Vụ án Trần Hùng: Nhóm lợi ích chà đạp Công lý che chắn nữ “tứ trụ” bảo kê phân bón giả?

Vụ án ông Trần Hùng – cán bộ Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương – bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng, từ một đầu nậu in sách lậu, đang được xét xử phúc thẩm.

Đây là một vụ án kéo dài trong nhiều năm, Viện Kiểm sát đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần thứ 2. Trước đó, trong phiên Tòa sơ thẩm, ông Trần Hùng đã bị kết án 9 năm tù, bất chấp trong suốt giai đoạn điều tra và xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, ông Trần Hùng liên tục kêu oan.

Báo Tiền Phong ngày 22/1 đưa tin: “Xét xử ông Trần Hùng, người môi giới hối lộ và nhân chứng vắng mặt”.

Bản tin cho biết, ngày 22/1, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở lại phiên tòa phúc thẩm, do bị cáo Trần Hùng, cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444, thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, có đơn kháng cáo toàn bộ bản án và kêu oan.

Theo giới quan sát, “Vụ án Trần Hùng” rồi sẽ trở thành một vết nhơ trong lịch sử tố tụng của tư pháp Việt Nam. Cơ quan tố tụng cáo buộc ông Trần Hùng nhận tiền hối lộ, mà không dựa trên bất kỳ căn cứ nào, đồng thời bất chấp lời khai của nhân chứng trực tiếp chứng kiến. Hội đồng Xét xử đã bỏ qua “Nguyên tắc suy đoán vô tội”, vậy mà Viện Kiểm sát vẫn khẳng định là có đủ căn cứ để truy tố.

Giới thạo tin cho biết, ông Trần Hùng, với trách nhiệm chống buôn lậu và hàng giả, đã kiên quyết làm đến tận cùng “Vụ phân bón “giả” Thuận Phong”. Tuy nhiên, vụ phân bón này lại có liên quan đến một nhân vật nữ lãnh đạo cấp cao. Đây là một vụ án gây tranh cãi qua nhiều năm không có hồi kết, và đã có dấu hiệu “chìm xuồng”.

Đó là lý do khiến các cơ quan tư pháp nhận lệnh, bằng mọi giá phải để ông Trần Hùng ngồi tù. Vì nếu ông Trần Hùng vô tội, được trả tự do, và tiếp tục điều tra vụ “phân bón giả”, thì “chết cả nút”.

Ông Trần Hùng, được dư luận xã hội mệnh danh là “người hùng” chống thế lực buôn bán, sản xuất hàng lậu, hàng giả. Ông từng tuyên bố trước công luận rằng, “tôi sẽ cởi áo nếu khoan nhượng với bọn buôn bán, sản xuất hàng lậu, hàng giả”.

Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/1 cho biết: “Trong suốt giai đoạn điều tra và xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, ông Trần Hùng liên tục kêu oan. Ông Hùng nói rằng, Nguyễn Duy Hải có đến đưa tiền cho ông, nhưng bị ông mắng chửi và đuổi về. Sự việc này có 2 nhân chứng”.

Tuy nhiên, Nguyễn Duy Hải lại khai, sau khi ăn trưa xong có quay trở lại phòng làm việc của ông Hùng để đưa tiền. Còn ông Hùng thì khẳng định, ông không ở phòng làm việc vào buổi trưa hôm đó, vì nhà có giỗ. Đến giờ làm việc buổi chiều mới quay lại cơ quan.

Đáng chú ý, Luật sư của ông Trần Hùng đã cung cấp chứng cứ về định vị điện thoại của nhà mạng Mobifone, cho thấy, thời điểm Nguyễn Duy Hải khai là đưa tiền “hối lộ” cho ông Trần Hùng, thì ông Hùng không có mặt tại cơ quan.

Kết luận điều tra cho biết, “theo định vị cột sóng điện thoại do chính cơ quan điều tra thu thập, cho thấy, vị trí giữa ông Hùng và ông Hải lúc đưa tiền (hoàn thành) là cách nhau tận hơn 3,6 ki lô mét (3.600 mét)”.

Công luận cho rằng, chỉ có những người có khả năng đi mây về gió như Tôn Ngộ Không, thì mới đủ khả năng tuyệt đỉnh, di chuyển gần 4 km trong tích tắc. Còn bị cáo Trần Hùng một người thật, việc thật, thì không thể.

Trở lại vấn đề “Vụ phân bón Thuận Phong: Vì sao kéo “quá lâu”?”, BBC Việt ngữ ngày 26/10/2018 cho biết, ông Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo điều tra vụ Thuận Phong, khi còn là Phó Thủ tướng, vào năm 2015.

Vụ án phân bón này bắt đầu từ một cuộc kiểm tra vào tháng 4/2015, nhưng 3 năm sau, bất chấp ý kiến chỉ đạo của hai Phó Thủ tướng lúc đó, giới chức vẫn gây tranh cãi quanh câu hỏi “có khởi tố hình sự hay không”.

Nói chuyện với BBC ngày 23/10/2018, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói rằng, ông đã đề nghị khởi tố vụ án. Ông Vân cho biết, ông đã trao đổi với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, rằng, “phải khởi tố”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận định, theo “thông tin Chính phủ báo cáo Quốc hội, rõ ràng, dấu hiệu vi phạm là có”.

Được biết, ngày 24/4/2015, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ389 quốc gia tiến hành kiểm tra nơi sản xuất của Công ty Phân bón Thuận Phong, tại Đồng Nai. Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện “hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ “MADE IN USA” của Công ty Thuận Phong”.

Theo báo Quân đội Nhân dân, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý với ý kiến của 4 bộ: Công thương, Khoa học Công nghệ, Tư pháp, Quốc phòng, cho rằng Công ty Thuận Phong “có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón”. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ “truy cho ra tận gốc” vụ việc.

Tuy nhiên, vụ việc này vẫn tiếp tục kéo dài, đến tháng 5/2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu hủy quyết định, không khởi tố vụ án hình sự, để tiếp tục điều tra.

Mặt khác, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Phát hành sách First New, người nhiều lần được ông Trần Hùng hỗ trợ phanh phui việc in sách lậu và nhiều người trong cuộc, cho rằng, Trần Hùng là kẻ thù của các đầu nậu in sách lậu. Khó có thể tin được rằng, ông Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng để bỏ qua vụ in sách lậu ở Hà Nội.

Vụ việc đã cho thấy, có các thế lực trong bộ máy nhà nước đang chà đạp công lý, để bảo vệ cho “nhóm lợi ích” sân sau./.

Trà My – Thoibao.de

23.1.2024

Kasse animation 7.8.2023