Tập Cận Bình “thất sủng”

https://www.youtube.com/watch?v=9JoyxPDcsQo

Trong bài diễn văn ngày 31/12/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành một “lời hứa trang trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc dành cho người dân và lịch sử” rằng năm 2020 sẽ đánh dấu “cột mốc” Trung Quốc “hoàn thành việc xây dựng một xã hội tương đối thịnh vượng”, tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người (2020 so với 2010), gấp đôi GDP và xóa hẳn nghèo đói. Nhưng đại dịch COVID-19 xảy đến bất ngờ đã biến lời hứa của ông Tập trở nên viển vông hơn bao giờ hết. Trung Quốc hậu COVID-19 đang đối mặt với muôn vàn khó khăn chưa từng có thậm chí còn đe dọa đến tính chính danh, sự tồn vong của Đảng.

Thông qua một số dữ liệu từ lượng than đá được đốt tại các nhà máy năng lượng đến mức độ tắc đường ở Bắc Kinh hay nhiều khoản vay được gia hạn hơn và doanh số bán ôtô cũng tăng, nhiều người cho rằng kinh tế Trung Quốc đang phục hồi. Nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với nỗi sợ hãi tồi tệ nhất về tình trạng thất nghiệp và bất ổn xã hội lớn nhất từ mấy thập kỷ này mà đại dịch để lại.

Quy mô thống kê đầy đủ về số người thất nghiệp ở Trung Quốc thường rất khó nắm được chính xác. Báo cáo tỷ lệ thất nghiệp chỉ theo dõi số lượng người thất nghiệp ở khu vực thành thị, gần như không vượt quá mức 4% đến hơn 5% trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, ngay cả những thống kê chính thức cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, đạt mức kỷ lục 6,2% trong tháng 2 và giảm nhẹ xuống 5,9% trong tháng 3. Điều này có thể cho thấy hơn 27 triệu người đã mất việc.

Và tỷ lệ thất nghiệp đô thị chính thức được dự báo sẽ giảm xuống 5,8% trong tháng 4.

Nhưng theo các nhà phân tích từ BNP Paribas SA cho biết, tỷ lệ thất nghiệp thực sự bao gồm cả cư dân ngoài đô thị có thể đã đạt 12% trong quý I/2020, và có tới 130 triệu người có thể phải chịu một hình thức gián đoạn công việc.

Thống kê chính thức của Bắc Kinh không bao gồm người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hay số lượng lớn 290 triệu lao động nhập cư làm việc trong ngành xây dựng, sản xuất và các ngành quan trọng nhưng có thu nhập thấp.

Zhang Bin, nhà kinh tế học tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng nếu tính cả những lao động nhập cư, có thể đã có tới 80 triệu người ở nước này mất việc vào cuối tháng 3.

Các chuyên gia khác cũng nhận định con số 80 triệu người có thể rất sát với thực tế. Điều này đồng thời thể hiện rằng gần 10% người dân được cho là có việc làm ở Trung Quốc thực chất đã nghỉ việc.

Cú sốc COVID-19 gây ra cho thị trường việc làm là chưa từng có, cả về quy mô, mức độ và tính chất“, hai nhà nghiên cứu Wei Yao và Michelle Lam, thuộc công ty dịch vụ tài chính Société Générale của châu Âu, viết trong một báo cáo hồi tuần trước.

Bộ Thương mại Trung Quốc không bình luận về thông tin trên.

Phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hồi tháng trước thừa nhận thị trường lao động chịu nhiều áp lực do đại dịch, nhưng khẳng định tình trạng việc làm nhìn chung vẫn “ổn định“.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang đương đầu với tình trạng sẽ có thêm hàng triệu người lao động cạnh tranh trong thị trường việc làm sắp tới.

Trung Quốc dự đoán khoảng 8,7 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và đại học năm nay, gây thêm áp lực cho thị trường việc làm đang thiếu hụt.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như cũng đã lường trước làn sóng tìm việc mới.

Chính phủ Trung Quốc tuần này tiết lộ một kế hoạch giúp sinh viên mới tốt nghiệp có thể ở lại làm giảng viên và tạo ra các vị trí “cấp cơ sở” khác. Dự án cũng bao gồm một đề xuất để mở rộng tuyển sinh trong các chương trình sau đại học.

