Việt Nam – Trung Quốc có thể đàm phán để ‘lấy lại’ Hoàng Sa không?

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=DFUae9zRkQk

Việt Nam có thể hy vọng giải pháp nào để “lấy lại” quần đảo Hoàng Sa hay không?

Việt Nam cáo buộc Trung Quốc vào năm 1974 đã “dùng vũ lực xâm chiếm” quần đảo Hoàng Sa do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý.

Quan điểm chính thức của Việt Nam là Việt Nam có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy vậy, trong lúc Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát thực tế với quần đảo Hoàng Sa, liệu tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể diễn ra thế nào trong tương lai?

Một số chuyên gia lâu năm về tranh chấp Biển Đông đã trả lời BBC News Tiếng Việt.

Gregory B. Poling, Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), chương trình thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington DC.

Thực ra không có hy vọng “giải quyết” vấn đề Hoàng Sa trong tương lai gần.

Nhưng các bên có thể chế ngự vấn đề này.

Bước đầu tiên là Trung Quốc nên chấp nhận rằng Việt Nam có quyền đánh cá lịch sử xung quanh quần đảo Hoàng Sa, được bảo đảm bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Như thế Trung Quốc sẽ hợp tác với Việt Nam để có cơ chế quản lý việc đánh cá.

Việc này có thể làm được nếu nó là một phần của nỗ lực lớn hơn bao gồm Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia để quản lý sản lượng cá ở toàn Biển Đông, gồm cả Trường Sa.

Nếu các bên có thể hợp tác về đánh cá, thì sau đó họ có thể tìm kiếm cơ chế để chế ngự các vấn đề khác trong hòa bình.

Còn tranh chấp chủ quyền có thể được giải quyết thông qua đàm phán hoặc tòa trọng tài, nhiều thập niên về sau.

Donald R. Rothwell, Giáo sư Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Úc. Ông là đồng tác giả sách The International Law of the Sea (in năm 2010).

Có thể có các giải pháp như sau:

Dàn xếp ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam

Hoặc dàn xếp bằng việc nhờ tới bên thứ ba.

Hai lựa chọn này đều phù hợp với hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Ảnh: Cuộc biểu tình của người dân Hà nội vào ngày kỷ niệm hải chiến Hoàng sa ngày 19/1/2017

Giải pháp ngoại giao có nghĩa là một bên thừa nhận chủ quyền của bên kia đối với các đảo.

Giải pháp dùng bên thứ ba nghĩa là có thể đưa tranh chấp ra cho một bên trung gian, bên hòa giải, tòa trọng tài hoặc tòa xét xử. Tổng thư ký LHQ, về lý thuyết, có thể được mời can thiệp hoặc giúp dàn xếp.

Trên thế giới, cũng có nhiều ví dụ khi hai lựa chọn ở trên đã giúp dàn xếp thành công các tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, Trung Quốc và Việt Nam có xem xét các lựa chọn này hay không, lại phụ thuộc vào ‎ý chí chính trị. Mà hiện nay có vẻ không nước nào có quan tâm nhiều đến việc này.

Đặc biệt Trung Quốc sẽ miễn cưỡng trước các lựa chọn này, vì có thể bị xem là tạo tiền lệ. Tiền lệ đó sẽ ảnh hưởng đến các tranh chấp của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như với Nhật và Hàn Quốc.

Trong không khí chính trị hiện nay, tôi không thấy có giải pháp nào. Trung Quốc có thể tìm cách mời chào một số lợi ích để Việt Nam nhượng bộ ngoại giao và công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng chắc Việt Nam sẽ không chấp nhận điều đó, ở thời điểm hiện nay và ngắn hạn về sau.

Grigory Lokshin, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông (Viện Hàn Lâm khoa học Nga). Ông trả lời BBC trực tiếp bằng tiếng Việt.

Về căn bản, tôi đồng tình với ý kiến của hai đồng nghiệp ở trên. Pháp luật quốc tế và kinh nghiệm lịch sử có nhiều phương pháp giải quyết các vấn đề tương đối hòa bình, có tính chính trị và chính nghĩa cho hai bên.

Nhưng giống như Giáo sư Donald R. Rothwell, tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa có nguyện vọng chính trị thật sự để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Tranh chấp này cần thiết cho họ để giữ gìn chủ nghĩa dân tộc trong nước, dãn sự chú ý của quần chúng nhân dân khỏi các vấn đề nội bộ.

Họ cần có hình ảnh của kẻ thù đối ngoại để đoàn kết lại xã hội xung quanh Trung ương Đảng và chủ tịch nhà nước.

Ảnh: Hành trình của tàu Trung quốc “TIAN YI HAI GONG” ngày 28-5 -2020 đến QĐ Hoàng Sa của Việt nam để lắp đặt cáp ngầm. Con tầu này hiện đã cơ bản hoàn tất việc lắp cáp ngầm cho cụm các đảo phía Đông bắc QĐ Hoàng sa và đang tiến hành lắp cáp cho cụm đảo phía Tây.

Theo tôi, điều kiện thứ nhất và nhất định để có thể bắt đầu đàm phán về vấn đề này là Trung Quốc phải chấm dứt tuyên truyền chống Việt Nam và không đưa ra những phản luận hoàn toàn giả dối về chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Chuyên gia Việt Nam: Hà Nội ‘đồng thuận’, ‘tích cực’ chuẩn bị khởi kiện về Biển Đông

Việt Nam chuẩn bị cho việc kiện Trung Quốc về Biển Đông trong hai năm qua và đang tích cực đẩy nhanh công việc, hai nhà nghiên cứu người Việt cho VOA biết hôm 16/6, ít ngày sau khi một viện trưởng cấp quốc gia của Trung Quốc nói Hà Nội “sẽ trả giá đắt” nếu kiện Bắc Kinh.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, nói trong giới lãnh đạo Việt Nam có “sự đồng thuận” về chính sách và chiến lược liên quan đến việc kiện Trung Quốc tại một cơ quan tài phán quốc tế.

Hà Nội tính toán kỹ

Các bước đi của phía Việt Nam và các phản ứng có thể đến từ phía Trung Quốc dường như đã được Hà Nội tính toán kỹ, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho hay.

Các chuyên gia Việt Nam tham gia công tác chuẩn bị có nhiều liên lạc với các đối tác Mỹ, Anh, Pháp… trong những tháng gần đây, dù bị ảnh hưởng một chút vì dịch COVID-19 cản trở các cuộc gặp gỡ trực tiếp, ông Hợp nói thêm.

Việt Nam “đã làm rất nhiều, thúc đẩy quan hệ với các tòa án quốc tế, trong đó có PCA [Tòa Trọng tài Thường trực]”, thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên một ban nghiên cứu luật biển, hải đảo ở Việt Nam, nói với VOA.

Theo thạc sĩ Hoàng Việt, Hà Nội đến nay đã “tiệm cận gần hơn” và ông mô tả rằng việc chuẩn bị “cũng rất đầy đủ”.

Như VOA đã đưa tin, hôm 12/6, tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia của Trung Quốc, đăng một bài viết cho chương trình “Sáng kiến Tìm hiểu Tình hình Chiến lược Nam Hải” (tức Biển Đông), thuộc Viện Nghiên cứu Hải dương tại Đại học Bắc Kinh.

Ảnh: đường 9 đoạn còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung quốc tuyên bố chủ quyền chiếm trọn biển đông, nhưng không được quốc gia nào công nhận

Trong bài viết, học giả họ Ngô dẫn tin hôm 7/5 của Asia Times nói Việt Nam có sự cân nhắc nghiêm túc cho việc kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông, từ đó đưa ra những bình luận của ông ta, mà giới nghiên cứu cho rằng cũng thể hiện quan điểm của chính quyền Trung Quốc.

Vị viện trưởng Trung Quốc khẳng định nếu chọn con đường kiện tụng, Hà Nội sẽ chứng kiến quan hệ Việt-Trung bị thụt lùi và “trả giá đắt” cho những biện pháp đáp trả từ phía Bắc Kinh, bao gồm cả hành động vây hãm, cắt đường tiếp vận của Việt Nam đến các đảo ở Trường Sa, cũng như Trung Quốc có thể khởi sự thăm dò dầu khí ngay trong Bãi Tư Chính.

