Việt nam có “thoát Trung“, sau khi nhận món quà từ Vũ Hán?

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: “Covid-19 là cơ hội cải cách và tái cơ cấu kinh tế Việt nam”

Một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhận định với VOA rằng nền kinh tế Việt Nam đang hứng chịu những tác động tiêu cực trên nhiều mặt của dịch Covid-19, nhưng đây cũng là thời điểm thuận tiện để đẩy mạnh cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế nhằm “ít phụ thuộc hơn vào một thị trường duy nhất”.

Trước đó, ngày 12/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế-xã hội Việt Nam. Trong báo cáo mới mới nhất, Bộ này đã giảm mức dự báo GDP xuống chỉ còn 5,96% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II, so với mục tiêu đặt ra trước đó cho cả năm là 6.8%.

Một là ngành hàng không, đường sắt đều đã đình chỉ. Hai, khách du lịch từ Trung Quốc chiếm khoảng 37%, ở Quảng Ninh có thể chiếm tới 60%, thì bây giờ giảm sút rất nhiều, hầu như không còn. Ba, doanh nghiệp Việt Nam cần phụ tùng của Trung Quốc”.
Ngoài ra, theo TS. Lê Đăng Doanh, thực trạng hàng ngàn công nhân Trung Quốc về quê ăn Tết vẫn chưa được phép trở lại Việt Nam làm việc cũng gây tác động không nhỏ lên các nhà máy và công trình tại Việt Nam, bên cạnh tình trạng ùn ứ nông sản trong những ngày qua vì các quy định hạn chế đi lại để phòng chống dịch.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2019 đạt 75, 452 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi nhập khẩu chỉ đạt 41,414 tỷ USD.

các đoàn tàu nằm chờ ở ga Saigon – Hoạt động chạy tàu trên toàn quốc đang dự kiến phải tạm dừng vì không có tiền trả lương cho nhân viên

Với nền kinh tế bị phụ thuộc gần 1/3 nhập khẩu từ Trung Quốc như vậy, tình trạng gián đoạn về nguồn nguyên vật liệu từ các nhà máy ở quốc gia láng giềng vì dịch Covid-19 đang đề ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

TS. Lê Đăng Doanh cho biết thêm:“Doanh nghiệp dệt may đặt hàng từ sợi, vải, cho đến cúc từ các nhà máy của Trung Quốc. Đến hết tháng 2 này thì cạn dự trữ, nên nếu không giải tỏa được thì sẽ gặp khó khăn”.
Sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc, ngoài cơ chế chính sách, theo TS. Lê Đăng Doanh, còn do yếu tố mà ông gọi là “phụ thuộc tự nhiên”.
Ông phân tích: “Trung Quốc ở ngay sát Việt Nam, với 1.400 km đường bộ và vịnh Bắc Bộ nên rất gần gũi. Hai, link kiện, hàng hóa của Trung Quốc có giá rẻ và họ đáp ứng rất nhanh những yêu cầu của Việt Nam. Ví dụ với hàng dệt may, nếu Việt Nam nhận được các hợp đồng đòi hỏi phải thay đổi kiểu vải, mẫu mã cúc… thì với các công ty ở Italy hay các nước khác thì rất khó khăn, nhưng với các doanh nghiệp Trung Quốc thì họ thích nghi rất nhanh.”.
Vì vậy, việc các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua nhập nhiều hàng hóa, nguyên phụ liệu từ quốc gia láng giềng là điều khó tránh khỏi.

Saigon Centre được xem là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất tại TP.HCM thu hút lượng lớn người dân đến đây mua sắm và giải trí dịp cuối tuần. Tuy nhiên, vào tối chủ nhật mà trung tâm này vắng vẻ một cách lạ thường.

Rời xa Trung Quốc nào có dễ” – Đó là một câu cảm thán của một chủ doanh nghiệp lớn ngành giày dép và cũng là tựa đề một bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài gòn ngày 23/2/2020 của ông Đỗ Long Tổng giám đốc Bita’s.

