Nghệ thuật “đu dây” của Tô Lâm

Ngày 10/10, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của Giáo sư Zachary Abuza, giảng viên tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington. Bài viết có tựa đề “Ông Tô Lâm trình diễn nghệ thuật cân bằng “đu dây” của Việt Nam, khi ra mắt thế giới”.

Tác giả nhận xét, lãnh đạo tối cao mới của Hà Nội thận trọng quản lý các mối quan hệ với Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Hiện vẫn chưa có sự sắp xếp lại chính sách đối ngoại của Việt Nam, và cũng sẽ không có điều đó.

Tác giả cho biết, chính sách đối ngoại của Việt Nam được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra, và đã được đưa vào Sách trắng Quốc phòng năm 2019.

Theo đó, “tùy diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp….với các quốc gia khác”.

Quan trọng hơn, chính sách ngoại giao không liên minh, liên kết của Việt Nam, đã tỏ ra rất hữu ích, và các nhà lãnh đạo Việt Nam là các bậc thầy về nghệ thuật giữ thế cân bằng “đu dây”.

Tác giả đề cập đến những chuyến thăm của ông Tô Lâm, đến Trung Quốc, Mỹ, và các quốc gia khác, và cho rằng, tất cả đều tuân thủ theo một khuôn mẫu đã có từ lâu, theo thông lệ đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Đồng thời, những chuyến đi này đã thể hiện rõ chính sách ngoại giao không liên minh, liên kết của Việt Nam.

Tác giả cũng cho rằng, những phát biểu của ông Tô Lâm tại New York không có gì mới, mà lặp lại các luận điểm ngoại giao, với các ngôn từ/khẩu ngữ quen thuộc của giới lãnh đạo Việt Nam. Các bài phát biểu này không có gì mới xét ở khía cạnh đề xuất chính sách, cũng không báo hiệu về một làn sóng mới nào, về tự do hóa hay đối mới kinh tế của Hà Nội.

Tác giả nhắc đến việc ông Tô Lâm đã hối thúc Mỹ cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, trong cuộc hội đàm ngắn với Tổng thống Joe Biden, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Và theo ông, Việt Nam đã ngây thơ khi nghĩ rằng, quy chế này có thể được trao trong thời gian diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tác giả đánh giá, có lẽ, cuộc gặp quan trọng nhất của ông Lâm ở New York, là cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Mặc dù Việt Nam tuyên bố duy trì chính sách đối ngoại trung lập, nhưng chính sách của nước này đối với Ukraine lại vô cùng tồi. Việt Nam đã tiếp tục hợp tác với Nga ở cấp cao nhất, tiếp đón Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào tháng 7/2022, Thủ tướng Dmitry Medvedev vào tháng 3/2023, và Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 6 năm nay.

Tác giả bình luận, Việt Nam đã tự đẩy mình vào ngõ cụt, vì ông Putin tiếp tục khẳng định rằng, Ukraine là một phần lãnh thổ của Nga. Điều này đặt ra một tiền lệ rất nguy hiểm cho Việt Nam, vì từng là một tỉnh của Trung Quốc trong hơn một nghìn năm.

Mặt khác, tác giả nhận định, dù có một số gặp gỡ quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, nhưng ông Tô Lâm đã không đạt được thỏa thuận đầu tư lớn nào.

Tuy nhiên, thay vì hướng tới tương lai và thăm Thung lũng Silicon, hay một trung tâm công nghệ cao nào khác, để gặp gỡ với các nhà đầu tư, ông Tô Lâm đã chọn đi thăm chính thức Cuba – một hoài niệm đối với quá khứ Cộng sản.

Tác giả phân tích, xét về kinh tế, chuyến thăm Havana là không hợp lý, bởi kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Cuba chỉ ở mức 155 triệu USD. Nhưng chuyến đi này quan trọng với Việt Nam.

Một phần, đây là một sự trấn an về mặt ngoại giao của Hà Nội đối với Trung Quốc, là câu trả lời cho những nhắc nhở thường xuyên của Bắc Kinh, về việc kiên định đối với Chủ nghĩa Xã hội.

Vẫn theo tác giả, có vẻ như, ông Lâm đang tận dụng tối đa các chuyến công du nước ngoài, nhưng ông cũng đang đưa ra tín hiệu rằng, Việt Nam vẫn duy trì chính sách đối ngoại không liên minh, liên kết, ngay cả khi các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông xứng đáng nhận được những hồi đáp mạnh mẽ và thẳng thừng hơn từ Hà Nội.

 

Thu Phương – thoibao.de