Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng thúc đẩy bá quyền tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Việt Nam và Ấn Độ đã ngày càng xích lại gần nhau, đẩy mạnh hợp tác song phương đối phó với các mối đe dọa trong khu vực.
Mới đây nhất hôm 25/08 vừa qua, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Ấn Độ về Hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật, theo hình thức trực tuyến.
Theo truyền thông Ấn Độ, trong số nhiều nội dung được bàn thảo tại cuộc họp, hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và trên Đường kiểm soát Thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc (LAC) được nhắc tới và hai bên cùng tóm tắt những diễn tiến mới nhất cho nhau.
Còn trang tin Chính phủ Việt Nam cho biết hai bên “khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, và kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.”
Trước đó ít ngày, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu gặp Bộ trưởng Ngoại giao Harsh Shringla và cập nhật cho vị bộ trưởng những căng thẳng mới nhất ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc điều máy bay ném bom H-6J tới Đảo Phú Lâm, thuộc Quần đảo Hoàng Sa.
Hôm 04/08, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma gặp Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, người ‘đánh giá cao lập trường của chính phủ Ấn Độ về vấn đề Biển Đông’ đồng thời khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là mong muốn các bên liên quan giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.
Ấn Độ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và có lợi ích quan trọng tại Biển Đông.
Đặc biệt, Tập đoàn dầu khí ONGC Videsh của Ấn Độ đang tham gia khai thác thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Việt Nam mong muốn Ấn Độ tiếp tục có sự hiện diện trong khai thác dầu khí ở Việt Nam và Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định các công ty nước này sẽ tiếp tục các hoạt động với Việt Nam trên các vùng biển của Việt Nam.
Trong bối cảnh có các thách thức chiến lược trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, chủ yếu do Trung Quốc gây ra, Ấn Độ và Việt Nam tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, trong đó có Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nơi cả hai nước đều là ủy viên không thường trực.
Hợp tác về quốc phòng, an ninh được coi là một trong những lĩnh vực “trụ cột và hiệu quả” của quan hệ song phương Việt – Ấn.
Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam một gói tín dụng trị giá 100 triệu USD để mua 12 tàu tuần tra cao tốc.
5 tàu sẽ được đóng tại xưởng Kattupalli, thuộc tập đoàn Larsen & Toubro của Ấn Độ, và 7 tàu đóng tại nhà máy đóng tàu Hồng Hà ở Việt Nam. Dự kiến các tàu sẽ được hoàn tất vào giữa năm 2021.
Ấn Độ cũng cho Việt Nam một gói tín dụng khác trị giá 500 triệu USD để mua các thiết bị quốc phòng của nước này.
Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ mua thiết bị nào, nhưng các nguồn tin cho biết Hà Nội quan tâm đến hệ thống tên lửa đất đối không Akash và trực thăng nhẹ Dhruv của Ấn Độ, theo trang The Diplomat.
Ấn Độ trong thời gian qua cũng hỗ trợ đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình cho Việt Nam.
Ngày 30/08 mới đây, Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ dẫn các nguồn thạo tin trong chính phủ tiết lộ Ấn Độ đã bí mật triển khai một tàu chiến tới Biển Đông.
Giới quan sát đánh giá đây là thông điệp cảnh báo mạnh mẽ của New Delhi tới Bắc Kinh.
Hải quân Ấn Độ cũng triển khai thêm một nhóm tàu chiến khác tới gần eo Malacca chiến lược để theo dõi tàu chiến Trung Quốc.
Nguồn tin của ANI khẳng định việc triển khai được giữ bí mật tuyệt đối vì không muốn thu hút sự chú ý của dư luận Ấn Độ vào thời điểm căng thẳng với Trung Quốc.
Trong thời gian hoạt động trên Biển Đông, tàu chiến Ấn Độ đã trao đổi thông tin qua các kênh bảo mật với tàu chiến Mỹ tại khu vực.
Cũng theo nguồn tin của ANI, Trung Quốc sau đó đã phát hiện sự xuất hiện của tàu chiến Ấn Độ nhưng chỉ thể hiện sự phản đối qua các kênh ngoại giao.
Kể từ cuộc xung đột ở thung lũng Galwan, khu vực tranh chấp biên giới Trung – Ấn, đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hồi giữa tháng 06, quan hệ Trung – Ấn hết sức căng thẳng.
Ấn Độ ngay lập tức đã tiến hành một cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc, với lệnh cấm hầu hết mọi thứ, từ các ứng dụng di động phổ biến đến đấu thầu các dự án công.
Vào cuối tháng 6 vừa qua, 59 ứng dụng của Trung Quốc bao gồm TikTok, WeChat, Alibaba bị Chính phủ Ấn Độ áp đặt lệnh cấm. Bộ trưởng Công nghệ Thông tin Ấn Độ Ravi Shankar Prasad gọi đó là “cuộc tấn công kỹ thuật số“.
Các ứng dụng của Trung Quốc bị cáo buộc là cơ quan tuyên truyền của Chính phủ Trung Quốc với những hành vi trộm cắp dữ liệu.
Đến ngày 23/7, Chính phủ Ấn Độ đã công bố các hạn chế tham gia đấu thầu các dự án công đối với các nhà thầu từ Trung Quốc và các quốc gia láng giềng của Ấn Độ. Giới truyền thông cũng loan tin rằng, New Delhi sẽ loại trừ các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE khỏi mạng 5G sắp tới của Ấn Độ và tăng thuế đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất với lý do các sản phẩm của Trung Quốc rất rẻ “bởi vì chúng được Chính phủ Trung Quốc trợ cấp rất nhiều“. Báo cáo đệ trình lên Quốc hội Ấn Độ năm 2018 cho biết, Chính phủ Trung Quốc giảm giá tới 17% cho các nhà xuất khẩu, giúp hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu rẻ hơn 5-6% so với các đối tác Ấn Độ.
Quy định ngày 23/07 yêu cầu để tham gia gói thầu của Ấn Độ, các nhà thầu đến từ các nước có chung biên giới với Ấn Độ bắt buộc phải đăng ký với Bộ thương mại Ấn Độ.
Cũng bởi quy định này mà ngày 27/08 vừa qua các nhà máy lọc dầu quốc doanh của Ấn Độ đã ngưng mua dầu thô từ các công ty Trung Quốc như CNOOC, Unipec và PetroChina.
Ấn Độ được cho là ngày càng có thái độ cứng rắn với Trung Quốc.
Ngày 24/08 Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng Ấn Độ Bipin Rawat cảnh báo Ấn Độ có lựa chọn quân sự để đối phó với những hành động xâm phạm của Trung Quốc nếu đối thoại bất thành.
Phát biểu về tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực Ladakh ở biên giới, ông Rawat nói: “Lựa chọn quân sự để đối phó với sự xâm phạm của quân đội Trung Quốc tại Ladakh vẫn nằm trên bàn nhưng nó chỉ được thực hiện nếu đối thoại giữa các cấp quân sự và ngoại giao thất bại.”
Theo tướng Rawat, việc vi phạm xảy ra tại tại Đường kiểm soát thực tế (LAC) là do cách nhìn nhận khác nhau giữa 2 bên. Ông Rawat khẳng định các lực lượng quốc phòng Ấn Độ vẫn đang giám sát và ngăn ngừa sự xâm phạm của phía Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh cách tiếp cận của New Delhi là giải quyết một cách hòa bình.
Trong một diễn biến liên quan, Ấn Độ vừa quyết định rút khỏi một cuộc tập trận quốc tế có Trung Quốc tham dự. Báo Times of India trích dẫn lời một quan chức cấp cao của quân đội Ấn Độ hôm 29/08 cho biết: “Chúng tôi đã quyết định rằng, việc tham dự một cuộc tập trận có sự hiện diện của các binh sĩ thuộc quân đội Trung Quốc (PLA), ngay cả khi đó là cuộc tập trận đa phương, là không phù hợp.”
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ấn Độ giải thích, quyết định rút khỏi cuộc tập trận quốc tế sắp tới là do sự hoành hành của đại dịch COVID-19 gây ra nhiều thách thức, kể cả với công tác hậu cần của phái đoàn nước này. Nhà chức trách Ấn Độ khẳng định đã giải thích rõ mọi vấn đề với Nga, đối tác chiến lược thân thiết của nước này.
Theo kế hoạch ban đầu, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ cùng tham gia cuộc tập chiến chống khủng bố và chỉ huy chiến lược KavKaz 2020 diễn ra tại thao trường Donguz ở vùng Orenburg, Nga vào các ngày 15 – 26/09. New Delhi từng dự định cử 200 binh sĩ tham gia sự kiện.
Hồi đầu tuần trước, Đại sứ quán Nga tại New Delhi vẫn xác nhận đại diện quân đội Ấn Độ đã dự họp bàn về các khía cạnh của cuộc tập trận với Belarus, Iran, Myanmar và Pakistan.
Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Trung Quốc đe dọa lật đổ Cộng sản Việt Nam nếu “ngả theo” Mỹ
>>> Việt Nam không cần Cộng sản và không chấp nhận Cộng sản
>>> Quan chức Đảng “run sợ” – Truy tiếp 24 người Việt Nam có Quốc tịch Đảo Síp
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT