Tối hôm qua ngày 11.04.2020, Tổng thống Đức Frank – Walter Steinmeier, đã lên truyền hình đọc một bài diễn văn hướng đến người dân Đức hiện đang trong cuộc khủng hoảng đại dich coronavirus. Sau đây là trích đoạn những nội dung chính yếu nhất:
Về đại dịch cúm Trung Quốc, Tổng thống Đức quan niệm rằng trong những tình huống khó khăn nhất, khủng hoảng sẽ lộ ra “cái xấu nhất cũng như cái tốt nhất” của con người cũng như của một quốc gia. Ông nói:
“Không, đại dịch này không phải là một cuộc chiến tranh. Không phải nước này chống nước kia, lính giết lính, mà nó là một thử thách cho toàn bộ loài người. Nó làm rõ hơn cái xấu nhất cũng như cái tốt nhất trong con người. Chúng ta hãy thể hiện cái tốt nhất của chúng ta!
… Và: Chúng ta tìm lối thoát chung cùng thế giới hay là co cụm lại tìm lối thoát cho riêng mình? Chúng ta chia sẻ kiến thức, kết quả nghiên cứu để có thể nhanh chóng tìm ra thuốc ngừa và điều trị bệnh, và chúng ta tạo ra một liên minh trên toàn thế giới để những nước nghèo nhất cũng được hưởng khi họ bị tổn thương?“
Trong bài diễn văn, Tổng thống Steinmeier đã nhấn mạnh đến sức mạnh của nền dân chủ. Ông đánh tan sự hoang mang của người dân trước những luận điệu cho rằng những nước độc tài toàn trị chống dịch tốt hơn các nước tự do dân chủ. Đó cũng là nội dung quan trọng nhất của bài diễn văn. Tổng thống Đức giải thích:
“Cuộc khủng hoảng không chỉ cho chúng ta thấy điều đó, mà nó còn cho chúng ta thấy cả sức mạnh của chúng ta! Thấy nền tảng nào để sức mạnh của chúng ta phát triển!
… Những cố gắng khủng khiếp mà chúng ta đã thực hiện trong những ngày qua không phải chúng ta thực hiện vì một bàn tay sắt bắt chúng ta làm. Xã hội chúng ta là một nền dân chủ sống động, công dân luôn mang trên mình ý thức trách nhiệm. Đó là một nền dân chủ trong đó chúng ta tin tưởng lắng nghe những số liệu và biện luận, thể hiện lý trí để làm cái đúng. Đó là một nền dân chủ biết tôn trọng từng mạng sống. Một nền dân chủ mà mỗi người đều chung tay đóng góp: Từ người y tá đến thủ tướng, từ hội đồng chuyên gia khoa học đến những trụ cột của xã hội hữu hình và vô hình – Những người thu ngân trong siêu thị, những người bên vô lăng xe buýt và xe tải, những người bên lò bánh mì, những người ở nông trại hay làm dịch vụ đổ rác.
Rất nhiều người đã tự trưởng thành. Tôi cám ơn các quý vị“.
Tổng thống Steinmeier đã nhiều lần đề cập trong bài diễn văn rằng “thế giới sau sự kiện này sẽ khác đi nhiều” và “sau cuộc khủng hoảng này, xã hội chúng ta sẽ hoàn toàn khác“. Tổng thống Đức nói về hướng thay đổi trong tương lai:
“Nó sẽ như thế nào, điều đó do chúng ta quyết định! Chúng ta hãy rút được bài học từ kinh nghiệm, kể cả tốt lẫn xấu, những điều chúng ta đã làm hàng ngày trong thời kỳ khủng hoảng này.
Tôi nghĩ rằng: Chúng ta đang đứng trước ngã ba đường. Ngay trong lúc khủng hoảng đã cho thấy có hai hướng chúng ta có thể lựa chọn. Hoặc là mỗi người chỉ nghĩ đến mình, không cần biết đến ai, mua vơ tích trữ chỉ biết lợi cho mình? Hoặc là hành động vì người khác và vì xã hội?
… Sự tương trợ mà quý vị đã thể hiện hàng ngày như vừa rồi chúng ta rất cần cho tương lai và còn cần nhiều hơn thế nữa! Sau khủng hoảng, xã hội chúng ta sẽ hoàn toàn khác. Chúng ta không muốn một xã hội sợ hãi, một xã hội không có niềm tin. Chúng ta muốn một xã hội có niềm tin, tế nhị và tin cậy lẫn nhau“.
Cuối bài diễn văn, Tổng thống Steinmeier kêu gọi người dân đoàn kết tương trợ với các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) để cùng nhau thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng dịch virus Vũ Hán. Ông nói:
“Và chúng ta hãy thể hiện trên lục địa châu Âu này trước! Nước Đức không thể ra khỏi cuộc khủng hoảng một cách khỏe mạnh và cường tráng, nếu những nước láng giềng của chúng ta không lành mạnh và cường tráng. Lá cờ màu xanh đứng ở đây không phải là không có lý do (cờ Liên minh châu Âu – ND). Ba mươi năm sau khi thống nhất nước Đức, 75 năm sau khi kết thúc chiến tranh, người Đức chúng ta không chỉ kêu gọi sự đoàn kết tương trợ ở châu Âu mà đó là nghĩa vụ!
Sự đoàn kết tương trợ – tôi biết đó là một khái niệm to tát. Nhưng liệu mỗi người có hiểu thật cụ thể khái niệm đoàn kết tương trợ này trong thời điểm hiện tại hay không? Mọi hành động của mình đối với người khác là hành động mang tính sống còn“./.
Xem bản dịch (của Tuyền Nguyễn) toàn văn bài nói chuyện của Tổng thống Đức ở đây: https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=1088533761531908&id=100011258821919
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de