Mỹ tung 2200 Tỷ Đô hỗ trợ kinh tế – Tàu bệnh viện được lệnh dời bến

https://www.youtube.com/watch?v=s_16CsReI4Q

Mỹ hiện đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán kể từ khi số ca được biết đến ở Mỹ vượt qua Trung Quốc và Ý vào ngày thứ Năm 26/3.

Hết ngày 29/3, Mỹ ghi nhận “kỷ lục buồn” khi số ca bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán của nước này vượt mốc 130.000 người.

Chỉ hơn hai tháng kể từ khi phát hiện ca bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán đầu tiên tại Seattle vào ngày 21/1, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc và Ý, trở thành trung tâm của đại dịch toàn cầu.
Mức tăng tốc nhanh chóng số ca bệnh của Mỹ có thể được lý giải bởi 2 nguyên nhân: thứ nhất là do bản thân tốc độ lây lan của dịch bệnh vốn rất nhanh giống như các nước khác và thứ hai là việc tăng thêm số lượng cũng như tốc độ xét nghiệm viêm phổi Vũ Hán sau nhiều tuần thiếu hụt. Tại thành phố New Orleans, bang Louisiana, chỉ trong vòng 2 giờ ngày 27/3, 1 trong 3 điểm xét nghiệm ở đây đã đạt tới công suất làm 250 xét nghiệm một ngày.
Tính tới tối 27/3, theo Đài Fox, bang New York là bang có số ca bệnh cao nhất ở Mỹ với 44.635 người nhiễm, trong đó có 519 người chết. Nhưng New York cũng là bang có tỉ lệ xét nghiệm trung bình trên 1 triệu dân cao nhất nước Mỹ là 5.319 người. Trong khi tỉ lệ này khá thấp ở một số bang như Arizona (116), Indiana (498), Texas (465), Georgia (595), Michigan (437).
Với ít nhất 1.634 người thiệt mạng kể từ tối ngày thứ Sáu 27/3 – cũng là mức tăng kỉ lục hàng ngày – Mỹ đứng thứ sáu thế giới về số người chết vì đại dịch, theo những số liệu chính thức mà Reuters kiểm đếm.

Ảnh : Cập nhật dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán cho đến 13h30 ngày 29/3 cho thấy Mỹ là quốc gia có số người mắc bệnh cao nhất với 123.774 ca nhiễm và 2.229 ca tử vong

Hiện tại có vẻ như dịch tập trung nhiều hơn tại các trung tâm đô thị, chủ yếu ở thành phố New York và các vùng ngoại ô và tại Seattle, Boston, San Francisco.

Hai bang bị nặng nhất là New York và Washington nhưng những điểm nóng mới đã xuất hiện ở Michigan và Chicago, tại 50 tiểu bang đều đã có ca bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Đây cũng là những nơi dịch bệnh xuất hiện trước tiên. Nguyên nhân được cho là vì mật độ dân cư rất đông. Tại các đô thị lớn này, người dân chủ yếu đi lại bằng giao thông công cộng, theo đó nguy cơ phơi nhiễm rất lớn, trong khi đó bệnh phải mất vài ngày mới phát lộ các triệu chứng, không dễ biết để phòng ngừa.
Ông Carl Bergstrom, giáo sư sinh học ĐH Washington, chuyên gia mô hình hóa các dịch bệnh truyền nhiễm trong 20 năm qua, nhận xét : “Mỗi vùng có những lý do văn hóa – xã hội riêng sẽ tác động tới tốc độ lây lan và cả phương pháp ứng phó của địa phương đó với tốc độ lây lan này“.
Thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins ngày 27/3 cho thấy thành phố New York là nơi có nhiều ca nhiễm nhất, với hơn 1 nửa số ca nhiễm của Mỹ vào thời điểm được thống kê. 
Với dân số hơn 8 triệu người, thành phố New York là thành phố đông dân nhất và có mật độ dân số cao nhất nước Mỹ. Mật độ dân số tại đây cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 các bang khác.
Với dân số và mật độ đông như vậy, người New York thường xuyên và dễ dàng tiếp xúc với nhau, do đó nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao hơn. 

