Vì sao Tô Đại và Bộ Công an cho bắt Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân vào lúc này?

Mạng xã hội của người Việt rúng động trước thông tin, Đại biểu Quốc hội nổi tiếng với nhiều phát biểu gai góc trên nghị trường – ông Lê Thanh Vân, đã bị Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khám xét nơi ở và nơi làm việc, ngày 10/7, với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo Điều 358 Bộ luật Hình sự”.

Được biết, đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án của Công an Thái Bình, đối với cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – người đã bị khởi tố, bắt giam vào ngày 14/11/2023, với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”, sau đó bị điều tra thêm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Như vậy, từ đầu nhiệm kỳ khóa 15 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã bãi nhiệm 3 đại biểu, cho thôi nhiệm vụ 10 đại biểu, khiến tổng số đại biểu hiện tại chỉ còn lại 486 người.

Ông Lê Thanh Vân và ông Lưu Bình Nhưỡng vốn là 2 trong số các đại biểu nổi tiếng trên nghị trường, với những phát ngôn thẳng thắn, bộc trực, không kiêng nể… trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội nhiều năm qua. Do đó, 2 ông không thể tránh khỏi sự bực tức của các quan chức lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là lãnh đạo khối tư pháp.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng từng làm nóng nghị trường với những phát ngôn chỉ trích thẳng vào Bộ Công an. Ví dụ, ông Nhưỡng từng nói thẳng trước mặt Bộ trưởng Công an Tô Lâm, rằng “vi phạm của Cơ quan Điều tra là rất khủng khiếp”.

Không chỉ vậy, ông Nhưỡng còn dám chọc vào “tổ kiến lửa”, đó là vụ án Hồ Duy Hải, vụ án Đồng Tâm… Khi đó, theo giới quan sát, việc Bộ Công an sẽ kiếm cớ để bắt ông Nhưỡng là điều chắc chắn, không thể tránh khỏi. Vấn đề chỉ là thời gian nào mà thôi.

Tương tự, tháng 11/2023, tại Quốc hội, ông Lê Thanh Vân từng có màn “đấu khẩu” gay gắt với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, liên quan đến dự án “Khu Đô thị Sinh thái Sài Gòn – Đại Ninh” của bà “trùm” Trương Mỹ Lan và đại gia Nguyễn Cao Trí.

Đây là một siêu dự án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đã khiến nhiều lãnh đạo, quan chức rơi vào vòng lao lý. Trong đó có ông Mai Tiến Dũng – cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Trần Đức Quận – Bí thư tỉnh Lâm Đồng, và bà Trương Thị Mai – Thường trục Ban Bí thư.

Khi nói về sự bao che của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cơ quan Thanh tra Chính phủ, đối với dự án Sài Gòn – Đại Ninh, dù đã đình chỉ dự án, nhưng sau đó lại ra quyết định cho phục hồi. Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn:

“Việc thành lập tổ công tác để thanh tra lại kết quả đoàn thanh tra có đúng luật không? Với vai trò kép, vừa là thủ trưởng cơ quan thanh tra, vừa là người đứng đầu cơ quan nhà nước, Tổng Thanh tra chịu trách nhiệm gì trước pháp luật?”

Hai đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân và Lưu Bình Nhưỡng, cùng bị bắt do những phát ngôn “nhạy cảm”, cách nhau gần 1 năm, nhưng cùng do một đơn vị thực hiện, là Công an tỉnh Thái Bình. Tuy mục đích có sự khác biệt, nhưng điểm chung đều nhằm mục đích dằn mặt, để răn đe các tiếng nói phản biện.

Đồng thời, ông Tô Lâm và Bộ Công an còn chuyển đi một thông điệp, để đe dọa công luận, đó là “đến đại biểu Quốc hội – người có quyền miễn trừ, nhưng nói năng trái ý thì cũng bị bắt” “dù Bộ trưởng Tô Lâm hay Bộ trưởng Lương Tam Quang, thì cũng giống nhau”.

Tuy nhiên, sự khác biệt trong việc bắt ông Lê Thanh Vân mới đây, là cú quyết định, vì kể từ đây, sẽ không còn bất kỳ đại biểu Quốc hội nào nói trái ý ông Tô Lâm. Từ đó, Tô Chủ tịch sẽ giành quyền kiểm soát hoàn toàn Quốc hội – Cơ quan Lập pháp.

Cũng từ đó, Tô Lâm và phe cánh có thể thông qua tất cả các dự luật, do Bộ Công an soạn thảo và trình Quốc hội, tương tự như cách mà Luật An ninh cơ sở, đã được thông qua cuối năm 2023. Bởi Ủy ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội, do Trung tướng Lê Tấn Tới – một đàn em thân cận của Tô Lâm, đang kiểm soát.

Giới phân tích chính trị quốc tế đánh giá, Chủ tịch Tô Lâm đang chạy đua với thời gian, để nhanh chóng xây dựng các bộ luật theo ý muốn, để biến Việt Nam thành nước độc tài công an trị, và Tô Lâm sẽ trở thành một kẻ độc tài sắt máu giống như Putin tại nước Nga. Khi đó, mọi quyền lực tập trung trong tay của một cá nhân ông Tô Lâm, chứ không còn là sự lãnh đạo của tập thể Bộ Chính trị như hiện nay./.

 

Trà My – Thoibao.de