Nhăm nhe chiếm Biển Đông – Trung Quốc cùng lúc “ăn” 4 gậy

https://www.youtube.com/watch?v=1dUjuvKNcMc
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=1dUjuvKNcMc

Ngày 06/10/2020, Ngoại trưởng Mỹ cùng đồng nhiệm ba quốc gia đồng minh trong nhóm Bộ Tứ (Quad) có cuộc hội đàm tại Nhật Bản, nhằm thảo luận về mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc và các chiến lược đối phó.

Đây là cuộc hội đàm lần thứ hai của các ngoại trưởng Bộ Tứ gồm 4 quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Nhóm Bộ Tứ tổ chức cuộc hội đàm cấp ngoại trưởng lần đầu tiên vào tháng 09/2019 tại New York.

Cơ chế Bộ Tứ (tên gọi đầy đủ là Đối thoại An ninh Bốn bên – Quadrilateral Security Dialogue), với chủ trương xây dựng một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương « mở và tự do ».

Trong lời phát biểu trước khi hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Bộ Tứ khởi sự, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không ngại dùng những từ ngữ nặng nề để trực tiếp đả kích Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông nói: “Trong tư cách là đối tác trong Bộ Tứ, điều quan trọng có tính quyết định hơn bao giờ hết là chúng ta phải hợp tác để bảo vệ nhân dân và các đối tác của chúng ta, không bị Đảng Cộng sản Trung Quốc khai thác, bóc lột, tham nhũng và ức hiếp.”

Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp: “Chúng ta đã chứng kiến các hành động đó ở Biển Đông, trên sông Mekong, dãy Hy Mã Lạp Sơn và eo biển Đài Loan.”

Truyền thông quốc tế nhận định Ngoại trưởng Mỹ đã nỗ lực huy động sự ủng hộ của các đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, cổ vũ cho sự hợp tác sâu rộng hơn với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc để xây dựng một thành trì chống lại ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ảnh: Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi ,Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ tại Tokyo hôm 06/10/2020

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Nikkei của Nhật Bản, ông Pompeo nói tới việc hợp thức hóa và khả năng nới rộng nhóm Bộ Tứ.  

Ông Pompeo nói: “Một khi chúng ta đã định chế hóa những gì chúng ta đang làm, 4 nước đối tác trong Bộ Tứ, chúng ta có thể khởi sự xây dựng một khung sườn an ninh thực sự”, đề nghị các nước khác có thể đóng góp vào “thời điểm thích hợp”.”

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm rung chuyển Nhà Trắng, với việc Tổng thống Donald Trump và một loạt cộng sự bị nhiễm virus mà chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ đến Tokyo vẫn được duy trì, đã cho thấy tầm quan trọng của cuộc hội đàm cấp ngoại trưởng trong khuôn khổ Bộ Tứ này.

Trong cuộc hội đàm, các ngoại trưởng Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc cũng thảo luận về hợp tác phòng chống đại dịch COVID-19, an ninh trên biển và an ninh mạng.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne nói môi trường chiến lược tại khu vực Ấn độ – Thái Bình Dương đang trở nên phức tạp hơn, và sức ép đối với luật lệ làm nền tảng cho sự ổn định của khu vực có thể phương hại tới tiến trình hồi phục sau đại dịch COVID-19.

Liên quan tới các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, bà nói “Các Ngoại trưởng tái khẳng định rằng các nước không thể khẳng định tuyến bố chủ quyền hàng hải không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”.

Hội nghị cũng đồng ý tăng cường hợp tác với các đối tác khu vực, kể cả Sông Mekong và tái triệu tập các cuộc họp của Bộ Tứ trên căn bản thường kỳ.

Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tìm cách hỗ trợ các đồng minh châu Á để chống lại Trung Quốc

Trước chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 05/10, có phát biểu nhấn mạnh đến vị trí trung tâm của quan hệ Mỹ – Nhật và vai trò quan trọng của Bộ Tứ, nhưng đồng thời cũng lưu ý đến tầm quan trọng của việc xây dựng « các quan hệ ổn định với các láng giềng, bao gồm Nga và Trung Quốc ».

Hồi đầu tháng 10, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã có chuyên công du châu Âu và hội đàm với đồng nhiệm Pháp Jean-Yves Le Drian và đồng nhiệm Đức Heiko Maas.

Tại Pháp, trong bữa ăn tối làm việc kéo dài 3 tiếng, hai ngoại trưởng Nhật Bản và Pháp đã nhất trí cùng hợp tác trên nhiều hồ sơ, đặc biệt là tăng cường các hợp tác song phương tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó có việc thiết lập một “khu vực tự do và rộng mở” dựa trên “Nhà nước pháp quyền“.

Một chủ đề khác được hai ngoại trưởng đề cập là thúc đẩy hợp tác an ninh, trong đó có các cuộc tập trận chung giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Pháp, cũng như vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Sau cùng, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và đồng nhiệm Nhật Bản cùng nhất trí phối hợp hành động để đối phó với khủng hoảng virus corona và chuẩn bị cho thế giới thời hậu COVID.

Do Ngoại trưởng Đức đang phải cách ly do tiếp xúc với một người nhiễm COVID-19 nên Ngoại trưởng Nhật Bản đã hủy chuyến công du Berlin và thực hiện hội đàm trực tuyến với đồng nhiệm Đức từ Paris hôm 01/10. Hình thành một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở” cũng là điểm được hai ngoại trưởng Nhật và Đức nhấn mạnh.