Dưới con mắt chuyên gia, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bình luận rằng những lời lẽ chứa đựng hàm ý đe dọa của học giả Ngô Sĩ Tồn chỉ là “đòn gió”, vì nếu cần trao đổi thông điệp, hai nước có các kênh từ lãnh đạo cấp cao cho đến cấp bộ, đặc biệt là thông qua bộ ngoại giao của hai bên.

Vẫn theo nhà nghiên cứu thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, kể từ mùa hè năm 2014, khi Trung Quốc đưa một tàu khảo sát cỡ lớn vào xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hà Nội ngày càng thất vọng về khả năng dùng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên biển.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với VOA:

Từ đó đến nay đã hơn 6 năm rồi, tiến trình áp dụng các biện pháp hòa bình kể như đã cạn rồi, chỉ còn một biện pháp hòa bình nữa là biện pháp pháp lý thôi. Hiện nay cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc đều cảm nhận rằng bước đó gần đến nơi rồi”.

Thạc sĩ Hoàng Việt đưa ra nhận định:

Tôi cho rằng Trung Quốc đe dọa là một chuyện, nhưng tôi vẫn khẳng định rằng sớm muộn gì Việt Nam phải khởi kiện Trung Quốc thôi. Bởi vì Trung Quốc sẽ không dừng các tham vọng của họ trên khu vực Biển Đông và càng ngày càng lấn tới, và lấn tới một mức nào đó thì Việt Nam không chịu nổi, buộc phải đưa Trung Quốc ra tòa“.

Nếu thua kiện, uy tín Trung Quốc ‘sụp đổ’

Ảnh: ba tàu Hải giám Trung quốc vây đuổi và cuối cùng đã đâm chìm tàu cá Việt nam tại khu vực Hoàng sa vào khoảng 3h sáng 2-4-2020. Sự việc đã được phía Việt nam và cả Bộ ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng mạnh mẽ

Trong bài viết “Liệu Việt Nam có suy nghĩ kỹ trước khi nộp đơn kiện về Nam Hải [tức Biển Đông]?”, đăng hôm 12/6, tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn của Trung Quốc đặt giả thiết rằng nếu Việt Nam khởi kiện, Việt Nam sẽ làm giống như Philippines.

Hồi tháng 7/2016, sau khi xem xét đơn kiện của Manila chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, một tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết phủ nhận đường 9 đoạn của Trung Quốc trên bản đồ về Biển Đông.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với VOA về một kết quả tiềm tàng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc:

Dự báo khả năng thắng kiện là rất lớn. Và cũng có thể dự báo luôn là Trung Quốc sẽ không công nhận kết quả phán quyết tới đây. Kết quả phán quyết, nếu Việt Nam khởi kiện, sẽ tương tự như kết quả mà Philippines đã có năm 2016 và Trung Quốc sẽ có cùng thái độ, là không công nhận phán quyết mà tòa quốc tế đưa ra cho Philippines”.

Như vậy, Trung Quốc sẽ “tăng cường quấy phá và đe dọa” Việt Nam trên mọi lĩnh vực – chính trị, kinh tế, trên biển, trên các diễn đàn quốc tế – tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói

Các hành động gây rối trên biển của Trung Quốc đối với Việt Nam có thể còn nhiều hơn và nghiêm trọng hơn những gì họ đã làm với Philippines, thậm chí có thể có “nổ súng”, ông Hợp nói.

Chuyên gia này khẳng định rằng phản ứng của Trung Quốc chỉ mang lại thêm những bất lợi cho nước này, khi thế giới nhìn vào đó và phê phán rằng Trung Quốc – một thành viên cộng đồng quốc tế và một ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ – lại không tuân thủ phán quyết của một cơ quan pháp lý thuộc LHQ.

Nhà nghiên cứu luật biển, hải đảo Hoàng Việt nhấn mạnh với VOA rằng giá trị và tác động từ phán quyết của tòa trọng tài về Biển Đông có sức mạnh không thể xem thường.

