Việt Nam: Phân cấp, phân quyền sẽ giúp ‘đốt lò’ hiệu quả hơn?

Tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nghiêm trọng, rất cấp bách với hậu quả có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ, ý kiến trong giới quan sát từ Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt tuần này.

Để đương đầu với tham nhũng này trong giai đoạn mới, ban lãnh đạo mới của nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam cần tiến hành nhiều biện pháp, trong đó phân cấp, phân quyền và thay đổi thể chế thông qua pháp luật là những bước đi có thể giúp giải quyết thực chất, hiệu quả vấn đề này, vẫn theo ý kiến này.

Trao đổi với BBC hôm thứ Năm, 03/6/2021, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) từ Hà Nội nói:

Mức độ tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, hệ quả của nó đã đe dọa sự tồn vong của chế độ, mà có thể nói là rất cấp bách.

Điều đó tạo nên tình thế thúc đẩy các nhà lãnh đạo của Việt Nam hiện nay phải có quyết tâm và những hành động thiết thực và cụ thể hơn để có thể đấu tranh hay chống tham nhũng một cách hiệu quả.

Theo tôi nhận định, việc đầu tiên tôi đánh giá ở ông tân Thủ tướng Phạm Minh Chính là ý tưởng của ông rằng cần phải phân cấp và phân quyền, và tự chịu trách nhiệm cũng như kiểm tra giám sát tốt hơn.

Theo tôi, đây là một tư tưởng mang tính chất chính sách, nếu như nó được thực hiện sẽ rất là tốt. Nó cũng sẽ góp phần cho công cuộc phòng ngừa và để chống tham nhũng.

Đó chính là một cách chuyển đổi, thay đổi về thể chế và đó là những bước đi cần thiết, ở đây rất có thể đó là bản lĩnh, cũng như là mong muốn của ông tân Thủ tướng, song đồng thời mong muốn đó phải xuất phát từ vấn đề là hiệu quả của bộ máy, cũng như là hệ quả của việc đùn đẩy trách nhiệm.

Và khi xảy ra những vấn đề liên quan đến tham nhũng, việc xử lý tham nhũng vô cùng phức tạp, như vẫn nói là ‘ta đánh ta’, cho nên phân cấp, phân quyền, tự chịu trách nhiệm, theo tôi là một bước có thể nói để đi vào thực tế hơn trong câu chuyện phòng chống tham nhũng.”

Liên quan đến tân Quốc hội Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Giao nói:

Việc thứ hai nữa, là ngay ông Vương Đình Huệ, tân Chủ tịch Quốc hội, trong những cuộc họp gần đây kể cả ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông điệp mà ông nêu ra, tôi nghĩ rằng cũng tương đối mạnh mẽ.

Đó là công tác làm luật phải hướng vào vấn đề thay đổi thể chế. Thay đổi thể chế bằng pháp luật có nghĩa là gì? Đó là luật đầu tư công bây giờ còn phải xem lại, luật đất đai nay phải xem lại và cái mà còn nợ với dân là luật lập hội hay kể cả luật biểu tình, cũng cần phải thực hiện.

Hy vọng rằng với Quốc hội mới này, trước một tình thế có thể nói rất khó khăn như hiện nay về mặt kinh tế, xã hội, cũng như về mặt chính trị, những nhà lãnh đạo này chắc chắn không thể không tính đến những biện pháp, giải pháp về chính sách cụ thể được.

Tôi nghĩ rằng nó có thể tốt hơn, còn đương nhiên vai trò cá nhân của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi nghĩ vẫn còn là một nguồn động viên đối với một bộ phận quần chúng, bởi vì ông đã rất mạnh mẽ.

Ông đã lôi ra những vụ án rất lớn mà người ta bây giờ đang kỳ vọng rất nhiều ở ông Tổng Bí thư trong vụ như ở Thủ Thiêm sắp tới, bởi vì vụ Thủ Thiêm là một vụ rất lớn, nó thách thức quyền lực của trung ương.

Hy vọng rằng vụ Thủ Thiêm sắp tới sẽ làm một cách kiên quyết và rõ ràng để lấy lại lòng tin của nhân dân không chỉ ở Thủ Thiêm, mà còn của nhân dân cả nước.”

‘Đã ăn sâu vào đời sống xã hội’

Từ Hà Nội, hôm 04/6, nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, cựu sỹ quan an ninh thuộc Bộ Công an Việt Nam nêu góc nhìn với BBC:

Điểm lo ngại nhất là tham nhũng đã ăn sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần toàn xã hội, gây nên một thói quen, tập quán, quan niệm coi làm giàu/đi lên trong địa vị chính trị, xã hội bằng cách ăn cắp, ăn cướp mà không bị trừng trị đã như là thứ chuẩn mực sống tất yếu của tài năng, quyền lực đích thực. Và quan niệm đó đều được hình thành từ trẻ con tới người già, từ đời sống trần tục tới thế giới tâm linh, tôn giáo.

