chung, phải sửa được luật theo ý mình, lúc đó, những lợi thế của phe cánh mới được phát huy. Ở khía cạnh này, ông Tô Lâm đang vấp phải một tảng đá lớn. Hứa hẹn, Hội nghị Trung ương lần tới sẽ đánh nhau dữ dội hơn, để tranh giành ảnh hưởng.

Sau chuyến đi Mỹ, ông Tô Lâm sẽ ghé Cuba. Việc này chẳng có lợi ích gì cho quốc gia, bởi Cuba là một quốc gia nghèo đói. Việt Nam nhiều lần tốn gạo, cứu đói cho dân Cuba, trong khi, thành phần Cộng sản cầm quyền ở đây thì sống phè phỡn và thao túng quyền lực. Việc ghé Cuba lần này, được nhiều chuyên gia đánh giá là, ông Tô Lâm muốn làm hài lòng thành phần bảo thủ trong Đảng. Thành phần này chẳng bao giờ suy nghĩ cho quyền lợi quốc gia, mà chỉ nghĩ đến thứ tình anh em Xã hội Chủ nghĩa viễn vông.

Một khi Tô Lâm phải vuốt đuôi thành phần bảo thủ trong Đảng, thì điều đó có nghĩa là, ông vẫn chưa phải là lực lượng mạnh vô đối, vẫn phải nhân nhượng các thành phần khác.

Ông Tô Lâm lên Tổng Bí thư không qua quá trình chọn lựa trong Đảng, mà thực hiện một cuộc “đảo chính” mềm. Những kẻ đang ngồi mâm dưới của Tô Lâm sẽ không thể đồng tình với những việc mà ông đã và đang làm. Nguy hiểm nhất là, họ có thể liên minh lại để chống ông, khi đó, không biết, ông có đủ sức để trừng trị họ hay không?

Có vẻ như, từ thế tấn công, ông Tô Lâm buộc phải dần chuyển sang thế phòng thủ. Khi thế tấn công bị chặn đứng, nếu ông không có cách để đẩy phe Hưng Yên tiến lên, thì về lâu về dài, ông lại có thể bị tấn công. Hiện giờ, thế tấn công của ông đã bị chững lại, bởi phe chống đang mạnh lên, đang đi những nước cờ lợi hại hơn.

Ngay sau khi lên Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã đi Bắc Kinh “đảnh lễ”, tuy nhiên, có vẻ như Tập Cận Bình vẫn chưa tin ông, như tin Nguyễn Phú Trọng. Tiếp theo, chuyến đi Mỹ của ông lại bị Tổng thống Mỹ từ chối gặp.

Ông Tô Lâm đang phải cố gắng để giữ thăng bằng giữa 2 cường quốc, nhưng Mỹ thì không hợp tác, Tàu thì lại muốn tung đòn thử.

Có thể nói, hiện nay, “thù trong, giặc ngoài” đang nổi lên quanh Tô Lâm. Chính sách lớn thực hiện không thành công, lực lượng chống đối sẽ có cớ để cấu kết với nhau, nhằm chống lại ông.

Đi lên bằng “bạo lực cách mạng”, cai trị cũng bằng “bạo lực cách mạng”, với ngay cả các đồng chí, nên Tô Lâm đang gặp phải một cản lực rất lớn, do chính ông tạo ra.

 

Trần Chương – Thoibao.de