Lo sợ “sụp đổ” – Trung Quốc cấm biểu tình

https://www.youtube.com/watch?v=T6CeJr5LoEE
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=T6CeJr5LoEE

31 năm sau sự kiện “Lục Tứ” mà dư luận quốc tế vẫn gọi là cuộc thảm sát Thiên An Môn, Trung Quốc đã có những thay đổi sâu sắc về diện mạo, trở thành nền kinh tế thứ hai của toàn cầu và là một trong những cường quốc hùng mạnh của thế giới nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn bền bỉ với chiến lược diệt trừ mọi phản kháng nhằm ngăn ngừa, răn đe mọi cuộc nổi dậy trong tương lai.

Sự kiện Thiên An Môn khởi nguồn từ cái chết của cựu Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang sau một cơn đau tim ngay trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 15/4/1989.

Ông được biết đến là một nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách dân chủ, được giới trí thức và sinh viên Trung Quốc thời điểm đó rất quý trọng, nhưng ông đã bị buộc phải từ chức năm 1987.

Tập thể người dân và sinh viên đại học ở Bắc Kinh đã tổ chức một lễ tang lớn cho ông. Từ tang lễ đó, hàng trăm ngàn sinh viên và người dân đã biến Quảng trường Thiên An Môn thành không gian tranh luận và yêu sách để xúc tiến dân chủ. Sinh viên đòi hỏi đối thoại với chính phủ, đặc biệt với Thủ tướng Lý Bằng để đưa ra các đề nghị. Tầng lớp cầm quyền coi đây là một cuộc nổi dậy nhằm lật đổ Đảng và hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Ngày 20/5/1989 vào lúc 10 giờ sáng, Bắc Kinh tuyên bố thiết quân luật. Những đoàn quân và xe bọc thép của Giải phóng quân Trung Quốc tiến vào trung tâm thành phố, hướng về Thiên An Môn. Tuy nhiên, rất đông dân chúng bao vây các xe tăng, nhiều người dựng rào chắn trên đường phố. Hơn nữa nhiều người lính từ chối đối đầu với sinh viên. Mưu toan đàn áp đầu tiên bằng quân đội và công an vũ trang của Đảng Cộng sản đã bị thất bại.

Dù vậy, khuya ngày 03/6, những đơn vị quân đội từ nhiều vùng xa trên khắp Trung Quốc được điều đến Thiên An Môn, biến Bắc Kinh thành sân khấu một cuộc nội chiến giữa giới trẻ và công dân thủ đô với quân đội của đảng. Hằng trăm người trẻ ngã gục dưới làn đạn, bánh xích xe tăng, hàng ngàn sinh viên khác bị bắt những ngày sau đó.

Thái Sùng Quốc, một giáo sư triết Trung Quốc đang tị nạn tại Pháp và cũng là nhân chứng trong cuộc thảm sát lịch sử đã kể lại rằng: « Chúng tôi đã thấy quân đội không ngần ngại giết người. Trước năm 1989, chúng tôi tin rằng họ không bao giờ vượt qua lằn ranh đỏ này. »

Ảnh: Biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn tháng 5/1989

Với ông, biến cố năm 1989 đã « tập trung nỗi sợ bị đàn áp và phá vỡ cấm kỵ ».

Bà Giang Lâm, Trung úy đồng thời là cựu phóng viên trong quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm xưa có mặt tại hiện trường, năm ngoái đã quyết định đứng ra nói rõ sự thật vào về cuộc đàn áp đẫm máu sinh viên và người dân của chính quyền Trung Quốc. Bà kể khi tiếp cận trung tâm thành phố Bắc Kinh, bà nhìn thấy các binh lính đang chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, trong đêm tối mà xả súng vào đám đông không phân biệt phải trái đúng sai, vô số người nằm trên vũng máu, cảnh tượng thê thảm không dám nhìn.

Bà Giang nói, bà chưa từng bao giờ nghĩ rằng quân đội sẽ nổ súng vào người dân tay không tấc sắt. Bà nói: “Làm sao mà họ lại có thể dùng xe tăng và súng máy để đối phó với người dân bình thường?… Đối với tôi mà nói, hành động này rất điên cuồng.”