Giống như cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Pháp, hai ngoại trưởng Nhật Bản và Đức cũng đề cập đến chương trình phối hợp hành động vượt qua khủng hoảng giai đoạn hậu COVID.

Quốc gia châu Á còn lại trong liên minh Bộ Tứ là Ấn Độ cũng không ngừng thắt chặt hợp tác với Mỹ.

Ngoài hội đàm cấp ngoại trưởng Bộ Tứ hôm 06/10 tại Tokyo, Ấn Độ và Hoa Kỳ còn có các cuộc gặp song phương dồn dập trong tháng 10 này, đặc biệt là đối thoại 2+2 lần thứ ba, giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước, dự kiến diễn ra ngày 26 và 27/10.

Đối thoại 2+2 Ấn – Mỹ diễn ra vào đúng lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức hội nghị với 370 thành viên Ban Chấp hành Trung ương và Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Tập Cận Bình để xem xét những quyết định chính trị quan trọng, cũng như kế hoạch 5 năm sắp tới.

Nhân dịp đối thoại 2+2 này, Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ ký Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (Basic Exchange and Cooperation Agreement – BECA) liên quan đến hợp tác địa – không gian. Theo trang Hindustan Times ngày 05/10, việc ký kết BECA là bước phát triển quan trọng, cho phép Ấn Độ sử dụng bản đồ không gian địa lý toàn cầu của Mỹ để đánh giá độ chính xác của các loại vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. BECA là thỏa thuận cuối cùng trong số bốn thỏa thuận thiết lập liên lạc quân sự và cho phép Ấn Độ mua máy bay không người lái của Mỹ, như MQ-9B sử dụng dữ liệu không gian để tấn công mục tiêu của kẻ thù.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cũng dự kiến đến New Delhi vào giữa tháng 10 để tăng cường các thỏa thuận hợp tác song phương.

Ngày 02/10 vừa qua cũng đánh dấu sự kiện lần đầu tiên phi cơ chiến đấu Mỹ tiếp liệu tại một căn cứ Ấn Độ. Sự việc diễn ra vào lúc tại vùng biên giới Ấn – Trung, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang trong tình trạng đối đầu căng thẳng.

Phi cơ P-8 Poseidon của Mỹ, chuyên săn tầu ngầm và trinh sát trên biển đã hạ cánh để tiếp nhiên liệu tại căn cứ quân sự chiến lược của New Delhi tại quần đảo Andaman và Nicobar trên Ấn Độ Dương. Hoạt động tiếp liệu của phi cơ Mỹ diễn ra trong khuôn khổ Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần song phương (gọi tắt là LEMOA), ký kết hồi 2016.

Sau khi thỏa thuận này chính thức có hiệu lực từ năm 2017, các hoạt động hỗ trợ tiếp liệu song phương từng diễn ra một số lần, nhưng chỉ là trên biển. Mới đây nhất, hồi tháng 09, một tàu chiến Ấn Độ đã được một tàu chở dầu của Mỹ tiếp liệu. 

Theo các nhà quan sát, dù chỉ là một hoạt động tiếp liệu thông thường, nhưng sự hiện diện lần đầu tiên của một phi cơ chống ngầm và trinh sát Mỹ tại căn cứ chiến lược của Ấn Độ gửi đi một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc.

Ấn Độ hiện đang đặt quân đội, trong đó có lực lượng Hải quân, trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Đối thủ của New Delhi không ai khác hơn là Bắc Kinh. Quân đội Trung Quốc không chỉ đe dọa Ấn Độ tại vùng biên giới trên bộ ở phía bắc. New Delhi coi việc Hải quân Trung Quốc gia tăng hoạt động tại Ấn Độ Dương là một hiểm họa.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 03/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cùng nhiều quan chức chính phủ, đã khánh thành đường hầm Atal, dài 9,02 km, nằm trên độ cao hơn 3.000 mét ở bang Himachal Pradesh, giúp khẩn trương điều quân lên Ladakh, vùng biên giới đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Theo AFP, đường hầm Atal, có tổng chi phí 400 triệu đô la, nằm trên một trong hai trục đường duy nhất dẫn đến vùng biên giới Ladakh và có vai trò quan trọng trong chương trình cơ sở hạ tầng chiến lược của Ấn Độ.

Trang Global Times, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, không phủ nhận tầm quan trọng trong thời bình của đường hầm này đối với Ấn Độ, nhưng cảnh báo là công trình « sẽ không có lợi ích nào trong thời chiến, đặc biệt là nếu xảy ra xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc » vì quân đội Trung Quốc « có khả năng vô hiệu hóa đường hầm này ».

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Nữ dân biểu Quốc hội Liên bang Đức nhận bảo trợ cho TS Phạm Chí Dũng

>>> Campuchia bỏ dự án của Mỹ để theo Trung Quốc?

>>> Luật Magnisky và chế tài vi phạm nhân quyền ở Việt Nam thế nào?

https://www.youtube.com/watch?v=FFurQxz0mVg
Mỹ ra quy định cấm đảng viên cộng sản nhập cư, nhập tịch

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT