Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt-Pháp: Sự vắng bóng của Tự do, Dân chủ và những giá trị Nhân quyền

Ls. Vũ Đức Khanh – 13/10/2024

Ngày 07/10/2024, tại Điện Élysée, Phủ Tổng thống, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đồng ý thông qua bản Thông cáo chung (Tuyên bố chung), nâng cấp bang giao giữa hai nước lên cấp cao nhất trong chuẩn mực ngoại giao của Hà Nội: Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Sự kiện này được truyền thông quốc doanh Việt Nam ca ngợi là một cột mốc quan trọng, đặc biệt khi hai nước cam kết hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, và chính trị khu vực.

Tuy nhiên, những ai vẫn đặt niềm tin vào các giá trị cốt lõi của Pháp như tự do, bình đẳng, và bác ái cảm thấy vô cùng thất vọng khi bản Thông cáo chung chỉ nhắc đến quyền con người và các quyền tự do cơ bản trong phần thứ nhất, rồi hoàn toàn im lặng về chúng trong toàn bộ văn bản.

Dù nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, Thông cáo chung không đi sâu vào bất kỳ hành động cụ thể nào để bảo vệ hay thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam. Điều này chỉ càng củng cố thêm sự ngờ vực về việc các cam kết của Việt Nam có thực sự mang tính thực chất hay không, khi mà chính quyền Hà Nội từ lâu đã coi nhân quyền như một màn kịch che mắt cộng đồng quốc tế.

Pháp và phương Tây cần có hành động cứng rắn hơn, không chỉ dừng lại ở những lời tuyên bố mang tính biểu tượng. Nếu Paris và các đồng minh phương Tây muốn Hà Nội thực sự tôn trọng luật lệ quốc tế và các cam kết long trọng của mình, họ phải đòi hỏi những bước tiến cụ thể, thay vì chỉ chấp nhận những hứa hẹn rỗng tuếch

Một cuộc hôn nhân thực dụng, thiếu tầm nhìn

Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đã tồn tại qua nhiều thập niên, nhưng chưa bao giờ chúng ta chứng kiến sự thờ ơ đến vậy với các giá trị cơ bản về nhân quyền. Trong khi hợp tác kinh tế và quốc phòng được đề cao, nhân quyền – điều mà Pháp từng tự hào là người tiên phong – lại chỉ được đề cập như một chi tiết phụ. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu Pháp, biểu tượng của các cuộc cách mạng dân chủ và nhân quyền, có sẵn sàng hy sinh các giá trị mà mình từng đứng lên bảo vệ chỉ vì lợi ích chính trị trước mắt?

Dĩ nhiên, trong bối cảnh chính trị hiện nay, Pháp và Việt Nam có những lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, đặc biệt là trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hợp tác về quốc phòng và an ninh, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải và bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, điều quá đáng trách là trong khi Pháp và Việt Nam thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và chính trị, những giá trị nhân quyền căn bản lại bị lãng quên.

Bản Thông cáo chung còn nhấn mạnh các lĩnh vực hợp tác khác như chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, một mối quan tâm lớn của cả hai quốc gia. Hai bên cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ đại dương và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Pháp cũng hứa sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, giúp quốc gia này đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Nhưng khi nhìn vào toàn bộ nội dung bản Thông cáo chung, cái mà chúng ta không thể không nhận thấy là sự vắng bóng hoàn toàn của bất kỳ cam kết cụ thể nào về tự do và nhân quyền.

Đây không phải là một hiệp ước vì tương lai của thế hệ tương lai của hai nước và những giá trị cao đẹp mà nhân loại đã phấn đấu. Ngược lại, nó là biểu hiện của một cuộc hôn nhân thực dụng, dựa trên quyền lợi nhất thời và cục bộ, không mang lại giá trị gì lâu dài cho người dân.

Phản ứng của người dân và trách nhiệm của chính quyền

Người dân Việt Nam, cả trong nước và ở nước ngoài, không thể tiếp tục im lặng trước những thỏa hiệp này. Chúng ta không cần thêm các hợp đồng kinh tế nếu chúng không đi kèm với sự cải thiện về quyền con người và tự do chính trị. Pháp, nếu thực sự muốn xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược bền vững với Việt Nam, cần phải sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy các giá trị nhân quyền. Đây không chỉ là trách nhiệm đạo đức mà còn là điều kiện để mối quan hệ này mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai dân tộc.

Nếu chính quyền Việt Nam thực sự muốn cải thiện vị thế của mình trên trường quốc tế, thì điều đầu tiên họ cần làm không phải là ký thêm các hiệp định hợp tác kinh tế, mà là cải cách hệ thống chính trị, mở rộng tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do biểu đạt. Chính quyền Macron cũng phải hiểu rằng, không có một quan hệ đối tác chiến lược nào có thể bền vững nếu nó không dựa trên các giá trị nhân quyền và tự do căn bản.

Kêu gọi sự đồng lòng và quyết tâm của người dân Việt Nam

Chúng ta không thể để tự do và dân chủ, những giá trị cốt lõi của nhân loại, bị chôn vùi dưới các toan tính chính trị ngắn hạn hay các thỏa hiệp vì lợi ích nhất thời. Lịch sử đã chứng minh rằng không có chế độ nào, dù độc tài hay chuyên chế, có thể tồn tại mãi nếu nó đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, cần đoàn kết để yêu cầu quyền tự do và dân chủ thực sự – những quyền đã quá lâu bị tước đoạt. Đây không chỉ là quyền cơ bản mà còn là nền tảng cho một tương lai thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này không thể chỉ diễn ra trong phạm vi của người dân Việt Nam. Đã đến lúc các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Pháp, cần thể hiện vai trò của mình nhiều hơn là chỉ dừng lại ở những tuyên bố tượng trưng về nhân quyền. Nếu Pháp thực sự muốn trở thành một đối tác chiến lược đáng tin cậy, họ cần chứng minh bằng hành động rằng các giá trị nhân quyền và tự do là không thể thương lượng. Lời nói không đi kèm với hành động sẽ chỉ khiến Hà Nội tiếp tục coi thường những cam kết quốc tế của họ và duy trì chế độ độc tài.

Chúng ta, người dân Việt Nam, không thể chấp nhận những thỏa hiệp làm ngơ cho sự áp bức. Chúng ta phải cùng nhau lên tiếng đòi hỏi chính quyền tổ chức những cuộc bầu cử tự do và công bằng, để người dân có thể quyết định tương lai của đất nước mình. Sự đoàn kết và quyết tâm của chúng ta, cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, là con đường duy nhất để đạt được một Việt Nam nơi tự do, dân chủ và nhân quyền thực sự được tôn trọng.

Không còn chỗ cho những toan tính thực dụng trong quan hệ quốc tế nếu chúng không phục vụ lợi ích của người dân. Việt Nam phải vươn lên từ một đối tác thực dụng trở thành một quốc gia nơi các quyền cơ bản của con người được đảm bảo. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể thực sự gia nhập hàng ngũ những quốc gia phát triển và thịnh vượng, với một tương lai được xây dựng trên nền tảng tự do và công bằng cho tất cả./.