Tô Đại “chứng nào, tật ấy” đã suýt chết vì AVG mà vẫn tham?

Tô Đại “chứng nào, tật ấy” đã suýt ra đi vì AVG mà vẫn tham?

Hiện nay, Việt Nam có 5 nhà mạng viễn thông đang tham gia khai thác, đó là Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile và Gtel Mobile.

Báo Tuổi Trẻ ngày 1/03 đưa tin, “Phát động sử dụng mạng viễn thông di động Gtel Mobile”. Bản tin cho biết, sáng 1/3 tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức lễ phát động sử dụng mạng viễn thông di động Gtel Mobile, do một công ty của Bộ Công an quản lý.

Theo đó, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Công an – chủ trì, đã yêu cầu cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân và người thân, sử dụng mạng Gtel Mobile. Đồng thời, ông Tô Lâm bày tỏ mong muốn, công ty viễn thông của Bộ Công an sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu cả nước.

Được biết, Gtel Mobile hiện đang cung cấp dịch vụ di động 4G, với các đầu số 099 và 059. Đây là sự hợp tác giữa Bộ Công an với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Nhà mạng này ra đời và đi vào khai thác từ năm 2008.

Mục tiêu ban đầu của mạng này, theo truyền thông nhà nước, là để hình thành mạng viễn thông di động mạnh của ngành công an, đảm bảo yêu cầu thông tin liên lạc, lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng Công an Nhân dân, phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Vẫn theo truyền thông nhà nước, Gtel Mobile cũng tham gia tích cực vào việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, và nắm tình hình an ninh, trật tự.

Theo giới quan sát, đó là một trong những lý do khiến số lượng người sử dụng Gtel Mobile luôn ở mức khá khiêm tốn.

Đáng chú ý, tại buổi lễ phát động, Bộ trưởng Công an Tô Lâm còn đề nghị, các đơn vị trong ngành công an và các địa phương, phát động toàn thể lực lượng, sử dụng sản phẩm và dịch vụ của Gtel Mobile, không chỉ cho hoạt động nghiệp vụ, mà cả trong đời sống của mỗi gia đình.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu, các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Cục An ninh mạng, trong việc khai thác, sử dụng hạ tầng viễn thông của Bộ Công an, để nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng, báo cáo Bộ Công an phê duyệt, bổ sung, để có thêm các nguồn lực thúc đẩy phát triển cho Gtel Mobile.

Một nguồn thạo tin từ Hà Nội cho thoibao.de biết, hiện nay, các nhà mạng di động ở Việt Nam đang chuẩn bị tham gia đấu giá tần số 5G, và sẽ chỉ có 3 nhà mạng sẽ được cấp băng tần 5G mà thôi. Đó là lý do vì sao, Bộ trưởng Công an Tô Lâm phải đích thân “xuất đầu, lộ diện” trong lễ phát động kể trên.

Hiện nay, chưa có thông tin chính thức rằng, liệu nhà mạng Gtel Mobile có tham gia đấu giá tần số 5G hay không. Nhưng trên mạng xã hội và các Diễn đàn chính trị, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm muốn tận dụng quyền uy của mình, để tham gia và đoạt lấy nguồn lợi rất “béo bở” này.

Trong quá khứ, ông Tô Lâm đã từng tham gia một thương vụ đầy tai tiếng, liên quan đến dịch vụ viễn thông. Đó là vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG – một Công ty tư nhân thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vũ, em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Theo báo Thanh Niên, thương vụ MobiFone mua AVG, thực chất là một màn kịch, thổi phồng giá trị thực của doanh nghiệp, nhằm lấy tiền nhà nước. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm đề xuất mua AVG, thì hãng này đang thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, âm gần 50% vốn điều lệ, các số liệu, phương án trong kinh doanh hoàn toàn là giả định mơ hồ, thiếu thực tế.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khi đó là Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, đã báo cáo sai sự thật với Thủ tướng về tình trạng bết bát của AVG, và để Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đặt bút ký. Đây là một vụ tham nhũng đình đám, trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nhận hối lộ lên tới hơn 3 triệu USD.

Bên cạnh đó, ông Tô Lâm khi đó là Thứ trưởng Bộ Công an, đã ký một thông báo đóng dấu “MẬT”, để che dấu mối quan hệ của ông trong vụ án này. Ông Tô Lâm từng bị cáo buộc nhận một khoản hối lộ là lớn hơn ông Nguyễn Bắc Son. Nhưng không hiểu lý do gì mà ông Tô vẫn thoát tội?

Công luận cho rằng, chức năng chính của Bộ Công an là “bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”. Nhưng rõ ràng, Bộ trưởng Tô Lâm không lo toan công việc chính của mình, mà chỉ lo chen chân vào chức năng của những ngành khác, để thâu tóm lợi ích và thể hiện quyền lực.

Mà vụ việc, “Phát động sử dụng mạng viễn thông di động Gtel Mobile” là một minh chứng cho những nghi ngờ của công luận, về sự tồn tại của nhóm lợi ích trong Bộ Công an?./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023