Covid-19: Công nhân VN ở Guinea Xích Đạo kêu cứu

Facebook Phạm Ngọc Hoài kêu cứu

Bình Khuê

5 tháng 7 2020

“Hiện tại mạng wifi người ta đã cắt hết rồi,” một công nhân người Việt ở Guinea Xích Đạo đang phải cách ly do dương tính với Covid-19 nói với BBC News Tiếng Việt vào sáng Chủ Nhật 5/7, giờ địa phương.

Họ nói số anh em còn ở trong đó chưa có kết quả xét nghiệm mà không đi làm thì người ta sẽ không nuôi những người bị ốm đau như bọn em, người ta sẽ không trợ cấp cho ăn uống nữa,” anh Phạm Ngọc Hoài trả lời qua điện thoại từ bệnh viện ở thị trấn cảng Bata của Guinea Xích Đạo. “Họ ép anh em phải đi làm.”

Nhiều người ốm bệnh
Anh Hoài cho biết anh nằm trong số những người Việt đầu tiên đang được cách ly tập trung trong bệnh viện.

Trong tổng số 250 người Việt đang làm việc tại một dự án xây dựng thủy điện ở quốc gia Trung Phi này, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người đã bị nhiễm virus corona, anh cho biết thêm.

Các công nhân người Việt mặc áo trắng chống muỗi, tập trung họp nghe phổ biến về Covid-19

Lúc đầu có một anh [người Việt] bị sốt cao. Sau đó anh ấy đi viện để kiểm tra. Ra đến viện, anh ấy phải dùng máy thở,” anh Hoài nói.

Thông tin của các cán bộ nói với anh em là chỉ cần xông đinh nhu cho dễ thở. Sau có nhiều trường hợp sốt theo nữa, thì bọn em mới đi khám.

Chỗ bọn em làm, người ta không có bác sỹ, người ta lấy cả bác sỹ thú y chăm sóc chó đi khám bệnh cho bọn em. Đó là bác sỹ thú y ở chuồng chó, đi khám bệnh phát thuốc cho bọn em.

Sau đó dần dần người bị ốm càng ngày càng nhiều, rồi bác sỹ của nước này họ vào kiểm tra.

Họ lấy mẫu của 24 người bọn em, được mấy ngày sau thấy các xe vào bắt đi cách ly, bảo bọn em nhiễm dương tính 22 người trong số 24 người được lấy mẫu xét nghiệm.

Còn tất cả các anh em khác đều đang được lấy mẫu, đang chờ kết quả xem có bao nhiêu người bị dương tính.”

Việc ốm bệnh của người Việt lúc đầu đã không được quan tâm đúng mức, anh Hoài nói.

Có người bị sốt thì được bảo là sốt virus lung tung thôi. Có người sốt hàng hai tuần.

Em thì sốt vào hôm 23/6. Em có biểu hiện là không thở được, mất mùi vị, ăn không cảm giác thấy mặn, không cảm nhận được mùi vị. Nhiều lúc em bị nôn ra máu tươi, bị đau đầu, đau người, tức ngực khó thở.

Ra ngoài bệnh viện này mấy hôm đầu không thở được. Mới có hôm qua và hôm nay là em mới bắt đầu thở được.”

Lao động ký hợp đồng với CTY cmvietnam tại địa chỉ lô 60 khu 3a đức diễn ,bắc từ liêm ,hà nội

Về điều kiện sinh hoạt tại nơi cách ly, anh Hoài nói anh và các công nhân khác gặp nhiều khó khăn, từ việc ngôn ngữ bất đồng cho tới các điều kiện khám chữa bệnh và ăn uống.

Phiên dịch là không có, mà bọn em không hiểu ngôn ngữ của đất nước này. Nhiều khi cứ chỉ người ta, rồi nói được câu tiếng Anh nào mà họ hiểu được phần nào thì hiểu, chứ còn không biết nói tiếng Tây Ban Nha của họ. Phiền phức lắm.

Việc khám chữa thì hôm trước em tức ngực, em phải nhắn tin cho cán bộ dự án, nói rằng em không biết là em có sống được không vì không thở được, tức ngực. Mãi rồi người ta mới gọi vào khám.

Họ tiêm cho em các loại thuốc mà em tra trên Google các nhãn thuốc đó là các loại dùng để hỗ trợ hô hấp, chống đông máu.

Bây giờ là 10 giờ trưa rồi, bọn em vẫn chưa được một miếng cơm hay bánh mì gì, chưa được ăn một miếng nào. Vẫn đang chờ đồ ăn sáng.

Thường thì buổi trưa, độ 11 giờ, 11 rưỡi, có hôm 12 giờ thì được ổ bánh mỳ bé với một cốc sữa loãng. Đến độ 2 giờ chiều thì được mấy hạt cơm.

Ăn uống ở đây khó khăn lắm. Anh em bọn em đói, không được bữa nào no. Công ty nhắn tin hỏi sức khỏe bọn em, bọn em có trả lời là sức khỏe bọn em đã tạm ổn hơn rồi, nhưng sợ là không chết vì Covid mà chết vì đói.”

“Mai k đi làm nó k cho ăn”

Được biết những người phải vào viện cách ly, trước khi đi được công ty đưa cho mỗi người 30 ngàn france tiền địa phương, tương đương 1,7 triệu đồng Việt Nam, nhưng để tiêu tiền khi đang trong viện cũng là cả một vấn đề.

May mắn thì nhờ được người dân bản địa mua cho. Mình gửi họ mua, đưa họ hai cái thẻ điện thoại hoặc gửi tiền bằng cách khác, thì họ lấy công mất khoảng tương đương 100 ngàn đồng Việt Nam, nếu không thì thôi.”

