Việt Nam: Chính phủ “rối bời”, Du lịch “kiệt quệ” vì làn sóng COVID-19 thứ hai

Link Video: https://youtu.be/z6eT9y9hmEU

Du lịch là lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch toàn cầu. Nhất là ở Việt Nam, khi mà các doanh nghiệp du lịch mới có dấu hiệu hồi phục trong gần 3 tháng kể từ thời điểm chấm dứt giãn cách xã hội thì nay lại rơi vào tình trạng kiệt quệ khi COVID-19 trở lại bất ngờ vào Việt Nam từ cuối tháng 07.

Chiều 07/08, Tổng cục Du dịch đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch” với sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) du lịch, hàng không, hiệp hội du lịch các tỉnh, thành.

Giới chức Việt Nam nhận định ngành du lịch trong nước đang phải chịu tiếp một cú “đấm bồi” khi Việt Nam hứng chịu làm sóng dịch COVID-19 thứ hai.

Lượng khách hủy tour lên đến 95%-100% dịp cuối tháng 7 và tháng 8 – hai tháng cao điểm du lịch nội địa.

DN lữ hành chịu thiệt hại nặng nề do hàng loạt khách vừa hủy tour vừa đòi hoàn tiền, trong khi chính sách của các hãng hàng không chỉ cho lùi tiền cọc vé chứ không hoàn trả. Hàng không cho hoãn hủy thời gian tối đa 180 ngày nhưng tâm lý phổ biến của khách là e ngại, không còn nhu cầu đi du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định tâm lý e ngại đã khiến rất nhiều khách du lịch hủy tour không chỉ đến khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch. Nhiều địa phương trên cả nước phải ra thông báo hỏa tốc đóng cửa nhiều điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi, giải trí… nhằm bảo đảm an toàn cho du khách, người dân.

Theo Sở Du lịch TP Hà Nội, tính từ ngày 28/07 đến 04/08, đã có hơn 30.000 khách của 33 DN lữ hành tại Hà Nội hủy tour du lịch nội địa. Một số công ty lữ hành lớn như Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour, gây thiệt hại khoảng 21 tỉ đồng; Công ty Hanoitourist có khoảng 5.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 30 tỉ đồng. Công suất phòng tại các khách sạn từ 3 đến 5 sao trên địa bàn Hà Nội chỉ đạt khoảng 22%.

Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết sơ bộ TP.HCM có trên 35.000 chương trình du lịch của các công ty lớn đã bị hủy.

Công ty Cổ phần Du lịch & Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel, DN du lịch hàng đầu Việt Nam cho biết số lượng khách hủy tour tính đến ngày 05/08 lên tới 22.302 lượt khách, thiệt hại 102 tỉ đồng.

Ảnh: Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch” do Tổng cục Du dịch tổ chức vào chiều 07/08

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, thị trường du lịch ảm đạm đã khiến 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần ba lần so với cùng kỳ. Nhiều lao động trong ngành du lịch rơi vào cảnh bị mất việc làm.

Khi kiểm soát được phần nào dịch bệnh, vào tháng 05/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhanh chóng phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Chương trình này được các doanh nghiệp, hiệp hội, các địa phương hưởng ứng và đã có những dấu hiệu tích cực.

Một số địa chỉ du lịch vốn có thế mạnh về khách nội địa vào mùa hè như Đà Lạt, Sa Pa dần dần đông đúc.

Đầu tháng 7/2020, những địa chỉ du lịch gắn với biển đã tung ra nhiều đợt khuyến mãi dành cho khách nội địa và những tín hiệu tích cực thấy rõ ở Phú Quốc, Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Sầm Sơn, Lăng Cô, Hạ Long…

Sở Du lịch Hà Nội cho biết trong tháng 07/2020, lượng khách đến thủ đô đạt gần 1,2 triệu lượt, tăng 51,2% so với tháng 06.

Tính riêng Đà Nẵng, thông tin từ Sở Du lịch cho biết sau một tháng triển khai chương trình kích cầu du lịch “Danang Thank You“, tổng lượng khách du lịch đến thành phố trong tháng 06 ước đạt 454.764 lượt, tăng 85% với tháng 05.

Ảnh chụp Kế hoạch số 1749 phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành. Thời gian thực hiện Chương trình là từ ngày 1/6 đến ngày 31/12/2020

Ngành du lịch Việt Nam đang đón những dấu hiệu hồi sinh tích cực để chống đỡ hệ lụy đợt lây nhiễm thứ nhất thì làn sóng bùng phát dịch thứ hai xuất hiện ở Đà Nẵng đã đẩy các doanh nghiệp đến bờ vực thẳm.

Theo nhà báo Gia Quan, Cú đấm bồi mà ngành du lịch đang hứng chịu một cách nghiệt ngã, có thể hình dung là một chuỗi đòi nợ dây chuyền. Khách hàng đòi lại tiền từ công ty du lịch đã đặt tour, cũng có lý, vì họ không biết khi nào mới có thể sắp xếp thời gian phù hợp để thay đổi chuyến du lịch khác.

Còn công ty du lịch đòi nợ đối tác khá nan giải, đòi tiền đã đặt tiệc từ nhà hàng ư, đòi tiền đã đặt phòng từ khách sạn ư, đòi tiền đã đặt vé từ hãng hàng không ư? Thì chẳng có ai muốn lấp liếm hay gian lận, nhưng khó khăn chung, giật đầu nào để đắp đầu nào cũng không êm thắm. Kết quả, các công ty du lịch đứng giữa hai làn đạn, một bên là khách hàng và một bên là các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Từ Quý Thành chia sẻ thực trạng của công ty mình như sau: Công ty ông có khoảng 80% lượng khách hủy tour và vì muốn giữ uy tín nên công ty bắt buộc phải hoàn lại 100% giá trị tour bằng nguồn vốn dự phòng ngày càng cạn kiệt. Bởi phí cọc vé máy bay nằm ở hãng hàng không rất lớn nhưng lại không thể lấy ra để có thể hoàn tiền tour cho khách.

Công ty phải cọc tiền 1.000 vé máy bay cho hàng không, trung bình 1 triệu đồng/vé. Khi khách hủy tour, hàng không không hoàn tiền hủy vé mà chỉ cho dời ngày. Chỉ tính riêng phí cọc vé máy bay công ty đã chi 1 tỉ đồng mà không thể lấy ra được. Các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhà xe…, mỗi đối tác công ty cũng đặt cọc 30%, vì rơi vào cao điểm hè có nơi đề nghị cọc đến 50%.

May mắn là nhờ Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch các địa phương đã kịp thời khuyến khích các đối tác cung ứng dịch vụ chia sẻ khó khăn với công ty lữ hành. Nhờ đó, đến nay đã có khoảng 80% đối tác dịch vụ đồng ý hoàn tiền cọc cho công ty ông Thành. Có điều, thời gian để công ty ông nhận lại cọc mất từ một đến hai tháng nhưng dẫu sao có còn hơn không. DN du lịch giống như người đầu bếp chọn các nguyên liệu chế biến thành món ngon cho du khách nhưng nay lại rơi vào thế trận khó khăn trăm bề.

Ảnh: Các bãi biển du lịch đã vắng vẻ trở lại sau khi Việt Nam đón làn sóng dịch thứ hai vào cuối tháng 07

Những doanh nghiệp du lịch được cho là bị ảnh hưởng đầu tiên và phục hồi sau cùng trong cơn bão đại dịch cororna.

Trước đợt lây nhiễm thứ hai của COVID-19 tại Việt Nam, báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết có tới 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động, trong đó 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép.

Theo thống kê Sở Du lịch TP HCM, ở khối lữ hành hiện có gần 90% doanh nghiệp phải ngưng hoạt động; số còn lại hoạt động cầm chừng, chủ yếu giải quyết các công việc tồn đọng. Ở khối lưu trú, các khách sạn từ 3-5 sao đã cho nhân viên nghỉ việc không lương hoặc chấm dứt hợp đồng với số lượng lên tới 80%-90%. Đối với khách sạn 1-2 sao, nhân viên cũng lâm vào tình cảnh tương tự hoặc bị cho nghỉ hẳn.

Diễn biến của dịch bệnh rất phức tạp nên ngành du lịch không thể dự đoán được gì. Nếu làm tốt như kỳ vọng, hết tháng 8 dịch sẽ được khống chế thì từng bước hồi phục lại. Tuy nhiên, cái khó là khi đó đã hết hè, hết cao điểm của mùa du lịch nội địa. Cuối năm là mùa thấp điểm, các doanh nghiệp chỉ hy vọng cầm cự thôi. Mọi chuyện tốt đẹp thì kỳ vọng vào dịp tết năm sau, tức từ năm 2021 trở đi ngành du lịch may ra mới tăng tốc lại.

Điều đó có nghĩa là trong một kịch bản lý tưởng nhất thì khó khăn của ngành du lịch sẽ kéo dài tới năm 2021 nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng chống dịch như đợt 1. Thế nhưng, nhìn vào thực tế, khi hết dịch, hết nguy hiểm về sức khỏe thì nền kinh tế đã kiệt quệ. Người dân phải lo đến những nhu cầu tối thiểu như ăn uống để tồn tại thì làm sao nghĩ đến việc đi du lịch nên khó khăn của ngành công nghiệp không khói chắc chắn sẽ còn kéo dài lâu hơn.

