TQ lung lay – VN đứng trước cơ hội cuối cùng

https://www.youtube.com/watch?v=-hF49SyCKXE

Trên một góc độ nào đó, đại dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc không phải chỉ hoàn toàn mang lại những bất lợi cho Việt Nam. Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Quỹ đầu tư VinaCapital, nhận định dịch bệnh đã khiến các tập đoàn đa quốc gia nhìn nhận lại việc xây dựng chuỗi cung ứng tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong khi đó, các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả của Việt Nam đã ghi điểm rất lớn trong mắt các tập đoàn đa quốc gia. Trên cơ sở này, họ nhìn nhận Việt Nam sẽ là nơi “thoát Trung”, là điểm đến đầu tư hấp dẫn và không dễ gặp rủi ro vì dịch bệnh.

Thạc sỹ Vũ Tuấn Anh trong một bài viết được Lao động đăng tải hôm 10/5 nhận định: “Đại dịch COVID-19 đã tạo ra thời cơ hiếm có cho Việt Nam, có thể biến nước ta trở thành một điểm sáng trong bản đồ chuỗi cung ứng trên thế giới. Cơ hội nếu không tận dụng được sẽ làm chậm bước tiến của chúng ta trên hành trình đi tới sự thịnh vượng.”

Đại địch COVID-19 là “giọt nước tràn ly” để phương Tây quyết định giảm hoặc thậm chí dứt bỏ sự phụ thuộc đến mức lệ thuộc vào thị trường hàng hóa Trung Quốc.

Ngoài ra, có 2 lý do nữa khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia theo đuổi quyết tâm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc là chi phí sản xuất tại đây đang có xu hướng gia tăng so với những nước khác; hơn nữa làm ăn tại đây dễ gặp rủi ro về ăn cắp công nghệ, quyền bảo hộ tác giả không được đảm bảo…

Dẫn đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc là Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tìm cách đưa chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ ra khỏi Trung Quốc kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bắt đầu từ giữa 2018 nhưng quyết liệt đẩy mạnh việc này sau cú sốc do đại dịch virus corona bắt nguồn từ Vũ Hán.

Gân đây, Thượng nghị sỹ Mỹ Lindsey Graham nói rằng “vụ virus corona là một lời cảnh tỉnh đau đớn rằng (Mỹ) quá phụ thuộc vào các quốc gia như Trung Quốc về các thiết bị y tế quan trọng.”

Các nhà lập pháp Mỹ đang đưa ra các đề xuất để thúc đẩy các công ty Mỹ chuyển hoạt động hoặc chuyển nhà cung cấp chính ra khỏi Trung Quốc trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang làm việc với các cơ quan khác và chính phủ nước ngoài để đa dạng hoá chuỗi cung ứng của Mỹ ra khỏi Trung Quốc.

Hôm 29/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đang lên kế hoạch thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bằng cuộc đối thoại nhóm “bộ tứ kim cương” (Nhóm QUAD) gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand để “thúc đẩy kinh tế toàn cầu” và tìm cách tái cấu trúc “chuỗi cung ứng nhằm ngăn chặn điều tương tự (sự gián đoạn do đại dịch COVID-19) xảy ra lần nữa.”

Ảnh: Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 17/3/2020

Trước diễn biến này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: “Chính quyền Mỹ và cả các doanh nghiệp nước này đang muốn cấu trúc lại chuỗi giá trị để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc – đây là thời cơ vàng để Việt Nam có chân trong chuỗi giá trị mới toàn cầu.”

Bà Phạm Chi Lan phân tích: “Việc Mỹ nghĩ tới mạng lưới kinh tế thịnh vượng trong đó có Việt Nam là hợp lý, bởi quy mô kinh tế của Việt Nam đang tăng lên đáng kể. Việt Nam cũng không phụ thuộc tới mức bị chi phối bởi bất kỳ nền kinh tế nào, và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới trong và ngoài khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương. Việt Nam có cùng lợi ích với các nền kinh tế phát triển lớn. Mỹ và các nước đó cũng coi Việt Nam là đối tác nhiều triển vọng.”

Còn lợi ích mà Việt Nam sẽ đạt được từ mạng lưới kinh tế thịnh vượng này, bà Phạm Chi Lan nói: “Có mặt trong mạng lưới ấy, trước hết, chúng ta sẽ có cơ hội tăng cường mối quan hệ với Mỹ mà không cần chờ một FTA song phương – vốn tốn rất nhiều thời gian, công sức. Tôi nghĩ rằng sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) từ Mỹ vào Việt Nam. Chính quyền Mỹ và cả các doanh nghiệp nước này đang muốn cấu trúc lại chuỗi giá trị để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Không chỉ Mỹ, rất nhiều nước đã thấy “đau” vì tình cảnh ấy, đặc biệt là qua đợt dịch bệnh vừa qua. Bởi thế, vốn đầu tư có thể sẽ đổ về từ nhiều khu vực khác như Nhật Bản, EU. Chúng ta có thể khai thác các quan hệ đa phương tốt hơn. Đây là thời cơ vàng cho Việt Nam.