Bữa trưa hôm 5/7 của anh Hoài được đưa đến lúc khoảng gàn 4 giờ chiều, gồm hai miếng sắn (khoai mì) luộc và một phần rau trộn, anh Hoài cho biết
Kêu cứu
Anh Hoài nói anh và các công nhân khác đã tìm cách liên hệ với đại diện công ty lao động Việt Nam, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng, và “công ty nhiều lần làm mất lòng tin của công nhân“.

Bọn em có nghe thông tin nói là đang làm mọi thủ tục… hôm trước có một anh làm về nhân sự ở bên này nhắn tin cho em, bảo là xin được chuyến bay, có máy bay rồi, chỉ chờ bên phía Duglas [công ty thực hiện dự án của Ukraine] và cơ quan bản địa đồng ý cho qua đón.

Lúc lại bảo không xin được máy bay.

Hiện giờ thì nghe nói máy bay thì thuê được, nhưng không cho người dương tính ngồi.

Nói chung là trả lời không đâu vào đâu, cứ bảo là tại các cấp chính quyền.”

Bọn em đã liên hệ với người nhà và có phương án kêu gọi tất cả người nhà tập trung lên Văn phòng Chính phủ để cầu cứu, để tìm cách giải quyết, một là cho anh em về nước chữa trị, hai là nếu không được thì nhà nước có hỗ trợ chẳng hạn như cho bác sỹ hoặc thuốc thang, lương thực.

Em thấy người ta coi thường tính mạng của con người quá. Đang dịch bệnh như thế mà họ ép anh em đi làm, không đi làm thì không cho ăn, không cho nghỉ để bảo vệ tính mạng đâu.

Người ta còn đưa cả quân đội vào dọa, bảo nếu không làm thì đuổi đi. Họ vác súng vào dọa mấy anh em ở trong công trường.

Nên bọn em có nguyện vọng lớn nhất là mong Thủ tướng Chính phủ cứu giúp bọn em được về nước sớm ngày nào tốt ngày đó.”

Tính đến 5/7/2020, theo số liệu do Đại học Johnson Hopkins đưa ra thì Guinea Xích Đạo có 3.071 trường hợp dương tính Covid-19, trong đó đã có 51 ca tử vong.

Nước này phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên là vào ngày 14/3/2020.

Hiện Hà Nội chưa đặt đại sứ quán hoặc lãnh sự quán tại Guinea Xích Đạo. Các hoạt động được kiêm nhiệm từ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola.

Hôm 18-19/6, hơn 300 công dân Việt Nam tại Angola đã được Đại sứ quán, Vietnam Airlines và cơ quan chức năng đưa về nước.

Mới đây, truyền thông trong nước đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 đã đồng ý đưa 14.000 công dân Việt Nam “là các trường hợp đặc biệt” về nước.

Công nhân mất dần niềm tin vào cán bộ

Cuộc sống công nhân
Anh Phạm Ngọc Hoài cho biết anh ký hợp đồng với công ty CM Vietnam có trụ sở tại Hà Nội, sang làm việc đã được tám tháng theo hợp đồng có thời hạn 18 tháng cho dự án do công ty Duglas Alliance của Ukraine thực hiện.

Anh Phạm Ngọc Hoài nói công nhân người Việt phải làm việc 30 ngày một tháng, mỗi ngay 9 tiếng
Ở nơi anh hiện đang làm việc có tổng số 250 công nhân người Việt, do ba công ty khác nhau của Việt Nam đưa sang.

Một số người khác đã hết hạn từ vài tháng trước nhưng vẫn đang bị kẹt lại giữa lúc tình hình dịch bệnh ở châu Phi càng lúc càng trở nên nghiêm trọng.

Được biết các công ty Việt Nam gửi lao động đi cũng có đại diện tại chỗ, nhưng “Ban Quản lý Dự án cũng bất mãn lắm“, bởi họ “không có tiếng nói gì“, anh Hoài nói.

Anh Phạm Ngọc Hoài làm việc tại một dự án xây dựng thủy điện tại thị trấn cảng Bata, thị trấn lớn nhất của Guinea Xích Đạo
Bọn em đi làm ở đây, bị bệnh như thế mà người ta bắt anh em còn lại ở công trường, những người chưa có kết quả xét nghiệm, phải đi làm. Nếu không đi làm là họ không cho ăn cơm.

Có những hôm bọn em đi làm, bữa trưa ăn lúc 12 giờ, cả hơn 200 con người họ chỉ cho đúng 30 phút. Chưa kịp ăn, có người mới được một, hai thìa cơm người ta đã đuổi, hết giờ, người ta không cho ăn, phải đứng dậy đi làm.

Lương bọn em làm ở đây, làm đủ 30 công trên một tháng, mỗi ngày 9 giờ làm việc thì công ty trả cho bọn em được 18 triệu đồng Việt Nam, tức khoảng độ 700 đô la Mỹ.

Không được nghỉ ngày nào. Nếu nghỉ thì người ta trừ, không trả đủ 18 triệu.

Ngay cả khi đang làm việc ngoài trời, nếu trời mưa một tiếng đồng hồ là cũng bị trừ giờ làm ngày hôm đó, không được tính đủ công mà bị trừ đi một tiếng.

Bọn em ở bên đây chỉ biết làm thôi. Đến cuối tháng thì công ty sẽ bắn tiền về cho vợ con em, cho gia đình ở nhà.”

BBC News Tiếng Việt đang tìm cách liên hệ với công ty CM Vietnam để tìm hiểu thêm thông tin.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53299688