Biển Đông: Mỹ có 3 cách “xử” Trung Quốc

Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc kí kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một ngày 15/01/2020

Sau khi cuộc thương chiến Mỹ – Trung được hạ nhiệt với việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đại dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc đã khiến quan hệ Mỹ – Trung xấu đi nhanh chóng trong vài tháng qua thậm chí cựu quan chức chính quyền hai bên còn đánh giá quan hệ Mỹ – Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Phó giám đốc Viện nghiên cứu Lian An, ông Yu Wanli, nhận định rằng quan hệ Mỹ – Trung Quốc hiện đang ở mức thấp nhất tính từ sự kiện Thiên An Môn.

Theo phân tích của ông Yu, dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, quan điểm của người Mỹ với Trung Quốc đã khác trước rất nhiều. Ông Yu nhắc đến khảo sát gần đây do Pew thực hiện với khoảng 1.000 người Mỹ, trong đó 66% người trả lời nói rằng họ không thích Trung Quốc.

Cũng theo ông Yu, trước đây trên chính trường Mỹ người ta vẫn có thể tìm kiếm được tiếng nói ủng hộ Trung Quốc, thế nhưng không có tiếng nói nào như vậy trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Giám đốc Viện nghiên cứu toàn cầu châu Á thuộc đại học Hồng Kông, ông Chen Zhiwu, khẳng định tình hình hiện nay tồi tệ nhất trong 40 năm qua kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ: “Ngay cả ở thời điểm năm 1989, quan điểm của người Mỹ với Trung Quốc cũng không tệ như bây giờ. Giờ đây mọi chuyện tồi tệ hơn và có nguyên do sâu xa hơn. Trung Quốc nên ngừng sử dụng các kênh ngoại giao và người phát ngôn để khiến cho tâm lý chống Trung Quốc tồi tệ hơn, việc họ làm như vậy chẳng giải quyết được gì”.

Tình hình quan hệ Mỹ – Trung Quốc hiện còn xấu hơn so với thời điểm năm 2018 và 2019 khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế với hàng Trung Quốc trong nỗ lực đưa ra biện pháp thay đổi cấu trúc với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở tình trạng đối đầu nghiêm trọng hơn bao giờ hết trên tất cả các lĩnh vực.

Từ chuỗi cung, vấn đề thị thực, an ninh mạng tới vấn đề Đài Loạn, Hồng Kông ; căng thẳng trên Biển Đông… hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang tranh cãi trên nhiều mặt trận.

Tổng thống Trump thậm chí còn tức giận với thỏa thuận thương mại giai đoạn một, cho dù thỏa thuận này đã ngăn hai bên tránh biến khẩu chiến thành thực chiến. Trước áp lực từ trong nước về sự chủ quan của Chính phủ dẫn tới đại dịch lây lan trên toàn nước Mỹ đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới, Tổng thống Trump đã liên tiếp cáo buộc Trung Quốc gây ra cuộc khủng hoảng COVID-19 với hy vọng việc này sẽ gia tăng khả năng tái đắc cử. Ông Trump và cấp dưới liên tục chọc giận Trung Quốc bằng các chỉ trích như virus gây COVID-19 thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Bắc Kinh cố ý vơ vét hết vật tư y tế của thế giới hay hacker Trung Quốc tìm cách đánh cắp nghiên cứu về vắc xin.

Trong khi đó, chính quyền của ông Tập, đứng trước vấn nạn thất nghiệp tràn lan và xuất khẩu giảm sút đang đẩy nước này vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ, cũng quyết định khơi dậy tinh thần dân tộc chống lại nước Mỹ để khuấy động tâm lí nhân dân. Chính phủ Trung Quốc đã huy động lực lượng dân tộc để chống Mỹ. Các nhà ngoại giao và báo chí nhà nước Trung Quốc đã củng cố các thuyết âm mưu rằng quân đội Mỹ đã đưa SARS-CoV-2 tới Vũ Hán và còn cáo buộc “một số chính trị gia Mỹ” tấn công Trung Quốc để trốn tránh trách nhiệm khi Mỹ dẫn đầu thế giới cả về số người xác nhận nhiễm và tử vong vì đại dịch. Trung Quốc đã coi các quan chức chính quyền Mỹ là những người nói dối, thậm chí còn có những phát ngôn mang tính miệt thị nhằm vào Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo.

Ảnh: Tổng thống Donald Trump thông báo về quan hệ thương mại Mỹ – Trung và vấn đề Hồng Kông tại Nhà Trắng, ngày 29/5/2020

Cuộc khủng hoảng đã khiến những nhân vật theo đường lối cứng rắn ở cả hai bên đe dọa lẫn nhau. Các nghị sĩ Cộng hòa chủ chốt đã đề xuất hủy hơn 1.000 tỷ USD tiền mà Mỹ nợ Trung Quốc – đề nghị này bị ví là “hành động chiến tranh”.

