Ngày 29/10, Blog của FB Nguyễn Hữu Vinh trên RFA Tiếng Việt bình luận “Khi cường quốc phải nhờ đến tay côn đồ”.
Theo tác giả, từ xa xưa, bộ máy tuyên truyền khổng lồ tại các nước Xã hội Chủ nghĩa, đã nhồi sọ dân chúng về một niềm tin mù quáng, đối với cái gọi là thành trì của Chủ nghĩa Xã hội – “Liên bang Xô Viết vĩ đại”.
Nó tạo ra một tư duy về 2 thế lực rõ rệt – Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư Bản, trong đó, mọi thứ xấu xa đều dành cho Chủ nghĩa Tư bản, còn Chủ nghĩa Xã hội bừng sáng trên khắp thế giới.
Tác giả nhắc lại, đã có một thời, Liên bang Xô Viết từng thách thức cả thế giới phương Tây, trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài.
Nhưng như một quy luật không thể cưỡng nổi, hệ thống Cộng sản trên thế giới đổ sụp, Liên bang Xô Viết bỗng chốc tan rã.
Khi đó, nước Nga được thừa hưởng hầu hết mọi tiềm năng, tài sản, và đặc biệt là vị thế cũng như thành quả mấy chục năm của hệ thống Liên bang Xô Viết.
Nước Nga từng được coi là một cường quốc về nhiều mặt, cả quân sự, cả tiềm năng khoa học, cả sự giàu có về tài nguyên, và một nền văn hóa lâu đời.
Tác giả cũng nhắc lại sự nuối tiếc của Putin đối với sự tan rã của Liên Xô. Và với tư duy không thay đổi về sự bành trướng, về tham vọng cá nhân, về sự coi thường cả thế giới, đặc biệt là với tư duy độc tài vốn có trong máu huyết Cộng sản, Putin đã đưa nước Nga trở lại nguyên hình là một quốc gia xâm lược.
Tác giả đề cập đến cuộc xâm lược Ukraine mà Nga phát động, vào đầu năm 2022, tưởng chừng có thể thắng lợi chớp nhoáng. Putin tự tin đến mức, trong đội quân xâm lược ấy, còn có cả đội quân nhạc và nghi lễ, chuẩn bị cho cuộc diễu binh mừng chiến thắng tại Kiev.
Thế nhưng, sự đời không như mơ.
Đến nay, đã sắp tròn 3 năm, mà cuộc chiến vẫn chưa có hy vọng kết thúc. Trái lại, nó đang phát triển với những tình tiết và biến động mới, làm thế giới lo ngại.
Tác giả cho biết, những con số về thương vong được 2 phía đưa ra, làm người ta giật mình về quy mô của sự tàn bạo trong cuộc chiến này. Theo Ukraine, đến nay, số binh lính Nga chết trên chiến trường Ukraine đã gần 700.000 người, gấp 150 lần so với thương vong của quân Nga tại Afghanistan trong 10 năm. Cùng với đó là hơn 9.000 xe tăng, hơn 600 máy bay, trực thăng, bị phá hủy, cũng như hàng vạn các phương tiện chiến tranh khác.
Đồng thời, hơn trăm triệu dân Nga đã và đang phải chịu, vì bị cả thế giới văn minh, tiến bộ tẩy chay, trừng phạt. Sự cô lập Nga trên trường quốc tế, sẽ kéo lùi sự phát triển của Nga hàng chục năm.
Tác giả cũng cho biết, phía Ukraine cũng phải chịu những thiệt hại khổng lồ về mọi mặt. Đó là điều không thể tránh khỏi, khi phải đối diện với một kẻ thù, một tên xâm lược tàn bạo đến đất nước mình.
Cái giá phải trả này, là sự lựa chọn giữa tự do và nô lệ, là phẩm giá dân tộc, là tinh thần yêu nước, sự quật cường và trí tuệ của người Ukraine không chịu khuất phục trước kẻ thù mạnh hơn mình nhiều lần.
Tác giả đánh giá, trái với sự hùng mạnh mà Moscow vênh vang tuyên truyền, sự thật đã được phơi bày 3 năm qua tại chiến trường Ukraine, về những cái gọi là thành tựu, là sức mạnh và những điều bị che giấu, nước Nga đã bị lột truồng trước thiên hạ về mọi mặt.
Nền quốc phòng từng hăm dọa cả thế giới, đã bộc lộ sự kiệt quệ và yếu kém, đến mức phải mua cả đạn pháo chất lượng kém của Bắc Triều Tiên. Các chiến dịch bắt lính rầm rộ cũng không đủ, khiến Nga phải huy động một lượng lớn tù nhân ra trận. Và điều này, ngay lập tức, đã khiến xã hội Nga nhận hậu quả khủng khiếp, khi tội phạm trở về tung hoành, công khai gây tội ác.
Nhưng, vẫn theo tác giả, kể từ ngày 6/8/2024, lãnh thổ Nga đã bị chính quân đội Ukraine chiếm đóng, mà đến nay, Putin tìm mọi cách để gỡ không ra. Đấy là một vết nhơ trong lịch sử của nước Nga.
Đó là những hậu quả nhãn tiền mà Putin đã và đang mang lại cho nước Nga, chỉ bởi cái thói độc tài và chuyên quyền kết hợp tham vọng vô độ của mình.
Và nay, không chỉ có vũ khí, Nga đã chính thức vay máu của người dân Triều Tiên trong cuộc chiến xâm lược này.
Tác giả mỉa mai, Nga – một “Cường quốc quân sự”, đã không thể duy trì được cuộc xâm lược của mình, trái lại, còn bị chính Ukraine mang quân vào lãnh thổ Nga, buộc Nga phải muối mặt nhờ Bắc Triều Tiên đến “giải phóng”.
Thế nên, khi một cường quốc quân sự, “nói nhiều người nghe, đe lắm kẻ sợ”, nay phải mượn tay đám “Côn đồ quốc tế” để giải phóng nhà mình, thì đó không chỉ là một sự sỉ nhục, mà nó phản ánh sự tuyệt vọng không thể cứu vãn.
Quang Minh – thoibao.de