Đề nghị giảm tội cho quan tham “không vụ lợi”: Viện trưởng Lê Minh Trí không thuộc bài?

Dư luận xã hội xôn xao trước việc Bộ Nội vụ, hôm 6/11, đã đưa ý kiến trước Quốc hội, về việc đề nghị các cơ quan tố tụng phân loại các sai phạm, và khoan hồng đối với cán bộ vi phạm, nhưng không vụ lợi cá nhân.

Và trong cùng ngày, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cũng đưa ra đề nghị tự như Bộ Nội vụ, trong việc “xây dựng chính sách xử lý nghiêm người tham nhũng, nhưng giảm nhẹ hình phạt cho tội phạm tham nhũng nếu “không vụ lợi’”.

Theo báo Tiền Phong ngày 6/11, trong bản tin với tiêu đề “Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: Phân hóa tội phạm, xử nghiêm người chủ mưu, giảm nhẹ cho người không vụ lợi.”

Bản tin cho biết, sáng 6/11, báo cáo trước phiên chất tại Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã đề nghị xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát.

Đề nghị của Viện trưởng Lê Minh Trí lập tức gặp phải luồng dư luận phản đối, không đồng tình, với một đánh giá chung rằng, đề nghị đó là một giải pháp giải cứu cho các quan chức tham nhũng được thoát hoặc giảm nhẹ tội, khi đưa ra xét xử.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang viết trên Facebook cá nhân: “Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị giảm nhẹ cho tội phạm tham nhũng nếu “không vụ lợi”. Tôi nghĩ, có thể làm sai không vụ lợi; chứ không có tham nhũng “không vụ lợi”.”

Nói với thoibao.de từ An Giang với điều kiện ẩn danh, một cán bộ quân đội đã nghỉ hưu cho rằng:

“Đây là một đề nghị hết sức bất hợp lý, như thế sẽ tạo ra những điều khoản pháp lý làm vỏ bọc để che chắn cho cán bộ tham nhũng. Đề nghị của ông Lê Minh Trí là hoàn toàn đi ngược với chủ trương chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có vùng tránh” của Tổng Bí thư.”

Đây là một tâm lý chung của những người quan tâm tới tình hình chính trị đất nước. Nhưng ít người biết rằng, đây chính là chủ trương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã phát biểu: “Cán bộ nào đã có sai phạm rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền thì mình “miễn xử hoặc xử nhẹ”; và không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt…”

Vấn đề đó đã được Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nghị quyết khóa theo yêu cầu của Tổng Bí thư. Thể hiện rõ ràng tại Thông báo số 20/BBT-TW, ngày 8/9/2022, của Bộ Chính trị, về việc cho phép lãnh đạo từ Ủy viên Trung ương trở lên, nếu tham nhũng, khắc phục hậu quả và chủ động xin thôi chức, sẽ được miễn truy tố hình sự.

Vấn đề đáng bàn ở đây là, liệu có cán bộ đã vi phạm tham nhũng, mà lại “không vụ lợi” hay không?

Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, “vụ lợi” là động từ chỉ việc mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân. Và “vụ lợi” theo quy định của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền chiếm đoạt lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng cho mình, hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Nghĩa là, trong hành vi tham nhũng thì đã bao hàm đồng thời hành vi vụ lợi. Vậy bất vụ lợi ở đâu ra mà Viện trưởng Lê Minh Trí đề nghị để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các quan tham?

Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng: “Tôi nghĩ, có thể làm sai không vụ lợi; chứ không có tham nhũng “không vụ lợi’”, là vì lý do như vậy. Điều đó cho thấy, nhận thức về pháp luật của người đứng đầu Cơ quan Kiểm sát của nhà nước Việt Nam rất có vấn đề, và có thể khẳng định, ông Lê Minh Trí chưa thuộc bài.

Được biết, trước đây, ngày 20/3, ông Lê Minh Trí cũng từng đề nghị trước Quốc hội về việc xem xét cho phép giảm phạt tù, tăng phạt tiền, đối với người đứng đầu có sai phạm, nhưng không có mục đích vụ lợi.

Theo nhận định của giới chuyên gia và công luận, thấy rằng, những đề xuất của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí không đảm bảo sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, đã được hiến định trong Hiến pháp và Bộ luật Hình sự Việt Nam. Đồng thời, sẽ tạo ra những tiền lệ nguy hiểm, đó là, các quan tham cứ việc tham nhũng, nếu bị phát hiện thì chỉ cần trả lại 2/3 tài sản tham nhũng thì sẽ được thoát tội!./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023