Nhiều chuyên gia nhận định chính phủ Trung Quốc hiếm khi nhìn thẳng vào thách thức kinh tế. Tuy nhiên, những thông điệp gần đây của các quan chức nước này đã nói rõ rằng thất nghiệp đang là một vấn đề lớn.

Bảo vệ nền kinh tế và ngăn tỷ lệ thất nghiệp vượt khỏi tầm kiểm soát đã trở thành mục tiêu quan trọng trong những tháng gần đây.

Bộ Chính trị Trung Quốc hồi tháng 4 đã nhấn mạnh cần ưu tiên đảm bảo công việc và ổn định xã hội lên trên mọi vấn đề khác.

Giáo sư Lam tại Đại học Hồng Kông nhận xét mục tiêu để mọi người quay trở lại làm việc là một yếu tố quan trọng vì giới chức Trung Quốc lo ngại làn sóng thất nghiệp có thể dẫn đến bất ổn xã hội nghiêm trọng.

Mối quan tâm lớn nhất của Bắc Kinh không phải tăng trưởng GDP mà là việc làm“, Giáo sư Lam nói.

Trước đó, Trung Quốc đã công bố một gói hỗ trợ phúc lợi dành cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, trong đó bao gồm lao động nhập cư.

Ảnh: Hội chợ việc làm trực tuyến được tổ chức trong bối cảnh dịch coronavirus tại Hồ Nam, Trung Quốc

Nhưng quy mô của gói cứu trợ này tương đối hạn chế và chỉ ít lao động trong số đó mới nhận được khoản viện trợ.

Khác với những nền kinh tế như Anh, Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc không có chính sách bảo vệ tiền lương quy mô lớn cho người lao động. Vì vậy, hầu hết những người lao động ở Trung Quốc gần như không có nguồn thu nhập khi họ nghỉ việc.

Phần lớn những người không được hỗ trợ là dân lao động nhập cư – những người không thể quay lại làm việc bởi lệnh hạn chế di chuyển của Chính phủ Trung Quốc sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo số liệu gần đây, chỉ có 123 triệu công nhân nhập cư ở nông thôn quay lại làm việc ở thành phố trong quý I, giảm 30% so với năm trước. Số lao động bị “mắc kẹt” ở quê tương đương 50 triệu người.

Trung Quốc chưa từng đối mặt với thất nghiệp cỡ quy mô này kể từ năm 1990, thời điểm xảy ra làn sóng sa thải hàng loạt của các công ty nhà nước. Lúc đó Trung Quốc phục hồi nhanh nhờ đón đầu toàn cầu hoá, cho phép họ đu theo nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ.

Tình hình bây giờ khác nhiều. Giữa lúc tăng trưởng đã chậm, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại phát động thương chiến với Bắc Kinh để giảm thâm hụt thương mại cho Mỹ, trong khi khoảng 200 triệu việc làm ở Trung Quốc nằm trong khối doanh nghiệp có làm ăn với nước ngoài.

Nhiều thách thức đến cùng lúc là lý do ông Tập Cận Bình trong nhiều tháng liền cảnh báo virus corona sẽ gây thêm nguy cơ đối với “ổn định xã hội” của Trung Quốc.

Mặc cho những nỗ lực của Chính phủ, triển vọng việc làm trong thời gian tới của Trung Quốc vẫn rất yếu ớt.

Doanh thu từ du lịch trong nước của Trung Quốc giảm 60% trong dịp lễ Lao động vừa qua, mặc dù chính phủ đã kéo dài số ngày nghỉ để kích cầu. Còn nhà hàng kinh doanh ăn uống chứng kiến doanh thu giảm đến 50%, theo khảo sát của Hiệp hội Nhà hàng – khách sạn Trung Quốc.

Nhiều cơ sở ăn uống chuyển sang dịch vụ giao hàng để giảm bớt lỗ do mất khách, nhưng hơn 45% cơ sở cho biết số đơn hàng tháng 4 thấp hơn so với tháng 2, cho thấy rằng người tiêu dùng vẫn còn thắt chặt chi chiêu.

