“Tranh ghế” Đại hội 13 – Hồ sơ bệnh án lãnh đạo cấp cao là ‘tối mật’

Link Video: https://youtu.be/2WgSf4nHrXY

Phú Trọng bệnh gì? – Vì sao “tối mật” bệnh án lãnh đạo cấp cao

Quyết định từ chức của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang khiến dư luận Việt nam bàn tán xôn xao, bởi sự khác biệt “một trời một vực” giữa các lãnh đạo tư bản “do dân bầu” và lãnh đạo Việt nam do “đảng cử”, hơn nữa Việt nam lại chỉ có duy nhất một đảng.

Bởi lẽ quan trường Việt nam hiện nay hoàn toàn không có văn hóa từ chức, một hành vi xuất phát từ sự tự trọng và tự ý thức về bản thân khi biết mình không còn đủ uy tín, không đủ sức khỏe và minh mẫn để phục vụ nhân dân.

Không rõ vì ngẫu nhiên hay do tính thời sự của vấn đề “sức khỏe lãnh đạo” mà mới đây hôm 24/8 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành một quyết định, theo đó, hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư trung ương Đảng thuộc danh mục “tối mật”…

Việc treo ấn từ quan vốn không lạ với văn hóa người Việt nam, nhưng nó đã biến mất hoàn toàn trong vài chục năm gần đây.

Hồi năm 2012 cũng có một cuộc đối đáp ấn tượng giữa ĐBQH Dương Trung Quốc và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giữa nghị trường. Đại biểu Dương Trung quốc khen ngợi thủ tướng Dũng đã có lời xin lỗi và xin nhận một hình thức kỷ luật, đó là một điều đáng ghi nhận vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử… Tuy nhiên ông Quốc gợi ý ông Dũng nên đoạn tuyệt với lời xin lỗi suông bằng một “văn hóa từ chức” để làm gương cho các quan chức, theo cách của các quốc gia tiên tiến khác.

Cuối cùng đại biểu Dương Trung Quốc chốt lại bằng “hai câu hỏi: một, Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân; hai, Thủ tướng có tán thành sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”

Tuy nhiên câu trả lời của Thủ tướng Dũng là ông tuân theo lệnh Đảng “suốt 51 năm” tức là ông sẽ “tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện” và “không thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng giao phó”. Dường như ông Quốc cũng loanh quanh chơi chữ và thủ tướng Dũng cũng chơi chữ lại.

Tuy nhiên, có thể giải mã câu trả lời này với lối hành văn đơn giản hơn là “tôi không từ chức và tôi chỉ tuân theo lệnh Đảng mà thôi”.

Ảnh: Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe ngày 28-8, đã phát biểu xin từ chức vì lý do sức khỏe, ông nói ‘Từ đáy lòng tôi xin được nói lời xin lỗi quốc dân’

Quay trở lại với những thông tin về sức khỏe và tính mạng của lãnh đạo Việt nam, phải nói đây là đề tài rất nóng và thu hút nhiều quan tâm của dư luận, và người được quan tâm nhất vẫn là Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Sau một thời gian dài vắng bóng trên các phương tiện truyền thông, thì mới đây ông Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục vắng mặt trong buổi lễ kỷ niệm 75 năm quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam hôm 28-8-2020.

Báo Nhân dân cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và vợ chủ trì buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng… cũng có mặt tham dự.

Mới đây, ông Trọng là  cũng vắng mặt trong quốc tang của cựu Tổng bí thư đảng Cộng sản Lê Khả Phiêu mặc dù ông là “Trưởng ban lễ tang.”

Hồi tháng 4-2019, sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng trở thành đề tài bàn tán ở Việt Nam sau chuyến thăm tỉnh Kiên Giang.

