Lương Cường làm Chủ tịch nước, chiếc ghế “ma ám” liệu còn linh?

Chiều 21/10, Đại tướng Quân đội Lương Cường đã chính thức trở thành Chủ tịch nước. Đây là vị Chủ tịch nước thứ 4, chỉ trong hơn 3 năm đầu của nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Tuy nhiên, chưa chắc ông Lương Cường đã là vị Chủ tịch nước cuối cùng, trong nhiệm kỳ này. Cung đình vẫn còn nhiều phe phái đang tranh giành quyền lực, đôi khi, ghế Chủ tịch nước lại trở thành “bia đỡ đạn” cho ai đó.

Ông Lương Cường từng là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, và là 1 trong 2 phe mạnh nhất của quân đội. Tuy nhiên, vào năm 2021, ông đã thất bại trước Đại tướng Phan Văn Giang, trong cuộc đua tranh chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Mặc dù khi đó, ông Cường được Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hậu thuẫn.

Không giống ông Nguyễn Xuân Phúc hay ông Võ Văn Thưởng, vốn không được một phe phái mạnh nào hậu thuẫn. Ông Lương Cường được đánh giá là có nhiều mối quan hệ với các tướng lĩnh trong quân đội, đặc biệt là các tướng trưởng thành từ Tổng cục Chính trị. Hiện nay, trong Bộ Chính trị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Thượng tướng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, là người từng sát cánh với ông Lương Cường trong Tổng cục Chính trị.

Như vậy, ông Cường không phải là Chủ tịch nước không có thực quyền, như Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, mà ông có những mối quan hệ nhất định. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để ông trở thành Chủ tịch nước đầy quyền lực, như ông Tô Lâm, hay ông Nguyễn Phú Trọng từ năm 2018 – 2021. Nếu muốn vững vàng, ông Cường cần liên minh với nhiều phe khác trong quân đội, đặc biệt là phe Phan Văn Giang. Nếu chỉ tự thân, ông vẫn chưa thể là đối thủ của ông Tô Lâm, càng không đủ sức để cân bằng quyền lực với ông Tô Lâm.

Sau cái chết bí ẩn của ông Trần Đại Quang, ghế Chủ tịch nước chưa bao giờ “sóng yên biển lặn”. Ông Trọng ngồi ghế này chưa được 1 năm, thì suýt bị chết ở Kiên Giang. Đến nhiệm kỳ 2021 – 2026, thì không vị nào có thể ngồi ghế Chủ tịch nước đến hết nhiệm kỳ. Đáng nói là sự thay đổi nhân sự liên tục của ghế Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ này, khiến người dân gọi nó là “ghế ma ám”.

Vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu ông Lương Cường có yên vị trên ghế Chủ tịch nước, để phá bỏ “lời nguyền” dành cho chiếc ghế này hay không?

Thực tế, tuy xếp thứ 2 trong “Tứ trụ”, nhưng ghế Chủ tịch nước chỉ mang tính lễ nghi, không có thực quyền. Đây được xem là ghế có sức chống đỡ bão tố yếu nhất trên chính trường. Nếu không có “binh quyền” trong tay, thì khó mà trụ vững ở chiếc ghế này.

Về mặt đối ngoại, ông Lương Cường đã “làm tròn bổn phận” bề tôi trước Tập Cận Bình. Tuy nhiên, về đối nội, hình như ông vẫn chưa kết nối tốt với ông Phan Văn Giang, để tạo thành một nhóm quyền lực mới, đủ sức cân bằng với nhóm quyền lực của Tô Lâm.

Chưa chắc ghế Chủ tịch nước không bị nhòm ngó. Dù sao, chiếc ghế này cũng đảm bảo cho 1 chân, trong 4 vị trí cao nhất của Đảng. Tuy không có thực quyền, nhưng lại có tiếng nói đáng kể, trong các vấn đề lớn của Đảng và đất nước.

Hiện nay, ông Lương Tam Quang vừa là Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời là Đại tướng, và là Bộ trưởng Bộ Công an. Đến Đại hội 14, rất có thể, ông Quang sẽ tranh giành chức Chủ tịch nước với ông Lương Cường, để thực hiện tham vọng “Hưng Yên hóa” Tứ trụ.

Chính trường Việt Nam đang có những chuyển biến mạnh trong thời gian qua. Trong “Tứ trụ” hiện nay, có đến 3 trụ xuất thân từ Công an và Quân đội. Xem ra, thời gian tới, đấu cung đình sẽ là những trận đấu sinh tử giữa các ông tướng, gồm: Tô Lâm – Đại tướng Công an; Lương Cường – Đại tướng Quân đội; Phạm Minh Chính – Trung tướng Công an.

Chỉ còn duy nhất Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch Quốc hội, là người ngoài lực lượng vũ trang. Về thực lực, Trần Thanh Mẫn bị đánh giá là yếu nhất, so với 3 nhân vật còn lại.

Tương lai, có thể sẽ là những trận kịch chiến giữa các ông tướng trong Tứ trụ!

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de