Đi liền đó theo tôi là lối sống đạo đức giả tràn ngập, thấy rõ từ nhà trường, báo chí, đoàn thể (quốc doanh) cho tới giới quyền lực, rao giảng đạo lý ngất trời nhưng lối sống thì sa đọa gấp ngàn lần quan lại xưa tham nhũng.

Nhìn quanh hiếm thấy quốc gia nào như Việt Nam. Tôi chỉ đơn cử, với hàng trăm quan tham cấp cao bị kỷ luật, xộ khám, hoặc ngang nhiên sống sa hoa, nhưng hiếm thấy có một bài báo chỉ mặt vạch tên, phân tích sâu, lên án, đặt ra dấu hỏi tại sao họ lại như vậy.

Trong khi đó thì ngược lại, chỉ một người dân lành bất mãn chế độ, phản kháng là có thể bị báo đài thả sức bôi nhọ, gạch mặt như kẻ tội đồ dân tộc. Hệ quả là quyền lực đồng tiền lên ngôi tuyệt đối.”

Về lời khuyên đối với ban lãnh đạo mới của Việt Nam trong giai đoạn trước mắt, ông Nguyễn Hữu Vinh nói:

Theo tôi, tới đây muốn chống tham nhũng một cách thực chất, giải quyết từ gốc rễ và có hiệu quả thì phải kiểm soát được tình trạng lạm dụng quyền lực trong hệ thống đảng, chính quyền. Nhưng muốn kiểm soát được tình trạng đó thì lại phải dựa vào dân và hệ thống luật pháp hoàn thiện, cơ quan tư pháp trong sạch. Từ đó, thấy ngay nhu cầu phải có tự do báo chí, báo chí tư nhân, tự do lập hội, Quốc hội thực sự của dân.

Tiếc rằng, tất cả các đòi hỏi bức thiết, tối quan trọng đó – với thực trạng hiện nay, là vô cùng xa vời. Đặc biệt, khi đại dịch đang hoành hành, nền kinh tế sẽ nhiều khó khăn, ngoài Biển Đông, Trung Quốc Cộng sản ngày càng xâm lấn, thì xu hướng thắt chặt kiểm soát các quyền tự do cơ bản sẽ tăng lên.

Ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đang bị xử lý trong chiến dịch ‘đốt lò’ được nhà nước và ĐCSVN phát động nhiều năm gần đây

Vì vậy, tôi chỉ có thể hy vọng ban lãnh đạo VN trước mắt thực hiện vài biện pháp trong tầm tay, đã tính tới từ lâu nhưng lại bỏ qua. Đó là thành lập tòa án khu vực, để giảm bớt tình trạng các cấp đảng, chính quyền can thiệp vào hệ thống tư pháp.

Thứ hai, cải tổ/chỉnh đốn ngành công an, một trong những việc nên làm là chuyển hệ thống trại giam-thi hành án sang Bộ Tư pháp (việc này đã bàn nhiều tại Quốc hội từ hơn 10 năm trước).

Và thứ ba là lập cơ quan đặc biệt giám sát chống tham nhũng, trực thuộc Quốc hội. Cơ quan này sẽ được giao trách nhiệm riêng, không gây chồng théo, xung đột với Ban chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng Trung ương.”

‘Xảy ra ở nhiều cấp chính quyền’

Cũng từ Hà Nội, hôm 04/6, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, nhà quan sát là một học giả trong lĩnh vực ngoại thương, nói với BBC:

Trước hết, tôi muốn dẫn định nghĩa nêu cách hiểu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, theo đó, tham nhũng là “sự lạm dụng quyền lực được giao phó để trục lợi”, có thể được chia làm 3 loại: Tham nhũng Lớn, Tham nhũng vặt và Tham nhũng Chính trị.

Tham nhũng lớn là ‘Sự lạm dụng quyền lực ở cấp cao làm lợi cho số ít nhưng làm cho nhiều người phải trả giá và gây ra tác hại nghiêm trọng trên diện rộng cho cá nhân và xã hội’,

Tham nhũng vặt là ‘Sự lạm dụng quyền lực được giao phó hàng ngày của các quan chức nhà nước trong các tương tác của họ với những công dân bình thường, những người dân đang cố gắng tiếp cận hàng hóa hoặc dịch vụ cơ bản’, và tham nhũng chính trị là việc “Những người ra quyết định chính trị, những người lạm dụng vị trí của họ nhằm thao túng các chính sách, thể chế và quy tắc thủ tục trong việc phân bổ nguồn lực và tài chính để duy trì quyền lực, địa vị và sự giàu có của bản thân“.

Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI của Việt Nam năm 2021 theo tổ chức Minh Bạch Quốc tế

Năm 2020 Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã xếp Việt Nam ở vị trí 104 trong số 180 quốc gia về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng. Mặc dù nó đã được cải thiện trong những năm qua kể từ khi cải cách Đổi mới, nhưng các hành vi tham nhũng vẫn hiển nhiên trong bối cảnh kinh doanh.