Ông Trọng xuất hiện trở lại một tháng sau đó với các hình ảnh ngồi họp với một chiếc đai vòng xung quanh bụng, nhưng báo Thanh Niên khi đưa ảnh lên báo giấy trang bìa đã dùng Photoshop để xóa bỏ chiếc đai này.

Truyền thông trong nước khi đưa tin về những cuộc họp, sự kiện, cũng không thấy hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng.

Mãi đến ngày 25/4, trả lời phóng viên trong buổi họp báo thường kỳ, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nói nguyên văn như sau: “Do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng tới sức khỏe của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm trở lại làm việc bình thường”.

Tuy nhiên, số lần ông Trọng xuất hiện công khai được ghi nhận vẫn rất hạn chế.

Tháng 10 năm ngoái, báo Nhân dân vô tình đưa đoạn video cho thấy ông Trọng bước đi khó khăn trong cuộc đón tiếp lãnh đạo Lào.

Ảnh: Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lắng nghe chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về văn hóa từ chức trong phiên họp Quốc hội ngày 14-11-2012

Kể từ đó đến nay, báo đài nhà nước gần như không đưa video nào cho thấy ông Trọng bước đi.

Bình luận về Quyết định “tối mật hóa” các thông tin sức khỏe của lãnh đạo nhà nước, trên Facebook cá nhân có gần 75 ngàn người theo dõi, nhà văn Lưu Trọng Văn viết:

Theo gã việc bí mật sức khoẻ của lãnh đạo đảng trong danh sách nêu trên là việc nội bộ của đảng phải do tổng bí thư hoặc thường trực ban bí thư ban hành cho nội bộ đảng viên thi hành chứ không thể do thủ tướng ban hành được. Việc thủ tướng ban hành quyết định này là can dự không đúng vào công việc nội bộ của một tổ chức đảng phái.

(Gã có nghĩa là tôi hay chính tôi, là cách Nhà văn Lưu Trọng Văn tự xưng theo kiểu riêng của mình)

Và việc này là việc của đảng gã rất tôn trọng mặc dù mình thời trẻ chỉ từng được là đoàn viên- cánh tay phải của đảng chứ chưa vinh dự là đảng viên.

Còn sức khoẻ của chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội là nguyên thủ quốc gia thì phải minh bạch công khai. Nguyên thủ quốc gia lãnh đạo Dân, Dân phải được quyền giám sát năng lực, khả năng lãnh đạo của các vị ấy thế nào.

Đó là quyền của Dân!

Dân chỉ có thể bị tước cái quyền ấy bởi đa số lá phiếu của quốc hội đồng ý Luật có tên gọi: Luật bảo vệ bí mật tình trạng sức khoẻ của nguyên thủ quốc gia.

Gã đề nghị chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, các ĐBQH là luật sư như Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Chiến cùng các ĐBQH nên có tiếng nói về vấn đề liên quan luật pháp và quyền của Dân này.

Gã cũng đề nghị các luật sư góp ý về tính đúng đắn hay không của quyết định của thủ tướng về bảo mật sức khoẻ của các uỷ viên BCT, uỷ viên BBT của đảng.” Nhà văn Lưu Trọng Văn nêu lên kiến nghị.

Ảnh: Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gần đây xuất hiện với hình ảnh đi không vững khiến nhiều người phải đỡ.

Còn nhớ hồi tháng 5/2020, cả thế giới xôn xao nghe chờ tin xét nghiệm liệu liệu tổng thống Trump có bị nhiễm virus Vũ Hán hay không và ngay cả phó tổng thống Mike Pence cũng có kết quả xét nghiệm cùng lúc. Báo chí Mỹ và nhất là phe đối lập tất nhiên rất muốn săm soi liệu có vấn đề gì dấu diếm hay thiếu minh bạch từ bác sỹ công bố kết quả xét nghiệm cho tổng thống hay không. Và dĩ nhiên sức khỏe của tổng thống là đề tài được cả thế giới quan tâm không riêng gì dân Mỹ, nên khó có thể che dấu hay chậm trễ thông báo kết quả cho các cơ quan truyền thông.