Hơn 30 năm qua, đây vẫn là chủ đề vô cùng nhạy cảm tại Trung Quốc Đại lục, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn luôn phủ nhận sự kiện thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn, từ chối công bố số người bị quân đội giết hại đồng thời thường xuyên câu lưu những người lãnh đạo phong trào kháng nghị hòa bình năm xưa và đàn áp người nhà của những người bị hại.

Học giả Marc Julienne (Mác Giuy-liên-nờ), Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp – IFRI nhận định hơn 30 năm sau sự kiên Thiên An Môn, bộ máy đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được hiện đại hóa một cách toàn diện.

Ảnh: Hệ thống giám sát người dân của Trung Quốc được thiết lập ở mọi nơi

Ông miêu tả: “Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế và ngoại giao, có lực lượng quân đội được hiện đại hóa siêu tốc, tóm lại, một cường quốc thế giới. Bắc Kinh ngày nay là một đại đô thị bão hòa và ô nhiễm, nhưng siêu hiện đại, và là một trong những trung tâm chính trị quốc tế. Quảng trường Thiên An Môn dày đặc hàng trăm camera an ninh, bao bọc bởi nhiều hàng rào kim loại và dưới tầng hầm là những vị trí quan sát để cho phép vào. Nếu tất cả chừng như yên tĩnh và trong tầm kiểm soát, bóng ma 1989 vẫn luôn đe dọa.

Hơn 30 năm sau, Trung Quốc là một cường quốc hiện đại, với một bộ máy an ninh phản ánh đúng hình ảnh : mạnh mẽ, đồ sộ và công nghệ. Bộ máy này trở thành hoàn hảo, phức tạp và phong phú hơn với những công cụ giám sát mới mà cuộc cách mạng kỹ thuật số thế kỷ 21 đã mang lại : nhận diện khuôn mặt và giọng nói, kho lưu trữ các thông số sinh trắc và ADN, kiểm soát internet và các mạng xã hội. Còn có những công nghệ khác mà châu Âu cho là vi phạm tự do cá nhân, đã được thử nghiệm tại Hoa lục, như kiểm tra, cho điểm công dân thông qua các ứng dụng kỹ thuật số. Giấc mơ một Trung Quốc mở cửa và dân chủ hóa nhờ kỷ nguyên internet đã sụp đổ. Công nghệ mới giờ đây là ưu thế đáng gờm của các chế độ độc tài đang sở hữu.

Trước hết, ngân sách dành cho an ninh trong mười năm qua có tỉ lệ trung bình tăng hàng năm là 13%, cụ thể năm 2017 là 1.240 tỉ nhân dân tệ (159 tỉ euro). Kể từ 2010, ngân sách chính thức dành cho an ninh luôn cao hơn ngân sách của quân đội. Nhưng đến 2014, chính quyền Trung Quốc ngưng công bố chi tiết ngân sách an ninh, chỉ thông báo ngân sách trung ương, không cụ thể về ngân sách các tỉnh. Tuy vậy ngân sách địa phương chiếm phần đáng kể, nếu chúng ta biết rằng, chẳng hạn từ 2016 đến 2017 Tân Cương đã gia tăng ngân sách an ninh đến 92,8%, đạt 58 tỉ nhân dân tệ (7,4 tỉ euro).”

Hơn nữa, Bắc Kinh điều chỉnh quản lý với lực lượng cảnh sát quân sự.

Ngày 01/01/2018, lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (ở Trung Quốc hay gọi tắt thành Vũ cảnh) không còn thuộc quản lý của Hội đồng Nhà nước, tức chính phủ, mà hoàn toàn nằm dưới quyền Quân ủy Trung ương. Vũ cảnh là một lực lượng cảnh sát quân sự được thành lập vào tháng 4/1983 với nhiệm vụ chủ yếu chịu trách nhiệm bảo vệ dân sự và cứu hỏa, cũng như hỗ trợ cho quân đội trong thời chiến. Trước đó, lực lượng Vũ cảnh chịu sự lãnh đạo song đôi của cả Bộ Công an và Quân ủy Trung ương.

Lực lượng Vũ cảnh được tái cơ cấu theo mô hình quân đội với bốn quân khu, và một ủy ban thanh tra kỷ luật, tăng cường tổ chức theo kiểu quân đội.