Tham nhũng ở Việt Nam xảy ra ở nhiều cấp chính quyền, và ngay cả trong các tổ chức tư nhân. Điểm nổi bật trong thời gian gần đây là tham nhũng vặt giảm nhưng tham nhũng lớn và nhất là tham nhũng chính sách trở nên rất phổ biến như ta có thể thấy tỏng những vụ trọng án gần đây.

Những loại hình tham nhũng này không chỉ đơn thuần là việc đánh đổi tiền bạc để đạt vài lợi ích cho công ty mà gây ra tác hại nghiêm trọng trên diện rộng cho cá nhân và xã hội như trường hợp của Thủ Thiêm hay những vi phạm về bảo vệ môi trường trong các dự án của Sun Group mà nhiều thế hệ sau có thể vẫn còn phải trả giá.”

Có muốn làm hay không mà thôi?

Nhìn về tương lai và lời khuyên đối với ban lãnh đạo mới của nhà nước và đảng CSVN, bà Nguyễn Hoàng Ánh nói:

Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 đã định nghĩa tham nhũng là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Các hành vi tham nhũng được quy định trong luật bao gồm, nhưng không giới hạn ở, (1) Đưa hối lộ, (2) Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi và (3) Lợi dụng chức vụ để gây ảnh hưởng người vì vụ lợi. Định nghĩa này khá tương đồng với các quy định QT. Nhưng báo cáo của UNODC cũng cho thấy Việt Nam vẫn còn duy trì nhiều ngoại lệ khác nhau, chẳng hạn như không hình sự hóa hành vi hối lộ trong khu vực tư nhân, có thể là do muốn “nhắm một mắt – mở một mắt” cho kinh tế tư nhân như Hàn Quốc đã từng làm với chaebol.

Hơn nữa, Luật Chống tham nhũng của một số nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh và Đức, cho rằng hối lộ có thể ở dạng cả tiền và dịch vụ nhưng pháp luật Việt Nam lại xem việc cho hoặc nhận “những giá trị vô hình” không được coi là hối lộ nên việc mời ăn uống, cung cấp những dịch vụ “giải trí” kiểu như mại dâm, hay học bổng… không thể bị quy tội. Ngoài ra, theo luật hình sự Việt Nam, cần phải có ý định ‘trực tiếp’ để hối lộ một người nào đó và nhận thức được bản chất sai trái của hành vi hối lộ. Nói cách khác, người đó cần phải rõ ràng có ý định hối lộ ai đó và nhận thức đầy đủ rằng Hối lộ là một hành vi phạm tội nhưng vẫn thực hiện hành vi đó. Tương tự, người nhận hối lộ cũng cần biết rằng họ đang nhận được một lợi ích hoặc sự hài lòng không chính đáng. Những quy định mù mờ như vậy sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc kết án những kẻ phạm tội.

Khó khăn tiếp theo là ở cấp độ xã hội, người Việt Nam dường như có quan niệm lỏng lẻo hơn về tham nhũng. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài lưu ý rằng người dân ở Việt Nam coi tham nhũng là một tập quán hay một tệ nạn cần thiết để hoàn thành công việc, dẫn đến cả giới thượng lưu và giới bình dân đều chấp nhận một số hành vi tham nhũng ở một mức độ nào đó.

Do sự khác biệt trong văn bản pháp luật và do cả truyền thống văn hóa, rất khó đưa ra một bức tranh chính xác về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam, bởi vì những gì QT coi là tham nhũng thì lại được coi là thông lệ ở VN. Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng do Tổ chức Minh bạch QT đưa ra lại chỉ khảo sát về tham nhũng trong bộ phận công do không có dữ liệu từ các khu vực khác. Vì thế, việc tham nhũng trong những khu vực kinh tế khác sẽ rất khó bị kết án dù cùng với việc xuất hiện các tập đoàn lớn có trị giá hàng tỷ USD, hoạt động ở nhiều khu vực trong hoàn cảnh luật pháp không chặt chẽ, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Vì thế, nếu những nhà lãnh đạo mới thật tâm muốn chống tham nhũng thì trước hết cần nghiêm túc sửa đổi luật pháp cho phù hợp với thông lệ QT, thiết lập một cơ chế minh bạch và đưa ra những tiêu chí rõ ràng, bao quát hết mọi lĩnh vực trong xã hội.

Việc đó cũng không khó lắm vì trong khu vực có rất nhiều quốc gia có xuất phát điểm và văn hóa tương đồng như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore hay thậm chí là Trung Quốc đã đạt được rất nhiều thành tựu trọng chống tham nhũng, Singapore còn trở thành một trong những quốc gia trong sạch nhất thế giới. Việt nam có thể tham khảo văn bản luật pháp cũng như bộ máy thực thi của họ để áp dụng ở nước mình, chắc chắn sẽ có nhiều tiến bộ.

Vấn đề cuối cùng theo tôi chỉ là có muốn làm hay không mà thôi!”

Ngun: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57359775

Kasse animation 7.8.2023