Ảnh: Phòng đẳng cấp 5 sao của khách sạn Majestic ở TP HCM đang bán giá chỉ từ 1,8 triệu đồng/đêm. Để hút khách đến ở, khách sạn nổi tiếng này còn bố trí xe sang đến tận nhà đón khách

Vậy trong hiện tại thì phải tháo gỡ khó khăn cho DN bằng cách nào?

Việc đầu tiên ngành du lịch đã và đang triển khai là kêu gọi tinh thần hợp tác, cùng chia sẻ, đồng hành với DN và khách du lịch.

Các DN cung cấp dịch vụ cần cố gắng hỗ trợ DN lữ hành ở mức có thể vì họ hiện không còn tiền.

Về phía du khách, có lẽ cũng cần có cuộc vận động để họ thông cảm và chia sẻ, không đòi tiền ngay lập tức mà chuyển tour đến một địa điểm khác, một thời gian khác. Nếu không, sẽ đẩy các DN vào đường cùng. Chỉ có sự thông cảm và chia sẻ từ nhiều bên mới có thể giúp DN gỡ lại và hồi phục.

Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội, cho biết hiệp hội đã gửi văn bản tới sở du lịch và hiệp hội du lịch của 7 tỉnh, thành là Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Hải Phòng đề nghị hỗ trợ bằng hình thức bảo lưu tour du lịch, dịch vụ đến thời điểm thích hợp; không phạt đối với những trường hợp hủy tour du lịch hoặc có thể hoàn phí cho DN lữ hành.

Lãnh đạo của Công ty Vietravel đề xuất các DN hàng đầu về vận chuyển, lưu trú, lữ hành, khu vui chơi giải trí… cũng cần được hỗ trợ về chính sách tiếp cận vốn vay để tạo đầu kéo giúp ngành du lịch hồi phục. Về công nợ giữa các DN dịch vụ với nhau, đặc biệt là giữa hàng không với các hãng du lịch, vị lãnh đạo này đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng địa phương đứng ra làm trung gian, kết chuyển những khoản nợ này, giúp công ty lữ hành được nhận lại nguồn tiền đã chuyển trước cho hãng hàng không, thu lại về phục vụ các hoạt động phục hồi kinh doanh sau dịch.

Ảnh: Sa Pa luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên ngày vừa qua do dịch COVID-19 trở lại Việt Nam, Sa Pa lại rơi vào tình trạng vắng khách du lịch

Trong cuộc họp trực tuyến với Tổng cục Du lịch hôm 07/08, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam kiến nghị xem lại gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ.

Ông Thanh nói: “Đến nay, ngành du lịch vẫn chưa tiếp cận được gói kích cầu này. Để tồn tại, tôi đề nghị cần đơn giản hóa thủ tục, giúp DN dễ dàng tiếp cận hơn với gói hỗ trợ này.”

Kiến nghị này ngay lập tức nhận được nhiều sự ủng hộ của các DN du lịch. Lãnh đạo Vietravel cho rằng gói BHXH cho người lao động có thể đưa ngay về đầu mối các DN để chủ động, tránh việc đưa về địa phương sẽ khó quản lý do có sự chuyển dịch lao động trên toàn quốc.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: “Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch về chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 và đang tiếp tục cùng các địa phương hoàn thiện chương trình này, chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi du lịch sau đại dịch.”

Về giải pháp trước mắt, ưu tiên số 1 hiện nay là các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch để có những hành động, kế hoạch linh hoạt phù hợp.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Công ty Vietravel cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho nghiên cứu lại chương trình “Vietnam I’am safe” – Việt Nam an toàn, từng điểm tham quan, dịch vụ, phương tiện vận chuyển theo tiêu chí an toàn, hình thành bản đồ du lịch số về du lịch an toàn để giúp du khách biết được nơi an toàn để đến và các địa phương dựa vào đó có kế hoạch chuẩn bị dịch vụ phục vụ.

Ảnh: Bản đồ các điểm du lịch Việt Nam

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Vietnam Airlines sắp “hết tiền đổ xăng”

>>> Thật hay giả – dữ liệu viêm phổi Vũ Hán đợt 2 tại Việt Nam

>>> Việt Nam: Bùng phát viêm phổi Vũ Hán đợt 2 – cách ly hàng loạt bác sĩ, Bệnh viện nguy cơ “trống rỗng”

Thật hay giả – dữ liệu “dính” Vũ Hán đợt 2 tại VN

Kasse animation 7.8.2023