Vì sao ngành dệt may Việt Nam khốn đốn?

Link Video: https://youtu.be/9SuJVxG0RjI

Ngày 28/4, BBC Tiếng Việt đưa tin “Ngành may mặc Việt Nam chật vật khi Mỹ cấm nhập nguyên liệu từ Tân Cương”.

BBC cho biết, các quy định ngày càng chặt chẽ của Mỹ trong việc cấm nhập khẩu hàng hoá từ khu vực Tân Cương, Trung Quốc, đang gây áp lực nặng nề lên các nhà sản xuất hàng may mặc và giày dép của Việt Nam.

Việt Nam vốn được xem là một trung tâm gia công hàng may mặc, giày da toàn cầu, nhưng đã có gần 90.000 lao động mất việc làm, kể từ tháng 10/2022, do nhu cầu trên toàn cầu chậm lại, BBC cho hay.

Theo BBC, từ tháng 6/2022, Đạo luật Bảo vệ Lao động Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) của Mỹ bắt đầu có hiệu lực. Đạo luật này yêu cầu các công ty chứng minh rằng, họ không sử dụng nguyên liệu thô hoặc linh kiện được sản xuất bằng lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

BBC cho hay, biện pháp trừng phạt của Mỹ càng gây tổn hại hơn giữa bối cảnh nhu cầu về quần áo ở các quốc gia giàu có giảm đi. Điều này đã làm giảm sản lượng công nghiệp và xuất khẩu, từ các trung tâm sản xuất Đông Nam Á, vốn là nhà cung ứng chính cho các thương hiệu lớn như Gap, Nike và Adidas.

BBC dẫn dữ liệu từ hải quan Mỹ tính đến ngày ¾ cho thấy, trong số các lô hàng may mặc và giày dép trị giá 15 triệu USD bị giữ lại để kiểm tra UFLPA, hơn 80% là từ Việt Nam và chỉ 13% hàng hóa của Việt Nam được thông quan. Do các nhà sản xuất hàng may mặc của Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc, với khoảng một nửa nguyên liệu đầu vào, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Đồng thời, do các biện pháp trừng phạt tăng theo cấp số nhân trong những tháng đầu năm nay, nên giá trị các lô hàng từ Việt Nam bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ vượt quá 2 triệu USD, gấp ba lần so với các lô hàng từ Trung Quốc.

Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, sự việc này sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ, vì Việt Nam là nguồn cung cấp hàng may mặc từ sợi bông chính cho nước này.

BBC dẫn ý kiến của ông Sheng Lu, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Thời trang và May mặc tại Đại học Delaware, cho biết: “Sự phụ thuộc nặng nề của Việt Nam vào nguyên liệu dệt bông từ Trung Quốc, đề ra nguy cơ đáng kể về khả năng sản phẩm chứa bông Tân Cương, vì tỉnh này sản xuất hơn 90% lượng bông của Trung Quốc”.

Theo ông Lu, Việt Nam khó có thể giảm mạnh sự phụ thuộc này, bởi vì nhiều nhà sản xuất tại Việt Nam thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Hình: Bài trên BBC

BBC dẫn nhận xét của một quan chức Chính phủ am tường về ngành công nghiệp này, đã xác nhận với Reuters rằng, một số nhà cung cấp Việt Nam có thể khó tuân thủ các quy định mới, vì họ nhập khẩu bông từ Tân Cương, hoặc vì họ không thể chứng minh rằng, họ không nhập từ đó.

BBC dẫn cảnh báo của Ủy ban Hàng hải Liên bang, cơ quan Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về vận tải biển quốc tế, đã cảnh báo vào đầu tháng này về khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng, do việc kiểm tra UFLPA gây ra.

Trong một cuộc khảo sát năm ngoái, gần 60% các nhà quản lý ngành thời trang Mỹ cho biết, họ đang thăm dò các quốc gia bên ngoài châu Á để tìm nguồn cung cấp, nhằm đối phó với đạo luật về lao động cưỡng bức, BBC cho hay.

Ông Sheng Lu nói với BBC rằng, các công ty của Mỹ sẽ khó có thể nhanh chóng tìm được nhà cung cấp thay thế. Do đó, dự kiến sẽ có nhiều đợt kiểm tra hơn đối với hàng hóa của Việt Nam.

Theo BBC, nhu cầu toàn cầu sụt giảm đã buộc ngành dệt may Việt Nam phải sa thải gần 3% trong tổng số 3,4 triệu lao động, kể từ tháng 10/2022, dẫn đến việc giảm 11,9% xuất khẩu của cả nước, và giảm 2,3% sản lượng trong quý 1/2023 so với một năm trước đó, khiến cho tăng trưởng chậm lại.

BBC cũng cho hay, Nike và Adidas có 26% sản phẩm giày dép và 17% quần áo của họ bán trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, Nike đã giảm đáng kể sản lượng hàng may mặc và giày dép tại Việt Nam, mặc dù quốc gia này vẫn là trung tâm sản xuất chính của họ, theo báo cáo thường niên mới nhất, cập nhật đến tháng 5/2022. Tương tự, Adidas cũng cho biết, họ thu hẹp quy mô từ các nhà cung cấp Việt Nam, dù “Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia cung ứng chính của chúng tôi“.

Pou Chen – một công ty may mặc, giày da lớn ở Việt Nam – đã cắt giảm hàng loạt việc làm từ giữa năm ngoái sang đầu năm nay.

Thông thường các công ty tuyển lao động sau Tết Nguyên đán, nhưng năm nay mọi thứ diễn ra ngược lại”, bà Nguyễn Thị Hương, 45 tuổi, làm việc cho Pou Chen 10 năm và vừa bị mất việc, cho BBC biết.

Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Tại Quảng Ninh, Đinh Văn Nơi ra tay hạ thủ “đồng đội”, lại gây thù chuốc oán?

>>> Cán bộ “xìu”, Phạm Thị Thanh Trà lại muốn kích cho “lên”

>>> Ông Tô muốn thêm thượng tướng, chuẩn bị cho Nguyễn Duy Ngọc đánh bại Trần Quốc Tỏ?

>>> Ông Vượng đổ tỷ đô, cấp cứu cho VinFast hay tẩu tán tài sản?

Chiến dịch đốt lò khiến vốn đầu tư công tắc nghẽn, doanh nghiệp kẻ cười người khóc


Kasse animation 7.8.2023