Kể từ khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát trên toàn thế giới, nhiều quốc gia đã chủ động phóng thích các tù nhân nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong nhà tù. Các tổ chức quốc tế cũng kêu gọi phóng thích những tù nhân dễ bị tổn thương nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có động thái gì trong vấn đề này.
Ngày 02/4 BBC có mở diễn đàn: Viêm phổi Vũ Hán, Việt Nam có nên cân nhắc việc thả tù? Cuộc thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau xung quanh chủ đề này.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là lúc chính quyền và nhà nước Việt Nam nên cân nhắc và ra quyết định tha hoặc tạm tha tù với nhiều người đang thi hành án vì sức khỏe của họ, cũng như vì an toàn chung cho đất nước, tránh các ổ dịch diễn biến phức tạp.
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự, bày tỏ quan điểm như sau : “Tôi nghĩ rằng những người đang bị tù là những đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch này và thực sự là thế giới cũng đã lên tiếng, hội nhà báo quốc tế hay các hội bảo vệ nhà báo thì có lên tiếng đòi thả các nhà báo bị tù…
Tôi nghĩ là phải thả tất cả các tù nhân chính trị và thậm chí cả các tù nhân thường cũng phải tìm cách như thế nào đấy để gần hết hạn thì có thể thả họ ra bằng cách nào đấy, để mà giãn mật độ ở trong môi trường như thế…
Trong trường hợp đối với các tù nhân ở Việt Nam thì có lẽ là chính quyền cũng phải hết sức là lưu ý và theo tôi là phải thả các tù nhân chính trị, các tù nhân lương tâm ra.
Các tù nhân bình thường thì cũng nên xem xét, trừ những trường hợp mà rất là đặc biệt, nhưng mà những trường hợp sắp đến hạn, nên cho người ta ra cho sớm hơn, những trường hợp khác thì có thể giãn ra hay gì đó, để cho mật độ ở trong trại giam nó bớt đi, để cho khả năng ứng phó của bộ phận y tế ở đó ở trong tầm quản lý của người ta, ở trong tầm kiểm soát được.“
Chính quyền cộng sản Việt Nam đã từng thả tù nhân trong chiến tranh chống Trung Quốc năm 1979. Đây được coi là một cuộc đặc xá tù nhân lịch sử.
Nhà phân tích chính trị, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, lý giải như sau :
“Chúng ta nhìn lại là từ năm 1979, từ lúc Trung Quốc xâm lược Việt Nam, ở mấy tỉnh biên giới thì một số trại ở phía Bắc, tức là ở Lạng Sơn, ở Quảng Ninh, những trại đông phạm nhân nhất, người ta thả… Và người ta thả trong tình trạng là khi người ta rời trại về Bắc Giang hay Bắc Ninh mà vẫn thấy không an toàn, thì người ta thả… Sau này thì tất cả những người kia lại quay lại và người ta trình diện đầy đủ và sau đó xảy ra một chuyện người ta gọi là đặc xá, nó gần như đại xá.’’
“Thì không có lý do gì bây giờ mà chính quyền Việt Nam không xem xét việc này. Nói đúng hơn là cũng có một số tổ chức Phi Chính phủ, thậm chí có một số Bộ đã có đề nghị với lại Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, rồi đề nghị với Chính phủ Việt Nam để xem xét việc làm sao để mà thả bớt những người phạm nhân đang ở trong trại đi, thì nhân việc dịch này để họ có thể được an toàn hơn.”
“Nhưng mà việc thả ra thì tôi nghĩ là không có gì khó khăn cả và hy vọng rằng người ta sẽ sớm xem xét, tại vì vừa rồi ông Thủ tướng cũng đã ký một Nghị định quan trọng, Nghị định gọi là ‘tha tù có điều kiện’… Có nghĩa là Nghị định như thế thì lúc này nên áp dụng luôn, nhân lúc này có dịch lớn, để cho những người dễ bị tổn thương ấy, nhất là những người tù mà sức khỏe người ta kém, những người mà khi trở về nhà, người ta không có làm một cái gì ấy mà ảnh hưởng đến người khác, thì nên làm như thế và làm càng sớm càng tốt.”
Điều kiện giam giữ tại Việt Nam thường là 50 -70 người một phòng, nếu xảy ra lây nhiễm dịch thì rất dễ lan rộng, trong khi điều kiện y tế của các trại là rất hạn chế.
Nhà hoạt động xã hội và truyền thông, ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm, một cựu tù nhân chính trị cho rằng việc thả tù nhân là cần thiết và đề xuất : “… cần có những giải pháp mềm dẻo để giảm khó khăn cho phạm nhân, ví dụ như cho tăng trọng lượng hàng, số lần gửi bưu phẩm hàng tháng, cho phạm nhân vay tiền nếu có nhu cầu để mua nhu yếu phẩm, đồ ăn, cho truy nhận tăng trọng lượng quà khi được trở lại bình thường sau đợt dịch v.v.. vì từ năm 2018, Bộ Công an có Thông tư mới, hạn chế trọng lượng quà thăm thân chỉ có 5 kg (hàng chục năm trước không bị hạn chế trọng lượng).”
“Ngoài ra, cũng nên tăng khẩu phần ăn hàng ngày cho phạm nhân, đặc biệt là rau xanh, vì thực tế nhiều năm nay, bữa ăn của phạm nhân không đủ chất. Lao động vất vả, ai không có thăm nuôi thì hết sức khó khăn. Cũng nên giảm giờ, cường độ lao động trong thời gian dịch bệnh…’’
“Hiện đã có nhiều nước thả hàng ngàn tù nhân để tránh lây nhiễm, cũng đã có tổ chức quốc tế kêu gọi về vấn đề này. Dịch có thể còn kéo dài, Việt Nam nên xem xét. Nếu có thể, để tránh thủ tục hành chính rườm rà, nên tập trung vào các trường hợp già yếu (là diện dễ lây nhiễm, khả năng kháng bệnh thấp), hoàn cảnh khó khăn, án còn lại ngắn, không thuộc loại tội nguy hại cho xã hội… Ví dụ như những tội vô ý gây thương tích, điều khiển giao thông…’’
“Không nên tổ chức bình bầu, dựa trên quá trình cải tạo…, như dạng giảm án, rất hình thức, mất thì giờ, thậm chí nảy sinh tiêu cực… Biết là việc này rất khó có ở Việt Nam, vì nếu muốn cũng phải trao đổi giữa ba ngành tư pháp, mất nhiều thời gian, nhưng thời gian dịch còn có thể kéo dài, khả năng xảy ra tới đâu chưa rõ, nên theo tôi vẫn rất cần tính ngay từ lúc này.”
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, chính các nhà tù, trại giam là môi trường ‘an toàn nhất’ để giúp người đang thi hành án cách ly với dịch bệnh và qua đó đảm bảo được sức khỏe, tính mạng cho họ.
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, cựu tù nhân chính trị người đang cư trú tại CHLB Đức có quan điểm ngược lại với các quan điểm trên khi cho rằng : ‘‘Trong hoàn cảnh dịch bệnh đang bùng phát và đã có lệnh cách ly toàn xã hội thì những người đang ở trong các nhà tù, trại tạm giam là nơi an toàn nhất… Bởi vì bản thân các nhà tù, trại tạm giam đã là những nơi cách ly hoàn toàn khỏi xã hội rồi. Và ở đó rất dễ dàng cho các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.’’
“Các nhà tù, trại tạm giam rất dễ thực hiện các biện pháp như tạm ngưng việc gặp gia đình, thân nhân, nếu gửi đồ tiếp tế thì gửi tiền qua bưu điện.’’
“Các cai tù và những người làm việc tại đó cũng bị cấm rời khỏi trại giam. Vậy nên nguồn dịch từ bên ngoài không thể thâm nhập vào các nhà tù và trại tạm giam.’’
“Thời gian tôi ở tù thì tôi thấy điều tốt duy nhất mà các nhà tù, trại tạm của nhà nước Cộng sản có thể làm được là ngăn ngừa dịch bệnh. Bởi nếu họ làm không tốt thì ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của hàng nghìn tù nhân và người bị tạm giam.
“Còn việc thả tự do cho các tù chính trị và thường phạm thì nên thực hiện ngay sau khi dịch bệnh đã được dập tắt hoàn toàn. Bởi đã nhiều năm, và đặc biệt từ khi ông Nguyễn Phú Trọng ngồi vào ghế Chủ tịch nước thì chưa có một đợt đặc xá nào.”
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Michelle Bachelet hôm 25/3 cho rằng các nước phải có nhiệm vụ bảo vệ tù nhân trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán bằng cách phóng thích những người dễ bị tổn thương.
Trong một tuyên bố, bà Bachelet cho biết : Viêm phổi Vũ Hán đã bắt đầu tấn công các nhà tù, các trung tâm giam giữ người nhập cư, trung tâm chăm sóc người già cũng như bệnh viện tâm thần. Nó có nguy cơ lây lan qua các quần thể dễ bị tổn thương như vậy. Do đó, chính phủ các nước nên tìm cách phóng thích những người đặc biệt dễ bị tổn thương với viêm phổi Vũ Hán, gồm những tù nhân lớn tuổi, bị bệnh cũng như những người phạm tội có nguy cơ thấp.