Thạc sĩ Hoàng Việt chỉ ra rằng sau phán quyết năm 2016, cả bộ máy chính trị và giới học giả Trung Quốc đều phải tìm cách bác bỏ, nhưng một loạt các nước có tranh chấp hoặc có quyền lợi ở Biển Đông, gồm cả Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Mỹ… vẫn viện dẫn phán quyết, điều chỉnh các tuyên bố theo phán quyết.

Ông Việt nói về hiệu ứng “cú đánh bồi” nếu Việt Nam cũng thắng kiện:

Ví dụ, Việt Nam tiếp tục đưa vụ kiện ra tòa như Philippines và tiếp tục thắng kiện, thì không những uy danh của Trung Quốc bị sụp đổ, mà sự đe dọa cũng rất lớn, bởi vì các quốc gia khác sẽ đưa ra vấn đề pháp lý phù hợp với phán quyết đó, tạo sức ép rất lớn với Trung Quốc.

Nếu ví dụ sau Việt Nam, tiếp tục có Malaysia, như trong võ thuật có liên hoàn cước, thì chiến thắng liên hoàn như vậy sẽ có tác động rất lớn đối với thế giới”.

Trong khi thế giới nhìn vào vấn đề uy tín của Trung Quốc, theo thạc sĩ Hoàng Việt, Trung Quốc lo sợ hơn về ảnh hướng lớn từ các vụ kiện tụng tiềm tàng đến sự phát triển của quốc gia có hơn 1,4 tỉ dân này.

Khi nào Việt Nam kiện?

Không phỏng đoán về một khung thời gian cụ thể, chuyên gia Hoàng Việt cho rằng Việt Nam sẽ cố nhẫn nhịn chừng nào còn có thể. Ông nói với VOA:

Nếu Trung Quốc không làm căng vấn đề, Việt Nam cũng không dại gì khởi kiện Trung Quốc để làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc cứ tiếp tục dồn Việt Nam vào chân tường, ví dụ, gần đây Trung Quốc bóng gió về việc lập Vùng nhận diện phòng không trên trên Biển Đông, nếu Trung Quốc thực sự tuyên bố, thì chắc chắn Việt Nam sẽ tìm cách khởi kiện”.

Trong khi đó, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đưa ra nhận định rằng quyết định của Việt Nam về khi nào nộp đơn kiện ra tòa sẽ xoay quanh đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2021. Ông nói:

Trước khi có Đại hội Đảng 13 thì Việt Nam chưa kiện Trung Quốc đâu vì bây giờ họ còn đang chuẩn bị đại hội cho nó xong. Thế nhưng không loại trừ là trước đại hội họ có thể khởi kiện. Vì họ nắm tình hình là khóa tới vẫn nhất quán với việc khởi kiện, nên họ sẽ làm việc này. Các khả năng, các bước mà Trung Quốc có thể phản ứng, cư xử với Việt Nam thì dường như họ [Việt Nam] tính toán rất là kỹ”.

Hồi đầu tháng này, nữ chuyên gia Bonnie Glaser, Cố vấn Cao cấp về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho VOA biết rằng trong nhiều năm qua Việt Nam đã “âm thầm” nỗ lực thu thập thông tin, bằng chứng, luôn ở tư thế sẵn sàng và chỉ cần có một “quyết định chính trị” được đưa ra là sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông.

Trong một diễn biến liên quan, cũng đầu tháng 6, tiến sĩ-luật sư người Mỹ Dale J. Montpelier, người từng cố vấn pháp lý cho các vụ tranh chấp liên quan đến dầu khí với Việt Nam, tiết lộ với VOA rằng ông đã gửi thư đến Đại sứ quán Việt Nam ở Washington và đề nghị tư vấn miễn phí cho Việt Nam kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Khẩu chiến dữ dội giữa người Việt và Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội

>>> Việt Nam chuẩn bị khởi kiện Trung Quốc?

>>> Trung Quốc “giãy giụa” khi Mỹ gây áp lực tối đa trên Biển Đông

VN chuẩn bị “dứt điểm” với TQ?