Trung Quốc muốn đưa Việt Nam quay trở lại quỹ đạo kiểm soát

Ngày 22/10, RFA Tiếng Việt bình luận, “Yếu tố Trung Quốc trong lựa chọn nhân sự cấp cao Việt Nam”.

Theo đó, hôm 21/10, Đại tướng Lương Cường được bầu làm Chủ tịch nước, với số đại biểu Quốc hội tán thành tuyệt đối – 440/440, để thay cho ông Tô Lâm, đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch nước của ông Tô Lâm, trong vỏn vẹn 5 tháng.

RFA cho biết, 10 ngày trước khi được bầu làm Chủ tịch nước, ông Lương Cường đã đến Bắc Kinh, gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.

Tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng cùng với Việt Nam tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao; đề nghị 2 bên phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, giao lưu trên kênh Đảng; triển khai tốt các cơ chế đối thoại trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh…

RFA cũng cho biết, việc ông Lương Cường đến Trung Quốc ngay trước khi được bầu làm Chủ tịch nước, được một số nhà quan sát chính trị cho rằng, có yếu tố Trung Quốc trong việc sắp xếp nhân sự thượng tầng Việt Nam.

RFA dẫn phân tích của luật sư Đặng Đình Mạnh, từ Hoa Kỳ, cho rằng:

“Điều này không còn là bí mật gì nữa, khi tất cả các cán bộ nguồn đều bị buộc phải trải qua các khóa học kéo dài 2 năm tại Trung Quốc.”

“Báo chí hầu như không đề cập chi tiết gì khác, ngoài dòng tin rất vắn tắt. Thế nhưng, với giới thạo tin, chuyến đi của ông Lương Cường sang Trung Quốc là để nhận sự đề cử và chỉ thị từ phía Trung Quốc.”

“Trong trường hợp lãnh đạo có xuất thân từ mối quan hệ sâu sắc như thế với Trung Quốc, chúng ta khó mà mong chờ gì về một đường lối đối ngoại tự chủ của Việt Nam, cũng như sự cải cách về chính trị, nếu nó đi ngược lại với chủ trương khống chế Việt Nam của Trung Quốc.”

RFA dẫn nhận định của luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada, rằng:

“Sự xuất hiện của ông Tô Lâm trên trường quốc tế, với tư cách là Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư, như một nguyên thủ quốc gia có tầm ảnh hưởng trong các diễn đàn đa phương, đã gây lo ngại cho Trung Quốc. Với việc công khai ủng hộ quan hệ sâu sắc hơn với phương tây, ông Tô Lâm dường như đang đi ngược lại lợi ích chiến lược của Bắc Kinh.”

“Việc ông Lương Cường lên thay Tô Lâm vào đúng thời điểm này, có thể là dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh đã thành công trong việc cô lập phe cải cách ở Việt Nam. Trung Quốc không muốn Việt Nam tiến gần hơn với phương Tây, và sẽ tìm mọi cách để duy trì ảnh hưởng của mình tại Hà Nội.”

RFA lưu ý, không chỉ ông Lương Cường sang Trung Quốc trước khi nhậm chức Chủ tịch nước, chuyện giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam sang thăm Trung Quốc, trước khi thăm chính thức Hoa Kỳ, cũng là điều được dư luận bàn tán.

Cụ thể, chỉ 2 tuần sau khi nhận chức Tổng Bí thư, ngày 18/8, ông Tô Lâm đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Ông Tô Lâm miêu tả mối quan hệ song phương này “là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”, và gọi chuyến thăm này là sự tái khẳng định, việc đánh giá cao quan hệ với Trung Quốc, của Đảng và Chính phủ Việt Nam.

Theo RFA, báo chí nhà nước Việt Nam cho biết, mục đích của chuyến thăm Trung Quốc là để “củng cố và duy trì ổn định trong các quan hệ song phương, lót đường cho việc giải quyết những bất đồng giữa hai bên, và đóng góp xây dựng một môi trường hoà bình và ổn định”.

RFA cho biết thêm, trước ông Tô Lâm, tháng 4/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sang Trung Quốc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, trước khi sang thăm chính thức Hoa Kỳ vào tháng 7 cùng năm.

 

Xuân Hưng – thoibao.de