Ngay sau khi Việt Nam thay mặt các lãnh đạo ASEAN đưa ra một tuyên bố được coi là “mạnh mẽ” nhất từ trước tới nay về Biển Đông, trong đó đề cập đến công ước luật biển 1982 và được Mỹ hoan nghênh, tờ Hoàn cầu Thời báo ra một bài xã luận nói truyền thông nước ngoài ám chỉ tuyên bố nhắm đến Trung Quốc và rằng sự can thiệp của Mỹ có thể là nguyên nhân cho sự “tự tin” hơn của các nước Đông Nam Á.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 do Việt Nam, với tư cách chủ tịch luân phiên, tổ chức qua hình thức trực tuyến, các lãnh đạo của khối đưa ra một tuyên bố chung “tái khẳng định rằng UNCLOS (Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc) 1982 là cơ sở cho việc quyết định các lợi ích hàng hải, quyền chủ quyền, tài phán và các quyền lợi chính đáng trên các khu vực hàng hải.”
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak nói với VOA hôm 29/6 rằng theo đánh giá của nhiều người thì tuyên bố đưa ra hôm 26/6 “có thể là một bước tiến nhất định khi so với các bản tuyên bố trước đây” và được coi là “sự ủng hộ của ASEAN đối với phán quyết của toà trọng tài năm 2016 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.”
Ba nhà ngoại giao của Đông Nam Á không được nêu danh tính có chung ý kiến trên khi nói với hãng tin AP của Mỹ rằng tuyên bố cho thấy nhóm các nước ASEAN muốn tăng cường khẳng định luật pháp ở khu vực Biển Đông.
Các hãng tin quốc tế khác cũng cho rằng các nhà lãnh đạo ASEAN lần này đã gửi một thông điệp mạnh mẽ nhất từ trước tới nay đến Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các động thái nhằm kiểm soát Biển Đông giữa lúc các nước láng giềng đang tập trung chống dịch virus corona có nguồn gốc từ Vũ Hán.
Tờ Hoàn cầu Thời báo, phụ bản của tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng cộng sản Trung Quốc, hôm 29/6 nói rằng truyền thông quốc tế nói quá lên rằng tuyên bố này cụ thể nhắm tới Trung Quốc.
“So với các tuyên bố trước đây của ASEAN về Biển Nam Trung Hoa (mà Việt Nam gọi là Biển Đông), tuyên bố lần này dường như đã tăng cường sự khẳng định của họ đối với vùng biển có tranh chấp,” bài xã luận của Hoàn cầu Thời báo viết, và cho rằng có một số yếu tố đóng góp vào động thái này.
Một ngày sau khi ASEAN đưa ra tuyên bố chung tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Hoa Kỳ hoan nghênh sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, và cảnh cáo “Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế hàng hải của riêng mình.”
Hoàn cầu Thời báo cho rằng sự can thiệp liên tục của Mỹ trong khu vực có thể đã “làm thúc đẩy sự tự tin của ASEAN trong việc tăng cường tuyên bố đối với Biển Đông. Washington tin rằng các vấn đề Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ, vì vậy họ sẽ không muốn vắng mặt trong các cuộc đàm phán về COC (bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông).”
Trung Quốc và khối ASEAN đang trong quá trình thương thảo một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong nhiều năm qua và tờ báo Đảng của Bắc Kinh cho rằng các thành viên ASEAN có ý định duy trì các tuyên bố cũng như bảo vệ các lợi ích của họ trong những cuộc thảo luận sắp tới với Trung Quốc. Sự khẳng định mạnh mẽ hơn trong tuyên bố mới nhất của khối ASEAN thể hiện ý định này, theo Hoàn cầu Thời báo.
“Trong số những nước này, Việt Nam dường như đang đưa ra nhiều yêu sách nhất,” bài xã luận viết. “Với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, Hà Nội có thể lôi kéo các nước khác cố gắng tối đa hoá lợi ích của họ trong các cuộc đàm phán COC với Bắc Kinh.”
Căng thẳng tăng cao trong những tháng gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như một số quốc gia Đông Nam Á khác, gồm Indonesia, Philippines và Malaysia, về Biển Đông. Theo nhận định của TS Hiệp với VOA hôm 29/6, điều này cũng góp phần vào sự mạnh mẽ hơn so với các lần trước trong ngôn từ của tuyên bố lần này vì các động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông đã động chạm tới các lợi ích của các nước cùng tranh chấp khác.
Hoàn cầu Thời báo nhắc tới sự căng thẳng với một số quốc gia Đông Nam Á, và nói rằng “những xung đột gần đây giữa Bắc Kinh và Hà Nội chủ yếu xuất phát từ sự xích mích liên quan đến việc khai khác dầu khí dưới đáy biển” và rằng “Bắc Kinh và Jakarta đang tranh cãi về những tuyên bố chủ quyền hàng hải chồng lấn trên các khu vực ở Biển Đông.”