Những thông tin về việc chữa bệnh cũng như cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư thành ủy Đà nẵng được dư luận ngấu nghiến đọc qua trang Chân dung quyền lực với những tường thuật chi tiết cụ thể, trong khi báo chí chính thống lại không hề tiết lộ một dòng tin.

Mới đây sức khỏe của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng được báo chí nước ngoài bày tỏ sự quan ngại, trong khi báo trong nước hầu như nín khe.

Sức khoẻ của nguyên thủ quốc gia ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành quốc gia vì vậy ở các nước Dân chủ nó luôn được minh bạch, công khai.” Nhà văn Lưu Trọng Văn viết tiếp.

Trung thực là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu bắt buộc phải có ở nguyên thủ quốc gia dân chủ.

Điều đó thể hiện rõ trong phát biểu từ chức của ông Shinzo Abe thủ tướng Nhật rằng: “Bây giờ mang bệnh và phải trị liệu, tôi không thể để xảy ra trường hợp trong lúc khổ sở vì thể lực không còn được toàn vẹn có thể bị sai lầm trong phán đoán chính trị hay không đưa ra được kết quả. Do đó tôi đã phán đoán là nếu không còn đáp ứng với sự phó thác của quốc dân, tôi không nên tiếp tục giữ địa vị của một thủ tướng“.

Ở VN ta tính trung thực và sức khoẻ của nguyên thủ lại là “bí mật quốc gia”.

Không ai biết chủ tịch Trần Đại Quang bị bệnh nguy hiểm tính mệnh thế nào và ông vẫn làm việc mà chả rõ hiệu quả hay không, ích nước lợi dân hay không, cho đến… chết.

Không ai biết hiện nay thực trạng sức khoẻ của chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sau cơn đột quỵ ở Kiên Giang tháng tư 2019 ra sao?

Một người khoẻ mạnh không dễ gì đủ sức đủ trí để giải quyết các quốc nạn của đất nước huống hồ một người già cả, bệnh tật.

Ảnh: TBT Nguyễn Phú Trọng (phải) với tư thế “đứng không vững” khi đón Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Lào Bounnhang Vorachith.

Nếu nhà nước không công khai tình hình sức khoẻ của bất cứ nguyên thủ nào của mình là thiếu tôn trọng Dân và thiếu trách nhiệm với Dân.

Nếu là nguyên thủ quốc gia mà không công khai bệnh tình, sức khoẻ tốt xấu của mình với Dân là dối trá với Dân.

Xin gửi lời kính trọng nhân cách vì Dân và tính trung thực cao quý, cao thượng của ông Shinzo Abe.” Nhà văn Lưu Trọng Văn bày tỏ quan điểm.

Từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Trung tâm Minh Triết cho rằng quyết định từ chức của ông Shinzo Abe là hành động cư xử của một xã hội văn minh. Ông Mai nhận xét:

Như thế tức ông rất có trách nhiệm với dân tộc và chính phủ, người dân của mình. Người ta không còn đủ sức khỏe nữa thì xin tìm người thay thế là người khỏe mạnh, đủ sức chèo chống con tàu đưa đất nước, dân tộc phát triển. Đấy là một hạnh phúc của dân tộc Nhật, đất nước Nhật. Không giống như những anh chàng lú lẩn ở Việt Nam, già nua, nói trước quên sau nhưng vẫn bám vào ngôi vị mà làm không đến nơi đến chốn công việc của mình. Sẽ là một bất hạnh cho quốc gia nào như Việt Nam không có nổi một con người như vậy (như ông Abe), biết tự trọng, biết khiêm nhường, biết lúc nào ngừng, lúc nào nghỉ, cái đấy gọi là người vừa có trí trí, vừa có đức.”