Việt Nam đã từng nhiều lần bỏ lỡ cơ hội để chen chân vào vị thế tốt hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Lần này chúng ta nhất quyết không để điều đó lặp lại. Bởi, một khi chuỗi hình thành, các đối tác đã được lấp đầy, sẽ không còn chỗ trống cho Việt Nam.”

Ảnh: Lễ ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh Châu Âu với Việt Nam ngày 30/6/2019

Đánh giá về cơ hội này, Ngân hàng Thế giới (WB), trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020, cho rằng Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn cho làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc.

Nhận định của WB dựa trên việc “Việt Nam đã làm được những điều khác biệt, thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và duy trì được những thành tích trên phương diện kinh tế đối ngoại, giữ tương đối vững kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) khá cao.”

Bà Phạm Chi Lan cũng nhận định: “… cuộc chiến chống COVID-19 chứng tỏ Việt Nam đặt cái gì là ưu tiên số 1 và tập trung hết sức vào thì sẽ làm được. Việt Nam kém nhiều nước về trình độ, kinh tế, trang thiết bị y tế nhưng chúng ta chống COVID-19 được, vì Chính phủ đã chọn đúng ưu tiên và tập trung thực hiện, biết dựa vào các chuyên gia, các bộ ngành tham gia phối hợp tốt, từ đó tạo niềm tin và được người dân ủng hộ. Nếu về kinh tế Việt Nam cũng vận hành được như vậy thì không gì Việt Nam không làm được.”

Biểu hiện cho làn sóng này, vừa qua hãng tin Nikkei của Nhật dẫn các nguồn tin từ Apple cho hay trong quý II/2020, gã khổng lồ công nghệ Apple có kế hoạch sản xuất 3-4 triệu chiếc tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam. Con số này chiếm đến 30% tổng sản lượng AirPods của hãng.

Apple đang dần hình thành chuỗi cung ứng các nhà sản xuất chuyên về lĩnh vực âm thanh tại Việt Nam. Đây là dấu hiệu cho thấy hãng này đang dịch chuyển việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ảnh: Ảnh chụp một phần của trang đầu trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020 của Ngân hàng Thế giới

So với nhiều nước, Việt Nam có khá nhiều lợi thế để thu hút các nhà đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá Việt Nam đang có những lợi thế về chi phí sản xuất thấp, nhân công rẻ. Hơn nữa, vị trí Việt Nam rất thuận tiện trong giao thương hàng hóa quốc tế, cơ hội phát triển logistics rất lớn.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore thì cho rằng lợi thế duy nhất của Việt Nam hiện nay là “tỷ lệ dân cư dưới 25 tuổi khá cao”.

Tiến sỹ Phùng Đức Tùng thì cho rằng: “Việt Nam và Ấn Độ là hai lựa chọn tối ưu do tuyến vận tải đi lại thuận tiện, dễ dàng, có đường biển dài và quan trọng là gần Trung Quốc. Thứ hai, Việt Nam chứng minh được cho các tập đoàn thấy mình có khả năng sản xuất các mặt hàng công nghệ cao. Việt Nam phải nhìn thấy đây là cơ hội lớn để tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng thế giới do lợi thế 64% dân số trong độ tuổi lao động, chi phí lao động lại thấp hơn Trung Quốc. Một điểm mạnh mà Mỹ và các quốc gia phương Tây nhìn nhận trong trận đại dịch này là tính ổn định chính trị, niềm tin của người dân Việt vào Chính phủ trong phòng, chống COVID-19.”

Tuy nhiên khi so sánh với Trung Quốc, chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam còn yếu thế về một số mặt để các nhà đầu tư quyết định chuyển sang Việt Nam.

Ông phân tích: “Về mặt kết cấu hạ tầng như là tốc độ giao thông và các dịch vụ ở cảng của Trung Quốc đã có những bước tiến rất mạnh và tốt hơn ở Việt Nam… Nguồn nhân lực của Việt Nam thì dồi dào nhưng chất lượng đào tạo về tay nghề cao còn phải được bổ sung thêm.”