Theo bà, các cơ sở giam giữ ở nhiều quốc gia đang trong tình trạng quá tải, tù nhân bị giam giữ trong điều kiện mất vệ sinh trong khi thiếu các dịch vụ chăm sóc y tế, khiến họ và nhân viên quản giáo dễ bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
Cao ủy Bachelet nhấn mạnh, việc tự cách ly trong điều kiện như vậy quả thực là không thể được, từ đó có thể dẫn tới thảm họa.
Đại sứ Hoa Kỳ tại tổ chức Tự do Tôn giáo quốc tế đã kêu gọi các chính phủ thả tù nhân tôn giáo của họ trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay. Phát biểu trong cuộc họp ngắn vào ngày 2/4, ông cho biết : “Đó là một động thái tốt vì sức khỏe của chính cộng đồng các quốc gia đó, còn về mặt đạo đức thì rõ ràng đây là một hành động đúng đắn. Thật không may, hiện tại ở nhiều quốc gia trên thế giới, một số tù nhân tôn giáo vẫn đang bị giam giữ”. Ông Brownback đã kêu gọi một số quốc gia thả tù nhân tôn giáo bao gồm Iran, Việt Nam, Nga, Eritrea và Trung Quốc.
Khắp nơi trên thế giới, các nước như Iran, Mỹ, Afganistan, Canada, Đức, Ba lan… đều thả bớt tù nhân. Đặc biệt, lời kêu gọi của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền cũng đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia khác.
Theo các thống kê chính thức, Iran đến nay đã cho phóng thích tạm thời 85.000 tù nhân, 10.000 người trong số này được ân xá. Tại Canada, 1.000 tù nhân ở tỉnh bang Ontario đã được thả ra cách đây ít lâu. Hiện giới luật sư tại đây đang làm việc với các công tố viên trong nỗ lực nhằm phóng thích thêm nhiều tù nhân khác. Sudan cũng đã thả hơn 4.000 tù nhân.
Hưởng ứng lời kêu gọi của bà Bachelet, giới chức Afghanistan hôm 26/3 cho biết sẽ phóng thích ít nhất 10.000 tù nhân trên 55 tuổi trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của viêm phổi Vũ Hán. Song, những tù nhân được thả sẽ không gồm thành viên của phiến quân Taliban hoặc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr hôm 26/3 chỉ thị Cục Nhà tù (BOP) cho phép quản thúc tại gia đối với các tù nhân lớn tuổi thỏa mãn các điều kiện cơ bản nhằm giảm thiểu sự lây lan của viêm phổi Vũ Hán trong hệ thống nhà tù xứ cờ hoa. Trong bản ghi nhớ gửi tới Giám đốc BOP Michael Carvajal, Bộ trưởng Barr cho rằng quản thúc tại gia có thể hiệu quả hơn trong việc bảo vệ sức khỏe tù nhân.
Ba Lan cũng đưa ra động thái tương tự. Bộ Tư pháp nước này cho biết một số tù nhân sẽ thi hành phần còn lại của bản án tại nhà và được theo dõi bằng các thẻ điện tử. Trong khi đó, Anh cũng đang cân nhắc xem liệu có nên áp dụng các chương trình phóng thích tù nhân tạm thời hay không. Còn North-Rhine Westphalia, bang đông dân nhất của Đức, mới đây tuyên bố sẽ thả 1.000 tù nhân gần mãn hạn. Ethiopia cũng tuyên bố sẽ thả hơn 4.000 tù nhân.
Từ tháng 2/2020, đã có thông tin bắt đầu hạn chế việc thăm thân, gửi quà của gia đình cho phạm nhân. Ngày 3/3/2020 Cục trưởng Trại giam có thông báo chính thức sẽ tạm dừng việc này đến hết tháng Ba. Đến nay là tháng Tư rồi, vẫn chưa nghe tin có tiếp tục tạm dừng việc thăm thân, gửi quà hay không. Hiện Việt Nam đã trong giai đoạn ‘cách ly xã hội’ theo chỉ thị 16, giới chức Việt Nam vẫn tự tin kiểm soát được tình hình, việc phóng thích tù nhân có lẽ vẫn sẽ còn là câu chuyện xa vời.
Là một trong những quốc gia có bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán từ ngày 23/1, cho đến nay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn chưa có động thái gì trong việc thả tù nhân để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm phổi Vũ Hán trong các trại tạm giam và nhà tù trên khắp cả nước.
Mặt khác, họ đã tăng cường đàn áp và bắt bớ, truy phạt thêm những người dân khi bày tỏ suy nghĩ cá nhân của mình về đại dịch viêm phổi Vũ Hán trên các trang mạng xã hội.
Ở đất nước này, chỉ có Đảng Cộng sản lạc hậu và đầy đau khổ mới là chân lý, khi Đảng sai thì người dân có “ân huệ” là được im lặng để nhận mọi hậu quả tai hại và cả những cái chết oan uổng mà nó đem lại.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)