Vẫn theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, qua việc Thủ tướng Nhật từ chức vì lo ngại không hoàn thành trách nhiệm, các lãnh đạo chính phủ Hà Nội cần xem đó như một bài học lớn để biết thêm về cách ứng xử.

Trao đổi với RFA tối 28/8, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng đưa ra nhận định về quyết định từ nhiệm của Thủ tướng chính phủ mặt trời mọc, từ đó nhìn lại Việt Nam:

Chúng ta thấy có sự khác biệt giữa hai hệ thống. Người lãnh đạo đất nước tất nhiên sẽ khổ vì lãnh đạo một nước rất quan trọng, quyết định điều hành cả đất nước. Về mặt sức khỏe nếu không ổn định thì không làm sao đủ sức khỏe làm.

Trong khi đó ở Việt Nam chúng ta cũng thấy hầu như các lãnh đạo ngồi trên các vị trí đến trọn đời, chắc chắn tôi cho đó là một chính sách nếu mà giữ gìn sức khỏe đã không làm lại. Chúng ta thấy được sự khác biệt giữa sức khỏe của lãnh đạo toàn nằm trong bí mật quốc gia. Ta đã quen thuộc việc không biết tình hình sức khỏe những người lãnh đạo thế nào. Đấy là việc rất nguy hiểm.”

Theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, từ chuyện không công khai sức khỏe lãnh đạo có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho tình hình đất nước. Ông lập luận:

Hiện tại chính quyền quyền lực hóa của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Ta thấy đất nước cho đến lúc này rất nhiều chuyện từ dịch bệnh, tình hình thiên tai, phát triển kinh tế mà mấy tháng nay ta chưa hề thấy nguyên thủ quốc gia xuất hiện thì làm sao đất nước qua được. Nguyên thủ quốc gia vắng mặt bỏ rơi trách nhiệm lãnh đạo đất nước của mình, người lãnh đạo đã từ bỏ quyền lãnh đạo đất nước muốn thoái hóa kinh tế. Tôi cho rằng tình trạng này sẽ gây ra sự không ổn định cho quốc gia.”

Đồng quan điểm nêu trên, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đưa ra nhận định:

Việt Nam cứ coi sức khỏe lãnh đạo như một bí mật. Vì sao họ muốn giữ bí mật ấy? Vì cái gốc là họ muốn tham quyền cố vị, không muốn nhường chức cho ai. Đấy là thói xấu, đạo đức kém bày trò ra là tự nhiên sức khỏe lãnh đạo trở thành bí mật quốc gia.”

Vì vậy, theo quan điểm cá nhân, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng, từ chuyện bé như công khai tình hình sức khỏe lãnh đạo mà chính phủ Hà Nội đã bỏ qua, thì chuyện lãnh đạo xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe như các nước khác lại càng khó xảy ra:

Chúng ta nên coi tư duy một cách rất bình thường là người điều hành quốc gia như một người điều hành công ty chẳng hạn, người Tổng giám đốc khi sức khỏe không còn, không thể điều hành lãnh đạo công ty nữa thì nên từ chức. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng chế độ đang cai trị cho thấy tình trạng như thế, tức mọi người coi sinh hoạt chính trị thực ra không cần thiết. Đảng coi quyền lực chính trị là độc quyền của mình thì sẽ rất khó có chuyện tự nguyện từ chức. Khi còn độc đảng, còn ý thức hệ thì chắc chắn sẽ không có chuyện họ tự nguyện từ chức.”

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Vụ Nguyễn Đức Chung: Đảng trưởng “bắt” anh hùng – Đồng chí “thịt” lẫn nhau

>>> Quan chức Đảng “run sợ” – Truy tiếp 24 người Việt Nam có Quốc tịch Đảo Síp

>>> Tô Lâm vội “bắt” Nguyễn Đức Chung – Đồng đội và hàng xóm nói gì?

Đảng với Âm mưu “rước voi giày mả tổ”

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT

Kasse animation 7.8.2023