Không có cơ sở để kết luận toàn bộ kinh tế Việt Nam đều ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tuy nhiên, với nền kinh tế mà doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 98% và lệ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc, tác động của việc tạm thời gián đoạn giao thương với “công xưởng thế giới” là một cơn ác mộng đối với họ.
Về con số GDP của quốc gia – chắc chắn sẽ giảm, hãy để các bộ ngành tính toán, đưa ra đánh giá. Riêng cá nhân tôi, sẽ nhìn vào cách thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về cơn dịch là khả quan hay nguy hiểm hơn để chẩn đoán tình hình kinh tế. Nói đúng hơn là để đánh giá trực tiếp sức khỏe của doanh nghiệp mình, và ngành hàng có liên quan là giày dép.
Chắc chắn, số ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc không nhỏ hơn 50%. Đó là những ngành như dệt may, da giày, vật liệu trong xây dựng, sản xuất nông nghiệp, nguyên liệu phụ trợ…
Và dễ tổn thương nhất là các doanh nghiệp sản xuất nông sản. Họ lệ thuộc gần như 100% vào thị trường Trung Quốc, và đang khóc ròng, khóc không ra thành tiếng nữa.

Tân Sơn Nhất là Cảng hàng không quốc tế luôn rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng nhất cả nước. Chưa bao giờ sân bay này rơi vào vắng vẻ như những ngày vừa qua

Nếu soi cho kỹ, sẽ thấy chúng ta nhập chủ yếu là nguyên vật liệu, xuất chủ yếu nông sản và nguyên liệu thô.

Ngay vào cuối tháng 2 này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chắc cũng sẽ “ngáp ngáp”, chết dần chết mòn rồi.
Về vấn đề tìm nguồn nguyên liệu thay thế từ nước khác và thị trường mới thay thế thị trường Trung Quốc thì sao?
Nói thì quá dễ, nhưng với hơn 30 năm lăn lộn trên thương trường, tôi không thể tiếp tục đánh đố hay tưởng tượng hai chuyện đó giống như từ tay phải chuyển sang tay trái một cách dễ dàng được.
Hầu như mọi chủ doanh nghiệp đều cùng chung suy nghĩ của tôi. Tất cả đều “mắc kẹt” trong luồng chảy của chuỗi sản xuất, chuỗi kinh doanh.
Sự thể là như thế này: Đâu là nơi cung cấp nguyên vật liệu vừa nhanh, vừa rẻ, vừa ứng biến cho khách hàng uyển chuyển nhất? Đó là Trung Quốc. Đâu là thị trường hao hao giống như Việt Nam cho phép thanh toán gối đầu, đổi trả, đền bù, đặt hàng từng chiếc đến từng tấn đều được, và cả sự thích nghi sáng tạo mẫu mã thật chớp nhoáng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng? Đó là Trung Quốc.

Vậy liệu việc lựa chọn một thị trường cung ứng nguyên vật liệu khác có đáp ứng được những yếu tố trên không? Có đảm bảo được là “con dâu” ngoan, tốt, luôn “chiều chồng” như các nhà cung ứng Trung Quốc?

hình ảnh chụp ngày chủ nhật 23-2-2020 ở Trung tâm thương mại Vincom trên ở Gò vấp TpHCM, nơi luôn tập trung đông người nhưng nay vắng vẻ

Đó là chưa kể đến một thực tế khác: khi các nhà đầu tư Nhật Bản hay Hàn Quốc đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam gia công sản xuất, nguyên vật liệu cũng được họ mua của Trung Quốc.
Tất nhiên, ngay cả với việc phải chọn mua nguyên vật liệu các nước khác nhằm thay thế Trung Quốc thì cũng cần có thời gian, ít nhất là sáu tháng. Đó là khoảng thời gian nhằm đi lùng sục, tìm kiếm rồi trao đổi để họ cung ứng nguyên vật liệu đúng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Chắc chắn, khi tìm được rồi, doanh nghiệp sẽ phải tính lại giá thành, sao cho giá không quá đắt so với hàng Trung Quốc, mà chất lượng lại tương đương để đảm bảo tính cạnh tranh.
Trong trường hợp, giá thành bị đội lên thì nó sẽ đồng nghĩa với việc không thể bán ra thị trường được, hoặc phải bỏ khá nhiều thời gian, công sức tiếp thị, thuyết phục khách hàng. Không dễ.
Một thực tế: dẫu cho doanh nghiệp năng động đến cỡ nào đi chăng nữa, cũng phải thay đổi toàn bộ kế hoạch. Họ còn phải giảm bớt chỉ tiêu, giảm bớt lao động, giảm giờ làm việc của khối gián tiếp; cân đối nguyên vật liệu tồn kho…
Và hẳn cũng sẽ đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, tung nhân viên đi tìm khách hàng tận nhà. Giờ do có dịch, không mời khách hàng tập trung lại được, cho nên sẽ chủ động tìm tới khách để chào hàng.

Nói thế nào đi chăng nữa, doanh nghiệp cũng chỉ có thể xoay xở bó hẹp trong phạm vi ngành nghề của mình và tự bươn chải nhằm giải quyết khó khăn là chính.