Ông đánh giá đây sẽ là một “cuộc cạnh tranh” và Việt Nam sẽ phải làm hết sức để thu hút các tập đoàn đó vì họ “có thể sẽ chuyển sang Malaysia, Thái Lan hoặc Ấn Độ”.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp thì nhận định trên trang Facebook cá nhân rằng Việt Nam có nhiều khó khăn khác như “giá thuê lao động không thấp, trình độ tay nghề của công nhân rất thấp, các kỹ sư, các nhà quản lý từ cấp thấp trở lên, đều yếu kém” cho nên ông không nghĩ rằng “nếu các doanh nghiệp nước ngoài rời bỏ Trung Quốc, họ sẽ chuyển vào Việt Nam.”

Cùng chung đánh giá về việc thiếu nguồn lao động có kỹ năng cao, nhà phân tích Yek của Fitch Solutions cho rằng “giải quyết được các nút thắt cổ chai về lao động và hậu cần sẽ là chìa khoá để đẩy mạnh đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.”

Để không bỏ lỡ thời cơ hiếm có, theo bà Phạm Chi Lan, trước hết vẫn cần cải cách thể chế. Thể chế không chỉ là xây dựng luật, quy định, mà còn là tổ chức, kỷ cương thực hiện phù hợp với những đòi hỏi mới của cuộc sống. Cần làm thật rõ vai trò của nhà nước, các bộ ngành, địa phương để thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Hai vấn đề lớn khác cần chuẩn bị là nhân lực và hệ thống quản trị. Nhân lực dứt khoát phải thay đổi để có lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, công nghệ mới. Còn quản trị là chọn đúng mục tiêu, xây dựng kế hoạch rõ ràng và tổ chức thực hiện tốt.

Lâu nay chúng ta thường có quá nhiều ưu tiên, lại thiếu kế hoạch và không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Bây giờ khi chọn lựa mục tiêu cần quan tâm tới những lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và hợp tác với các đối tác tiên tiến.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng Việt Nam cần triển khai đồng loạt các giải pháp như đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định và cấp phép, giúp các nhà đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tiếp cận ngay để đàm phán cụ thể với các công ty đa quốc gia đang có ý định dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, không thụ động chờ họ tìm đến mình.

Những ngày qua, nhiều nước đã nhanh chân tung ra các chương trình ưu đãi đặc biệt để thu hút các tập đoàn tháo chạy khỏi Trung Quốc. Đơn cử Ấn Độ đã công bố hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, hạ tầng để lôi kéo trên 1.000 công ty nước ngoài, đa số là Mỹ đang có chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Các công ty này nằm trong các lĩnh vực điện tử, điện thoại di động, thiết bị y tế, dệt may.

Thái Lan cũng đưa ra hàng loạt chính sách thu hút đầu tư mới về thuế, sửa đổi Luật Kinh doanh nhằm nới lỏng quy định với đầu tư nước ngoài. Không đứng ngoài cuộc, Malaysia đã đưa ra nhiều chương trình nhằm hỗ trợ thuế, tài chính cho các công ty nước ngoài đến đầu tư tại nước này.   

Như vậy có rất nhiều nước tham gia cuộc đua đón dòng vốn từ các công ty muốn chuyển khỏi Trung Quốc. Trong cuộc đua này, nếu Việt Nam chậm chân sẽ vuột mất cơ hội vàng.   

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã lạc quan phát biểu: “Tôi có niềm tin. Trước đây chúng ta chưa có sức, chưa biết làm, cũng chưa có các đối tác mạnh sẵn sàng hợp tác thực sự với ta. Nay đang và sẽ có nhiều thay đổi, có vận hội mới. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ có doanh nghiệp Việt làm chủ một vài chuỗi giá trị. Sau khi lớn lên từ công xưởng, doanh nghiệp Việt sẽ tiến tới làm chủ công nghệ, sáng tạo ra sản phẩm mới, tạo dựng được tên tuổi, xây nền móng cho đế chế kinh doanh bền vững của chính mình. Hàn Quốc làm được điều đó, chúng ta cũng có thể, nếu theo đúng tinh thần: Việt Nam đặt cái gì là ưu tiên số 1 thì sẽ tập trung hết sức để làm bằng được!”

Tuy nhiên, để hàm lượng giá trị gia tăng lớn hơn cho các sản phẩm của Việt Nam, thì sự phát triển sáng tạo, tự do nghiên cứu, tự do học thuật là điều hết sức cần thiết.

Liệu Đảng cộng sản có chịu vứt bỏ con đường tiến lên XHCN đầy đau khổ, cổ hủ và lạc hậu để gia nhập thế giới văn minh, dân chủ và thiết lập một nhà nước pháp quyền hay?  thì câu trả lời này cần sự dũng cảm của ông TBT Nguyễn Phú Trọng và toàn bộ trung ương đảng ở Ba Đình.

Lan Anh từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=tSFhrbxI4Ic
TQ mua gom đất tại VN – Bộ Quốc phòng tiết lộ số liệu khủng