Đến tháng 7/2018, lực lượng Tuần duyên Trung Quốc vốn dưới quyền Hội đồng Nhà nước được nhập vào lực lượng Vũ cảnh. Vũ cảnh hiện nay là các đội quân giữ an ninh trong nước, gồm các đơn vị đặc biệt như đơn vị can thiệp SWAT (đặc cảnh), các đội đặc nhiệm tinh nhuệ (Báo tuyết) chuyên chống khủng bố, bắt con tin và chống nổi dậy.

Mục tiêu của cải cách là giải phóng lực lượng Vũ cảnh khỏi các nhiệm vụ không tác chiến, để tập trung cho cuộc chiến đấu chủ yếu : giữ ổn định nội bộ, an ninh hàng hải và hỗ trợ cho quân đội trong trường hợp chiến tranh.

Việc cải cách đã tăng cường sự kiểm soát của Đảng lên các lực lượng vũ trang. Hơn nữa, còn tập trung quyền quyết định vào tay Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy trung ương là Tập Cận Bình – người chỉ đạo cả quân đội lẫn Vũ cảnh. Các cấp hành chính tỉnh và địa phương không còn được tự ý huy động các đơn vị Vũ cảnh, mà phải gởi yêu cầu đến cấp chỉ huy quân sự hữu quan. Ở cấp chỉ huy trung ương của đảng, việc giảm bớt các cấp chỉ huy giữa Quân ủy trung ương và các sĩ quan Vũ cảnh nhằm làm giảm đi nguy cơ tham nhũng và lạm quyền của các quan chức cao cấp, như trường hợp Chu Vĩnh Khang vốn ngự trị gần 10 năm (2003-2012) trên toàn thể bộ máy an ninh Trung Quốc.

Cơ cấu tổ chức của lực lượng an ninh đã có sự thay đổi đảng kể nhưng tư duy an ninh vẫn được giữ nguyên từ sau sự kiện Thiên An Môn.

Quân đội vốn đã thuộc về Đảng và nay Vũ cảnh cũng là công an của đảng. Câu khẩu hiệu mao-ít « đảng kiểm soát súng ống » ngày nay đúng hơn bao giờ hết. Cải cách lực lượng Vũ cảnh suy cho cùng chỉ là nằm trong một cuộc cải cách rộng lớn hơn về các định chế và bộ máy an ninh, nhằm « bảo đảm sự lãnh đạo của đảng kiên cường và mạnh mẽ hơn ».

Học giả người Pháp nhận định Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sở hữu một bộ máy trấn áp hùng mạnh từ quân đội đến một lực lượng công an vũ trang bảo đảm duy trì ổn định nội bộ với các phương tiện bán quân sự, cùng với công an nhân dân và lực lượng trật tự viên dưới sự chỉ huy của Bộ Công an, giúp kiểm soát toàn bộ không gian đô thị cũng như nông thôn. Bên cạnh đó còn có mạng lưới tình báo do Bộ An ninh phụ trách. Đóng vai trò then chốt trong việc phối hợp các lực lượng an ninh, gồm những lực lượng nêu trên và các tòa án, viện kiểm sát nhân dân là Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Đảng (Trung ương Chính Pháp). Ủy ban này do Quách Thanh Côn, Ủy viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch, hiện diện ở tất cả các cấp hành chính trên toàn quốc.

Và chủ trương của Đảng vẫn là đập tan mọi kháng cự, để răn đe những vụ nổi dậy trong tương lai. Phương pháp cũng chẳng đổi thay, đó là đe dọa. Nếu như trước đây kẻ thù là những kẻ phản cách mạng, đế quốc hay xét lại thì nay là khủng bố, cực đoan, ly khai hay nói chung là những ai làm mất ổn định xã hội.

Tháng 4/1999, sát cạnh Thiên An Môn, khoảng 20.000 học viên Pháp Luân Công (Falungong) tập hợp hòa bình và im lặng, không băng-rôn khẩu hiệu, xung quanh Trung Nam Hải (Zhongnanhai), đầu não của chính quyền Trung Quốc. Họ khẳng định là một phong trào phi chính trị và đòi hỏi được tự do tập khí công.