Tính chung, doanh thu ăn uống ở Trung Quốc chỉ mới phục hồi 60% so với trước dịch, trong khi hơn 1/3 chủ nhà hàng đã phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ chi nhánh và 40% buộc phải sa thải nhân viên.

Còn theo một khảo sát khác trong lĩnh vực khách sạn, 25% trên 300 cơ sở được hỏi cho biết đã cắt giảm ít nhất 20% nhân viên.

Còn phải chờ xem người tiêu dùng Trung Quốc thích nghi với ‘bình thường mới’ ra sao, và cú sốc xuất khẩu sẽ kéo dài bao lâu. Nếu xuất khẩu không thể phục hồi trong nửa cuối năm nay và người tiêu dùng vẫn thận trong chi tiêu, số người thất nghiệp có thể lên đến 30 triệu vào cuối năm“, nhà kinh tế Yao Wei của Ngân hàng Societe Generale (Xô-xi-ê-tê Giê-nê-gan-lơ) nhận định.

Tương tự, nhà kinh tế Larry Hu của Ngân hàng Macquarie Group ước tính tỉ lệ thất nghiệp của Trung Quốc có thể vọt lên 9,4% đến cuối năm.

Có lẽ, do đã dự đoán được sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch lên nền kinh tế mà ngày 22/3 Trung Quốc cho biết họ sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Đó là điều chưa từng có – chính phủ Trung Quốc chưa từng làm vậy kể từ khi bắt đầu công bố những mục tiêu kinh tế vào năm 1990.

Ảnh: Thủ tướng Lý Khắc Cường báo cáo thường niên trước Quốc hội Trung Quốc ngày 22/5

Đúng như dự báo, trong bản báo cáo thường niên trước Quốc hội Trung Quốc ngày 22/5 vừa qua, khác với các kỳ họp Lưỡng hội của những năm trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không công bố mục tiêu tăng trưởng cụ thể cho năm 2020.

Lí giải cho quyết định khác thường này, ông Lý cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cụ thể cho năm nay, bởi tăng trưởng của [Trung Quốc] được dự đoán sẽ phải đối mặt với một số yếu tố khó đoán định do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng với đó là môi trường kinh tế – thương mại toàn cầu“. 

Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh: “Hiện tại, dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, trong khi chúng ta đang phải đối diện với rất nhiều nhiệm vụ phát triển đất nước. Chúng ta cần tăng cường nỗ lực nhằm giảm thiểu những thiệt hại do virus corona gây ra“.

Bản báo cáo công việc chính phủ năm nay của Thủ tướng Lý Khắc Cường được đánh giá là ngắn nhất kể từ thời kỳ cải cách mở cửa (1978) với hơn 10.500 chữ, bằng một nửa so với trung bình báo cáo các năm trước đây. Trong khi đó, thực tế thời gian soạn thảo báo cáo này cũng khá dài, khởi động từ cuối năm ngoái, cho đến trước thềm Lưỡng hội năm nay mới hoàn thành, tức mất gần nửa năm.

Lời hứa cuối năm 2019 của ông Tập Cận Bình về một năm 2020 chói lọi – năm Trung Quốc sẽ xóa đói giảm nghèo tuyệt đối, nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sống cho hàng triệu người đã trở nên bất khả thi chỉ vì virus corona chủng mới.

Theo giáo sư Gu Su thuộc Đại học Nam Kinh, ông Tập đang lâm vào thế khó: Tránh không nhắc đến lời hứa chẳng khác nào thừa nhận sự thất bại, còn tuyên bố chiến thắng chỉ càng chọc giận tầng lớp trung lưu vốn đã thất vọng vì cách chính quyền phản ứng trước dịch bệnh thời gian đầu.

Nhà cầm quyền Bắc Kinh có lẽ đã không tính được rằng, chỉ một con virus xuất phát từ chính nước này đã làm lung lay quyền lực của Tập Cận Bình và tạo nghi ngờ cho tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=hxgntOHYIw8
TT Trump chỉ thẳng: Người phát ngôn TQ ‘nói ngu’
Kasse animation 7.8.2023