Hầu hết các tranh chấp hàng hải trên khu vực Biển Đông là giữa Trung Quốc và một số ít các nước thành viên ASEAN, nên, theo Hoàn cầu Thời báo, Trung Quốc nên dùng các cơ chế song phương để thương lượng với Việt Nam và Indoneisa. Theo nhiều nhà quan sát từng nhận định, Trung Quốc luôn muốn đàm phán song phương với các nước láng giềng có tranh chấp trên Biển Đông để tránh sự can thiệp của Mỹ.
Một biện pháp khác mà bài xã luận của Hoàn cầu Thời báo nói Trung Quốc có thể thực hiện là dẫn dắt dư luận quốc tế.
“Các phương tiện truyền thông phương Tây hiện nay không trừ một nỗ lực nào để khuấy động rắc rối ở khu vực Biển Đông với sự cường điệu vô căn cứ,” bài xã luận viết. “Với một câu chuyện quen thuộc và giật gân, họ gieo rắc bất hoà giữa Trung Quốc và một số nước cùng tuyên bố (chủ quyền) trong khu vực. Dư luận phương Tây đã phá vỡ nghiêm trọng các ổn định hoà bình về vấn đề Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông).”
Tờ báo Đảng Trung Quốc còn cho rằng Bắc Kinh phải “nỗ lực hơn nữa để mở rộng hợp tác với các nước ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, như nghiên cứu hàng hải chung, hoạt động cứu hộ và trấn áp cướp biển. “Nhiều lợi ích lẫn nhau có khả năng tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau nhiều hơn. Đây là một cách khác để giảm thiểu các vấn giữa với các nước Đông Nam Á với Trung Quốc.”
Vai trò của Việt Nam trong thông điệp ‘mạnh mẽ’ của ASEAN tới Trung Quốc
“Tôi không hiểu nội tình của quá trình thương lượng để ra tuyên bố chung nhưng nếu chúng ta nhìn vào nội dung của bản tuyên bố chung thì chúng ta thấy có việc nhấn mạnh của vai trò luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước Luật biển của LHQ năm 1982,” Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore nói. “Theo đánh giá của nhiều người thì đây có thể là một bước tiến nhất định khi so với các bản tuyên bố chung trước đây.”
TS Hiệp còn cho rằng bản tuyên bố này “cũng có thể coi là sự ủng hộ của ASEAN đối với phán quyết của toà trọng tài năm 2016 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc vì phán quyết của toà trọng tài đều dựa vào Công ước Luật biển 1982 và bên cạnh đó phán quyết cũng chỉ ra là rất nhiều yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông không phù hợp với công ước luật biển này.”
Bản thảo cuối cùng của Tuyên bố Tầm nhìn, được đăng tải trên trang web ASEAN Vietnam 2020, còn tái khẳng định “tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải cũng như hàng không trên Biển Đông.”
Trung Quốc năm 2013 tuyên bố một khu nhận dạng phòng không (ADIZ) trên hầu hết khu vực Biển Đông và người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này, Triệu Lập Kiên, hôm 22/6 khẳng định rằng “mọi quốc gia đều có quyền lập một ADIZ và quyết định có thành lập một ADIZ hay không dựa trên cường độ các mối đe doạ mà họ phải đối mặt trong an ninh quốc phòng.”
Việt Nam, chủ tịch luận phiên của ASEAN năm nay, luôn có một lập trường cứng rắn hơn các quốc gia khác trong khu vực đối với Trung Quốc. Những từ ngữ như “các sự cố nghiêm trọng gần đây xảy ra tại Biển Đông” trong tuyên bố lần này không có trong tuyên bố của năm ngoái khi Thái Lan làm chủ tịch.
Những tháng gần đây, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng cao khi Hà Nội tố cáo Bắc Kinh đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt gần quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc còn tiến hành các cuộc tập trận quân sự vào giữa tháng 4 và tuyên bố thành lập các quận hành chính ở Hoàng Sa và Trường Sa, một động thái mà Hà Nội phản đối.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 hôm 26/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “trong khi cả thế giới đang gồng mình chống dịch, vẫn xuất hiện những hành động thiếu trách nhiệm, vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến môi trường an ninh và ổn định ở một số khu vực, trong đó có khu vực của chúng ta.”
TS Hiệp, tác giả cuốn sách “Sống cạnh Người khổng lồ: Kinh tế chính trị của các mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc trong thời kỳ đổi mới“, cho rằng phát biểu đó không nói cụ thể ai “nhưng rõ ràng chúng ta hiểu là nhắc tới hành vi của Trung Quốc”.
“Tôi nghĩ đấy là một nhận xét khách quan và đúng với sự thật,” TS Hiệp nhận định về phát biểu của Thủ tướng Phúc. “Tuy nhiên bản thân các lãnh đạo Việt Nam dám nói lên thực tế đấy thì tôi nghĩ là một điều đáng ghi nhận trong bối cảnh mà Việt Nam lâu nay tương đối dè dặt trong các phát biểu liên quan tới tình hình Biển Đông liên quan tới Trung Quốc.”