Trong khi đó, tổng biên tập một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất tăng gấp ba kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc hiện ở mức thấp.

Đại dịch cũng khiến gia tăng căng thẳng trong những cuộc tranh cãi cũ giữa hai nước, như vấn đề Đài Loan, Hồng Kông.

Lực lượng truyền thông giữa hai nước cũng chịu thiệt hại khi hàng chục nhà báo của Mỹ và Trung Quốc đã bị trục xuất trong những tháng gần đây. Bắc Kinh cảnh báo tăng cường trả đũa sau khi Washington giảm thị thực cho nhân viên báo chí Trung Quốc xuống 90 ngày.

Giáo sư ngành Quan hệ quốc tại tại Đại học Renmin – Trung Quốc, ông Shi Yinhong, nhận xét: “Mỹ và Trung Quốc thực ra đang trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh mới. Khác biệt giữa cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây và cuộc Chiến tranh Lạnh hiện tại nằm ở việc hai nước đang chạy đua với nhau tối đa và mọi chuyện đã thay đổi quá nhanh. Quan hệ Mỹ – Trung Quốc hiện giờ đã không còn như vài năm trước và thậm chí không còn được như vài tháng trước”.

Còn RFI dẫn lại dự đoán của trang báo mạng Hồng Kông Thời báo châu Á (Asia Times) cho rằng những bài học trong lịch sử cho phép suy đoán có ba kịch bản chiến tranh có thể xảy ra giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới : Chiến Tranh Thế Giới lần 3 ; Chiến Tranh Lạnh 2.0 và các cuộc chiến khu vực ủy nhiệm.

Kịch bản thứ nhất có lẽ sẽ là một cuộc chiến tàn khốc nhất. Khi xem Trung Quốc như là một mối họa cho an ninh thế giới, tìm kiếm một sự bá quyền bằng cách bành trướng quân sự, liệu có nên ví nước này như là một Nhật Bản hay Đức Quốc Xã trong hai cuộc đại thế chiến đã qua ? Nếu như vậy, liệu Trung Quốc sẽ đi xâm lược, chiếm đóng, theo đuổi mô hình thực dân đế quốc, sẽ phạm những tội ác diệt chủng hay không ?… Tương tự, nếu cuộc chiến phải nổ ra giữa hai ông khổng lồ của hành tinh, điều gì có thể thúc đẩy Hoa Kỳ tham chiến ? Một sự kiện tương tự như cuộc tấn công Trân Châu Cảng chẳng hạn ?

Hình thức chiến tranh thứ hai chính là Chiến Tranh Lạnh 2.0 (phiên bản hai) với nhiều điểm khác biệt so với cuộc chiến tranh lạnh trước đây. Đây sẽ không còn là một cuộc chiến hệ tư tưởng, không gian và làm chủ công nghệ hạt nhân nữa, mà đó sẽ là một cuộc chiến thương mại, cuộc chiến tiền tệ, công nghệ, tin học, hay thậm chí là một cuộc chiến hỗn hợp, kết hợp nhiều yếu tố của tất cả hay một phần của những điều trên.

Cuộc tranh đua thống trị các định chế đa phương là một trong những mặt trận rất có thể của cuộc đọ sức 2.0 và điều này sẽ gây chia rẽ các nước trong quá trình phân cực mà ví dụ điển hình là dự án Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

Sim Vireak, tác giả bài viết lưu ý, từ « cạnh tranh » chỉ đúng nghĩa khi Trung Quốc gia tăng đóng góp tài chính trong các tổ chức đa phương còn Hoa Kỳ sẽ giảm đóng góp nhưng không rút ra khỏi hệ thống đa phương đó. Bắc Kinh hiện vẫn chưa tạo ra được một hệ thống quản trị toàn cầu, cả trong chính trị lẫn kinh tế và cũng chưa có nước nào trên thế giới tuyên bố chấp nhận mô hình hệ thống quản trị của Trung Quốc.

Kịch bản thứ ba, và cũng là nguy cơ đáng lo ngại nhất : Một cuộc chiến ủy nhiệm khu vực mà vùng châu Á – Thái Bình Dương sẽ là sàn đấu chính cho Trung Quốc và Hoa Kỳ. Giống như cuộc Chiến Tranh Lạnh 1.0, cuộc đối đầu Mỹ – Trung Quốc có thể gây ra những cuộc « chiến tranh nóng » giữa các quốc gia trong vùng.

Ngoài những điểm nóng trong khu vực như Biển Đông và Đài Loan có thể làm thổi bùng những cuộc chiến nóng như vậy, vùng Mêkông cũng có khả năng là một cuộc chiến tranh Việt Nam 2.0, do Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đối đầu nhau tại Biển Đông. Lịch sử nhắc lại là dòng sông Mêkông không ngừng nhuốm thẫm máu trong nhiều thập niên từ cuộc chiến tranh Việt Nam 1.0 cho đến khi chế độ Khmer Đỏ bị tiêu diệt hẳn vào năm 1998.

