Bao giờ cậu cả nhà Ba Dũng mới “thôi nôi”?

Ông Võ Văn Thưởng lên hàng Tứ trụ khi mới 54 tuổi – là nhân tố trẻ nhất trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao từ xưa đến nay. Thế nhưng, ông Thưởng không thể trụ được lâu trên vũ đài chính trị Việt Nam.

Tuổi 54 là ở độ chín của giới chính trị gia trên thế giới, thậm chí, có nhiều nguyên thủ quốc gia thắng cử khi còn trẻ hơn ông Thưởng rất nhiều. Ví dụ như Tổng Thống Pháp Macron, đắc cử khi chưa tới 40.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, U60 dường như chưa đủ trưởng thành trên chính trường.

Hệ thống chính trị Việt Nam vẫn duy trì chế độ lý lịch. Nghĩa là, con cái quan chức được nâng đỡ để thăng quan tiến chức. Tuy nhiên, khi lên đến hàng uỷ viên Bộ Chính trị, thì cần phải có phe cánh nâng đỡ, để tranh giành chức quyền. Các vị trí thuộc hàng Bộ Chính trị, thường phải giành giật rất khốc liệt. Nếu phe phái không đủ mạnh thì rất dễ ngã ngựa. Trần Tuấn Anh – con ông Trần Đức Lương, dù được nâng đỡ để vào Bộ Chính trị, nhưng cuối cùng cũng bị đánh bay, vì không lập được phe cánh của mình.

Vương Đình Huệ là trường hợp xui xẻo nhất. Ông vừa có thế lực Nghệ An hậu thuẫn, vừa được Nguyễn Phú Trọng chọn làm người kế thừa. Lúc đó, thế lực Nghệ An có số uỷ viên Trung ương Đảng và uỷ viên Bộ Chính trị đông nhất. Có thể nói, ông Huệ rất thuận tiện trên con đường chinh phục “ngai vàng”. Nhưng rồi, ông gãy gánh vì thiếu khả năng chiến đấu trên vũ đài chính trị đầy khốc liệt.

Nói thế để thấy, sân chơi Bộ Chính trị không phải là sân chơi cho những người trẻ tuổi. Ông Nguyễn Thanh Nghị được xem là nhân vật trẻ tuổi trên chính trường, dù ông cũng đã 48. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Nghị chưa thể hiện cho thấy, ông có khả năng tự đứng vững trên chính trường. Bởi đến nay, ông vẫn phải dựa vào sự vận động của người cha là Nguyễn Tấn Dũng, sau hậu trường.

Cú ngã ngựa của Đặng Quốc Khánh – cựu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những nhân vật trẻ trên chính trường, đặc biệt là với ông Nguyễn Thanh Nghị – người cùng tuổi với ông Đặng Quốc Khánh.

Ông Khánh không có người cha từng khuynh đảo chính trường như ông Nghị, nhưng ông Khánh lại có nhóm Hà Tĩnh hậu thuẫn. Đây là nhóm chính trị có sức mạnh tương đương với nhóm Nghệ An. Ông Khánh còn được ông Trần Hồng Hà – đồng hương Hà Tĩnh, và Vương Đình Huệ, ủng hộ. Vậy mà, ông Khánh vẫn ngã ngựa, vì có dính đến sân sau của ông Huệ. Thế mới thấy, có thế lực lớn hậu thuẫn, cũng chưa chắc đã vững vàng. Khi thời thế thay đổi, thì ghế vẫn bị bay như thường.

Năng lực ông Nguyễn Thanh Nghị không hơn ông Đặng Quốc Khánh. Hai ông này giống nhau ở chỗ, chưa thể tự đứng trên đôi chân của mình, mà vẫn còn phải dựa vào các thế lực hậu thuẫn.

Có thể ví von rằng, ông Nghị vẫn còn đang “nằm nôi”, và hằng ngày vẫn phải nhờ đến người cha nổi tiếng của mình, mớm từng muỗng sữa, để duy trì sự nghiệp chính trị.

Câu hỏi đặt ra là, đến bao giờ thì Nguyễn Thanh Nghị mới trở thành một “võ sĩ” thực thụ, trên vũ đài chính trị?

Có lẽ, ông Nghị còn cần ít nhất là hơn 1 nhiệm kỳ nữa, đến nhiệm kỳ 2031-2036, khi đã ngấp nghé tuổi 60, thì may ra mới có thể bước ra khỏi nôi. Với điều kiện là, trước đó, ông không bị đánh như ông Khánh.

Ông Nguyễn Tấn Dũng đã già, rồi cũng đến lúc sức yếu. Khi đến tuổi 80, liệu ông Dũng có còn đủ sức để xoay xở nữa hay không? Trong khi, theo những diễn biến trên chính trường hiện nay, thì tuổi 60 vẫn chưa đủ độ chín, để “dẫn quân” xông pha chính trường.

Hiện nay, ông Nguyễn Thanh Nghị đang được 2 thế lực mạnh nhất đỡ đầu. Đó là Tô Lâm và Phạm Minh Chính. Đấy là thuận lợi rất lớn, nhưng liệu, ông có tận dụng được lợi thế ấy, để bước ra khỏi nôi hay không, thì chỉ có thời gian mới trả lời.

 

Trần Chương – Thoibao.de