Theo TS Hiệp, ngôn từ mạnh mẽ hơn của tuyên bố chung ASEAN một phần là do ảnh hưởng của việc Việt Nam làm chủ tịch vì “lâu nay trong lịch sử từ các hội nghị lần trước thì Việt Nam đều có truyền thống là muốn đưa vào các tuyên bố chung những ngôn ngữ và những quan điểm tương đối là mạnh mẽ, cứng rắn đối với vấn đề Biển Đông.”
“Lần này với tư cách chủ nhà, là nước làm chủ tịch ASEAN luân phiên thì ASEAN có lợi thế để đưa các ngôn ngữ như mình muốn vào trong tuyên bố này,” TS Hiệp nói.
Tuy nhiên một yếu tố khác đóng góp vào “sự mạnh mẽ hơn so với các lần trước” trong ngôn từ của tuyên bố lần này, theo TS Hiệp, một phần cũng vì “các động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông đã động chạm tới các lợi ích của các nước cùng tranh chấp khác, ví dụ như Malaysia, Indonesia và Philippines chẳng hạn. Những quốc gia này cũng sẽ có lợi ích trong việc đưa ra được một bản tuyên bố chung có ngôn ngữ mạnh mẽ hơn để lên án các hành động của Trung Quốc một cách trực tiếp hay gián tiếp.”
Bắc Kinh chưa lên tiếng về tuyên bố tầm nhìn của ASEAN nhưng đã thông báo diễn tập quân sự ở Hoàng Sa.
Sự hậu thuẫn của Mỹ
Ngay sau khi bản tuyên bố của ASEAN 36 về Biển Đông được đưa ra, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo hôm 27/6 nói rằng “Hoa Kỳ hoan nghênh sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.” Trong đoạn chia sẻ về Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trên Twitter, ngoại trưởng Mỹ còn nói “Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ sớm thảo luận thêm về chủ đề này.”
“Lâu nay chúng ta thấy rằng vấn đề tranh chấp Biển Đông đã trở thành một phần trong đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại vì trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình và gia tăng sức mạnh quân sự, đặc biệt trong khu vực Biển Đông, thì nó ảnh hưởng tới các lợi ích của Hoa Kỳ,” TS Hiệp nói.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3-7 ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về các cuộc tập trận của Trung Quốc trên Biển Đông, chỉ trích động thái này khiến khu vực thêm bất ổn.)
“Chính vì vậy mà Hoa Kỳ cũng đã can dự ngày càng sâu hơn vào tranh chấp Biển Đông. Và trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc thì sẽ là một điều dễ hiểu khi mà Hoa Kỳ có xu hướng hậu thuẫn các bên tranh chấp ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.”
Hai ngày sau khi Việt Nam đưa ra tuyên bố thay mặt các nước ASEAN, các hàng không mẫu hạm của Mỹ hôm 28/6 đã khởi động các cuộc tập trận chung trên vùng biển Philippines.
Sau khi Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hồi tháng 3, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành động “bắt nạt” Việt Nam và các nước trong khu vực. Hồi tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Pompeo đã đưa ra tuyên bố về việc tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sức mạnh mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam.
Tuy nhiên sự ủng hộ của Mỹ dù mang lại thuận lợi nhưng cũng sẽ là thách thức cho Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác, theo TS Hiệp.
“Một mặt thì vị thế cũng như đòn bẩy về mặt ngoại giao của Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong việc đối phó với các sức ép của Trung Quốc được gia tăng nhưng mặt khác nó cũng có thể tạo ra rủi ro là bản thân Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác sẽ bị cuốn vào cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, trở thành một nạn nhân theo một nghĩa nào đó trong cuộc đối đầu giữa (hai cường quốc) và điều này có thể gây ra những hệ luỵ lâu dài, khó lường đối với vị thế độc lập, tự chủ của các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam,” TS Hiệp nói.
Làm sao để vừa khôn khéo khai thác được sự ủng hộ của Mỹ vừa đồng thời không để bị cuốn vào cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong thời gian tới khi đối phó với Trung Quốc, theo TS Hiệp.
“Tuy nhiên tôi cho rằng bất chấp những thử thách, những rủi ro như vậy thì có sự hậu thuẫn của Mỹ vẫn là một điều rất đáng quý, đáng kể đối với nỗ lực của Việt Nam trong việc chống lại các sức ép của Trung Quốc trên Biển Đông.”
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> ASEAN “rắn mặt” với Trung Quốc – Mỹ đồng tình ủng hộ
>>> Mỹ bắt tay EU trừng trị Trung Quốc
>>> Huawei sắp bị chính phủ Anh miễn cưỡng ép ra đi?