Hình ảnh ở khu vực biên giới gần cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn hàng ngày có hàng trăm cửu vạn ngang nhiên cõng hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam

Ở một góc độ “cao”, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn nữa, hành động ráo riết hơn nữa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngay cả sau khi dịch được khắc phục. Bởi rõ ràng hậu quả để lại sẽ kéo dài đến hết năm 2020 là tối thiểu.
Bằng cách cắt giảm lãi suất ngân hàng thật mạnh, chứ không nhỏ giọt. Và tạm thời không thanh kiểm tra doanh nghiệp theo chỉ tiêu hàng năm nữa. Ngưng cả việc áp đặt một số luật lệ, quy định mới không mang tính hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo tôi được biết, Singapore và Đài Loan đã công khai việc giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Covid-19. Phương thức hỗ trợ là giảm lãi suất, tiếp tục cho gia hạn các khoản vay, đáo hạn. Lãi suất cho vay của họ đã thấp, giờ lại còn giảm thêm; điều kiện cho vay cũng không khó. Đối với Đài Loan, từ lãi suất 2,5%/năm xuống còn 1,2-1,5%/năm. Singapore cũng giảm từ 1,5% xuống còn 0,8-1%/năm.

Ở Việt Nam, các ngân hàng cũng nói sẽ giảm lãi suất, nhưng kèm theo đó là doanh nghiệp phải chứng minh rõ thiệt hại; và mức lãi suất cũng cứ xoay quanh 7-9,5%/năm. Vậy cho nên doanh nghiệp Việt Nam thiệt thòi lắm.

Trước tình trạng “đóng băng” của nhiều ngành nghề, dịch vụ, sản xuất tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ Trung Quốc, một số ý kiến cho rằng đây cũng là một cơ hội tốt để Việt Nam “thoát Trung”, giảm dần sự phụ thuộc về kinh tế vào quốc gia láng giềng.

Tại cuộc họp về phòng chống dịch cúm SARS-CoV-2 , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân

“Thoát Trung” là đề tài đã được nhiều kinh tế gia của Việt Nam bàn thảo, vận động cũng như đưa ra các kiến nghị cho chính phủ, đặc biệt sau khi tình trạng phụ thuộc kinh tế quá nhiều vào một thị trường là Trung Quốc bắt đầu cho thấy những tác động tiêu cực lên kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, để làm được việc này, đòi hỏi Việt Nam phải có một nỗ lực lớn và cả chấp nhận những thiệt thòi ban đầu.
Người Trung Quốc rất giỏi kinh doanh và họ có thể tranh thủ được các khách hàng Việt Nam bằng nhiều thủ thuật. Vì vậy nên trong thời gian sắp tới, khi Việt Nam muốn đa dạng hóa, đa phương hóa thì có lẽ cũng phải điều chỉnh một số mặt hàng và một số khách hàng, và có lẽ giá một số sản phẩm cũng không tránh khỏi phải tăng lên”.
Việt Nam có câu trong họa có phúc, trong nguy có cơ. Nhân tình hình này, kinh tế Việt Nam sẽ phải tái cơ cấu, phải đổi mới sản xuất, tìm kiếm thị trường mới, linh kiện, kênh hợp tác mới”.
TS. Lê Đăng Doanh hy vọng giới hữu trách có thể biến “nguy” thành “cơ” để đẩy mạnh việc cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, dựa vào những cơ hội đang mở ra từ việc hợp tác với châu Âu, Mỹ và các quốc gia châu Á khác.

container xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái TpHCM

Trung quốc là một đất nước đã áp dụng triệt để Chủ nghĩa Cộng sản để cai trị hơn 1 tỷ người dân nước này. Những tiếng nói phản biện ôn hòa ở đại lục đều bị đàn áp, khủng bố và cầm tù.
Việt nam vẫn cử các đoàn cán bộ cấp cao sang Trung quốc để học tập mô hình độc tài toàn trị này, để áp dụng lên người dân trong nước, Đảng đã loại bỏ những người thực tài để thay vào đó là những cá nhân chỉ biết “còn đảng còn mình” hòng mưu lợi cá nhân.

Giờ đây, hậu quả do sự thiếu hiểu biết của lãnh đạo đảng và nhà nước Việt nam đang đổ lên đầu hàng triệu người dân và doanh nghiệp Việt nam. Họ sẽ tiếp tục phải bỏ mạng và phá sản trong thời gian tới, vì thứ virus nguy hiểm đến từ Trung quốc.

Trung Hiếu từ TpHCM – Thoibao.de (Tổng hợp)