Tầng lớp lãnh đạo coi đây là nguy cơ cho Đảng và là mối đe dọa cho ổn định xã hội. Đến tháng 7 cùng năm, Đảng ra lệnh cấm Pháp Luân Công hoạt động, đồng thời tung ra đợt bắt bớ quy mô trên cả nước. Hàng ngàn học viên bị bắt giữ, trong đó nhiều người đã mất tích.

Ngày nay tại Tân Cương, miền cực tây Trung Quốc, có trên 1 triệu người Hồi giáo, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, bị giam giữ trong các trại cải tạo. Trung Quốc nói rằng người dân ở Tân Cương đang theo học ở “các trung tâm đào tạo nghề” nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan nhưng thực chất đây là chiến dịch ‘tẩy não’ người Duy Ngô Nhĩ, ngăn chặn mọi ý định đòi độc lập của vùng đất này.

Nghịch lý hơn vào ngày 24/8/2018, cảnh sát chống bạo động đã bố ráp một căn hộ ở Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) nơi gần 50 sinh viên và công nhân nhà máy tụ họp để thành lập liên đoàn lao động độc lập. Các sinh viên bị bắt giữ hầu hết đến từ những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc là Đại học Bắc Kinh, Đại học Nam Ninh và Đại học Nhân Dân. Họ được hấp thụ một cách dường như trọn vẹn tư tưởng Mác-xít và Mao Trạch Đông, mặc áo thun in đậm dòng chữ « Đoàn kết tạo nên sức mạnh » đã xuống đường cùng với các công nhân nhà máy Jasic Technology (chuyên cung cấp các trang thiết bị công nghiệp) ở Thâm Quyến, đòi lập một công đoàn riêng cho chính họ với khẩu hiệu « Thành lập công đoàn không phải là tội ác ». Những thanh niên này không hề có ý định lật đổ chế độ mà chỉ muốn lên tiếng trước những bất công xã hội trong nước. Họ chỉ muốn chắc rằng các công nhân nhà máy Jasic sẽ được đối xử công bằng.

Học giả người Pháp Julienne (Giuy-liên-nờ) đã đưa ra hai lý do lý giải nguyên nhân Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì đàn áp mọi tiếng nói, hành động bất lợi cho Đảng: “Trước hết, là mối lo ngại chủ quan nhưng thực sự trong nội bộ đảng, rằng một phong trào xã hội bộc phát có thể đe dọa cho sự tồn vong của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Cảm giác bất an gần như là nỗi ám ảnh, bắt nguồn từ sự sợ hãi đảng bị sụp đổ. Chế độ cộng sản Ba Lan rơi rụng vì Công đoàn Đoàn Kết, một tháng trước cuộc khủng hoảng Thiên An Môn ; bức tường Berlin sụp đổ, rồi đến Liên Xô tan rã ; đã nuôi dưỡng nỗi sợ này. Cuộc cách mạng màu cam ở Ukraina và Mùa Xuân Ả Rập càng tăng cường thêm sự quan ngại của đảng Cộng Sản Trung Quốc trước những phản kháng xã hội.

Lý do thứ hai mang tính khách quan và chiến lược. Việc đàn áp quy mô nhằm răn đe mọi ý định nổi dậy tương lai vừa nhen nhúm, hơn là hạn chế một mối đe dọa nào đó. Lời đáp thô bạo của đảng trước mọi sự phản kháng nhắc nhở rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một chế độ toàn trị kiểu Lênin, trong đó mọi sáng kiến chính trị chỉ có thể xuất phát từ đảng, chứ hoàn toàn không thể từ xã hội công dân.”

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trung Quốc quyết lấy đảo – Việt Nam chuẩn bị chiến đấu

>>> Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Tổng thầu Trung Quốc đòi thêm 50 triệu đôla Mỹ

>>> Trung Quốc kiểm soát vùng trời Biển Đông – Việt Nam hết đường bay ra đảo

https://www.youtube.com/watch?v=JERK8UNpIPw
Mỹ và VN: Bài học từ ‘dân chủ khiếm khuyết’ của Việt Nam Cộng Hòa

 

Kasse animation 7.8.2023