Có ý kiến cho rằng giống như nhiều quốc gia khác, Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội vàng để ngăn chặn dịch bệnh. 

Mỹ ghi nhận ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán đầu tiên tại bang Washington vào ngày 21/1. Sáu tuần sau, số ca nhiễm mới tăng lên 70, chủ yếu liên quan đến du khách nước ngoài. Số ca nhiễm tăng nhanh chóng từ khi cơ quan y tế công bố trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại California (ngày 26/2). Kể từ đó, cùng với số ca nhiễm mới cập nhật hàng ngày ở Mỹ tăng lên hàng chục, sau đó là hàng trăm rồi hàng nghìn đi cùng với sự xuất hiện và gia tăng của những ca tử vong.
Trên thực tế, các cấp chính quyền chỉ chính thức khẳng định sự tồn tại của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tại Mỹ sau khi phát hiện bệnh này góp phần gây ra cái chết của hai người và tiếp tục giết thêm 20 người khác ở khu vực Seattle.
Như vậy, những cơ hội đầu tiên trong giai đoạn một của dịch bệnh – khi việc ngăn chặn viêm phổi Vũ Hán bùng phát dễ dàng hơn, khi có thể đảm bảo được việc xét nghiệm không bỏ sót các trường hợp lây nhiễm, có thể đã bị bỏ qua.
Thay vào đó, trong một thời dài, nhiều bang của nước Mỹ vẫn đang phải chống lại một “kẻ thù trong bóng tối” mà không thể làm cách nào biết được đối thủ đến từ đâu, mạnh như thế nào, trong khi số người nhiễm bệnh vẫn đang tăng dần theo cấp số nhân.

(Ảnh : Tổng thống Trump phát biểu tại Norfolk, nơi tàu bệnh viện USNS Comfort nhổ neo để tới New York hỗ trợ các hoạt động y tế đối phó với dịch viêm phổi Vũ Hán hôm 28.3.2020 )

Với những quyền hạn riêng cũng như đặc điểm của từng bang mà mỗi bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đối phó với dịch bệnh theo cách khác nhau.

Trong khi New York, Washington và California áp dụng các biện pháp quyết liệt ngăn dịch bệnh, hai bang khác là Ohio và Maryland cũng đã làm theo họ, còn một số bang khác vẫn miễn cưỡng áp dụng các quy định giãn cách xã hội, một trong những biện pháp hiệu quả nhất để chống dịch đã được chứng minh. Phần nhiều vì lo ngại tác động tiêu cực của chính sách giãn cách xã hội với nếp sống hằng ngày, đặc biệt là hoạt động kinh doanh.
Thực tế thoạt đầu chính bang New York cũng đã lưỡng lự khi đưa ra khuyến cáo “ở nhà” với người dân, căn cứ vào những thông điệp đối chọi nhau giữa thống đốc bang Andrew Cuomo và thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio. Tương tự, dù đã ra lệnh đóng cửa trường học tới tuần cuối cùng của tháng 4/2020 nhưng thống đốc Jay Inslee của bang Washington cũng không thoải mái lắm khi phải phát lệnh yêu cầu người dân “ở trong nhà“.
Trong khi đó, nhiều thống đốc bang vẫn áp dụng quan điểm nới lỏng trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có tiền lệ, ít nhất là giai đoạn đầu. Chẳng hạn thống đốc bang Oklahoma, ông Kevin Stitt, vẫn tweet (sau đó đã xóa) hình ảnh ông và gia đình đi ăn tối tại nhà hàng ngay cả khi các bang khác đã đóng cửa các hoạt động kinh doanh không thiết yếu.
Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis, thì đã phớt lờ những kêu gọi phát lệnh toàn dân ở nhà chống dịch và tuyên bố ông không thấy hối hận chuyện vẫn cho mở cửa các bãi biển trong đợt nghỉ xuân. Ông cho biết việc các gia đình ngồi trên những bãi biển nóng, ẩm, tràn ngập ánh nắng không nguy hiểm bằng những khoang tàu ngầm đông đúc của New York.