Dù biết rằng giờ đây Mỹ và Trung Quốc, cũng như là giữa Trung Quốc và Việt Nam đều không muốn có những cuộc đối đầu trực diện, nhưng người ta cũng không thể quên rằng sau Đệ Nhị Thế Chiến, Việt Nam và Trung Quốc cũng nhiều lần đọ sức nhau, nhất là trong cuộc chiến đẫm máu năm 1974 giành quần đảo Hoàng Sa.   

Cho dù Hoa Kỳ và Trung Quốc không muốn trực diện đọ sức, nhưng chiến tranh ủy nhiệm cũng có thể xảy ra và những nước nhỏ lân cận trong khu vực sẽ phải trả giá đắt như những gì diễn ra trong chiến tranh Việt Nam. Những nước này sẽ bị chia rẽ trong quá trình phân cực mới này. Và giống như trong quá khứ, sự im lặng và tính trung lập sẽ không là một giải pháp.

Đối với ba kịch bản chiến tranh này, có rất ít giải pháp chính trị và sẽ rất « nóng » cho các nước nhỏ lân cận. Các cuộc chiến tranh lạnh sẽ chỉ « lạnh » đối với các siêu cường mà thôi.

Ảnh: Quân tình nguyện Việt Nam tham gia cuộc chiến chống Khmer Đỏ tại Kampong Cham, Campuchia trước khi rút về nước năm 1989

Đúng như tác giả nhận định, nguy cơ một cuộc chiến ủy nhiệm mà chiến trường chính là châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng rõ rệt với những diễn biến mới nhất tại Biển Đông những ngày gần đây.

Lần đầu tiên kể từ ba năm qua, Hải quân Hoa Kỳ triển khai cùng lúc các nhóm hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương. Hôm 11/6, ba mẫu hạm sử dụng năng lượng hạt nhân cùng nhóm các tàu tuần dương hạm và khu trục hạm hộ tống đã đi vào vùng biển tại Thái Bình Dương. Theo thông cáo báo chí của Hải quân Hoa Kỳ, các tàu USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đang tuần tra ở vùng Tây Thái Bình Dương, còn tàu USS Nimitz hoạt động ở vùng phía Đông.

Ngay lập tức, Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ. Truyền thông Trung Quốc nói nước này sẽ không lui bước trong việc bảo vệ các lợi ích của mình ở khu vực. Hoàn cầu Thời báo hôm chủ nhật 14/6 nói việc Mỹ triển khai ba cụm tàu hùng hậu vào vùng biển gần Trung Quốc được hiểu theo nghĩa nhằm đưa ra lời cảnh cáo cho Trung Quốc. Báo này dẫn lời các chuyên gia quân sự, theo đó đánh giá rằng điều này cho thấy Mỹ đang thể hiện ý định giành quyền bá chủ về chính trị trong khu vực, và rằng Trung Quốc có thể sẽ ứng phó bằng việc tổ chức tập trận cũng như thể hiện khả năng và lòng quyết tâm trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Hoàn cầu Thời báo dẫn lời Lý Kiệt (Li Jie), chuyên gia hải quân từ Bắc Kinh, nói dịch chuyển trên cho thấy Hoa Kỳ “có thể vào Biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) và đe dọa quân lính Trung Quốc trên các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa, theo cách gọi của Việt Nam)”.

Hồi tuần trước, một trực thăng vận tải của Hải quân Hoa Kỳ bay qua bầu trời Đài Loan tới Thái Lan, thực hiện một chuyến bay mà Mỹ gọi là phục vụ hậu cần.

Bắc Kinh gọi chuyến bay đó là “hành động bất hợp pháp và khiêu khích nghiêm trọng“. Tân Hoa Xã dẫn lời Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), phát ngôn viên phụ trách vấn đề Đài Loan của Quốc Vụ viện Trung Quốc nói : “Việc bay qua không phận đó làm xói mòn chủ quyền, an ninh và các quyền lợi của Trung Quốc, và vi phạm luật quốc tế cùng các quy tắc căn bản trong quan hệ quốc tế.”

Các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc trong năm nay cũng đã nhiều lần tìm cách xua các tàu chiến Hoa Kỳ ra khỏi vùng biển quanh Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong hoạt động mà Mỹ nói là “thực thi quyền tự do đi lại trên biển” nhưng Bắc Kinh nói là “tiến vào trái phép vùng lãnh hải của Trung Quốc“.

Ảnh: hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Quả “Bom nổ chậm” tại Trung Quốc – 70 triệu người thất nghiệp

>>> Mỹ – Đài Loan – Hồng Kông “tổng tấn công” Trung Quốc

>>> TQ đe dọa: Việt Nam ‘trả giá đắt’ nếu dám kiện về Biển Đông

https://www.youtube.com/watch?v=QhFYmNcC9cg
Mỹ – Đài Loan – Hồng Kông cùng “dập” TQ