Mặc dù là nền kinh tế hàng đầu thế giới với năng lực y tế hiện đại, tiên tiến nhất nhưng Mỹ cũng đối mặt với thực tế không có đủ thiết bị y tế.

Theo nghiên cứu công bố ngày 27/3 của tổ chức phi lợi nhuận US Conference of Mayors, ít nhất 213 thị trưởng của Mỹ cho biết họ không có, hoặc không có cách nào cung ứng đủ trang thiết bị và dụng cụ y tế để bảo vệ lực lượng y tế phản ứng tuyến đầu.
Tạp chí Vox (Mỹ) chỉ ra một thực tế: các bệnh viện mỗi bang đều lệ thuộc vào ngân sách bang đó để nâng cao năng lực phục vụ như tăng thêm giường bệnh, tăng phòng hồi sức tích cực, tăng máy thở và cả nhân viên y tế. Đến lượt các bang lại cần sự hỗ trợ ngân sách của chính phủ liên bang.
Tình trạng thiếu thốn nguồn vật tư y tế xảy ra trên khắp cả nước, các bác sĩ và y tá trong tình trạng tuyệt vọng đã buộc phải tái sử dụng một số đồ bảo hộ hoặc phải giấu khẩu trang N-95 để không bị lấy cắp. Các bác sĩ cũng đặc biệt lo ngại về tình trạng thiếu máy thở, vốn rất cần cho những người mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán. Các bệnh viện cũng báo động về tình trạng khan hiếm thuốc, bình oxy và nhân viên được đào tạo.
Bác sĩ Alexander Salerno của Hiệp hội Y khoa Salerno ở phía bắc bang New Jersey nói với Reuters ông phải thông qua một “người môi giới” trực tuyến để trả 17.000 đôla mua khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác có giá khoảng 2.500 đôla và nhận hàng tại một nhà kho bỏ hoang.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, giới chức Mỹ cũng đã ban hành một loạt các biện pháp nhằm ứng phó với những hậu quả chưa từng thấy đối với mọi mặt của đời sống cả xã hội lẫn kinh tế của nước này.

Ảnh : Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành gói cứu nguy kinh tế 2,2 ngàn tỷ đô la, chiều ngày 27/3 trong sự đồng lòng của 2 đảng

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Sáu 27/3 đã viện dẫn quyền lực khẩn cấp bắt buộc hãng General Motors bắt đầu chế tạo máy thở sau khi ông cáo buộc nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ lãng phí thời gian trong các cuộc đàm phán.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 29/3 yêu cầu người dân các bang New York, New Jersey và Connecticut hạn chế đi lại sau khi tổng thống Donald Trump tuyên bố không phong toả khu vực New York. Các trường hợp được miễn bao gồm nhân viên các dịch vụ tài chính, cung cấp thực phẩm và một số ngành khác.
Trước đó, biên giới dài nhất thế giới giữa Mỹ và Canada, đã bị đóng cửa triệt để, ngoại trừ việc đi cấp thiết và thương mại thiết yếu.
Ông Trump cũng tuyên bố sẽ có một cuộc xét mới với người di cư hoặc người xin tị nạn vượt biên giới Mỹ và Mexico. Ông nói rằng chính phủ của ông sẽ viện dẫn một đạo luật cho phép việc ngăn cản sự đi lại của công dân để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Động thái được cho là quyết liệt nhất của Mỹ trong cuộc chiến với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán là thông qua gói ngân sách giải cứu kinh tế lên tới 2.000 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Sự đoàn kết hiếm của cả hai đảng ở Quốc hội đối với gói cứu nguy kinh tế này cho thấy các nghị sĩ Mỹ xem đại dịch viêm phổi Vũ Hán nghiêm trọng tới mức nào trong lúc dân Mỹ đang chống chọi với những khó khăn và hệ thống y tế đang chật vật đối phó với những thách thức do dịch bệnh gây ra.

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)